August 12, 2013

Ứng dụng tài chính định lượng ở VN

Theo Vfress


Trong một vài năm gần đây chúng ta đã nghe nói đến Tài chính định lượng (TCĐL) như là một chuyên ngành mới trong lý thuyết cũng như thực tiễn ở Việt Nam. Về mặt lý thuyết thì có nhiều trường Đại học mở các chuyên ngành đào tạo TCĐL, các cơ sở nghiên cứu tham gia vào hướng này. Về mặt thực tiễn thì nhiều ngân hàng, quỹ đầu tư, các công ty tài chính, bảo hiểm,… bắt đầu tuyển các nhân viên thành thạo về kỹ thuật TCĐL. Bài viết này giới thiệu sơ bộ về TCĐL và khả năng ứng dụng của nó ở Việt Nam.


Tài chính định lượng là một chuyên ngành mới trên thế giới, chỉ bắt đầu từ hơn 30 năm và thực sự mạnh mẽ từ 15 năm trở lại đây. Ban đầu nó được nhắc đến như là ứng dụng của Toán trong việc định giá những sản phẩm phái sinh rất phức tạp, đó cũng là ứng dụng lớn nhất của TCĐL. Tuy nhiên càng về sau, TCĐL tìm thấy rất nhiều những ứng dụng khác trong tài chính và những công cụ của nó cũng rất đa dạng, trải từ những kiến thức cơ bản đến nâng cao. Nói tóm lại, có thể nói TCĐL là việc sử dụng những công cụ của khoa học Tự nhiên (Toán, Lý) vào trong ngành Tài chính. Chữ “định lượng” ở đây phân biệt ngành này với các ngành khác trong kinh tế, tài chính học. Cụ thể, TCĐL giúp chúng ta đưa ra các quyết định tài chính dựa trên những con số cụ thể.



Ví dụ, công ty A cần thẩm định một dự án đầu tư, sau khi đưa ra tất cả những dự báo về kinh tế vĩ mô, nguyên liệu, thị trường, … ban giám đốc sẽ xác định đây là dự án tốt hay xấu, và quyết định đầu tư nếu nó là tốt. Đây là cách làm thông thường và chúng ta có thể thấy việc xác định tốt hay xấu dựa trên các số liệu thống kê và dự báo là hoàn toàn định tính, dựa trên kinh nghiệm của người quyết định. Nếu áp dụng phương pháp định lượng, chúng ta sẽ mô hình các yếu tố đầu ra của dự án, ví dụ lợi nhuận, dòng tiền, dựa trên những giả định về những yếu tố đầu vào tuân theo những quy luật xác suất, thống kê nào đó. Việc xác định tốt hay xấu sẽ dựa trên kết quả dự báo của mô hình căn cứ vào những ngưỡng xác định từ trước. Các ứng dụng khác của TCĐL đều có những đặc điểm và quy trình tương tự như vậy.
Như vậy ta có thể thấy TCĐL không nhất thiết phải quá phức tạp, quá nhiều toán như nhiều người hình dung. Nó chỉ cần định lượng, tức là có những con số cụ thể, và một tư duy logic để liên kết những yếu tố tài chính lại với nhau. Tuy nhiên khi làm việc với những con số thì đương nhiên sẽ có Toán, với các mức độ từ thấp đến cao.



Đi sâu vào ứng dụng, TCĐL có thể có những ứng dụng chính sau:

  • Định giá và cấu trúc sản phẩm phái sinh
  • Quản trị rủi ro (thị trường, thanh khoản, lãi suất)
  • Định giá tín dụng và quản trị rủi ro tín dụng
  • Quản lý và tối ưu danh mục
  • Giao dịch thuật toán
  • Ứng dụng trong kinh tế vĩ mô
  • Rủi ro hệ thống và tính lây lan
  • Mô phỏng tình huống

Chúng ta có thể thấy có một xu hướng đang diễn ra là các ứng dụng về sản phẩm phái sinh đang giảm đi nhiều, các ứng dụng về phân tích rủi ro đang tăng lên. Đồng nghĩa với việc dụng những công cụ toán cực kỳ phức tạp đang giảm và những công cụ cơ bản như xác suất, thống kê đang tăng lên. Song song theo nó là sự kết hợp của những người làm TCĐL với thị trường cần chặt chẽ hơn nữa, các mô hình cần bao quát hơn, thực tế hơn, linh hoạt hơn và luôn có những phương án dự phòng. Người làm TCĐL cần có kiến thức rộng hơn, hiểu rõ cơ chế của thị trường và khả năng ứng dụng của các công cụ định lượng. Đặc biệt, các kiến thức về xác suất, thống kê cơ bản và những kỹ thuật trong xử lý dữ liệu được dự đoán sẽ được sử dụng nhiều..


Ở Việt Nam hiện nay có thể thấy là chúng ta chưa có thị trường phái sinh, thanh khoản thị trường còn thấp do đó các ứng dụng phổ biến của thế giới là định giá sản phẩm phái sinh hay giao dịch thuật toán sẽ chưa có điều kiện ứng dụng nhiều. Ngược lại, các vấn đề phân tích rủi ro của các thị trường lại rất cấp thiết do đó những ứng dụng của TCĐL trong quản trị rủi ro, mô phỏng tình huống hay các yếu tố vĩ mô rất cần thiết.



Việt Nam chúng ta có tiềm năng rất lớn trong ngành này do kỹ năng học Tự nhiên của học sinh, sinh viên rất tốt. Nếu được đào tạo và quan tâm đúng mức chúng ta có thể có nhiều ứng dụng trong thị trường tài chính Việt Nam hoặc tham vọng hơn, cung cấp dịch vụ cho các thị trường tài chính lớn trên thế giới.



Nguồn: VnQuants



No comments:

Post a Comment