April 28, 2013

Phân tích ấn phẩm khoa học của Asean


GS. Nguyễn Văn Tuấn, 
Trong bài này, chúng tôi (tức là chị Phạm Thị Ly và tôi) phân tích so sánh ấn phẩm khoa học của 10 nước ASEAN trong thời gian 10 năm(1991-2011). Chúng tôi phát hiện vài xu hướng thú vị về mối tương quan giữa kinh tế trí thức và nghiên cứu khoa học. Ý tưởng của công trình này bắt đầu từ một lần tôi ghé thăm trường DHQG TPHCM vào đầu năm nay, và nảy sinh từ vài trao đổi trên bàn cà phê.  Hóa ra, tách cà phê hôm đó cũng productive! Cần nói thêm rằng đây là một phân tích ấn phẩm khoa học đầu tiên cho khối ASEAN (cứ coi như Việt Nam đi tiên phong làm cho "họ" vậy).

ASEAN là một trong những nền kinh tế năng động nhất thế giới. Với dân số khoảng 600 triệu (tức 9% dân số thế giới), và tổng GDP là 1,8 ngàn tỉ, nền kinh tế ASEAN là một nền kinh tế lớn thứ 9 trên thế giới, và đứng hàng thứ 3 ở châu Á.  Khối ASEAN đã trải qua một thời kỳ tăng trưởng kinh tế liên tục rất đáng kể trong những năm gần đây, với tỉ lệ tăng trưởng trung bình từ 5 đến 6% mỗi năm trong suốt 20 năm qua.  Trong những năm gần đây, các nước ASEAN đã và đang tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ nhằm đạt đến một nền kinh tế mà tri thức là một động lực.

Khái niệm kinh tế tri thức (knowledge-based economyhay knowledge driven economy) được hình thành như một khung lý thuyết mới để đánh giá mức độ phát triển của một quốc gia. Nói một cách đơn giản nhất, kinh tế tri thức là một nền kinh tế trong đó vai trò của tri thức (khi so sánh với tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực vật chất và lao động chân tay) đóng vai trò chủ đạo [1].  Trong nền kinh tế tri thức, sự phát triển kinh tế có liên quan tới mức độ cạnh tranh về công nghệ, và cạnh tranh công nghệ phụ thuộc vào khoa học và nghiên cứu khoa học. Do vậy, trong nền kinh tế tri thức, nghiên cứu khoa học đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng trưởng kinh tế.

Kết quả của nghiên cứu khoa học thể hiện qua số lượng bài báo khoa học trong những tập san chuyên ngành có bình duyệt quốc tế. Tuy có tới trên 100.000 tập san khoa học trên toàn thế giới, chỉ có những tập san được liệt kê trong danh mục của  Institute of Scientific Information (ISI) là được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận. Các tập san này cũng được công nhận rộng rãi trên thế giới. Cơ sở dữ liệu ISI bao gồm khoảng 10-12% tổng số tạp chí có bình duyệt [2]. Thật vậy, số bài báo khoa học được công bố trong các tập san ISI là một tiêu chuẩn quan trọng của hoạt động khoa học và là một thước đo của tiến bộ khoa học cho một quốc gia [3]. Do đó, bài báo khoa học cũng được coi là một thành tố kiến tạo nên nền kinh tế tri thức.

Tuy vậy cho đến nay chưa có một công trình nào khảo sát kết quả nghiên cứu khoa học và mối quan hệ của nó với các chỉ báo của nền kinh tế tri thức ở các nước ASEAN. Trong quá khứ đã có hai công trình phân tích ấn phẩm khoa học từ Thái Lan [4] và Việt Nam [5], nhưng chưa trình bày một cách hệ thống cho toàn bộ vùng ASEAN.  Chúng tôi đặt giả thuyết rằng có một mối tương quan giữa kết quả nghiên cứu khoa học và chỉ số kinh tế tri thức của các nước. Cụ thể là, chúng tôi đưa ra một định đề: quốc gia nào có chỉ số kinh tế tri thức cao hơn thì sẽ có nhiều bài báo khoa học trong danh mục ISI hơn. Công trình nghiên cứu này được thiết kế để kiểm định giả thuyết trên, thông qua  (a) phân tích kết quả nghiên cứu khoa học, và (b) khảo sát quan hệ giữa kết quả nghiên cứu khoa học và chỉ số kinh tế tri thức của một số quốc gia chính trong các nước ASEAN.

Nguồn dữ liệu

ASEAN bao gồm 10 nước, với trình độ phát triển kinh tế và xã hội rất khác nhau. Trong công trình này, chúng tôi tập trung phân tích dữ liệu từ 6 nước chính, đó là Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, và Singapore.  Những nước này cùng có một sức mạnh kinh tế chủ yếu ở châu Á cũng như trên thế giới. Đây cũng là những nước đang trong quá trình chuyển đổi nhanh chóng về kinh tế, rất lý tưởng để khảo sát về mối quan hệ giữa nghiên cứu khoa học và kinh tế tri thức.

Dữ liệu sử dụng trong bài này được lấy từ Danh mục trích dẫn trực tuyến của ISI, Web of Science (WoS). Để thu thập số lượng bài báo khoa học, chúng tôi dùng SCI-Expanded, SSCI, A&HCI, CPCI-S, CPCI-SSA, CCR-Expanded, và IC databases trong hệ thống ISI. Cơ sở dữ liệu của ISI chứa đựng khoảng 8700 tập san khoa học, bao gồm tất cả mọi lĩnh vực của nghiên cứu khoa học. Chúng tôi tìm kiếm rộng trong WoS địa chỉ quốc gia và lĩnh vực, sau đó giới hạn trong khoảng thời gian 1991-2010. Từ khóa mã nước là  "CU = " for countries (“Việt Nam” or “Viet Nam”, “Thái Lan”, “Malaysia”, “Indonesia”, “Philippines” or “The Philippines”, và “Singapore”).  Chúng tôi chỉ xem xét những bài báo “nguyên thủy” (original articles) được công bố bằng tiếng Anh.   Sau đó chúng tôi khu trú kết quả theo lĩnh vực nghiên cứu, sử dụng chức năng “Analyze Results” của  WoS.  Ở mỗi nước, 12 lĩnh vực nghiên cứu hàng đầu được xác định trong khoảng 1991-2000 và 2000-2010 và từ đó có thể so sánh giữa các nước.

Số lượng ấn phẩm nghiên cứu khoa học 

Trong khoảng thời gian 1991-2010, 10 nước ASEAN đã công bố 165.020 bài báo nguyên thủy trên các tập san khoa học được liệt kê trong danh mục ISI. Con số này chiếm 0,5% tổng số bài báo khoa học của thế giới. Singapore dẫn đầu khu vực với số lượng bài báo khoa học cao nhất, chiếm 45% tổng số bài báo khoa học của 10 nước. Thái Lan và Malaysia, chiếm [lần lượt] 21% và 16% tổng số ấn phẩm khoa học. Việt Nam (tỉ trọng 6,5%), Indonesia (5%) và Philippines (5%).  Nhóm cuối bảng là Kampuchea, Lào, Miến Điện và Brunei, ấn phẩm khoa học trong 10 năm không đầy con số 1.000 bài, và chỉ chiếm dưới 2% tổng số ấn phẩm khoa học của ASEAN.
Số lượng bài báo khoa học ở tất cả các nước gia tăng đều đặn trong quãng thời gian 1991-2010 (Biểu đồ 1).  Tính trung bình, tỉ lệ tăng trưởng gộp lại là 13% mỗi năm, và tỉ lệ này chủ yếu là do sự tăng trưởng của Singapore (13%/năm), Thái Lan (15%/năm), và Malaysia (14%).  Việt Nam cũng đạt 13% gia tăng mỗi năm trong cùng kỳ. Tuy nhiên, Indonesia và Philippines có mức tăng thấp nhất (8%/năm).
Khi chia quãng thời gian 20 năm thành hai thập niên 1991-2000 và 2001-2010, có thể thấy tổng số bài báo khoa học của 10 nước trong thời gian 2001-2010 tăng gấp 3,3 lần so với quãng thời gian 1991-2000 (Bảng 1).  Tuy nhiên, tỉ lệ tăng trưởng giữa các nước khác nhau rõ rệt. Về số lượng, Singapore dẫn đầu với số lượng bài báo khoa học cao nhất, tiếp đó là Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Indonesia, và Philippines.  Về tỉ lệ tăng trưởng, con số cao nhất được ghi nhận ở Kampuchea. Số bài báo khoa học từ Thái Lan trong thời gian 2000-2010 tăng 4,2 lần so với thập niên trước. Tỉ lệ tăng trưởng cao này cũng có thể thấy ở  Malaysia (3,9 lần), Việt Nam (3,4 lần), và Singapore (3,1 lần) trong lúc có thể thấy tỉ lệ tăng trưởng thấp ở (2,2 lần) và Philippines (1,9 lần).

Lĩnh vực nghiên cứu

Dùng chức năng phân loại lĩnh vực nghiên cứu, chúng tôi chia ấn phẩm khoa học của ASEAN thành 12 nhóm lớn: nông nghiệp, khoa học cơ bản, khoa học y sinh, hóa học, kinh tế, kỹ thuật, khoa học môi trường, khoa học vật liệu, toán, vật lý, y tế công cộng, và khoa học xã hội. Tổng số bài báo khoa học và tỉ lệ bài của mỗi lĩnh vực nghiên cứu được nêu trong Biểu đồ 2. Ở Singapore, kết quả nghiên cứu trong kỹ thuật và y sinh học được xếp hạng là lĩnh vực nghiên cứu hàng đầu. Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận trong nhóm nước thứ hai (Thái Lan và Malaysia), nơi nghiên cứu về khoa học y sinh và kỹ thuật chiếm hơn 70% tổng số ấn phẩm khoa học. Trong nhóm thứ ba (Việt Nam, Indonesia và Philippines, ấn phẩm về khoa học y sinh và nông nghiệp chiếm phần lớn trong tổng số ấn phẩm khoa học.
Phân tích chi tiết hơn về lĩnh vực nghiên cứu, Bảng 2 thể hiện sự khác biệt rõ hơn về hoạt động nghiên cứu khoa học của các nước.  Chẳng hạn, ở Singapore, bài báo khoa học trong lĩnh vực điện tử và kỹ thuật điện, vật lý ứng dụng, khoa học vật liệu và những ngành khoa học mới hơn như công nghệ nano được xếp hạng là những lĩnh vực nghiên cứu hàng đầu.   Ở Thái Lan, nghiên cứu về miễn dịch học, y tế công cộng, y học nhiệt đới, dược lý và dược học, khoa học thực phẩm là những ngành đóng góp cao nhất cho số bài báo khoa học của quốc gia. Những lĩnh vực nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam là khoa học cơ bản, toán ứng dụng, vật lý ứng dụng và vật lý lý thuyết,  y tế công cộng và bệnh truyền nhiễm, tất cả đã đóng góp hơn 30% tổng số bài báo khoa học của cả nước. Ở Malaysia, nghiên cứu về tinh thể học, khoa học và công nghệ thực phẩm, khoa học về cây trồng, dược lý và dược học là những lĩnh vực nghiên cứu hàng đầu. Philippines và Indonesia có nhiều bài báo khoa học trong lĩnh vực nông học, khoa học cây trồng, hải dương học, sinh học nước ngọt và ngư nghiệp.
Chất lượng

Để đánh giá chất lượng của các bài báo khoa học, chúng tôi xác định số lượng bài báo nguyên thủy được công bố trong thời gian từ 2001-2005, và tần số trích dẫn giữa thời kỳ này và năm 2010 (Bảng 3).  Singapore và Kampuchea có tỉ lệ trích dẫn cao nhất (15,4 và 15.3 trích dẫn/bài báo, theo thứ tự). Tuy nhiên, khi đánh giá chất lượng dựa trên chỉ số H, nghiên cứu ở Singapore vẫn có tác động cao hơn (chỉ số H là 104), tiếp đó là Thái Lan (92), các nước khác như  Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Philippines có chỉ số H gần tương đương nhau (khoảng từ 57 đến 66). Với ít số bài báo khoa học, Kampuchea, Lào, Miến Điện và Brunei có chỉ số H thấp nhất trong các nước ASEAN.
Kinh tế tri thức 

Dữ liệu về chỉ số kinh tế tri thức (KEI), chỉ số sáng tạo và công nghệ thông tin truyền thông (ICT) được trình bày trong Bảng 4.  Trong 10 nước được phân tích, với bất cứ chỉ báo nào, Singapore vẫn được xếp hạng cao nhất, theo sau là Malaysia và Thái Lan.  Những nước khác (như Việt Nam, Indonesia, và Philippines) có chỉ số KEI và chỉ số sáng tạo tương đương, nhưng cao hơn các nước Kampuchea, Lào và Miến Điện.  Biểu đồ 3 cho thấy có một mối liên hệ tuyến tính giữa số lượng bài báo khoa học và KEI hay chỉ số sáng tạo.  Theo đó, các nước có KEI cao hơn tương ứng với số bài báo khoa học nhiều hơn.  Hệ số tương quan giữa số lượng bài báo khoa học và KEI là 0,96, giữa bài báo khoa học và chỉ số sáng tạo là 0,94.
Dựa vào mối liên hệ giữa ấn phẩm khoa học và chỉ số kinh tế tri thức, có thể chia 10 nước ASEAN thành 4 nhóm rõ rệt: nhóm 1 chỉ có Singapore đứng đầu; nhóm 2 bao gồm Thái Lan và Malaysia; nhóm 3 gồm Việt Nam, Indonesia, và Philippines; và nhóm 4 có Kampuchea, Lào, Miến Điện, và Brunei.
Vài nhận xét 

Các nước ASEAN đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới, chủ yếu do dân số đông và nền kinh tế năng động. Tuy nhiên, từ trước đến nay chưa ai thực hiện phân tích thư mục khoa học về hoạt động nghiên cứu và mối quan hệ của nó đối với kinh tế ở các nước ASEAN.  Công trình này đã được thực hiện để khảo sát mối quan hệ đó, và kết quả cho thấy: (a) nhìn chung, đóng góp của các nước ASEAN cho tri thức khoa học thế giới vẫn còn rất khiêm tốn so với quy mô dân số, và (b) có một mối tương quan rõ rệt giữa kết quả nghiên cứu khoa học và chỉ số kinh tế tri thức trong các nước ASEAN.

Châu Á ngày càng được ghi nhận là vùng vói nhiều cường quốc khoa học mới trỗi vậy. Từ năm 2006, số lượng bài báo khoa học của Trung Quốc đã đưa họ lên vị trí thứ nhì (sau Hoa Kỳ) về tỉ lệ mà họ chiếm giữ trong kết quả nghiên cứu khoa học toàn cầu. Hàn Quốc và Ấn Độ cũng đang tăng chi ngân sách cho nghiên cứu và phát triển, và đã tạo ra những kết quả đầy ấn tượng trong hai mươi năm qua [7]. Tuy các nước ASEAN chiếm một phần khiêm tốn trong tổng số bài báo khoa học toàn thế giới, nhưng tỉ lệ gia tăng 15% mỗi năm của các nước này sẽ khiến họ nhanh chóng tăng tỉ lệ đóng góp của mình trong tổng số bài báo khoa học toàn cầu.

Có nhiều cách giải thích cho sự cách biệt lớn giữa các nước về kết quả nghiên cứu khoa học. Ở các nước ASEAN ngân sách nhà nước dành cho nghiên cứu và phát triển có một vai trò quan trọng trong việc định hình bức tranh nghiên cứu khoa học [8].  Trong lúc Singapore đầu tư lớn cho khoa học và công nghệ thì những nước khác như Việt Nam và Indonesia có mức đầu tư thấp hơn nhiều.  Bởi vậy có lẽ cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi bài báo khoa học của Việt Nam, Indonesia và Philippine còn rất khiêm tốn so với Singapore, Thái lan, và Malaysia.

Kinh tế và mức độ ổn định xã hội cũng có thể là một cách giải thích khác. Trong khi Việt Nam trải qua nhiều cuộc chiến tranh trong suốt 100 năm qua, các nước khác trong vùng được hưởng một thời kỳ dài ổn định. Quả vậy, hoạt động nghiên cứu khoa học của Việt Nam chỉ thật sự “cất cánh” từ 1990, khi áp dụng chính sách đổi mới sau một thời kỳ dài khủng hoảng kinh tế và bị cô lập về chính trị. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi thấy kết quả nghiên cứu khoa học của Việt Nam là thấp nhất trong 10 năm đầu (1991-2000) nhưng đã gia tăng nhanh chóng trong thập kỷ kế tiếp.

Một lý do khác cho sự đóng góp khiêm tốn của khoa học ASEAN trong ấn phẩm khoa học toàn cầu là trở ngại về tiếng Anh. Ngoài Singapore và Philippines là ngoại lệ, nhiều người nghiên cứu ở các nước ASEAN còn lại không/chưa quen thuộc với tiếng Anh, và hệ quả là phần lớn công trình nghiên cứu của họ chỉ công bố ở các tạp chí trong nước và không được ghi nhận trong cơ sở dữ liệu ISI. Điều này có nghĩa là chỉ có một phần nhỏ các bài báo khoa học của giới nghiên cứu châu Á nói chung hiện diện trong các tạp chí được liệt kê trong danh mục ISI. Quả vậy, một phân tích trước đây cho thấy chỉ có khoảng 10% bài báo y khoa của Trung Quốc được công bố trong những tạp chí của hệ thống PubMed [9]. Ngoài ra, các tác giả ASEAN, cũng như những tác giả không phải người bản ngữ tiếng Anh, đã gặp khó khăn lớn khi muốn công bố bài báo khoa học của mình trên các tập san khoa học sử dụng tiếng Anh [10-11], do “chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trong việc biên tập” còn gọi là “editorial racism” [12], và do thành kiến coi thường những công trình của họ.  Tất cả những nguyên nhân này đã góp phần khiến cho sự hiện diện của giới khoa học ASEAN trong các tạp chí được liệt kê trong danh mục ISI còn khiêm tốn.
Dựa trên những kết quả về mối liên quan giữa ấn phẩm khoa học và chỉ số kinh tế tri thức, chúng tôi có thể xác định được một số mô hình của việc sản xuất tri thức trong các nước ASEAN.  Trong khi Việt Nam có số lượng bài báo khoa học nhiều trong các ngành toán và vật lý lý thuyết, thì Singapore có thế mạnh đáng kể trong kỹ thuật và công nghệ sinh học, còn Thái Lan thì mạnh về công nghệ thực phẩm, dược lý và dược học. Malaysia có thành tích cao về tinh thể học, công nghệ thực phẩm, khoa học về cây trồng, trong lúc Philippines và Indonesia có nhiều bài báo khoa học về nông học và ngư nghiệp [4]. Những mẫu hình này tiêu biểu cho những đóng góp khá đa dạng và toàn diện của giới khoa học ASEAN cho tri thức khoa học thế giới.

Mười nước ASEAN có thể được chia thành 4 nhóm dựa trên số lượng và chất lượng của ấn phẩm khoa học. Singapore là nước dẫn đầu với kết quả cao nhất, tiếp đó là nhóm thứ hai gồm Thái Lan và Malaysia, và tiếp đó là Việt Nam, Indonesia và Philippines với thành tích trung bình; và cuối cùng là nhóm thấp nhất về kết quả nghiên cứu khoa học, gồm Kampuchea, Lào, Miến Điện và Brunei. Tuy nhiên, cần lưu ý là Việt Nam đang nhanh chóng tiến về nhóm thứ hai, với mức độ tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây. Phân tích chi tiết hơn về lĩnh vực nghiên cứu phản ánh những nhóm chính như sau: những nước phát triển mạnh về kinh tế thì có kết quả nghiên cứu tốt về kỹ thuật công nghệ cao và công nghệ sinh học (Singapore, Thai Lan và Malaysia), trong lúc những nước nghèo hơn (như Việt nam, Indonesia, Lào, Kampuchea, Philippines thì có thành tích cao về những lĩnh vực “công nghệ thấp” như y tế công cộng, và đối với Việt Nam là toán và vật lý lý thuyết. Do cơ sở hạ tầng cho hoạt động khoa học yếu kém, hầu hết dự án nghiên cứu ở Việt nam tập trung vào những lĩnh vực lý thuyết hoặc công nghệ thấp như toán cơ bản và vật lý lý thuyết. Singapore đã và đang đầu tư mạnh cho nghiên cứu và phát triển, với ngân sách chiếm từ 1,9% đến 2,5% GDP trong khoảng từ năm 2000 đến 2007, và đã xây dựng được mối quan hệ gắn bó giữa giới nghiên cứu học thuật với các doanh nghiệp [8]. Hệ quả là, thành tựu nghiên cứu của Singapore phần lớn do đóng góp của nghiên cứu ứng dụng và công nghệ như kỹ thuật và công nghệ nano. Xu hướng này cũng nhất quán với kết quả của một phân tích gần đây cho thấy những nước kém phát triển về kinh tế có xu hướng tập trung vào những lĩnh vực nghiên cứu cơ bản vốn đòi hỏi những thiết bị khoa học và công nghệ hiện đại ở mức tối thiểu [13-14].

Chúng tôi phát hiện mối tương quan chặt chẽ và nhất quán giữa kết quả nghiên cứu khoa học và kinh tế tri thức [15], cũng như với chỉ số sáng tạo.  Mối tương quan này có nhiều ý nghĩa đối với việc phát triển khoa học ở các nước ASEAN. Trước hết, nếu chúng ta chấp nhận giả định rằng công nghệ là kết quả của nghiên cứu khoa học, và công nghệ là động lực trong nền kinh tế tri thức, thì kết quả nghiên cứu của chúng tôi gợi ý rằng chính phủ các nước ASEAN cần tăng ngân sách nhà nước đầu tư cho nghiên cứu khoa học trong tương lai. Hiện nay trừ ngoại lệ Singapore, các nước ASEAN khác đang đầu tư ít hơn 1% GDP cho nghiên cứu khoa học.  Cần lưu ý là năm 2008 Hàn Quốc đã dành 3,4% GDP cho nghiên cứu và phát triển. Ý nghĩa thứ hai là, ngoại trừ Việt Nam, hầu hết hoạt động nghiên cứu khoa học ở các nước ASEAN được thực hiện ở những trường đại học lớn, bởi những giáo sư và giảng viên coi công việc nghiên cứu là ưu tiên thứ nhì của mình sau việc giảng dạy. Bởi vậy không có gì ngạc nhiên khi sản lượng nghiên cứu khoa học (được minh chứng bằng số bài báo khoa học) của giới hàn lâm của các nước ASEAN khá thấp [16].  Do đó, một cách để gia tăng kết quả nghiên cứu khoa học của những nước này là khuyến khích các trường đại học đưa ra những chính sách mới trong đó có chính sách về thăng tiến hay bổ nhiệm học hàm để khuyến khích giảng viên và các giáo sư có nhiều công bố khoa học trên các tạp chí có bình duyệt quốc tế.  Ý nghĩa thừ ba là những kết quả này cũng có ý nghĩa đối với tham vọng trở thành đẳng cấp quốc tế (hay được liệt kê trong danh sách 200 trường hàng đầu thế giới) của các trường đại học ASEAN. Một thành tố tối quan trọng trong việc xếp hạng đại học là số lượng và chất lượng của các bài báo khoa học. Phân tích của chúng tôi gợi ý rằng phần lớn các trường đại học ASEAN còn một chặng đường dài trước mặt để có thể trở thành đẳng cấp quốc tế, vì thành tích công bố khoa học của họ còn quá thấp so với các trường đại học ở phương Tây [5].

Kết quả nghiên cứu trên đây phải được diễn giải trong bối cảnh một số ưu điểm và khuyết điểm. Trước hết, đây là một phân tích so sánh đầu tiên về kết quả nghiên cứu khoa học ở các nước ASEAN đã đem lại một chỉ báo toàn diện cho hoạt động nghiên cứu khoa học trong khu vực trong thời gian 1991-2010. Chúng tôi dùng cơ sở dữ liệu ISI của Thomson, vốn được coi là khá toàn diện và là “tiêu chuẩn vàng” để đánh giá thành tựu nghiên cứu khoa học của một nước. Tuy nhiên, do bản chất của dữ liệu, khó có thể suy luận về mối liên hệ nhân quả giữa kết quả nghiên cứu khoa học và kinh tế tri thức. Hơn thế nữa, hệ số tương quan mà chúng tôi đã trình bày chỉ có thể xem như tương quan quần thể  (ecologic correlation), bản thân nó không phản ánh mối quan hệ nhân quả thực sự. Vì những phân tích này chủ yếu dựa trên dữ liệu của 9 quốc gia (do không có dữ liệu KEI của Brunei), cỡ mẫu khá hạn chế, nên hệ số tương quan có thể không mấy ổn định. Trong phân tích này chúng tôi chưa khảo sát vấn đề hợp tác quốc tế trong hoạt động nghiên cứu, do đó chưa thể đánh giá chính xác thực lực khoa học của một nước. Thật vậy, phần lớn nghiên cứu khoa học trong những nước nghèo của ASEAN, nhất là y sinh học, được thực hiện với sự hợp tác hay trợ giúp của các đồng nghiệp phương Tây. Do đó, có thể nói rằng thực lực nghiên cứu y sinh học ở các nước ASEAN thấp hơn là những gì phản ánh trong phân tích này.  Chúng tôi dùng chỉ số H [17] và số lượng trích dẫn như chỉ báo của chất lượng nghiên cứu, nhưng cần lưu ý rằng hai tiêu chuẩn này chưa phản ánh chính xác chất lượng nghiên cứu. Thật vậy, các nước có số lượng ấn phẩm khoa học cao thường có chỉ số H cao; bởi vậy chỉ số này có thể không phải là chỉ số lý tưởng và cũng không phải một tiêu chuẩn độc lập để đo lường chất lượng nghiên cứu khoa học của một nước. Hơn nữa, hầu hết những bài được trích dẫn cao lại là công trình hợp tác với sự tham gia của các nhà khoa học trên khắp thế giới; bởi vậy tần số trích dẫn có thể không nhất thiết phản ánh chính xác chất lượng nghiên cứu của một quốc gia. Tuy nhiên, những kết quả phân tích gần đây do Trung Quốc và Hàn Quốc thực hiện cho thấy tỉ lệ trích dẫn (như một chỉ báo về chất lượng) của các bài báo khoa học ở các nước Á châu thấp hơn các bài báo khoa học của tác giả phương Tây.


Tóm lại, kết quả phân tích của chúng tôi cho thấy mức độ đóng góp của các nước ASEAN cho tri thức khoa học thế giới còn khá khiêm tốn, mặc dù đang có môt sự tăng trưởng rất nhanh trong 10 năm qua. Có một mối liên hệ tuyến tính và chặt chẽ giữa số lượng và chất lượng ấn phẩm nghiên cứu khoa học và chỉ số kinh tế tri thức, và điều này đã định hình 10 nước ASEAN thành 4 nhóm theo thành tích nghiên  cứu. Kết quả nghiên cứu này nhấn mạnh rằng nghiên cứu khoa học là một thành tố quan trọng – nếu không nói là quan trọng nhất –trong nền kinh tế tri thức của một quốc gia.
Tài liệu tham khảo:
1. OECD (1996) The Knowledge Based Economy. OECD/GD 102: 7.
2. Monastersky R (2005) The number that's devouring science. The Chronicle 52:http://chronicle.com/free/v52/i08/08a01201.htm.
3. King DA (2004) The scientific impact of nations. Nature 430: 311-316.
4. Svasti MRJ, Asavisanu R (2006) Update on Thai publications in ISI databases 1999-2005. ScienceAsia 32: 101-106.
5. Hien PD (2010) A comparative study of research capabilities of East Asian countries and implications for Vietnam. Higher Education 60: 615-625.
6. R Development Core Team (2007) R: A Language and Environment for Statistical Computing. Vienna, Austria: R Foundation for Statistical Computing.
7. Leydesdorff L, Zhou P (2005) Are the contributions of China and Korea upsetting the world system of science? . Scientometrics: 617-630.
8. Arunachalam S, Garg KC (1985) A small country in a world of big science: a preliminary bibliometric study of science in Singapore. Scientometrics 8: 301-313.
9. Mely B, El Kader MA, Dudognon G, Okubo Y (1998) Scientific publication from China in 1994: evolution or revolution? Scientometrics 42: 3-16.
10. Stolerman IP, Stenius K (2008) The language barrier and institutional provincialism in science. Drug Alcohol Depend 92: 1-2.
11. Vasconcelos SM, Sorenson MM, Leta J, Sant'ana MC, Batista PD (2008) Researchers' writing competence: a bottleneck in the publication of Latin-American science? EMBO Rep 9: 700-702.
12. Tyrer P (2005) Combating editorial racism in psychiatric publications. Br J Psychiatry 186: 1-3.
13. Okubo Y, Dore JC, Ojasoo T, Miquel JF (1998) A multivariate analysis of publication trends in the 1980s with special reference to South East Asia. Scientometrics 41: 273-289.
14. Osareh F, Wilson C (1997) Third World Countries (TWC) research publications by disciplines: a country-by-country citation analysis. Scientometrics 39: 253-266.
15. Ramirez F, Meyer J (2000) The effects of science on national economic development, 1970-1990. American Sociological Review 65: 877-898.
16. Waworuntu B, Holsinger DD (1989) The research productivity of Indonesian professors of higher education. Higher Education 18: 167-187.
17. Hirsch JE (2005) An index to quantify an individual's scientific research output. Proc Natl Acad Sci U S A 102: 16569-16572.

Tôi chỉ có một phong cách là sống thật


T/S Alan Phan, Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa tại Hong Kong và Shanghai

Tôi chỉ có một phong cách là sống thật
Những bài viết về kinh tế đăng rải rác trên các báo trong nước khiến tiến sĩ Alan Phan thu hút được nhiều sự chú ý không chỉ trong giới kinh doanh. Từng có trong tay hàng triệu USD, ông Alan Phan đã giành cho tạp chí Lifestyle cuộc trò chuyện thẳng thắn về đồng tiền, về hàng hiệu và sự hưởng thụ

Là một doanh nhân từng sở hữu nhiều triệu USD, nhưng dường như ông vẫn bị ám ảnh về đồng tiền?

- Thực tình khi còn trẻ, có rất nhiều việc phải lo như đời sống của vợ con, sự nghiệp… nên tiền bạc là vấn đề ám ảnh khá thường trực. Tôi nhớ mãi ngày đầu tiên khi từ Việt Nam sang Mỹ, tiền bạc là nỗi ám ảnh lớn nhất cuộc đời. Tới khi kiếm được nhiều tiền rồi thì suy nghĩ có thay đổi, lúc ấy kiếm tiền không trở thành một vấn đề sinh tồn nữa, mà đã nhập vào tiềm thức của mình, sinh ra thú vui khác, đó là thử thách trong làm ăn. Khi coi mỗi thương vụ là một trò chơi, suy nghĩ mới mẻ hơn, cách sống cũng thú vị hơn


Ông có những bài viết rất sâu sắc về kinh doanh, về đồng tiền, quan niệm của riêng ông về tiền là gì?


- Quan điểm về đồng tiền của tôi thay đổi theo từng thời điểm.
Bước vào đại học, say mê với những văn phẩm nghệ thuật mang mầu sắc hiện sinh từ Kafka, Camus, Kierkegaard.. tôi có thái độ rất thịnh hành ngày đó là coi thường những doanh gia (thậm chí gọi là trọc phú) và tiền bạc. Tuy nhiên, tôi khám phá rất nhanh một điều, tất cả những gì hay những người tôi yêu thương đều “cần” và “yêu” tiền. Đúng như cô đào người Mỹ gốc Hungary Zsa Zsa Gabor nói: “ khóc đâu cũng là khóc, nhưng tôi thích khóc trong chiếc xe Rolls Royce”.
Tôi bắt đầu đi vào một thái cực khác, say đắm đồng tiền như một người vợ mà mình đã không biết yêu khi cưới. Tôi yêu tiền như một đứa bé lần đầu bước vào tiệm kẹo. Suốt thời trung niên, tôi thấy đồng tiền là tất cả. Tôi quên mất những mặt trái của đồng tiền, chỉ còn say đắm với lợi ích. Tôi cho rằng ba lợi ích lớn nhất của đồng tiền nhìn từ góc cạnh trí thức là tự do, thời gian và nhân tính.
Tuy nói vậy nhưng thực tế thường phức tạp và nhiều thách thức hơn lý thuyết. Trước hết, hành xử hàng ngày của một người làm kinh doanh bị giới hạn bởi trách nhiệm với cổ đông, nhân viên, khách hàng, quyền lợi và thương hiệu của doanh nghiệp, và với cả cộng đồng chung quanh. Tôi không thể nói hay làm những gì có thể gây hại đến những đối tác này. Bản thân cũng không có quyền bị bệnh. Tôi bận rộn khủng khiếp khi giàu có. May mắn lắm mới có thì giờ nhàn rỗi để đọc hết một cuốn sách trên 500 trang. Những tiệc tùng lễ hội liên tiếp không cho tôi thời gian để thư giãn với gia đình bạn bè. Bao nhiêu liên hệ thân tình sâu xa đã bị sự giàu có chia cắt.
Đến thời điểm này, trải qua bao nhiều thăng trầm, tôi mới hiểu đồng tiền chỉ là phương tiện, đứng sau sức khỏe, sau tinh thần, sau sự thanh bình tâm hồn. Thứ hạng của đồng tiền ngày càng tụt hạng. Tôi vẫn yêu tiền. Dù nó mang đến hạnh phúc hay đau khổ, đồng tiền vẫn là “người vợ”, “người tình” và “người bạn” tuyệt vời. Tôi đã hiểu lời của triết gia Jean P. Sartre rằng, “chúng ta nô lệ cho những gì mình sở hữu”

 Trong lần đầu tiên kiếm được một số tiền lớn, ông đã xài nó thế nào? Thời điểm nào ông kiếm được nhiều tiền nhất?
- Tôi không suy nghĩ nhiều về đồng tiền nhận được khi đi làm thuê, mà nhớ nhất 500 ngàn USD từ một quỹ tài trợ cho dự án kinh doanh đầu tiên của mình, để xây dựng công ty. Chưa bao giờ tôi có được số tiền lớn như thế, nên rất hoan hỉ, và đã copy lại tờ chi ngân phiếu, đóng khung lại để ngay trên bàn làm việc của mình. Sau này, dù kiếm được nhiều tiền hơn nhưng tôi thấy mình không vui và hạnh phúc bằng lần đầu tiên ấy…
Tôi cũng không dấu diếm là suốt 42 năm lăn lộn trên thương trường, lòng tham vô đáy bắt tôi phải đứng dậy tiếp tục cuộc chơi cho đến mức thành công. Dĩ nhiên, nó cũng dẫn đến nhiều thất bại điên rồ. Tôi sắm chiếc Lamborghini vào năm 33 tuổi, tôi bỏ vài trăm ngàn USD để đưa một siêu mẫu Venezuela qua Paris chơi hai tuần, tôi lên báo Mỹ tuyên bố vung vít về thành quả của công ty tại Trung Quốc (tôi ví mình là người mở đường cho IT ở đây), tôi hoang phí sức khỏe trong những bữa tiệc thâu đêm hay những chuyến bay liên lục địa mỗi tuần. Tôi tạo nên những kẻ thù không cần thiết. Tất cả để “khoe” với thế giới là tôi đã “đạt”.
Đồng tiền đã cho tôi những thứ tuyệt vời như hai chiếc đồng hồ Oris Artelier của tôi và vợ, được mua trong một phút ngẫu hứng tại Monte Carlo; như chiếc du thuyền Feretti tôi chia sở hữu với 3 người bạn khác ở Miami (Mỹ); như căn hộ nhỏ bé dễ thương cạnh bờ biển Puerto Viejo của Costa Rica; như những bộ viết máy mang các tên huyền thọai như Mont Blanc, Cartier, Montegrappa, Visconti… mà tôi đã tốn công sưu tập suốt 25 năm.
Đồng tiền cũng cho tôi những trải nghiệm khó quên như chuyến du hành lạ lùng vào Tây Tạng huyền bí vào năm 1979, khi rất ít người ngoài được phép đến đó; như chuyến leo núi ở  Cerro Castor phía nam Argentina đầy mạo hiểm, mà tôi suýt bị môt trận bão tuyết chôn vùi; như lần đi dã ngoại ở Kenya nóng bức với một người tình Rwanda đen hơn than đá.

- Ông cũng đã từng nếm trải cảm giác bị trắng tay hoàn toàn, khi ấy, ông làm sao đứng dậy và làm lại?

Đúng vậy, tôi từng trắng tay vài ba lần trong cuộc đời, dưới nhiều hình thức khác nhau. Lần đầu tiên khi còn ở Việt Nam, có rất nhiều cơ sở làm ăn với cả chục ngàn nhân viên, sở hữu nhiều tiền bạc, nhà cửa khi tuổi đời còn trẻ. Sau ngày 30/4/1975, tôi không còn đồng nào. Đi qua Mỹ với một vợ một con, gặp một người bạn móc túi cho tôi 400 USD, suy nghĩ lớn nhất lúc ấy là làm gì để nuôi gia đình. Không băn khoăn, không than khóc.

Lần trắng tay khác là khi kinh doanh địa ốc tại Mỹ, cơn lốc khủng hoảng ập đến đã khiến tôi thua lỗ sạch, phải đứng dậy đi ra khỏi nhà, trả lại tất cả sản cho nhà băng, chỉ còn một va li quần áo, vợ con cũng bỏ đi hết… Tôi cũng chẳng buồn, chỉ nghĩ phải làm gì tiếp đây? Tính tôi thế, không cho phép mình buồn lâu hơn một tuần, mỗi lần trắng tay coi như mình thua một trận tennis, để tiếp tục trở lại với trận đấu trên thương trường. Đó là nhu cầu sinh tồn của con người, không phải nghị lực cao siêu gì cả. Tôi là con người thực tế, giữa việc ngồi than khóc và đi kiếm tiền tiếp, tôi lo suy nghĩ để kiếm tiền

Doanh nhân Việt Nam thường giấu giếm chuyện thua lỗ, phá sản, trắng tay… vì sao ông lại công khai những lần phá sản?

Cách nhìn của xã hội Việt Nam khác Mỹ. Trong môi trường kinh doanh Mỹ, chuyện phá sản khá bình thường, không bi kịch hóa như ở Việt Nam. Ngay cả khi ở Việt Nam, tôi cũng không quan tâm lắm đến chuyện người khác nghĩ về mình. Tôi luôn nói với người khác rằng những gì bạn nghĩ về tôi là vấn đề của bạn, không phải của tôi. Chuyện xấu hổ, chuyện suy sụp ít khi xảy ra vì thái độ của mình là như vậy

Tại sao khủng hoảng kinh tế mà người Việt Nam vẫn nhậu nhiều đến thế, mua hàng hiệu nhiều đến thế, điều này có bất thường không?

Tôi thấy cách xài tiền của giới trẻ cũng bình thường thôi, vì tuổi trẻ thường không suy nghĩ nhiều về tiền bạc và hay xài ẩu, không quá lo xa cho tương lai. Điều tôi lo ngại nhất là cách họ nhậu nhẹt, hút xách. Tôi luôn chú trọng việc giữ cân bằng cho con người mình, nên không nhậu nhẹt, hút thuốc, vì nó khiến tôi không kiểm soát được mình.
Mua hàng hiệu là tính sĩ diện của người Việt Nam và người châu Á nói chung, cả những người lớn và người bé cũng thích hàng hiệu, thích phô trương hoành tráng. Vấn nạn lớn của các đại gia là họ tiêu xài đồng tiền họ chưa kiếm được, để mua những đồ chơi họ không cần, để gây ấn tượng với những người họ không ưa. Thích sĩ diện là một văn hóa lớn và lâu đời của các quốc gia Đông Á. Một thói quen thông dụng khi có tiền, có danh hay có quyền là thích khoe khoang, hay nói lịch sự hơn là thích biểu hiện những gì mình vừa chiếm hữu, dù hợp pháp hay không. Thực tình, đây là một hành xử rất quen thuộc với giới nhà giàu trên thế giới. Vì ai có tham vọng và may mắn để sở hữu những chiến lợi phẩm đều có mong ước là mọi người phải chiêm ngưỡng và ghen tị với họ. Sự kiêu căng do lòng tự ái cao độ là căn bản của văn hóa sĩ diện nói trên.
Tôi ít bị ảnh hưởng bởi điều này. Đối với tôi, chuyện khoe khoang hàng hiệu chẳng nghĩa lý gì, đó là cá tính của mình

Vậy tại sao ông lại tham gia làm bình luận viên và góp phần đầu tư cho một tờ tạp chí chuyên giới thiệu những hàng hóa rất xa xỉ? Có cách nào người ta có thể đến với hàng hiệu, mà không bị nó cuốn theo, không bị đánh mất “nhãn hiệu” của chính mình?

Tôi không quan tâm đến hàng hiệu, mà chỉ coi việc đầu tư vào tờ tạp chí là đầu tư vào một món hàng bán rất chạy ở các xã hội Á Đông như Việt Nam, Trung Quốc… .
Người Âu Mỹ giỏi hơn trong việc đè nén sự phô trương quá mức thường thấy ở các đại gia Á Châu, nhất là ở những nhân vật giàu có của các xã hội mới nổi như Trung Quốc và Việt Nam. Trong khi các triệu phú Âu Mỹ thích biểu hiện quyền danh và của cải tại những Câu Lạc Bộ rất riêng tư, kín đáo của tầng lớp giàu có và nổi tiếng, thì các đại phú gia của Việt Nam thích biến những họat động cá nhân thành những sự kiện với sự tham dự đầy đủ của truyền thông. Hào quang phải được phát tán đến đầu đường xó chợ khắp xứ sở mới thỏa mãn được lòng tự kiêu.
Dù đồng cảm, tôi vẫn có chút ngượng ngùng khi liên hoan cùng các bạn thành đạt của tôi trong môi trường hiện tại. Chiếc xe Rolls-Royce có vẻ lạc lỏng cạnh con trâu mệt mỏi giữa những mái tranh nghèo. Chiếc du thuyền Ferretti trông quá hách dịch cạnh chiếc xuồng câu trên giòng sông đục bẩn. Cái bể bơi cạnh biển ở Ana Mandara thấy sao trần trụi khi bị cặp mắt buồn bã của chú bé hốt rác nhìn vào từ rào tường. Một cô người mẫu thật xinh với chuỗi ngọc Cartier và bộ váy Versace đi qua một khu phố ổ chuột có vẻ như thách thức lòng tự ái của mọi người.
Những trò chơi để biểu hiện “phong cách” hay “đẳng cấp” của những người may mắn ở Việt Nam dường như không hợp lúc, không hợp chỗ, không hợp thời. Chúng có vẻ gượng gạo, ép uổng như một vở kịch không bố cục, dựng lên trong vội vàng… Các bạn ơi, hãy nhớ là cuộc chơi nào cũng kèm theo những hóa đơn khá đắt.

Từ khi nào ông tạo được cho mình một phong cách riêng?

Tôi không suy nghĩ nhiều về chuyện xây dựng phong cách cá nhân. Mình nên là mình, không cố gắng là người khác, sống rất thực với những gì mình suy nghĩ, những gì mình tin. Ai khen chê ráng chịu. Về ăn mặc, tôi thích gì mặc nấy không quan tâm tới thương hiệu, quan trọng nhất là làm sao thoải mái, không bị nóng bức, và hợp với từng hoàn cảnh. Thời trẻ thì cần hình thể phải hấp dẫn để thu hút phái yếu, giờ không quan trọng nữa, mình thấy được là được, hơi xộc xệch một chút cũng không sao, miễn là phải sạch sẽ. Tôi thường chọn chất liệu cotton, và xài nước hoa hiệu Boss như một thói quen thôi

Khi mình còn đang đi làm công cho người khác, phải tuân theo những quy ước, kỷ luật. Khi còn làm cho những hãng nhỏ, tôi rất khó chịu khi phải mặc những bộ đồ vest đồng phục màu xanh dương đậm, áo trắng, cà vạt đỏ. Mãi đến khi làm cho mình, tôi mới được tự do. Đương nhiên sống trong một xã hội khi chưa được tự do, có những quy ước mình phải tuân theo. Quan niệm của tôi là đồng tiền mang lại cho mình sự tự do trong lối sống và suy nghĩ riêng. Tôi chỉ có một phong cách là sống thật.

Ông tự do nhất khi nào?

Khi mình có nhiều tiền nhất… nói đùa thôi, là lúc mình bình an nhất. Lúc ấy, thấy mọi điều chỉ là thứ yếu, là chuyện nhỏ. Khi vẫn còn thôi thúc, ám ảnh kéo tới kéo lui thì chưa thể có tự do. Tự do chỉ là tương đối thôi, không có tự do tuyệt đối, luôn có những điều mình không được như ý, nhưng tôi bình yên

Trong giáo dục con cái, làm thế nào để anh có thể hướng dẫn con tiêu xài đúng cách, tạo được một gu thẩm mỹ riêng, sành điệu nhưng không xa xỉ?

Mình sinh con, trời sinh tính, ảnh hưởng của mình có khí còn kém ảnh hưởng của bạn bè quanh nó. Cách giáo dục tốt nhất mình là tấm gương, sống không dấu giếm, không đạo đức giả với con. Quan trọng nhất là để con hiểu mình luôn ở bên cạnh, ủng hộ con, lắng nghe và giành thời gian cho con, biết dung hòa giữa quan điểm của mình và con cái. Khi con đã trưởng thành, chỉ hướng dẫn, không áp đặt… Có thể đó là cách chưa chắc đã hay, tôi có hai cậu con trai, chỉ mong muốn con thành hai công dân tốt trong xã hội

Trong không gian sống của mình, ông coi trọng điều gì nhất?

Sự yên tĩnh. Tôi hay làm việc đầu óc, nếu xáo trộn ồn ào quá sẽ rất khó chịu. Tôi rất sợ khi phải hít thở không khí ô nhiễm bởi bụi, khói và tiếng ồn, nên đã chọn một ngôi nhà nhỏ ở Phú mỹ Hưng. Tôi thích xung quanh nhà có cây xanh yên ả. Điều thứ ba là càng ít đồ đạc càng tốt. Tôi cần nhiều chỗ trống thoải mái, phòng ăn, phòng làm việc, phòng ngủ, phòng thể dục… không cần xa hoa dát vàng. Thải mái là tiêu chí số một trong môi trường sống của tôi

Bản lĩnh sống nào đã giúp ông có được sự an nhiên, trong khi rất nhiều đồng nghiệp doanh nhân khác đang “ngơ ngác” trước sự bất trắc của thời cuộc, khi khủng hoảng đang rơi xuống đáy như hiện nay?

Có thể do tôi lớn tuổi hơn họ. Ngày xưa mình cũng gặp nhiều bất trắc do chấp nhận rủi ro lớn. Cách đây mười mấy năm tôi đã từng bị mổ tim vì áp lực, sau đó học được bài học tự tại. Giờ thì chấp nhận rủi ro ít, nên kiếm tiền cũng ít đi, thấy nhẹ nhàng hơn nên khi tình thế xấu không làm mình mất tinh thần, vì có mất cũng không mất nhiều. Phải lựa chọn cho mình đường đi, để sống nhẹ nhàng hơn. Ít rủi ro đồng nghĩa với ít may mắn, ít lo lắng. Nếu cứ đánh bạc lớn thì trái tim phải vỡ ra nhiều lần

Nhìn về năm 2013, ông có thấy hy vọng nào cho giới kinh doanh?

Năm 2013 sẽ không khá hơn 2012, mà có thể tệ hơn, chính sách của chính phủ và môi trường vĩ mô không được cải thiện, vẫn bình cũ rượu cũ, nên kết quả không thay đổi nhiều lắm so với 2012. Trong tình trạng khủng hoảng này, doanh nghiệp phải cẩn thận hơn, bảo thủ hơn. Không phải là lúc tung ra đánh mạnh mà rút về căn cứ để bảo tồn lực lượng, chuẩn bị đánh tiếp trận mới. Riêng tôi cũng đã rời khỏi quỹ đầu tư của mình để tìm con đường mới.
Giới doanh nhân đang rất tò mò về buổi tiệc tất niên của ông vì muốn xem thiên hạ chế diễu, nhạo báng, phê phán…ông ra sao. Ở Việt Nam, các buổi lễ vinh danh được tổ chức rầm rộ mỗi ngày, nhưng bỏ tiền ra để ngồi nghe… chửi, thì chắc chỉ có Alan?
- Thực ra, đây là một truyền thống cả trăm năm nay tại Mỹ và cả ngàn năm nay tại Nhật. Có lẽ đó là lý do họ ít bị “táo bón” về mặt tinh thần và trí tuệ như văn hóa 5 ngàn năm của ta và Tàu
Trong các cung vua phủ chúa của Nhật, hoàng đế thường thuê một vài anh hề để chế diễu mình và các cận thần. Vai trò của các anh hề này làm giảm đi sự căng thẳng của tình thế, cho mọi người một góc nhìn tư duy lạ hơn; nhưng quan trọng nhất là đem “con người” về đúng vị trí của nó, để không ai hoang tưởng mình là thần thánh, không bao giờ sai hay ngu hay điên. Các lãnh đạo Âu Mỹ thì ngoài các đảng đối lập, còn cả ngàn phóng viên, bình luận gia… theo dõi từng bước, muốn ăn vụng cũng khó chứ đừng nói tới chuyện muốn làm thánh gióng.
Tôi vẫn nghĩ nếu lãnh đạo Trung Quốc và các nước Á Châu có được văn hóa tự trào, tự phê, tự chấp nhận yếu kém thực của mình… thì lịch sử đã không nghiệt ngã với đa số người dân của các xã hội này.
Từ ý nghĩ đó, mong các bạn hãy tiếp tay tạo nên phong trào tự phê phán khắp xứ; nghĩa là từ nay, thay vì các sự kiện tự PR hoành tráng hay các bài viết thuê trả tiền để vinh danh (thực ra là nói dối dư luận), chúng ta chỉ tham dự vui chơi ở những nơi mà bạn bè thân hữu cười diễu, “xấu khoe đẹp giấu”. Khi mọi người thoải mái hơn về cái “sĩ diện” hão, thì những chuyện giả dối, vô cảm…ở xứ này sẽ giảm đi chăng?

Box: Tiến sĩ Alan Phan du học Mỹ từ năm 1963, từng làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia ở Wall Street và phát triển công ty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn 700 triệu USD. TS Alan Phan tốt nghiệp tại đại học Penn State (Mỹ), Thạc sĩ tại đại học American Intercontinental (Mỹ), Tiến sĩ tại đại học Sussex (Anh) và Southern Cross (Úc). Là tác giả 9 cuốn sách Anh và Việt ngữ về thị trường mới nổi . Cộng tác với các tạp chí Vietnam Financial Review, Robb Report, Saigon Times, Vietnamnet, Saigon Tiếp Thị, Doanh Nhân Sai Gòn… những bài viết sâu sắc và chân thực của ông luôn gấy sự chú ý và thích thú với dư luận.

Quote: “Tinh hoa trí tuệ, tinh hoa tinh thần khac xa với sự phô trương hàng hiệu. Để có thể hình thành giới tinh hoa phải cần có thời gian, vì văn hóa, giá trị tinh thần không thể mua được bằng tiền” – Alan Phan

Các kiểu nợ xấu



Blog Nguyễn Vạn Phú, 

Cũng là nợ xấu nhưng vấn đề nợ nước ngoài của Thái Lan năm 1997, nợ dưới chuẩn của Mỹ và nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam có những đặc điểm khác nhau nên cách giải quyết cũng khác nhau. 


Khủng hoảng do nợ ở Thái Lan năm 1997

Cách đây hơn 15 năm, vào tháng 7-1997 tôi có dịp đi công tác ở Thái Lan ngay đúng ngày chính phủ nước này quyết định thả nổi đồng baht, khơi mào cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn châu Á. Lúc đó dĩ nhiên báo chí đưa tin rầm rộ, phân tích đủ kiểu nhưng vẫn thiếu vắng một cái nhìn tỉnh táo toàn diện vấn đề nợ của Thái Lan – một cái nhìn chỉ vài năm sau mới lắng xuống thành lịch sử kinh tế. Thậm chí lúc đó, tôi còn khá ngây thơ khi phỏng vấn Thủ tướng đương nhiệm Chavalit Yongchaiyudh, “ông có thể tiên đoán gì cho nền kinh tế Thái Lan trong sáu tháng tới?” Câu trả lời của Chavalit cũng “ngây thơ” không kém: “Tại bất kỳ nước nào, tình hình kinh tế không thể đảo ngược trong vòng sáu tháng. Chúng ta không thể trông chờ sự phục hồi trong sáu tháng. Nhưng các bạn sẽ thấy phép lạ xảy ra tại Thái Lan, tôi tin thế”.

Những tháng sau đó, đồng baht mất một nửa giá trị, nền kinh tế Thái Lan suy sụp hoàn toàn, hàng loạt cao ốc, công trình xây dựng bị đình trệ, nạn thất nghiệp tràn lan, hàng loạt doanh nghiệp lớn phá sản, nhiều ngân hàng đóng cửa. Chỉ một tháng sau tuyên bố của Chavalit, IMF phải nhảy vào và bỏ ra 17,2 tỷ đô-la Mỹ để cứu nền kinh tế Thái Lan.

Bài học về nợ của Thái Lan là gì? Vấn đề nợ của Thái Lan mang yếu tố nước ngoài. Trong nhiều năm liền GDP của Thái Lan tăng bình quân đến 9% mỗi năm, lạm phát thấp, đồng baht gắn cố định với đồng đô-la Mỹ (25 baht ăn 1 đô-la Mỹ) nhưng lãi suất cao (khoảng 13,25% trước khủng hoảng) nên người ta thay nhau vay tiền nước ngoài vô tội vạ. Vay tiền về đổi ra đồng baht gởi vào ngân hàng cũng đã có lãi rồi nên nợ nước ngoài của Thái Lan tăng nhanh, là nguyên nhân chính gây khủng hoảng. Nhất là các khoản tiền này đổ vào bất động sản, tạo ra tình trạng bong bóng hay đổ vào xây dựng nhà máy xi măng, sắt, thép, hoá dầu để cuối cùng xảy ra tình trạng dư thừa ở hầu hết các ngành cơ bản.

Đến năm 1997, nợ nước ngoài của Thái Lan vọt lên 109 tỷ đô-la Mỹ, đa phần là vay ngắn hạn, cán cân vãng lai lại thâm hụt trong nhiều năm liền. Giới đầu cơ nhận định trước sau gì chính phủ Thái cũng phải phá giá đồng tiền bèn nhảy vào đầu cơ đánh giá xuống. Họ vay tiền baht, đổi ra tiền đô-la, khiến chính phủ Thái phải bỏ ra 24 tỷ đô-la (gần hai phần ba dự trữ ngoại tệ) để bảo vệ cái tỷ giá cố định trên và đến khi hết tiền, phải tuyên bố thả nổi đồng baht. Từ 25 baht ăn 1 đô-la Mỹ chỉ trong vòng vài tháng, giá trị đồng tiền này sụt xuống còn 56 baht/1 đô-la Mỹ. Rõ ràng các khoản vay nợ nước ngoài tính bằng tiền baht bỗng dưng tăng gấp đôi, làm nhiều ngân hàng phá sản vì con nợ trong nước phá sản. Khủng hoảng xảy ra và chứng khoán Thái Lan giảm từ đỉnh cao 1.753 điểm còn 207 điểm vào năm 1998. Phải mất 10 năm GDP Thái Lan tính theo đô-la mới phục hồi về lại mức năm 1996. Một ghi chú nhỏ: Thủ tướng Chavalit phải từ chức vào tháng 11-1997, không thể chờ phép lạ xảy ra.

Nợ dưới chuẩn ở Mỹ

Năm 2004 khi qua Mỹ tiếp xúc với khá nhiều người trong cộng đồng người Việt, tôi thấy nổi lên một xu hướng rất rõ: vay tiền mua nhà, rồi dùng nhà đó vay tiền mua nhà tiếp, chờ giá lên để bán hưởng lợi. Có người có đến 4 căn nhà to đùng trong khi nhu cầu không có. Lúc đó, ai cũng “phấn khởi” vì giá nhà vẫn đang lên, cao hơn so với giá mua khá nhiều. Nhẩm tính tiền lãi, ai nấy cũng rộng tay chi xài nhiều hơn thường lệ.
Thật vậy, sau này nhìn lại, người ta bảo lúc đó cho vay mua nhà ở Mỹ khá dễ dàng, những tiêu chí về nguồn thu nhập để trả nợ bị xem nhẹ - từ đó mới có từ “nợ dưới chuẩn”. Bong bóng bất động sản thu hút nhiều người tham gia (đến 40% mua nhà để đầu tư chứ không phải để ở) chừng nào giá nhà vẫn tăng đều đặn (tăng đến 124% từ năm 1997 đến năm 2006). Đến giữa năm 2006 lúc giá nhà đã lên đến đỉnh và bắt đầu giảm nhanh, vấn đề nợ dưới chuẩn nổ ra. Tiền vay mua nhà thường có lãi suất thả nổi và khi lãi suất tăng mạnh, nhiều người mất khả năng chi trả tiền nhà hàng tháng cho ngân hàng. Ngân hàng, trước đó, đã gói những hợp đồng vay tiền mua nhà trả góp đó thành sản phẩm tài chính, đem bán trên thị trường chứng khoán. Các tập đoàn tài chính ôm lấy những loại chứng khoán không còn sinh lợi này bắt đầu rơi vào tình trạng khó khăn, có nơi phá sản. Khủng hoảng nổ ra mà hiệu ứng vẫn còn kéo dài cho đến tận bây giờ.
Bài học nợ dưới chuẩn ở Mỹ là sự dễ dãi của giới ngân hàng khi cho vay rồi sự lừa dối của nhiều bên liên quan khi biến nợ thành sản phẩm chứng khoán, mua bán trên thị trường làm lây lan một cuộc khủng hoảng lẽ ra chỉ giới hạn trong lãnh vực bất động sản. Ở đây vấn đề tín dụng rẻ, dễ dãi cũng là thủ phạm; tiền cũng chạy từ nhiều nước vào Mỹ nên khủng hoảng quay ngược ảnh hưởng trở lại nhiều nước. Tỷ lệ nợ dưới chuẩn tăng nhanh lên đến 20% tổng dư nợ cho vay mua nhà và hậu quả là tháng 10-2007, tỷ lệ nợ xấu buộc phải tịch biên nhà lên 16%, tăng lên 21% vào đầu năm 2008 và 25% vào tháng 5-2008.

Trở lại Mỹ vào năm 2010, gặp nhau, người ta không còn kể chuyện mua nhà nữa mà là chuyện “kéo nhà”, tức là nơi cho vay tịch biên nhà, bán để thu hồi nợ. Người nào trước đây mua càng nhiều nhà, giờ càng bạc tóc vì lo vì trở thành con nợ không lối thoát.

Nợ xấu Việt Nam

Mới nhìn qua vấn đề nợ xấu Việt Nam cũng có những căn nguyên tương tự: tín dụng dễ dãi, dư nợ tăng vọt, tiền đổ vào nhiều, bất động sản nóng sốt, chứng khoán lên ngôi, thúc đẩy nhiều dự án hoành tráng chỉ để làm tăng giá trị cổ phiếu. Đến khi chứng khoán suy sụp, thị trường bất động sản đóng băng và nhất là khi tín dụng bị siết chặt, nợ xấu bùng phát.

Nhưng nợ xấu ở Việt Nam không giống ở Thái Lan thời thập niên 1990 ở góc cạnh không phải là nợ nước ngoài. Dư nợ của hệ thống ngân hàng Việt Nam chủ yếu là từ trong nước. Cho đến nay áp lực của nợ xấu lên tỷ giá là chưa đáng kể, nên không gây ra áp lực phá giá đồng tiền. Nợ nước ngoài của Việt Nam tăng khá nhanh, từ 31,4% GDP năm 2006 lên 41,5% GDP năm 2011 nhưng chủ yếu là các khoản vay dài hạn của Chính phủ như vốn vay ODA chứ vay thương mại chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Giả thử có thêm vài ba khoản nợ xấu có nguồn gốc nước ngoài như các khoản vay của Vinashin bị Elliott đòi như vừa qua thì tình hình đã rối ren hơn nhiều.

Các gói nợ xấu của Việt Nam cũng chưa bị đóng gói thành sản phẩm chứng khoán để đem ra bán nên tác động của nợ xấu chưa mang tính lây lan mạnh như cuộc khủng hoảng ở Mỹ.

Tuy nhiên nợ xấu Việt Nam lại mang những đặc điểm đáng lo ngại không kém. Đầu tiên là sự thiếu vắng những con số chính xác, được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem như chuyện bình thường. Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra hai con số: “Theo số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến ngày 30-9 thì nợ xấu là 4,93%. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước thì con số này nằm ở khoảng 8,82%”. Các ngân hàng báo cáo một đằng, đánh giá của NHNN một nẻo mà lại không có biện pháp gì chấn chỉnh, ít nhất về mặt báo cáo số liệu là chuyện khó chấp nhận. Muốn có những giải pháp tốt cho vấn đề nợ xấu thì trước tiên phải có thông tin chính xác về nợ xấu.

Thứ hai, nguồn gốc nợ xấu chủ yếu do doanh nghiệp nhà nước hay chính quyền các cấp. Chỉ tính riêng tập đoàn Vinashin, các khoản nợ đến hạn phải trả hàng năm từ lúc nổ ra khủng hoảng lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm. Vinashin bất lực, không trả được, chúng đã biến thành nợ xấu của các ngân hàng! Hàng loạt doanh nghiệp nhà nước như thế hiện là con nợ khó đòi. Theo một báo cáo, doanh nghiệp nhà nước chiếm đến 70% tổng nợ xấu. Bên cạnh đó, nợ đọng xây dựng cơ bản mà con nợ là các bộ, ngành và chính quyền địa phương cũng làm nhiều nhà thầu trở thành con nợ xấu của ngân hàng. Con số nợ đọng này lên đến 90.000 tỷ đồng nhưng bao nhiêu phần trăm biến thành nợ xấu thì không có số liệu. Như thế, giải quyết nợ xấu trở thành chuyện của nhà nước, phải tính đến chuyện khoanh nợ, tái cấp vốn – tất cả sẽ đè nặng lên ngân sách vốn đã eo hẹp. Nếu không, làm sao có chuyện ngân hàng phát mãi tài sản thế chấp của doanh nghiệp nhà nước, có ai dám bán tài sản của các doanh nghiệp này dưới giá sổ sách, đất đai được cấp nay giải quyết làm sao?

Loại trừ khoản nợ xấu nói trên, phần còn lại thiết nghĩ không khó giải quyết. Lúc đó bài học giải quyết nợ xấu ở Thái Lan hay ở Mỹ sẽ rất hữu ích. Đó là mạnh dạn cho đóng cửa những ngân hàng nào yếu kém, cho vay bất chấp rủi ro, định giá tài sản thế chấp sai lầm, lại không chịu trích lập dự phòng đầy đủ… Đó là sửa đổi Luật Phá sản để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bất động sản có lối thoát, tự nhiên giá cả sẽ quay về mức xã hội chấp nhận được và một phần lớn nợ xấu sẽ được thu hồi. Không lẽ chúng ta phải đợi những hệ quả của nợ xấu xảy ra như phá giá đồng tiền ở Thái Lan, vỡ nợ tại nhiều ngân hàng ở Mỹ… lúc đó mới chịu có biện pháp mạnh tay?

Ngân hàng nhà nước siếc công luận


Võ Văn Tạo, 
Báo Tuổi Trẻ ngày 27-4 có bài Đấu thầu vàng không phải để bình ổn giá. Bài báo cho biết, tại cuộc họp báo chiều 26-4 của Văn phòng Chính phủ, trước thực trạng khó hiểu: sau mỗi phiên Ngân hàng nhà nước đưa vàng ra bán đấu thầu, giá vàng trong nước càng tăng, càng bỏ xa giá vàng thế giới, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng biện bạch: “Khi Ngân hàng nhà nước tham gia bình ổn thị trường vàng thông qua hoạt động đấu thầu vàng miếng thì Ngân hàng nhà nước đã công bố rõ: đây là hoạt độngbình ổn thị trường và Ngân hàng nhà nước không bình ổn giá”(!). * tại đây
Người đại diện Ngân hàng nhà nước tung ra cái hỏa mù: Ngân hàng nhà nước (bán) đấu thầu vàng là góp phần tăng lượng cung trên thị trường vàng. Nếu không, trong bối cảnh không cấp phép nhập vàng để sản xuất vàng miếng, thị trường trong nước còn biến động rất mạnh.
Thế nhưng, ông Hưng lảng tránh câu hỏi: tại sao Ngân hàng nhà nước không cấp phép nhập vàng cho sản xuất vàng miếng, ngõ hầu tăng hơn nữa lượng cung, đủ mức để ổn định, cân bằng thị trường vàng? Trên báo chí, tại các diễn đàn, nhiều chuyên gia đã cảnh báo tình trạng giá vàng trong nước suốt mấy năm quá cao so với thế giới là động lực ghê gớm thúc đẩy hoạt động gom ngoại tệ để nhập lậu vàng, ngân sách thất thu thuế, không lực lượng chống buôn lậu nào ngăn nổi. Lại nữa, vàng càng tăng giá, người ta càng có xu hướng ẩn náu vào vàng, hạn chế bỏ vốn vào sản xuất kinh doanh. Đương nhiên, lực hút của vàng cũng làm giảm chi tiêu mua sắm hàng hóa, hậu quả là sản xuất điêu đứng. Giá vàng trong nước biến động cao bất thường suốt thời gian dài – ai được, ai mất? phương hại đời sống kinh tế – xã hội đến mức nào?
*
Dưới nhãn quang kinh tế học, một cách hài hước, luận điểm “Khi Ngân hàng nhà nước tham gia bình ổn thị trường vàng thông qua hoạt động đấu thầu vàng miếng thì Ngân hàng nhà nước đã công bố rõ: đây là hoạt động bình ổn thị trường và Ngân hàng nhà nước không bình ổn giá” của đại diện Ngân hàng nhà nước đáng được lấy làm đề tài luận án tiến sĩ ngành ngân hàng, đem bảo vệ trước Hội đồng nơi chú Cuội – chị Hằng và nhận giải Nobel kinh tế trên sao Hỏa, bởi ý tưởng trên cực kỳ “mới”, có thể coi là phát minh “độc đáo”.
Lịch sử kinh tế học, khi đề cập đến thị trường, các kinh tế gia, thuộc mọi trường phái Đông – Tây, kim – cổ, chưa bao giờ hình dung nổi một kiểu thị trường không liên quan, dính dáng gì đến giá cả, kể cả ở thị trường sơ khai hàng đổi hàng, thời chưa xuất hiện tiền tệ là vật trao đổi trung gian – thời “1 cái rìu = 5 con dê”. Ai có hiểu biết về kinh tế học cũng đều biết điều sơ đẳng: đề cập đến thị trường, không thể không gắn liền với giá cả. Không chỉ vậy, cùng với các yếu tố cơ bản như tổng cung thị trường, tổng cầu thị trường, giá cả là yếu tố xuyên suốt, bao trùm mọi khía cạnh và động thái của thị trường. Nói một cách khác, không có yếu tố giá cả, không có khái niệm thị trường. Quy luật chung của kinh tế thị trường là, khi tổng cung tăng, giá cả sẽ giảm. Nghĩ nát óc, người có kiến thức kinh tế cũng không thể hiểu, bằng cách nào, Ngân hàng nhà nước, trong khi không đặt mục tiêu bình ổn giá vàng, mà lại có thể nhắm tới và thực hiện được bình ổn thị trường vàng? Thị trường là khái niệm kinh tế học, diễn giải nôm na là cái chợ. Có cái chợ nào không dính tới giá cả?
Thực tế, trên thị trường vàng Việt Nam gần đây, sau những phiên Ngân hàng nhà nước tung hơn 12 tấn vàng ra bán, giá vàng không những không giảm, mà lại càng tăng. Phải chăng, đây là đặc điểm riêng có của phương thức quản lý kinh tế thị trường, gắn cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa”?!
*
Không cần thông minh cũng hiểu, trước hiện tượng tréo ngoe: càng tung vàng ra bán đấu thầu, giá vàng càng lên, càng bỏ xa giá vàng thế giới, lập luận “Ngân hàng nhà nước không bình ổn giá” nhằm tránh cơn giận dữ chính đáng của công luận, trước thực tế suốt mấy năm nay, giá vàng trong nước luôn cao chót vót, chênh lệch có thời điểm lên tới 7 triệu đồng/lượng so với giá vàng trên thị trường thế giới. Và hệ quả của nó, đến các bà nội trợ cũng thấm thía, vàng lên giá không chỉ là chuyện của những người cầm vàng.
Vàng cao bất thường, tác động lên giá cả, từ hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ thiết yếu… đến giá nhà ở, bất động sản, vật tư nguyên liệu sản suất… còn trực tiếp và dữ dội hơn tác động của các phương tiện dự trữ, thanh toán khác như ngoại tệ, đá quý, chứng khoán… Việc giá vàng trong nước liên tục “nổi điên”, không thể không phương hại dữ dằn đến sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội.
Hiện tượng thực tế hơn 12 tấn vàng được Ngân hàng nhà nước tung ra bán, càng làm thị trường vàng trong nước lên cơn khát, làm giới kinh tế suy đoán hai khả năng. Một là, lượng cung tăng như muối bỏ biển trước nhu cầu của các ngân hàng thương mại và người dân. Nếu tiếp tục bán ra mà không nhập khẩu để thay thế, bổ sung, chẳng mấy nữa, dự trữ vàng trong ngân khố quốc gia làm sao tránh khỏi về “mo”? Nếu không bán nữa, làm sao giá vàng có thể hạ? Hai là, không loại trừ khả năng giới đầu cơ ở các ngân hàng thương mại tin chắc ở khả năng vẫn lũng đoạn được cơ chế điều hành vàng của Ngân hàng nhà nước – tới đây, Ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục không cấp phép nhập vàng, giá vàng trong nước vẫn tiếp tục tăng, duy trì mức chênh lệch lớn so với giá vàng thế giới.
*
“Ngân hàng nhà nước không bình ổn giá” – Ô hay! Ngân hàng nhà nước đứng ở đâu trong vai trò quản lý nhà nước đối với nền kinh tế và đời sống xã hội? Kìm hãm mức tăng của chỉ số giá cả là mục tiêu tối quan trọng của Chính phủ, đến mức hầu như phiên họp nào cũng bàn tới. Nhưng đó là chuyện của Chính phủ,  Ngân hàng nhà nước bất biết, bất cần?
*
Thị trường là thị trường, chẳng liên quan gì đến giá cả? Bình ổn thị trường không dính dáng gì đến bình ổn giá cả? Với lập luận: “Khi Ngân hàng nhà nước tham gia bình ổn thị trường vàng thông qua hoạt động đấu thầu vàng miếng thì Ngân hàng nhà nước đã công bố rõ: đây là hoạt động bình ổn thị trường và Ngân hàng nhà nước không bình ổn giá”, Ngân hàng nhà nước đang diễn xiếc trước công luận?
V.V.T.
* Mời xem thêm:  – Phó thống đốc: “Đấu thầu vàng đã đạt mục tiêu” (VnEco).  “… khi Ngân hàng Nhà nước tham gia bình ổn thị trường vàng thông qua việc đấu thầu vàng thì Ngân hàng Nhà nước đã công bố rất rõ đây là hoạt động bình ổn thị trường, không phải là bình ổn giá. Thông qua việc đấu thầu Ngân hàng Nhà nước không nhằm mục tiêu kéo giá vàng xuống ngay lập tức cân bằng với giá vàng thế giới mà chúng tôi chủ yếu thực hiện việc tăng cung ra thị trường để qua đó giải quyết vấn đề nhu cầu vàng.” – Phó Thống đốc NHNN: Chính sách quản lý vàng ‘thành công lớn’ (VNN).

April 27, 2013

Tam quốc diễn nghĩa


Bàn cờ nước lớn đang chuyển động ráo riết đa phương, đa chiều, chi phối bởi lợi ích quốc gia và chủ nghĩa thực dụng.
Còn quá sớm để nói tới việc thiên hạ phân làm hai cực, ba cực, bốn cực… Điều có thể nói là chính trị nước lớn đang diễn ra biến động, nước này mạnh lên, nước kia yếu đi, các nước tiến hành tập hợp lực lượng, hòa dịu, đối tác, cạnh tranh chiến lược, liên minh kiểu Á-Á, kiểu Á-Âu, kiểu châu Á-Thái Bình Dương… Người  “hợp tung”, kẻ “liên hoành”, thật chẳng khác ngoại giao thời Chiến quốc của Trung Quốc cổ đại là mấy. 



Một số nhân vật trên bàn cờ chính trị châu Á-Thái Bình Dương năm 2013

Từ ngày 22-24/3, ông Tập Cận Bình thăm chính thức Nga lần đầu tiên trong cương vị Tổng bí thư-Chủ tịch nước. Đây cũng là chặng đầu của chuyến xuất ngoại đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc kết hợp tham dự BRICS tại Nam Phi và thăm 3 nước châu Phi.


Chuyến thăm Nga được chuẩn bị kỹ, được đề cao như một mốc quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Trung Quốc và Nga. Thời điểm diễn ra rất quan trọng vì ban lãnh đạo mới của hai nước này, cũng như các nước lớn khác, đều tích cực điều chỉnh chiến lược đối ngoại và chính sách giữa họ với nhau, tạo ra những chuyển động đầy kịch tính.
Cuộc gặp thượng đỉnh Trung-Nga 2013 có tính tượng trưng cao nhưng không hẳn là mới, vì 10 năm trước ông Hồ Cẩm Đào cũng chọn Nga trong chuyến xuất ngoại đầu tiên. Cái mới là hai bên sẽ đổi mới nội dung của Hiệp ước láng giềng tốt, hữu nghị và hợp tác Trung-Nga, ký kết ngày 16/7/2001.
Cuộc gặp chủ yếu mang nội dung chính trị. Thỏa thuận về khí đốt được trông đợi từ lâu vẫn chưa ký vào dịp này do Trung Quốc không chấp thuận giá cả được xem là cao so với giá thị trường thế giới. Cũng có thể Trung Quốc muốn giữ lại làm con bài mặc cả trước tình hình quan hệ Nga-Mỹ, Nga-Nhật có chuyển động thuận nghịch đối với Bắc Kinh.


Việc củng cố quan hệ với Nga là ưu tiên cao của Bắc Kinh theo chủ thuyết “an Tây, dựa Bắc, tranh Đông-Nam”. Để đối phó với trục Mỹ-Nhật và thực hiện tranh chấp chủ quyền biển đảo ở các hướng Đông-Nam, Trung Quốc tìm cách hòa hoãn với Ấn Độ ở phía Tây (vừa hợp tác vừa cạnh tranh vừa kiềm chế), trong khi ra sức củng cố quan hệ với Nga và SCO làm chỗ dựa chiến lược, chống lưng cho an ninh quốc gia để triển khai quan hệ trên các hướng khác.
Chính sách Nga của Trung Quốc làm người ta nhớ lại tầm nhìn chiến lược của Gia Cát Lượng thời Tam Quốc “Đông hòa Tôn Quyền, Bắc cự Tào Tháo”.
Nga nếu khéo vận dụng thế và lực có thể tham gia vào cục diện “Tam quốc phân tranh” đang hình thành trên lục địa Á-Âu. Việc Nga chi 660 tỷ USD để hiện đại hóa quốc phòng trong vòng 8 năm (đến năm 2020) là nhằm nhanh chóng tái lập cân bằng chiến lược quân sự, chuẩn bị cho cuộc chơi mà Tổng thống Putin xem là “thời cơ lịch sử”.
Mỹ phát đi những tín hiệu "xuống thang" trong quan hệ với Nga. Tại Thông điệp Liên bang vừa rồi, Tổng thống Obama tuyên bố dự định đàm phán với Nga về việc tiếp tục cắt giảm kho vũ khí tấn công chiến lược. Hai nhân vật có ảnh hưởng của Chính quyền Obama-II là Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel ủng hộ việc tìm kiếm thỏa hiệp mới với Moscow. Mỹ thể hiện sự mềm dẻo trong vấn đề lá chắn phòng thủ tên lửa (NMD), điều được Nga nêu lên như điều kiện tiên quyết cho việc cải thiện quan hệ Nga-Mỹ: Ngày 15/3, ông Chuck Hagel tuyên bố tái cơ cấu chương trình NMD của Mỹ, chuyển 1 tỷ USD từ chương trình châu Âu để mua các tên lửa đánh chặn GBI bố trí ở bang Alaska. Đơn vị tên lửa ở đấy sẽ tăng lên 1,5 lần vào năm 2017, nghĩa là từ 30 lên 44 đơn vị. Mỹ có thể sẽ điều chỉnh hệ thống NMD đặt ở châu Âu.
Việc Mỹ cải thiện quan hệ với Nga nếu diễn ra thuận lợi sẽ tạo đòn bẩy trong quan hệ với Trung Quốc, mà Mỹ cần hòa dịu để giúp phục hồi kinh tế Mỹ. Washington vẫn phải đặt trọng tâm chiến lược vào châu Á giữa lúc ngân sách quốc phòng bị cắt giảm. Ông Tập Cận Bình đang kêu gọi thực hiện “giấc mơ Trung Hoa”. Trong là để đoàn kết toàn dân, ngoài là để thực hiện luận thuyết “nước mạnh ắt sẽ bá quyền”.
Lãnh đạo Bắc Kinh lôi kéo chính quyền mới ở Mỹ tiến tới thiết lập “quan hệ kiểu mới”. Ngày 19/3, trong buổi tiếp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew đang thăm Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Mỹ để tăng cường mối quan hệ đối tác hợp tác giữa hai nước, đối thoại, hợp tác và tin cậy lẫn nhau; tôn trọng và cân nhắc đến những lợi ích cốt lõi và quan ngại chính của mỗi bên; giải quyết thành công những khác biệt với mục tiêu xây dựng một mối quan hệ kiểu mới.
Nhưng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, khi tiếp người đồng cấp Australia Bob Carr thăm Washington ngày 18/3, khẳng định sẽ tiếp tục chính sách chuyển trọng tâm sang Châu Á, khẳng định Mỹ “sẽ kiên trì với chính sách tái cân bằng đối với Châu Á, nếu như không muốn nói là (sẽ) làm nhiều hơn”. Trong khi ông Thomas Donilon,  Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ, lại nhấn mạnh quan hệ Mỹ-Trung là một nội dung quan trọng của chính sách tái cân bằng. Cách nói này cho thấy Trung Quốc từ đối tượng trở thành đối tác của chính sách tái cân bằng.
Ở một khúc quanh khác, mặc dù xung đột Trung-Nhật vẫn diễn ra ráo riết xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Trung Quốc sẽ cùng Nhật Bản và Hàn Quốc nối lại vòng đàm phán FTA tại Seoul từ ngày 26-28/3. Xung đột có thể được lợi ích chiến lược về chính trị kinh tế hóa giải. Liên kết kinh tế Đông Bắc Á này do Trung Quốc chủ đạo. Không ngại mang tiếng “bắt cá hai tay”, mấy ngày trước đây, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố sẵn sàng tham gia vòng đàm phán hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Liên kết này do Mỹ chủ đạo.
Như vậy, trong đối tượng có đối tác, trong đối tác có đối tượng. Lợi ích quốc gia được tối đa hóa thông qua chủ nghĩa thực dụng, gần với phương châm được Đặng Tiểu Bình ưa dùng “Không có đồng minh vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn”.
Vào thời điểm cao trào của chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ năm 2010-2011, các học giả Hồng Kông từng cho rằng tại Đông Á diễn ra thời đại “Chiến quốc tranh hùng”. Thời gian tới, không biết chừng sẽ diễn ra cuộc “Tam quốc diễn nghĩa”./.