May 30, 2013

Trả lời bạn đọc về cách tính CPI quý khi làm các mô hình toán kinh tế

(viết vội trước khi đi làm, định sẽ bổ sung thêm khi có thời gian)
Hỏi:
Chào chú ạ. Chú ơi, chú vui lòng cho cháu hỏi chú có tìm hiểu về cách tính chỉ số CPI theo quý không ạ?

Theo Tổng cục thống kê và các báo cáo số liệu thường công bố tốc độ tăng CPI hoặc chỉ số CPI theo tháng hoặc bình quân năm thôi ạ.

Cháu có tham khảo một vài cách tính chỉ số CPI nhưng không biết nên tính như thế nào là chính xác.
- Cách 1: Lấy chỉ số giá của tháng này so với tháng trước đó để thấy tỷ lệ tăng/giảm của từng tháng. Sau đó cộng dồn tất cả tỷ lệ theo quý hoặc theo năm lại thành con số tăng giá của quý/năm.
- Cách 2: Đem chỉ số của tháng này so với chỉ số của tháng cùng kì năm trước đó. Tỷ lệ chênh lệch là tỷ lệ tăng giá mỗi tháng. Lấy trung bình cộng của 3 tháng (12 tháng) chính là CPI của quý (năm).
- Cách 3: Lấy chỉ số CPI từng tháng chia cho 100, nhân các số đó lại theo tứng quý (năm) rồi lấy tích trừ đi 1. Nhân số tìm được với 100 = chỉ số CPI của quý (năm).
- Cách 4: Lấy chỉ số tháng cuối cùng của quý làm chỉ số CPI của quý đó.
Mong chú chỉ dẫn cho cháu để cháu nắm bắt được phương pháp tính CPI theo quý (năm) từ chỉ số CPI hằng tháng với ạ.

Trả lời:
Chào bạn,

1) Về 4 cách tính CPI quý bạn gợi ra, xin được trả lời bạn thế này:


Cách 1: Lấy chỉ số giá của tháng này so với tháng trước đó để thấy tỷ lệ tăng/giảm của từng tháng. Sau đó cộng dồn tất cả tỷ lệ theo quý hoặc theo năm lại thành con số tăng giá của quý/năm.

Cách làm này trong thực tế cũng gần đúng, song không đúng với lý thuyết. Theo lý thuyết, tốc độ tăng qua hàng tháng, hàng năm phải là nhân liên tiếp, giống như cách tính tốc độ tăng trưởng kinh tế vậy: Tháng này bằng tháng trước nhân với tốc độ tăng lên trong tháng mà.
Ví dụ tỷ lệ tăng giá tháng 1 (so với tháng 12 năm trước) là 1%, tháng 2 (so với tháng trước) là 3%, tháng 3 (so với tháng 2) là 2% thì chung của 3 tháng được tính theo công thức:
1.01 * 1.03 * 1.02 = 1.0611 tức lạm phát cả quý 1 là 6,11%. Còn phép cộng của bạn ra xấp xỉ là 6%. Nếu các tỷ lệ lạm phát thấp thì dùng phép cộng sẽ không sai nhiều, nhưng nếu cao thì sẽ sai lớn so với số thật.

Cách 2: Đem chỉ số của tháng này so với chỉ số của tháng cùng kì năm trước đó. Tỷ lệ chênh lệch là tỷ lệ tăng giá mỗi tháng. Lấy trung bình cộng của 3 tháng (12 tháng) chính là CPI của quý (năm). Cách 2 này cũng đúng và được quốc tế hay sử dụng. Đây là cách đúng nhất. Tuy nhiên đối với VN lại chưa dùng được. Đó là vì hệ thống thống kê của VN còn khác quốc tế.
Theo cách làm của quốc tế, đọc báo thấy nói lạm phát tháng 3 là 2%, phải hiểu điều đó nghĩa là mặt bằng giá tháng 3 năm nay tăng 2% so với mặt bằng giá tháng 3 năm trước.
Còn ở ta, đọc báo thấy nói lạm phát tháng 3 là 2%, phải hiểu điều đó nghĩa là mặt bằng giá tháng 3 năm nay tăng 2% so với mặt bằng giá tháng 2 cũng của năm.
Tương tự, đọc báo quốc tế thấy nói lạm phát năm 2012 là 6%, phải hiểu điều đó nghĩa là mặt bằng giá trung bình tất cả các tháng của cả năm 2012 tăng 6% so với mặt bằng giá trung bình tất cả các tháng của cả năm 2011.
Nhưng đọc báo ở ta thấy nói lạm phát cả năm 2012 của VN là 6%, phải hiểu điều đó nghĩa là mặt bằng giá tháng 12 của năm 2012 tăng 6% so với mặt bằng giá tháng 12 của năm 2011.

Khi nghiên cứu quan hệ giữa các chỉ tiêu kinh tế, nhất là trong quá trình xây dựng các mô hình kinh tế lượng, điều cực kỳ quan trọng là phải đảm bảo tính đồng nhất giữa các chỉ tiêu. Nếu CPI cả năm đã được xây dựng theo nguyên tắc lấy giá tháng 12 năm sau so với tháng 12 năm trước thì CPI quý cũng phải như vậy, tức là phải lấy giá tăng tính đến cuối quý so với giá của cuối quý trước trong cùng năm..
Do đó, nếu bạn sử dụng CPI quý theo cách làm của quốc tế thì khi xây dựng mô hình kinh tế lượng (gồm nhiều phương trình) trong đó chắc chắn sẽ có mặt biến số CPI năm, sẽ không đảm bảo tính tương thích giữa CPI quý và CPI năm..

Mặt khác, nhiều chỉ tiêu khác của VN cũng được tính theo kiểu lấy kết quả tháng 12 năm sau so với tháng 12 năm trước, hoặc ngày 31 tháng 12 năm sau so với ngày 31 tháng 12 năm trước, điển hình là tỷ giá danh nghĩa hay các chỉ tiêu tiền tệ.

Trong khi đó, các chỉ tiêu như GDP, thu chi ngân sách, tài chính, tiêu dùng, đầu tư, việc làm, xuất nhập khẩu, doanh số kinh doanh hay bán lẻ... đều được tính cho cả năm. Dân số hay lao động được tính vào ngày 1.7 hàng năm...
Rõ ràng với cách làm thống kê như hiện nay của ta, có sự không đồng nhất, không tương thích giữa các chỉ tiêu nên các quan hệ trong các mô hình không thực sự đúng về mặt lý thuyết. Đây là điều rất buồn đối với người làm mô hình. Bột nào thì ra hồ đấy; các mô hình của ta chưa tốt; kết quả phân tích dự báo chưa đúng cũng có nguyên nhân quan trọng từ chuyện này.

Cách 3: Lấy chỉ số CPI từng tháng chia cho 100, nhân các số đó lại theo từng quý (năm) rồi lấy tích trừ đi 1. Nhân số tìm được với 100 = chỉ số CPI của quý (năm).
Mình đọc song không hiểu ý bạn trong cách này.

Cách 4: Lấy chỉ số tháng cuối cùng của quý làm chỉ số CPI của quý đó.
Theo cách này, có hai trường hợp:
i) Nếu CPI tháng được xây dựng theo đúng chuẩn mực quốc tế, tức là CPI được đo bằng mặt bằng giá tháng của năm nay tăng hay giảm so với mặt bằng giá cùng tháng năm trước, thì cũng có thể dùng làm đại diện cho CPI quý, nhưng không đúng lý thuyết và chưa khoa học. Trong điều kiện nước ta, với hệ thống số đã có, bạn có thể tính CPI quý chính xác hơn, theo cách 1 tôi phân tích ở trên.
ii) Nếu CPI được xây dựng theo cách của ta (mặt bằng giá tháng sau so với tháng trước) thì không thể lấy chỉ số tháng cuối cùng của quý làm chỉ số CPI của quý đó.

Lưu ý bạn là đa số các chỉ tiêu kinh tế mang tính thời vụ, đặc biệt là giá cả. Trong năm giá cả có thể biến động rất lớn qua các tháng, ví dụ Tết rơi vào tháng 1 thì giá tháng 1 tăng rất mạnh, nhưng giá tháng 2 lại tăng rất chậm, thậm chí giảm. Ngược là nếu Tết rơi vào tháng 2 thì giá tháng 1 tăng rất chậm, nhưng giá tháng 2 lại tăng rất nhanh. Tương tự, vì lương thực thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong CPI nên vào các tháng giáp hạt thì giá tăng nhanh, song vào các tháng thu hoạch nông sản thì giá lại tăng chậm...

2) Về cách làm của tôi:
Trong các mô hình kinh tế lượng quý, tôi tính CPI quý theo cách 1, tức là tích dồn biến động CPI của cả ba tháng trong quý. Như vậy, nếu tổng hợp chung cả 4 quý, sẽ được CPI cả năm thống nhất với chỉ tiêu CPI do Tổng cục Thống kê công bố và vẫn được báo chí sử dụng phổ biến. 

Điều này rất quan trọng vì chúng ta đều biết mặc dù phân tích và dự báo các chỉ tiêu theo quý, nhưng khi tổng hợp báo cáo kết quả cần chuyển chúng sang số liệu năm để biết CPI, GDP, tiêu dùng, đầu tư, xuất nhập khẩu cả năm thế nào. Khi tính GDP quý hay CPI quý đúng lô gic với tính GDP năm hay CPI năm thì có thể dễ dàng dùng 1 công thức để gộp 4 quý lại thành năm. Trong trường hợp GDP, chúng ta cộng GDP 4 quý lại thành GDP năm. Trong trường hợp CPI, chúng ta nhân liên tiếp CPI quý 4 năm trước với tốc độ tăng giá (CPI) của 4 quý năm nay...

Một ưu điểm nữa của cách tính CPI này là CPI quý thu được cũng sẽ tương thích với các chỉ tiêu tăng trưởng tỷ giá, tiền tệ, tài chính... vì các chỉ tiêu này thường được xây dựng bằng cách so kết quả lúc cuối quý hay cuối năm với cuối quý trước hay cuối năm trước.

Trân trọng.

No comments:

Post a Comment