February 27, 2014

Bầu Kiên & vàng

TBKTSG
Hải Lý 

Thứ Năm, 27/2/2014, 19:00 (GMT+7) 

(TBKTSG) - Thật khó viết về chân dung một con người vốn từng làm tốn nhiều giấy mực của các phương tiện truyền thông như ông Nguyễn Đức Kiên (thường được nhắc đến bằng cái tên “bầu Kiên”) trong một vài trang báo. Tội trạng của ông đến đâu, đúng sai thế nào là việc điều tra, xét xử của các cơ quan luật pháp. Trong bài viết dưới đây, tác giả chỉ ghi chép lại những thông tin nhặt nhạnh được về ông trực tiếp và gián tiếp trong quá trình tác nghiệp của một nhà báo chuyên theo mảng tài chính - ngân hàng, để bạn đọc tham khảo. 

Bầu Kiên nói gì trước giờ bị bắt? 

Hoàn toàn tình cờ, cuộc phỏng vấn của phóng viên TBKTSG với bầu Kiên kéo dài khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ, kết thúc lúc gần 17 giờ 30 chiều tại cà phê tầng trệt của khách sạn Hilton (Hà Nội) ngày 20-8-2012, diễn ra ngay trước thời điểm ông bị bắt tạm giam. Trước đó vài tiếng ông gặp gỡ một số phóng viên thể thao vì hình như hôm ấy có một số trận bóng đá gay cấn. Cuộc nói chuyện liên tục bị cắt ngang bởi tiếng chuông từ hai chiếc điện thoại di động. Ông không nghe hai, ba cuộc, rồi cằn nhằn: “Sao hôm nay nhiều điện thoại thế nhỉ?”. Có một cuộc ông trả lời ngắn gọn, đại khái về khoản tiền thưởng cho một đội bóng nào đó. Ông nói tiền thưởng vẫn như năm ngoái, 500 triệu đồng và cúp máy. 

Ba câu trả lời của ông khiến người nghe chú ý. Thứ nhất, ông đề xuất giảm lãi suất vì doanh nghiệp quá khó khăn. Tiếp theo, chấn chỉnh thị trường liên ngân hàng. Những khoản nợ đọng trên thị trường này thời điểm ấy khá lớn và ACB đang có dư nợ cho vay hơn 1.000 tỉ đồng cho một tổ chức tín dụng đã quá hạn chưa đòi được. (Mãi gần đây khoản nợ liên ngân hàng này của ACB mới được giải quyết bao gồm gốc và lãi thu được 9%/năm, thấp hơn nhiều so với lãi suất thỏa thuận cho vay ban đầu - NV). Điều thứ ba được ông nhấn mạnh là cho phép các ngân hàng được trích lập dự phòng rủi ro tối đa. Dường như có điều gì hơi bất thường trong sự nhấn mạnh vì rõ ràng cơ quan quản lý không hề giới hạn mức trích lập dự phòng, thậm chí Ngân hàng Nhà nước còn yêu cầu các ngân hàng tăng trích lập để xử lý nợ xấu. 

Ông ngần ngừ và không trả lời câu hỏi liệu việc trích lập dự phòng có liên quan đến kinh doanh vàng. Một câu hỏi khác ông cũng ngập ngừng là giá cổ phiếu Eximbank. Hai tuần liền thị giá Eximbank leo dốc và ngày hôm ấy nó vượt qua mốc 20.000 đồng/cổ phiếu. Trên thị trường có tin đồn một số cổ đông lớn, trong đó có ông đang mua vào. Ông xác nhận một nhóm cổ đông đang nắm giữ hơn 20% cổ phần Eximbank và phủ nhận khả năng Eximbank sẽ hợp nhất với ACB. Đề cập đến Sacombank ông nói một thành viên hội đồng quản trị của nhóm cổ đông mới phát biểu với báo chí sẽ không có ngân hàng nào sáp nhập vào Sacombank là không chính xác. “Phải nói là không sáp nhập trong tương lai gần”, ông bảo. 


Khi rời bàn đứng lên, không thấy ông kêu tính tiền. Có lẽ ông là khách quen ở đây? Ông đi ra cửa sau, nơi có chiếc Rolls Royce đứng đợi. Tầm 20-21 giờ hôm đó tin ông bị bắt lan trong cánh báo chí. Tôi gọi điện đến ACB, thông tin được xác nhận. 



 


Người dân đến giao dịch tại ACB sau khi nghe thông tin bầu Kiên bị bắt. Ảnh: Kinh Luân 

Lần “ra mắt” đầu tiên 
ACB thành lập đầu những năm 1990. Lúc đầu trong danh sách các cổ đông sáng lập không có tên bầu Kiên. Thời gian sau, khi đăng ký lại giấy phép kinh doanh, thấy không đủ người, các cổ đông sáng lập đồng ý đưa tên ông Kiên vào. Từ đó ông Kiên trở thành một trong những cổ đông sáng lập ngân hàng. 

Cả chục năm, khi ACB họp báo hay tiếp xúc với báo giới TPHCM, không bao giờ thấy có mặt bầu Kiên. Nhiều nhà báo theo mảng ngân hàng không biết ACB có một phó chủ tịch hội đồng quản trị tên Nguyễn Đức Kiên. Khi “ngày thứ ba đen tối” trong tháng 10-2003 xảy ra, ACB bị rút tiền bởi tin đồn thất thiệt tổng giám đốc bỏ trốn, bầu Kiên lần đầu “ra mắt” báo chí. Tối hôm ấy ở quầy giao dịch hội sở chính trên đường Nguyễn Thị Minh Khai của ACB, người ta thấy một người đàn ông tóc đen, hơi thấp, xăng xái đi lại, chỉ tay chỗ này chỗ kia. Khi thấy tình hình rút tiền không có dấu hiệu thuyên giảm, ông ta và một số lãnh đạo ACB tiến gần đến chỗ các quan chức Ngân hàng Nhà nước, đề nghị gì đó. Sau đấy nguyên Thống đốc Lê Đức Thúy đứng lên cái bàn giữa phòng giao dịch, tuyên bố cam kết đảm bảo tiền gửi của bà con an toàn và kêu gọi mọi người yên tâm về nhà. 

Gần 23 giờ đêm ACB họp báo. Đó là cuộc họp báo có một không hai, nhưng cánh phóng viên, kể cả phóng viên ảnh đến khá nhiều. Người gửi tiền vẫn tiếp tục xếp hàng rút tiền. Bên ngoài trời mưa. Trong đêm, những người đã rút được tiền không dám về, họ ôm tiền, ngồi ngay ở ngân hàng. Bên ngoài bảo vệ đóng cửa. Những người không vào được chen nhau đẩy cánh cổng. Đứng từ trên lầu một nhìn xuống, thấy cánh cổng chắc bật đến nơi, ông Kiên kêu anh em bảo vệ mở cho họ vào. 

Đêm không ngủ ấy tóc ông Kiên không đổi màu. Mấy năm sau tóc ông mới bạc trắng. 

Bầu Kiên đã sảy chân với vàng, sa cơ lỡ vận vì vàng và với vàng ông là “kẻ thua cuộc”. Vàng đã đẩy ông đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. 

Kẻ thua cuộc 

Những người thường xuyên tiếp xúc với ông Kiên nhận xét ông tham vọng. Một số người thân cận trong giới ngân hàng nói ông tham lam. Họ kể câu chuyện nửa đùa nửa thật. Một bữa ông Kiên ngồi trong nhà, thấy có con bò đi qua cửa, liền tìm cách dắt nó vào nhà nhưng không được. Thế là ông nói “tôi mất một con bò”! 

Sau khi gọi vốn nước ngoài, những năm 2005-2006 ACB và một số ngân hàng cổ phần “lớn” rất nhanh. Một phần do cơ hội Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO mang lại, phần khác tăng trưởng kinh tế những năm đó thuận lợi. Khi ấy ACB đã dẫn đầu khối cổ phần và thể hiện tham vọng cạnh tranh với bốn ngân hàng quốc doanh. Bước cạnh tranh đầu tiên là về tổng tài sản và lợi nhuận. 

Năm 2006 lợi nhuận trước thuế của ACB đạt 687 tỉ đồng. Năm sau con số lợi nhuận tăng gấp ba lần, nhảy lên 2.127 tỉ đồng. Cùng thời gian, tổng tài sản của ACB bắt đầu leo thang. Một trong những yếu tố tạo đà nhảy cho tổng tài sản của ACB là huy động vàng. Không có ngân hàng nào huy động được nhiều vàng trong dân như ACB. Vào lúc đỉnh điểm, ACB đã huy động được một lượng vàng khổng lồ, hơn 33 tấn. 

Quy định cho phép huy động vốn bằng vàng và chuyển 30% vàng huy động thành tiền để cho vay là một chủ trương thức thời. Tuy nhiên việc điều hành, quản lý và kiểm soát phải bám sát thực tế, đơn giản vì vàng là ngoại tệ, là thứ tài sản tích lũy mang tính truyền thống của người Việt Nam. Tiếc thay quản lý vàng suốt nhiều năm đã bị buông lỏng, làm ảnh hưởng đến tỷ giá, tạo ra những “lỗ hổng” và những cơn sốt có thời điểm làm chao đảo nền kinh tế. 

Bầu Kiên đã sảy chân với vàng, sa cơ lỡ vận vì vàng và với vàng ông là “kẻ thua cuộc”. Vàng đã đẩy ông đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Và khi sai lầm tích lũy, nó đã tiếp tay, dẫn ông đến những hành động vi phạm pháp luật. 

Giới ngân hàng cho biết bầu Kiên bắt đầu kinh doanh vàng tài khoản từ năm 2008. Ông sử dụng pháp nhân của sáu công ty không có chức năng kinh doanh vàng để tham gia vào thị trường vàng quốc tế. (Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kết luận ông phạm tội kinh doanh trái phép). Ông bán vàng trong nước, mua vàng tài khoản nước ngoài để bù đắp trạng thái. Điều này chẳng khác nào nghiệp vụ bán khống, mà một trong những quy tắc của bán khống là cover (mua lại) càng nhanh càng tốt. Bầu Kiên đã không làm như vậy. Có những đợt phải mấy tháng sau ông mới mua lại vàng đã bán. Chưa kể người ta bán khống trong thị trường giá xuống, còn ông bán khống trong thị trường giá lên. 

Tổng giám đốc một ngân hàng kể: “Năm 2009-2010 đi đâu cũng thấy ông Kiên kè kè một cái điện thoại và 5-10 phút lại nhìn vào đó để xem sự biến động giá vàng thế giới. Một lần tôi nói các tổ chức quốc tế đều dự báo giá vàng sẽ qua mốc 1.300 đô la Mỹ/ounce, ông gạt phắt làm gì có”. 

Cuối năm 2009, đầu năm 2010 bầu Kiên đã có những quyết định “chết người” với vàng. Ông vay vàng trong nước (vàng huy động của các ngân hàng), và bán. Có ngày ông bán 20.000 lượng vàng ở mức giá 26 triệu đồng/lượng. Vay vàng lãi suất thấp, bán và lấy tiền đồng gửi lại ngân hàng hoặc cho vay lãi suất cao, tính ra chênh lệch tới ba lần/năm. Tuy nhiên người tính không bằng trời tính. Không ai có thể ngờ giá vàng đã tăng với tốc độ chóng mặt. Khi giá tăng, ngân hàng yêu cầu người vay nộp thêm tài sản, hoặc tất toán trạng thái, chấp nhận lỗ. Vàng đã biến tài sản của bầu Kiên thành con số âm! Những đêm không ngủ theo dõi thị trường vàng thế giới (do múi giờ của châu Âu, Mỹ lệch với Việt Nam) là thủ phạm gây bạc tóc. Kể từ đó “ông đầu bạc” trở thành biệt danh của bầu Kiên. 

Cái “chết” vì vàng của bầu Kiên có thể sẽ không tạo ra nhiều hậu quả đến thế cho bản thân ông và ACB nếu ACB và một số ngân hàng kiên quyết ép buộc ông đóng trạng thái khi đến điểm phải cắt lỗ. Đằng này họ đã cho ông nợ trạng thái với hy vọng giá vàng thế giới quay đầu đi xuống. Trên thị trường đầu cơ, không có cái gì lên mãi và cái gì xuống mãi. Đúng là giá vàng quốc tế đã giảm sau 12 năm thăng hoa, nhưng nó giảm ở thời điểm quá xa so với ngày bầu Kiên bán khống. 

Vòng lao lý 

Để bù đắp cho sự mất mát do vàng gây nên, bầu Kiên lao vào kiếm tiền bằng kinh doanh chứng khoán, kinh doanh ngân hàng, bằng “tư vấn” cho một số thương vụ thâu tóm từ nguồn tiền ảo. Một trong những thứ tài sản ông sở hữu là cổ phiếu ngân hàng. Một lãnh đạo ngân hàng có thâm niên phân tích: “Ông Kiên đã dùng tiền của ACB để mua cổ phiếu ACB, kể cả mua bán “kỹ thuật” tay phải qua tay trái, nhằm đỡ giá cổ phiếu. ACB là blue-chips, có ảnh hưởng đến mặt bằng cổ phiếu ngân hàng nói chung. Ai cũng nhìn thấy sự rơi tự do của cổ phiếu ngân hàng trong những năm qua khắc nghiệt như thế nào. Nếu đà rơi không bị chặn lại, không ít các ông chủ ngân hàng sẽ gặp “nạn”, vì tỷ lệ đòn bẩy để có tiền góp vào các đợt tăng vốn của tổ chức tín dụng rất lớn”. 

Bầu Kiên dính vào vòng lao lý đã kéo theo phần lớn dàn lãnh đạo ACB liên lụy. Từ lâu ACB đã tập trung vào các nghiệp vụ đòi hỏi nhiều “chất xám” như kinh doanh trái phiếu; kinh doanh liên ngân hàng; vàng, ngoại tệ; cho vay với khách hàng có thu nhập tầm trung trở lên ở các đô thị và ngân hàng đầu tư. ACB không cho vay với nông thôn, nông dân. Rất ít khi tỷ lệ cho vay trên huy động của ACB đến 80%. Ít ai biết rằng ACB đã từng “thắng” lớn khi đầu tư vào trái phiếu chính phủ của một số quốc gia bị định giá tín nhiệm rủi ro với lãi suất bằng ngoại tệ tới 8%/năm. 

Như đã viết ở đầu bài, khó có thể đưa vào hết chi tiết ngóc ngách về bầu Kiên trong khuôn khổ một bài báo. Xét cho cùng, vì sao một số ngân hàng cho bầu Kiên vay vàng nhiều đến thế để bán? Vì sao chấp nhận cho ông nợ? Bằng cách nào ông trở thành cổ đông lớn và thể hiện vai trò chi phối ở một số tổ chức tín dụng? Cách thức ông khống chế các thành viên hội đồng quản trị và nhất là vì sao người ta lại nhắc đến tên ông mỗi khi đề cập đến vụ thâu tóm thù địch ở Sacombank dù ông không sở hữu một cổ phiếu nào ở đó? Câu chuyện còn dài và có thể một ngày nào đó chúng tôi sẽ tiếp tục ghi lại hầu bạn đọc. 

February 26, 2014

Đi Học và Đi Dạy

Theo TTD Blog's

Đi Học và Đi Dạy
Nguyễn Ngọc Chính: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc trôi đi, thì lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường… 

Thủ bút của Thanh Tịnh … Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học…”

Ở Miền Nam, chắc hẳn những người ngày nay đã ngoài 60 không thể nào quên đoạn văn trên của Thanh Tịnh [1] trong truyện ngắn Tôi Đi Học, rút từ tập Quê Mẹ, viết năm 1941. Đó là “bài văn mẫu” của môn Việt văn mà tất cả học sinh trung học đều phải học thuộc nằm lòng và đó cũng là những cảm xúc của một cậu bé lần đầu được mẹ dẫn đến trường làng:

“Trước mặt tôi, trường Mỹ Lý vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình Hòa Ấp. Sân nó rộng, mình nó cao hơn những buổi trưa hè đầy vắng lặng. Lòng tôi đâm ra lo sợ vẩn vơ… Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nửa hay dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim con đứng trên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ…”

Ngày xưa, hiệu trưởng được gọi bằng tên “Ông Đốc”. Ông Đốc trường Mỹ Lý đọc tên những học trò “lính mới tò te” và Thanh Tịnh cảm thấy như “quả tim ngừng đập” khi tên mình được đọc lên để xếp hàng vào lớp. Ông Đốc nhắn nhủ học trò mới:

“Thế là các em đã vào Lớp Năm [ngày nay là Lớp Một]. Các em phải cố gắng học để thầy mẹ được vui lòng, và để thầy dạy chúng em được sung sướng. Các em đã nghe chưa?... Thôi, các em đứng sắp hàng để vào lớp học.”

Quả thật đám học trò mới nghe rất rõ nhưng chẳng đứa nào dám mạnh dạn trả lời. Cũng may đã có tiếng dạ ran của phụ huynh đáp lại… Một cậu đứng đầu ôm mặt khóc và cậu bé Thanh Tịnh bất giác quay lưng lại rồi dúi đầu vào lòng mẹ, nức nở khóc theo, đâu đó cũng có tiếng thút thít…

Kể cũng buồn cười. Khi ra chào đời mọi người đều cất tiếng khóc và rồi lại có những người cất tiếng khóc… chào lớp, chào trường trong khung cảnh trang nghiêm của ngày đầu đi học. Và thế là kể từ lúc đó bắt đầu một chuỗi ngày dài đằng đẵng để làm học sinh mà người đời vẫn gán cho một cái tội… “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”.

Quả thật, đứng hàng thứ ba sau quỷ và ma là điều mà những học trò nghịch ngợm nhất cũng cảm thấy sự ví von là… quá đáng. Còn đối với những học trò ngoan ngoãn thì sự ví von này đúng là… bất công.

Có chê thì cũng phải có khen. Có một bài hát mà học trò ở Miền Nam ngày xưa đều thuộc nằm lòng, đó là bài Học sinh hành khúc (nghe tại: http://mp3.zing.vn/bai-hat/Hoc-sinh-.../IWZC8I09.html). Nhạc sĩ Lê Thương ca tụng học sinh hết lời với những câu mở đầu không thể nào hay hơn:

Học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau.
Học sinh xây đời niên thiếu trên bao công lao.
Lúc khắp quốc dân tranh đấu hy sinh cho nền độc lập.
Học sinh nề chi tuổi xanh trong lúc phấn đấu.
Đem hết can tràng của người Việt Nam tiến lên!
Khi cất tiếng hát bài hành khúc, có học trò nào mà không tự hào khi được gắn liền với những lý tưởng cao đẹp như tổ quốc, độc lập… rồi tới điệp khúc lại vinh danh học sinh bằng những hình ảnh như “mầm sống của ngày mai”, “nối chí lớn”, “sống vì giống nòi” và “liều thân vì nước, vì dân”…

Học sinh là mầm sống của ngày mai.
Nung đúc tâm hồn để nối chí lớn.
Theo các thanh niên sống vì giống nòi.
Liều thân vì nước, vì dân mà thôi.

Biết bao thế hệ học sinh đã hăng say cất tiếng hát Học sinh Hành khúc từ cuối thập niên 50 để quên đi cảnh lớp học của thầy đồ với lũ học trò nằm bò trên phản hay trên chiếu để học viết chữ Nho của thánh hiền khiến Trần Tế Xương đã phải thốt lên:

“Thầy đồ thầy đạc, dạy học dạy hành
Vài quyển sách nát, ba thằng trẻ ranh”

Hồi đó còn chưa có lối so sánh “nhất quỷ, nhì ma…” nên thầy đồ Cao Bá Quát đã ví học trò là thứ “nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi”, một lối “tả chân” đầy hình tượng:

“Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, một chó cái
Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi”
Học trò ngày xưa khi bắt đầu đi học với thầy đồ là bắt đầu ê a Tam Tự Kinh, mỗi câu chỉ có 3 chữ được viết theo vần điệu, khởi đầu là “Nhân chi sơ, tính bổn thiện” (con người sinh ra, bản tính vốn thiện lành) được dân gian “chế” thành… “Nhân chi sơ, sờ tí mẹ”!

Học hết Tam Tự Kinh là có số vốn hơn 1000 chữ Hán để tiếp tục học lên cao. Tam Tự Kinh còn dạy đạo lý làm người như “Ngọc bất trác, bất thành khí; Nhân bất học, bất tri lý" (Ngọc không mài không thành đồ quý; Người không học không biết đạo lý).

Có thể nói, Tam Tự Kinh là một trong những cuốn sách giáo khoa duy nhất cho người học chữ Nho bao gồm các môm đạo đức, sử ký, vạn vật mà học sinh các thế hệ chữ quốc ngữ học tại trường lớp được tổ chức có quy củ sau này phải dùng nhiều sách theo kiểu Tây học.


Lớp học của thầy đồ xưa 

Thầy đồ thường là những “tú tài lạc đệ” hay nói khác đi là những người thất bại trong thi cử nên về “ở ẩn” mở lớp dạy học. Đọc Lều Chõng của Ngô Tất Tố người ta mới thấy con đường làm quan ngày càng thu hẹp và con đường làm thầy đồ ngày càng mở rộng. Ngô Tất Tố viết: 

“Ngày nay nghe đến hai tiếng "Lều", "Chõng" có lẽ nhiều người sẽ lấy làm lạ vì những vật ấy từ biệt chúng ta mà đi đến chỗ mất tích đã gần ba chục năm nay. Nhưng mà trước hơn hai chục năm đi ngược trở lên, cho đến hơn một nghìn năm, "Lều" "Chõng" vẫn làm chủ vận mệnh của giang sơn cũ kỹ mà người ta vẫn khoe là "bốn nghìn năm văn hiến". Những ông ngồi trong miếu đường làm rường làm cột cho nước nhà, những ông ở nơi tuyền thạch, làm khuôn mẫu cho đạo đức phong hóa, đều ở trong đám lều chõng mà ra.

Lều Chõng với nước Việt Nam không khác một ông tạo vật, đã chế tạo đủ các hạng người hữu dụng hoặc vô dụng. Chính nó đã làm cho nước Việt Nam trở nên một nước có văn hóa, rồi lại chính nó đã đưa nước Việt Nam đến cõi diệt vong. Vì nó, nước Việt Nam trong một thời kì rất dài đã phát hiện ra nhiều cảnh tượng kỳ quái, có thể khiến cho người ta phải cười, phải khóc, phải rùng rợn hồi hộp”.


Chân dung một thầy đồ phải nói chữ nghĩa tiếng Việt đã may mắn chọn con đường “La Tinh Hóa”, một phương tiện tiếp cận với văn minh Âu Mỹ dễ dàng hơn so với chữ Hán và chữ Nôm. Nước ta sau một thời gian dài Bắc Thuộc với cách viết tượng thanh, tượng hình, chỉ sự, hội ý… qua hơn 200 bộ chữ đã thực hiện được một cuộc chuyển hướng ngoạn mục theo mẫu tự La Tinh.

Hồi còn trong trại cải tạo tôi đã có một thời gian học viết chữ Nho với “thầy đồ” là một anh bạn người Việt gốc Hoa, đổi lại tôi “kèm” Anh văn cho anh, thế là cả hai bên “cùng có lợi”. Thay vì bút lông, chúng tôi dùng que viết lên mặt đất và cứ như thế vốn Hán văn của tôi lên đến… cả trăm chữ!

Kinh nghiệm bản thân cho thấy “ở tù” là thời gian tốt nhất để học hỏi từ các bạn đồng cảnh ngộ. Việc học trong giai đoạn “chẳng đặng đừng” này khiến ta khám phá được nhiều điều mới lạ mà ngoài đời thường sẽ chẳng bao giờ học được. Bản thân việc tìm tự do trong hoàn cảnh “mất tự do” cũng là một bài học mà ít người chú ý đến. 

Làng tranh dân gian Đông Hồ và Hàng Trống khai thác mảng thầy đồ qua những bức tranh vui, điển hình là bức “Lão oa giang độc” (Thầy đồ cóc) vẽ một lớp học này xưa với “thầy đồ cóc” ngồi trên sập gụ, phía dưới là cả một bầy cóc nhái, con thì đứng khúm núm trả bài cho thầy, con thì bưng nước cho thầy giải lao.

Góc trên phía bên phải có cóc “trưởng tràng” hay “giảng tràng” là những “trợ lý” của thầy đồ đang giảng bài cho những học trò mới. Góc dưới phía bên phải là cảnh một chú nhái lười học đang bị đánh đòn bằng roi mây.

Bức tranh “cóc nhái” nói lên cảnh nền Nho học đang bước vào thời kỳ suy thoái, đó là giai đoạn chuyển tiếp trước khi có chữ quốc ngữ. Đó cũng là thời kỳ “đổi bút lông sang bút chì” hay còn được gọi là “bỏ Nho học sang Tây học”. 


Thầy đồ cóc và lũ học trò 

Bắt đầu từ năm 1917 chính quyền thuộc địa của người Pháp đã áp dụng một hệ thống giáo dục thống nhất trên toàn cõi Đông Dương, gồm 3 miền Bắc, Trung, Nam và hai nước lân cận là Lào và Cao Miên. Hệ thống giáo dục này có ba bậc: tiểu học, trung học, và đại học. Chương trình học là chương trình của Pháp, với một chút sửa đổi nhỏ áp dụng cho các cơ sở giáo dục bản xứ, dùng tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính, tiếng Việt chỉ là ngôn ngữ phụ.

Tại Miền Bắc, nổi tiếng trong thời Pháp thuộc là trường Bưởi một cái tên mà học sinh thời đó hay dùng để tránh gọi cái tên do người Pháp đặt ra từ năm 1908: Collège du Protectorat (Trường Thành chung Bảo hộ). Năm 1931, trường được nâng cấp thành một Lycée (tương đương trường cấp III hiện nay): Lycée du Protectorat (Trường Trung học Bảo hộ). Trường được xây dựng trên đất làng Thụy Khuê ở vùng Kẻ Bưởi, ven hồ Tây, nên người dân vẫn gọi là trường Bưởi.

Bắc Kỳ khi đó chỉ có trường Bưởi là trường dành cho học sinh người Việt, mỗi năm chỉ có 120 chỗ cho học sinh mới khiến ngôi trường này đã trở thành cái nôi của lớp trí thức Bắc Hà. Ngoài ra, Hà Nội còn có Lycée Albert Sarraut chỉ dành cho học sinh người Pháp, họ lấy rất ít học sinh Việt.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn [2], Bộ Trưởng Giáo dục-Mỹ thuật trong nội các Trần Trọng Kim đã ký nghị định xóa bỏ tên Collège du Protectorat, thay bằng tên mới là Quốc lập Trung học hiệu Chu văn An (Trường Trung học Chu Văn An) và cử giáo sư Nguyễn Gia Tường làm Hiệu trưởng. Ông là Hiệu trưởng người Việt đầu tiên của Trường Bưởi.

Cùng với việc đổi tên trường, ông Hoàng Xuân Hãn còn quy định việc học và thi Tú Tài bằng tiếng Việt, dùng tiếng Việt trong trường học khi “Đế quốc Việt Nam” của chính phủ Trần Trọng Kim tuyên bố độc lập vào ngày 17/4/1945. Chương trình giáo dục của Việt Nam, còn gọi là chương trình Hoàng Xuân Hãn, được đem ra áp dụng tại Trung kỳ và Bắc kỳ. 


Trường Bưởi (Trường Bảo hộ – Lycée du Protectorat) 

Riêng ở miền Nam, vì có sự trở lại của người Pháp nên chương trình giáo dục Pháp vẫn còn tiếp tục cho đến giữa thập niên 1950. Collège Chasseloup-Laubat (tên của Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại, còn gọi là Bộ thuộc địa) là trường trung học đầu tiên ở Sài Gòn. Trường được thành lập từ năm 1874, dạy học sinh từ tiểu học đến hết trung học theo chương trình Pháp. 

Trường được chia thành 2 khu vực: Khu dành riêng cho học trò người Pháp (Quartier Européen) và Khu bản xứ (Quartier Indigène). Ðến năm 1958, trường đổi tên là Lycée Jean-Jacques Rousseau, tên một nhà trí thức Pháp trong phong trào "Ánh Sáng" thế kỷ 18. Sau năm 1975, trường lại được đổi tên thành Trường Phổ thông Trung học Lê Quý Đôn.


Collège Chasseloup-Laubat 

Nhớ lại thời điêu linh sau khi đi học tập cải tạo về, tôi có một thời gian bươn chải đủ nghề từ “lao động phổ thông” chuyên ngồi đập gạch, lên đến chân bán hàng cho bà chị họ tại Chợ Lớn Mới rồi đi bỏ mối lò dầu hôi đúng vào thời kỳ “Đổi Mới”.

Cũng may, chính quyền mới “cho phép” một số cựu giảng viên trường Sinh ngữ Quân đội được dạy Anh văn qua hình thức “cộng tác” với Trung tâm Nghiên cứu & Dịch thuật. Trung tâm này mở nhiều lớp đêm tại các trường lớn trong thành phố, trong đó có trường Lê Quý Đôn mà tiền thân là Collège Chasseloup-Laubat.

Phải nói đây là ngôi trường khang trang nhất Sài Gòn với những gốc cây cổ thụ có hàng trăm năm tuổi, có mái ngói rêu phong, có tường sơn màu vàng với kiến trúc hoàn toàn theo phong cách Pháp.

Giờ nghỉ giải lao tôi lại có dịp ghé “giang sơn” của ca sĩ Duy Trác và vợ đứng… bán nước. Tôi không uống nước nhưng dành 10 phút giải lao quý giá đó để cùng Duy Trác nhắc lại những giai đoạn thấm thía của thời điêu linh.

Cũng may nhờ chỗ quen biết qua tình “đồng nghiệp”, dù chỉ dạy lớp đêm, tôi còn xin cho hai đứa con gái được vào học Lê Quý Đôn. Đây là một ngôi trường hầu như chỉ dành riêng cho con em của những người có chức, có quyền…


Trường Lê Quý Đôn ngày nay 

Kể từ năm 1954, hoàn cảnh lịch sử và chiến tranh đã chia nền giáo dục Việt Nam thành hai hệ thống trái ngược nhau qua việc hình thành hai thể chế: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) tại Miền Bắc và Việt Nam Cộng hòa (VNCH) tại Miền Nam. Hai nền giáo dục này trong suốt 20 năm đã đào tạo ra những tầng lớp thanh niên theo đúng hướng mà các chính phủ đã đề ra. 

Điều rõ nét nhất là nền giáo dục VNDCCH tại Miền Bắc có định hướng chính trị và giáo dục được xem là một thành phần phục vụ quan điểm của nhà nước. Trong khi đó, tại Miền Nam, giáo dục được xây dựng trên ba nguyên tắc: nhân bản, dân tộc và khai phóng theo tinh thần của Đại hội Giáo dục Quốc gia (lần I) tại Sài Gòn vào năm 1958.

Tại Miền Bắc, trong những thập niên 1940 và 1950 là phải xóa nạn mù chữ với sự đóng góp của Nha Bình dân Học vụ. Về hình thức, hệ thống giáo dục của Trung Quốc và Liên Xô được dùng làm mẫu với sự giúp đỡ của các cố vấn Liên Xô.

Từ năm 1950, hai bậc tiểu học và trung học được quy định lại với tổng cộng có 9 lớp: tiểu học (cấp I), 4 năm; trung học cơ sở (cấp II), 3 năm và trung học phổ thông (cấp III), 2 năm. Tuy nhiên, đến năm 1956, chính quyền lại ra nghị quyết cải tổ giáo dục phổ thông, đổi lại thành 10 năm: cấp I, 4 năm; cấp II và cấp III, mỗi cấp có 3 năm.

Năm 1956, VNDCCH tổ chức lại cấp đại học và lập ra năm trường đại học gồm Bách khoa, Nông lâm, Sư phạm, Y dược và Tổng hợp. Cũng kể từ đó giáo trình đại học bỏ mô hình của Pháp và theo chương trình học của Liên Xô, chú tâm đến mặt thực dụng.

Hệ thống giáo dục đại học bị phân tán đơn lẻ khiến Bộ Giáo dục không giữ vai trò quản lý mà chỉ là cơ quan liên lạc giữa các trường sở. Bậc đại học trong thời gian hơn 20 năm không cấp bằng tiến sĩ nào nên sinh viên cần đào tạo kiến thức cao hơn sẽ phải đi du học ở Liên Xô và Đông Âu.

Cũng vì quan niệm giáo dục phải phục vụ mục tiêu chính trị nên bất kể học ở chuyên ngành nào, sinh viên đại học đều phải học triết học Mác-Lê và lý thuyết đấu tranh giai cấp. Sinh viên khi tốt nghiệp không trình luận án mà chỉ thi hai phần: Chuyên môn và Chính trị.

Bắt đầu từ niên học 1959-1960, các đối tượng được xét tuyển vào đại học được xếp thành ba nhóm với những điều kiện căn cứ trên giai cấp và lý lịch:

(1) Thành phần cán bộ kháng chiến, thanh niên giai cấp công nông, cán bộ dân tộc thiểu số có lý lịch sạch, tư tưởng chính trị vững chắc, học xong lớp 10 sẽ được ưu tiên nhập học; (2) Thành phần cán bộ, đảng viên, con em bần nông, cố nông, hoặc trung nông, con em liệt sĩ và (3) Thành phần khác được chọn theo điểm nhưng thành phần "giai cấp bóc lột" không được quá 3%.

Chỉ 6 ngày sau khi sự kiện 30/4/1975, Arthur W. Galston, Giáo sư Đại học Yale đến Miền Bắc, khi đó vẫn thuộc thể chế VNDCCH. Bài viết của Galston trên tạp chí Science (số ra ngày 29/8/1975) tiết lộ một trong những chủ đề khiến các nhà lãnh đạo Miền Bắc bận tâm vào lúc đó là vấn đề thống nhất với Miền Nam: “Việc thống nhất trong lĩnh vực khoa học và giáo dục có lẽ sẽ có nhiều khó khăn vì hai miền đã phát triển theo hai chiều hướng khác nhau trong nhiều thập niên”.

Nhưng dù cho có nhiều khó khăn, Galston vẫn nhận thấy “các nhà lãnh đạo miền Bắc công khai bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với nhiều đặc điểm của nền khoa học và giáo dục ở Miền Nam; họ dự định kết hợp những đặc điểm này vào Miền Bắc khi quá trình thống nhất đang được thảo luận sôi nổi…”


Lễ khai giảng trường Đại học Quốc gia Việt Nam, 
cơ sở giáo dục đại học đầu tiên của VNDCCH năm 1945 

Tại Miền Nam, ngay từ những ngày đầu hình thành nền Đệ nhất Cộng hòa, những người làm công tác giáo dục đã xây dựng được nền móng quan trọng cho quốc gia, tìm ra câu trả lời cho những vấn đề giáo dục cốt yếu và những gì thuộc phạm vi chính trị nhất thời đều ngưng lại trước ngưỡng cửa học đường.

Ông Mai Thái Lĩnh, cựu sinh viên Viện Đại học Đà Lạt, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Đà Lạt sau năm 1975 kể lại:

“Tôi là con của một cán bộ Việt Minh – tham gia Cách mạng tháng Tám tại Lâm Đồng sau đó tập kết ra miền Bắc [...] Chế độ Việt Nam Cộng hòa lúc đó biết lý lịch của tôi, nhưng vẫn không phân biệt đối xử, cho nên tôi vẫn có thể học hành đến nơi đến chốn. Tính chất tốt đẹp của nền giáo dục cũ của Miền Nam là điều tôi công khai thừa nhận, vì vậy suốt 14 năm phục vụ trong ngành giáo dục "xã hội chủ nghĩa" (1975-1989), tôi bị người ta gán cho đủ thứ nhãn hiệu, chụp cho nhiều thứ mũ chỉ vì tôi nêu rõ những ưu điểm của nền giáo dục cũ cần phải học hỏi. Chính là do thừa hưởng nền giáo dục đó của miền Nam mà tôi có được tính độc lập trong tư duy, không bao giờ chịu nô lệ về tư tưởng...”


Nữ sinh Miền Nam 


Về tổng quan, người ta thấy mô hình giáo dục ở Miền Nam có khuynh hướng xa dần ảnh hưởng của Pháp vốn chú trọng đào tạo một số ít phần tử ưu tú trong xã hội và có khuynh hướng thiên về lý thuyết. Thay vào đó là việc áp dụng mô hình giáo dục của Hoa Kỳ có tính cách đại chúng và thực tiễn.

Dĩ nhiên có những điều khen-chê về mô hình này, có ý kiến cho rằng: “Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đế quốc Mỹ đã thay chân Pháp, nhảy vào miền Nam Việt Nam. Mỹ-Ngụy đã cố sử dụng giáo dục làm công cụ xâm lược Việt Nam. Chúng đã gieo rắc trong học sinh, sinh viên tư tưởng hoài nghi, mơ hồ, tư tưởng an phận, sợ Mỹ, phục Mỹ. Chúng phát triển trong học sinh, sinh viên lối sống thực dụng, quay lưng với hiện tại, chấp nhận cuộc sống vị kỷ ương hèn... Mặt khác, Mỹ-Ngụy tìm mọi cách tiêu diệt nền giáo dục cách mạng, tìm cách ngăn chặn, loại trừ những mầm mống cách mạng trong nhà trường.”

Hai nền Cộng hòa (đệ nhất và đệ nhị) chỉ tồn tại chỉ trong 20 năm, từ 1955 đến 1975, nhưng phải nhìn nhận hoạt động giáo dục đã phát triển vượt bậc, bất chấp những ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh và những bất ổn chính trị thường xảy ra. Thêm vào đó là tình trạng ngân sách eo hẹp do phần lớn ngân sách quốc gia phải dành cho quốc phòng và nội vụ.

Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn thuộc Viện Đại học Sài Gòn được thành lập vào năm 1957, là cơ sở sư phạm đầu tiên, bắt đầu khai giảng năm 1958. Sau có thêm các trường Cao đẳng Sư phạm ở Ban Mê Thuột, Huế, Vĩnh Long, Long An, Quy Nhơn, Nha Trang, Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên. Bên cạnh đó còn có Trường Đại học Sư phạm Huế thuộc Viện Đại học Huế và Trường Đại học Sư phạm Đà Lạt thuộc Viện Đại học Đà Lạt.


Một lớp tiểu học ở Miền Nam năm 1961 

Vào thời điểm năm 1974, cả nước có 16 cơ sở đào tạo giáo viên tiểu học với chương trình hai năm còn gọi là chương trình Sư phạm Cấp tốc. Chương trình này nhận những người đã đậu bằng Trung học Đệ nhất cấp, hằng năm đào tạo khoảng 2.000 giáo viên tiểu học.

Giáo sư trung học thì phải theo học chương trình của trường Đại học Sư phạm. Sinh viên các trường sư phạm được cấp học bổng nếu ký hợp đồng 10 năm làm việc cho chính phủ ở các trường công lập sau khi tốt nghiệp.

Chỉ số lương của giáo viên tiểu học mới ra trường là 250, giáo học bổ túc hạng 5 là 320, giáo sư trung học đệ nhất cấp hạng 4 là 400, giáo sư trung học đệ nhị cấp hạng 5 là 430, hạng 4 là 470. Với mức lương căn bản như vậy, cộng thêm phụ cấp sư phạm, nhà giáo ở các thành phố thời Đệ nhất Cộng hòa có cuộc sống khá thoải mái, có thể mướn được người giúp việc trong nhà.

Sang thời Đệ nhị Cộng hòa, đời sống bắt đầu đắt đỏ, vật giá leo thang, nhà giáo cảm thấy chật vật hơn, nhất là ở những thành phố lớn như Sài Gòn và Đà Nẵng. Tuy vậy, lúc nào các nhà giáo cũng giữ vững tinh thần và tư cách của nhà mô phạm từ cách ăn mặc thật đứng đắn đến cách ăn nói, giao tiếp với phụ huynh và học sinh, và với cả giới chức chính quyền địa phương.

Việc thi cử cũng có nhiều cải tiến. Đề thi trắc nghiệm đã được sử dụng cho môn Công dân, Sử, Địa trong các kỳ thi Tú tài I và Tú tài II từ niên khóa 1965-1966. Ngay từ đầu những năm 1970, Nha Khảo thí của Bộ Quốc gia Giáo dục đã ký hợp đồng với công ty IBM để “điện toán hóa” toàn bộ hồ sơ thí vụ, từ việc ghi danh, làm phiếu báo danh, chứng chỉ trúng tuyển... đến các con số thống kê cần thiết.

Bảng trả lời cho đề thi trắc nghiệm được đặt từ Hoa Kỳ, và bài làm của thí sinh được chấm bằng máy IBM 1230. Điểm chấm xong từ máy chấm được chuyển sang máy IBM 534 để đục lỗ. Những phiếu đục lỗ này được đưa vào máy IBM 360 để đọc điểm, nhân hệ số, cộng điểm, tính điểm trung bình và tính thứ hạng trúng tuyển. Đến năm 1974, các môn thi trong kỳ thi tú tài gồm toàn những câu hỏi trắc nghiệm. 

Viện Đại học Sài Gòn, cơ sở giáo dục đại học lớn nhất Miền Nam 

Đọc Ngựa Chứng Trên Sân Trường của Duyên Anh [3] người ta thấy rõ bức tranh toàn cảnh của việc Dậy và Học dưới thời VNCH trong thời chiến tranh. Nhân vật chính trong truyện là thầy giáo Trần Minh Định, 24 tuổi, độc thân và thậm chí còn chưa có người yêu.

Định xuất thân từ một đứa trẻ nhà nghèo, đi bán báo từ năm học Đệ Thất để có tiền ăn học và vì yêu nghề dạy học nên anh thi vào Đại học Sư phạm. Khi ra trường, anh được bổ nhiệm về dạy tại một tỉnh miền Đông, “thành tích” đầu tiên của anh là “chống gian lận thi cử” nên bị trả về Bộ. Cuối cùng anh chọn một trường trên cao nguyên và đối đầu với vài “con ngựa chứng” lớp Đệ Nhị B2.

Một trong những “con ngựa” chứng đã nói thẳng vào mặt thầy Định: “Ông mới về đây biết con mẹ gì. Lớp này trước hơn sáu chục mạng. Mỗi ngày một vơi đi, giờ chỉ còn ba chục. Bạn bè tôi lần lượt đi lính. Nhiều đứa đã chết. Tôi cóc muốn học. Tôi khoái nổi loạn, chờ ngày đăng lính. Ông cứ việc đuổi tôi. Tôi tởm những thằng giáo sư trẻ. Chúng nó vô tư cách”.

Giáo sư Định suy nghĩ: “Ở trường sư phạm, người ta không dạy tôi cách đối phó với những đứa học trò ngang tàng. Người ta chỉ truyền cho tôi những kinh nghiệm sư phạm và khả năng chuyên môn. Tôi đã thực tập tại nhiều trường. Những lớp tôi tới thực tập toàn là lớp kiểu mẫu. Tôi cũng đã đọc thêm nhiều sách viết về tâm lý giáo dục. Tuyệt nhiên, tôi chưa được học, được đọc cách giáo huấn phủ đầu những học trò như những thằng đang khiêu khích tôi. Tôi hơi bối rối (…) Vì tôi không thể tưởng tượng “Bầy Thú Trước Bảng Đen” [4] lại có thật trước bảng đen trong lớp học của tôi. Tôi là đứa trẻ nghèo khổ đã chinh phục mọi nỗi gian nan để vươn lên. Tôi kiêu hãnh điều đó. Tôi đã chiến thắng cuộc đời thì không thể thua một vài con ngựa chứng”.


"Ngựa Chứng Trrong Sân Trường" của Duyên Anh 

Sang đến thời kỳ “hậu-1975” có nhiều điều đáng nói về giáo dục. Trong niên học 1975-1976, niên học đầu tiên của hai miền Nam-Bắc, lối học tập chính trị được đem áp dụng triệt để ở Miền Nam và cả năm học đó được dành cho "công tác chính trị tư tưởng" cho các học sinh, sinh viên cũng như giáo viên, giảng viên.

Đặc biệt, giáo viên môn Văn và Sử phải là người từ Miền Bắc “tăng cường” vào Nam vì họ là những người có đủ trình độ chính trị để giảng dạy. Chính một cán bộ văn hóa đã tuyên bố một câu hết sức thẳng thừng khi trả lời nhà văn Nguyễn Thị Hoàng: “Miền Nam của các anh chị làm gì có văn hóa!”

Học sinh có một số là con em cán bộ từ Miền Bắc vào và được xếp lớp theo tiêu chuẩn lớp 7 ngoài Bắc thì vào ngồi lớp 9 và lớp 8 leo lên lớp 10 trong Nam. Lý do là bậc trung học của miền Bắc chỉ có 10 năm, còn trong Nam, học trò phải trải qua tới 12 năm.

Về phần giáo viên thuộc chế độ cũ, họ phải làm quen với một số từ ngữ lạ tai như “đứng lớp”, “tiết học”, “giáo trình”, “giáo án”, “phụ đạo”, “ngoại khóa”… rồi cả những cụm từ ngữ như “giáo viên chủ nhiệm”, “học sinh cá biệt”, “lao động xã hội chủ nghĩa”, “dũng sĩ kế hoạch nhỏ”…

Nhà văn Nhật Tiến [5], với gần 4 năm giảng dạy “dưới mái trường xã hội chủ nghĩa”, đã có nhiều ghi chép khá thú vị về giai đoạn này qua loạt bài “Nhà giáo – một thời nhếch nhác” viết năm 2012 tại California.

Trước khi được gọi là nhà văn, Nhật Tiến đã là một nhà giáo với hơn 15 năm cầm phấn giảng dạy môn Lý-Hóa. Tuy nhiên, sau khi Sài Gòn đổi chủ, ông cảm thấy “mình phải kiêm nhiệm cùng một lúc cả hai vai trò: vừa là thầy giảng dạy, vừa là tên học trò cứ bị nhà trường uốn nắn thường xuyên từ tác phong, cử chỉ cho đến lời ăn tiếng nói”
… 

“Tôi sẽ không oán thán gì về cái sự đã làm thầy giáo rồi mà vẫn cứ bị đè cổ ra để bắt học tiếp. Miễn là việc học ấy không bắt tôi phải chối bỏ chính mình, và nó thực sự đem lại cho tôi những kiến thức tốt đẹp để tôi có thể truyền đạt lại cho học sinh trong vai trò của một nhà giáo”.

Và đây là tâm sự thầm kín của Nhật Tiến, một giáo viên được “lưu dung” dưới “mái trường xã hội chủ nghĩa”:

“Trong mấy tuần lễ đầu, lớp học của tôi chỉ lác đác có vài đứa học trò vốn là con em cán bộ từ xa tới, còn hầu hết đều là những học sinh miền Nam cũ. Đứng trên bục giảng, nếu mắt không chạm phải tấm biểu ngữ nền đỏ chữ vàng treo ở bức tường phía cuối lớp thì tôi vẫn tưởng như mình đang giảng dạy trong một lớp học của hai năm trước đó. Nhưng cái cảm giác này bị tan biến đi ngay vì tôi biết rất rõ biểu ngữ này trên có chữ “Không có gì quý hơn độc lập tự do” đã nghiễm nhiên thay thế cho hàng chữ “Tiên học Lễ, hậu học Văn” vốn ngự trị ở đó từ hàng chục năm qua. Hồi đầu hè, đã có lần tôi hỏi một thầy trong Hội Nhà Giáo Yêu Nước là tại sao lại xóa bỏ câu “Tiên học Lễ, hậu học Văn” thì thầy nhún vai trả lời “tàn dư lạc hậu, hay ho gì cái thứ lễ nghĩa đó”.

“Đám giáo viên thuộc chế độ cũ chúng tôi, bất kể thâm niên hay cấp lớp giảng dạy, trong niên học đầu tiên mọi người đều được lãnh đồng đều mỗi tháng 30 đồng, và chỉ thay đổi bậc lương khi mỗi người được chính thức vào “biên chế”. Lương 30 đồng mà thời giá khi đó là 10 đồng 1 kí gạo, 1 đồng 1 lon ngô đong vừa đầy một ống lon đựng sữa bò, thì tất nhiên là phải có thêm nhu yếu phẩm cấp phát đi kèm.

Hầu như mỗi tháng 2 kỳ, mỗi giáo viên được lãnh 1 hộp sữa bò, một túi đường trắng có khi là đường bổi, đường miếng (tôi chưa bao giờ cân xem nó nặng bao nhiêu gam), một túi nhỏ đậu xanh hay đậu đen, 1 thếp giấy viết khổ đôi, 2 cuộn giấy đi cầu (loại giấy đã tái chế biến, dầy xộp, có mầu đỏ hồng chứ không phải mầu trắng).

Lâu lâu thì có thêm 1 chai bia hay một gói thuốc lá. Nhưng mấy thứ này thì phải chia nhau. Bia thì cứ hai người một chai, thuốc lá hai người một gói. Ai không uống bia, hút thuốc thì đối lấy đường, lấy đậu xanh, hay ngay cả cuộn giấy đi cầu. Nếu cả hai cùng muốn uống bia thì rút thăm, hoặc mở tại chỗ uống chung, thay phiên nhau môi người một ngụm!”


Nhà văn & Nhà giáo Nhật Tiến 
Chú thích:

[1] Thanh Tịnh (1911-1988), tên thật là Trần Văn Ninh (6 tuổi được đổi là Trần Thanh Tịnh), các bút danh khác của ông: Thinh Không, Pathé (trước 1945), Thanh Thanh, Trinh Thuần (sau 1945).

Ông sinh ngày 12/12/1911 tại xóm Gia Lạc, ven sông Hương, ngoại ô Huế. Thuở nhỏ, ông theo học chữ Hán đến năm 11 tuổi, thì theo học chữ Quốc ngữ tại trường tiểu học (trường Đông Ba) và trung học (trường Pellerin của giáo hội Thiên Chúa giáo) ở Huế.

Đỗ bằng Thành chung năm 1933, ông đi làm ở các sở tư rồi sau đó làm nghề dạy học. Thời gian này, ông bắt đầu viết văn, làm thơ và cộng tác với các báo Phong hóa, Ngày nay, Hà Nội báo, Tiểu thuyết thứ Năm, Thanh Nghị, Tinh Hoa... Sáng tác đầu tay của ông là truyện "Cha làm trâu, con làm ngựa" đăng trên Thần Kinh tạp chí (1934).

Tác phẩm đã xuất bản:

· Hận chiến trường (thơ, 1937)
· Quê mẹ (tập truyện ngắn, 1941)
· Chị và em (truyện ngắn, 1942)
· Ngậm ngải tìm trầm (truyện ngắn, 1943)
· Sức mồ hôi (thơ và ca dao, 1954)
· Những giọt nước biển (tập truyện ngắn, 1956)
· Đi từ giữa mùa sen (truyện thơ, 1973)
· Thơ ca (thơ, 1980)
· Thanh Tịnh đời và văn (1996).

[2] Đọc thêm về Giáo sư Hoàng Xuân Hãn:
Hành trình ngôn ngữ Xưa & Nay: A Bê Xê hay A Bờ Cờ?http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/...be-xe-hay.html

[3] Đọc thêm về nhà văn Duyên Anh:
Góp nhặt buồn vui thời điêu linh: Đốt sách

[4] “Bầy Thú Trước Bảng Đen” là tựa tiếng Việt theo phim “Blackboard Jungle”, của hãng MGM’s, một phim về học đường do tài tử Glenn Ford đóng vai thầy giáo Richard Dadier. Giáo sư Dadier phải đối đầu với đám học sinh “mất dậy” tại Trường trung học North Manual được cầm đầu bởi Gregory Miller do tài tử người da mầu Sidney Poitier đóng. 

[5] Nhật Tiến, sinh năm 1936 tại Hà Nội trong một gia đình trung lưu, có 7 người con (sau có hai người theo nghiệp văn là Nhật Tiến và Nhật Tuấn (http://nhattuan2011.blogspot.com/). Thuở nhỏ, ông học trường Hàng Vôi, rồi học trung học tại trường Chu Văn An (Hà Nội).

Năm 1951, truyện ngắn "Chiếc nhẫn mặt ngọc" của Nhật Tiến được đăng trên tờ Giang Sơn, đây là tác phẩm đầu tiên của ông được đăng trên báo. Khi nhà văn Nhất Linh ra tạp chí Văn hóa Ngày nay, ông được mời cộng tác ngay từ số đầu.

Năm 1954, ông di cư vào Nam, đầu tiên sống tại Đà Lạt, chuyên viết kịch cho Đài phát thanh Ngự lâm quân, rồi về Sài Gòn dạy lý hóa cho các trường tư. Năm 1959 - 1975, ông làm Chủ biên nhà xuất bản Huyền Trân, và làm Chủ bút tuần báo Thiếu Nhi (1971-1975) do nhà sách Khai Trí xuất bản. Ngoài ra, ông còn từng là cây viết đều đặn cho các báo Tân phong, Văn, Bách khoa, Văn học, Đông phương,...

Năm 1975, ông tiếp tục dạy lý hóa ở trường Hưng Đạo cho tới năm 1979, thì vượt biển qua Thái Lan tỵ nạn rồi định cư tại Santa Ana, California từ năm 1980. Một số tác phẩm tiêu biểu của Nhật Tiến:

· Những người áo trắng (Huyền Trân, 1959)
· Những vì sao lạc (Phượng Giang, 1960)
· Thềm hoang (Đời Nay, 1961 - Giải thưởng Văn chương Toàn quốc 1962)
· Mây hoàng hôn (Phượng Giang, 1962)
· Người kéo màn (tiểu thuyết kịch, Huyền Trân, 1962)
· Chuyện Bé Phượng (Đông Phương, 1964)
· Giấc ngủ chập chờn (Đông Phương, 1967)
· Vách đá cheo leo (Đông Phương, 1965)
· Quê nhà Quê người (viết chung với Nhật Tuấn, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1994)

February 21, 2014

Khoa học, đại học và lý tưởng cho tuổi trẻ

Theo chungta.com

TS. Nguyễn Xuân Xanh,

TS Nguyễn Xuân Xanh tốt nghiệp Đại Học Khoa Học Sài Gòn, du học năm 1966 tại CHLB Đức. Ông học tập và nghiên cứu tại các Đại học Bonn, Heidelberg, Bielefeld và Berlin. Năm 1975, ông tốt nghiệp Tiến sĩ Toán và làm Habilitation năm 1983. Từ năm 1980 – 1986, ông làm nghiên cứu và dạy học tại Đại học Bielefeld và Đại học kỹ thuật Berlin trước khi về nước sống từ mười mấy năm nay. Ông đã viết hoặc là chủ biên của những cuốn sách nghiên cứu về lịch sử khoa học giáo dục như "Nước Đức thế kỷ 19 - những thành tựu khoa học và kỹ thuật", "Einstein", "Kỷ yếu đại học Humboldt"...
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh nhân buổi nói chuyện với sinh viên Đại học Hoa Sen - TP Hồ Chí Minh:



Bn đã sinh ra vi tim năng.
Bn đã sinh ra vi tư cht tt và lòng tin.
Bn đã sinh ra vi các lý tưởng và những gic mơ.
Bn đã sinh ra vi s vĩ đi.
Bn đã sinh ra vi đôi cánh.
Bn sinh ra không phi đ bò, nên đng làm thế.
Bn có cánh.
Hãy hc s dng chúng và bay.
(Rumi)
Những vần thơ như thế của nhà thơ Ba tư Rumi thế kỷ thứ 13, người có ảnh hưởng lớn đến văn học Hồi giáo, những vần thơ như muốn nhắc nhở và đánh thức lại sự to lớn, giàu có vốn tiềm tàng trong mỗi con người chúng ta. Chúng ta cần lắm những lời nhắc nhở như thế trong thời đại tù mù những giá trị này.

Cái gì có thể giúp các bạn trẻ tạo nên đôi cánh? Đại học là một con đường, tuy chắc không phải con đường duy nhất, là nơi các bạn đang bước vào và theo đuổi việc học. Đại học có thểđem lại những giá trị nào? Charles William Eliot, chủ tịch của đại học Harvard, người biến Harvard từ một trường college tỉnh lẻ lên thành một đại học nghiên cứu ưu việt, trong một bài diễn văn năm 1876 (mừng chủ tịch đầu tiên Daniel C. Gilman của đại học Johns Hopkins) có phát biểu những lời sau đây về những giá trị mà đại học có thể mang lại:


“Sự vĩ đại đích thực của một quốc gia không nằm ở lãnh thổ, thu nhập, dân số, thương mại, hoa màu hay hàng chế biến, mà chính ở các giá trị tinh thần và phi vật chất; ở sự tinh khiết, sự dũng cảm và tính chính trực của dân tộc đó, ở thi ca, văn chương, khoa học và nghệ thuật mà dân tộc đó đã tạo ra, ở giá trị đạo đức của lịch sử và đời sống của họ. Đối với quốc gia, cũng như cá nhân, không có gì khác hơn là sựưu việt đạo đức mới là bất biến và vĩnh cữu có lợi. Các đại học, được dìu dắt khôn ngoan, lưu trữ vốn trí thức của giống nòi, và trở thành những nguồn suối của sức mạnh tinh thần và đạo đức. Ở đây các bước chân trẻ, tránh xa những lối mòn bẩn thỉu của ham muốn thấp kém và tham vọng trần tục, có thể bước đi trong những dấu chân của những người quá cố lừng lẫy – những nhà thơ, nghệ sĩ, triết gia và chính khách của quá khứ; ở đây những mái đầu tươi rói có thể thám hiểm những vùng đất mới và tăng trưởng vốn tri thức lên; ở đây chốc chốc những con người vĩ đại có thể được đào tạo thành các nhà lãnh đạo dân tộc; ở đây ánh sáng soi sáng của thiên tài chốc chốc loé lên để làm hoan hỉ nhân loại; trên hết, ở đây nhiều thế hệ của thanh niên có thể học lấy sự chính trực. (Charles W. Eliot, 1876)

Thời điểm bài nói chuyện của Eliotchưa lâu lắm. Nó nằm trong giai đoạn phát triển đỉnh cao của đại học châu Âu,đang lan truyền và tạo sự chuyển biến có tính chất cách mạng đến Hiệp Chủng QuốcHoa Kỳ và dần dần đến khắp thế giới.
KHOA HỌC
Ngày 4 tháng 7 vừa qua thế giới nhận được tin ‘hoả tốc’, rằng trung tâm nghiên cứu hạt nhân CERN ở biên giới Thuỵ Sĩ và Pháp đã cuối tùng tìm ra hạt Higgs. Cuộc săn lùng gần nửa thế kỷ đã thành công. Với cơ chế hạt Higgs, các hạt cơ bản tạo ra vật chất trở nên có khối lượng. Bạn hãy tưởng tượng, vũ trụ là cánh đồng bùn bất tận, và bạn đi trong đó. Bạn sẽ thấy có sức nặng dưới chân. Đó chính là bạn đã có khối lượng từ sự tương tác của bạn với cánh đồng bùn. Không có hạt Higgs, không có thế giới, trái đất, và cả chúng ta.
Cách đây hơn hơn 3 thế kỷ, Newton đã đề ra hai khái niệm quan trọng: khối lượng và lực hấp dẫn, mà không lý giải được chúng là gì và từ đâu mà có. Phải đợi đến năm 1915, tức sau hơn 200 năm, Einstein mới giải mã được lực hấp dẫn bằng thuyết tương đối rộng của mình, điều đó đã đem lại cho ông vinh quang tột đĩnh. Giờđây khái niệm khối lượng cũng được giải mã luôn.
Đó là câu chuyện thời sự.
Nhưng khoa học không phải khám phá những định luật tận cùng của vũ trụ chỉđể hiểubiết thuần tuý vềlý thuyết, màcó những đóng góp rất quyết định vào sự thay đổi căn bản bộ mặt xã hội thế giới. Không có các cuộc cách mạng khoa học, cùng với các cuộc cách mạng công nghiệp là những người anh em sinh đôi, khó hình dung được cuộc sống ngày nay của chúng ta với những phúc lợi và tiện nghi như iPhone, iPad, xe hơi có hệ thống định vị GPS…

Nhà khoa học C. P. Snow,tác giả của quyển sách Hai nền văn hoá phát biểu: Cuộc cách mạng khoa học là con đường duy nhất mà trên đóđa số con người có thểđạt đến những phúc lợi cơ bản (cuộc sống lâu, đầy đủ thực phẩm, con cái lành mạnh), những phúc lợi mà chúng ta nhận lấy một cách đương nhiên, nhưng lại là những phúc lợi trong thực tế chỉđược mang lại cho chúng ta chỉ vì cách đây không lâu chúng ta đã có cuộc cách mạng khoa học. Phần lớn con người đã hối hả lao vào cuộc cách mạng đó như cơ hội cho phép họ.


LỊCH SỬ KHOA HỌC

Khoa học mà chúng ta hôm nay học,được các sử gia xem bắt nguồn từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên với các nhà khoa học đầu tiên như Thales, Anaximander, Anaximanes của thành phố Miletos, Hy Lạp cổ. Ý tưởng vĩ đại của họ là thế giới có thể được hiểu bằng lý trí của con người, chỉ cần có óc tò mò, quan sát và không mê tín.Thế giới theo họ không phải là chỗ tụ tập của thần linh để tuỳ tiện hoạt động và điều khiển, mà thế giới vận hành theo một cơ chế phức tạp với những định luật vĩnh cửu nội tại như một cosmos. Những người Babylon, Ai cập biết nhiều về qui luật của các quỹ đạo tinh tú và hiện tượng nhật thực, nguyệt thực, nhưng họ chỉ tin đó là những sự huyền bí tôn giáo và không quan tâmtìm những lời giải thích bằng khoa học. Thời kỳ Thales được gọi là thời Khai minh Ionia, với văn hoá khai phóng và khoa học phát triển mạnh mẽ, chế độ chính trị thông thoáng, xuất phát từ vùng có địa danh Ionia phía Đông Hy Lạp, ngày nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ.
Thế kỷ thứ 6 cũng là thế kỷ chào đời của Phật Thích Ca, Lão tử và Khổng tử ở phương Đông. Đó là một sựtrùng hợp rất thú vị.
Nhưng rồi khoa học phải chia tay dòng suối hoạt động trí thức vào thế kỷ thứ 3 TCN sau khi nó đã đi vào trung tâm sinh hoạt văn hoá của Hy Lạp, để rồi, sau Plato, Aristote dần dần nhường chỗ cho những quan tâm về đạo đức, tôn giáo và siêu hình. Đến thế kỷ thứ 6 SCN, hoàng đế Justinian của Đế chế Byzantin (La Mã phía Đông, thủ đô Constantinople, nay Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ) đóng cửa các trường triết học Athen vì những gì được dạy ở đó không phù hợp với tinh thần của Kitô giáo. Năm trước, nhà triết học La Mã quan trọng cuối cùng Boethius cũng bị xử tử (Quyển sách nổi tiếng của ông để lại: Sự an ủi của triết học, Consolation of Philophy, năm 524). Hai sự kiện trên kết thúc giai đoạnphát triển tri thức cổ đại. Học thuật Hy Lạp không còn được chú ý. Châu Âu bước vào giai đoạn lịch sử gọi là “Thời kỳ đen tối” (Dark Ages).
Mãi ngót 2.000 năm sau, tức thế kỷ thứ 17, khoa học mới bừng sáng lại, với Galilei, Kepler, Descartes và Newton. Thế kỷ 17 là khúc quanh quan trọng của nhân loại đánh dấu thời đại khoa học và tư duy con người được cởi trói khỏi các sợi dây trói buộc thời Trung cổ. Trước đó, như khúc dạo đầu, năm1543 Copernicusđã xuất bản quyển sách “Về sự chuyển động quay của các thiên thể”, gọi tắt Chuyển động quay, cho rằng mặt trời mới là trung tâm và trái đất mới quay xung quanh nó, không phải ngược lại. Ông chỉ dám phổ biến quan điểm đó trước khi ông mất, vì sợ quyền lực nhà thờ. Vũ trụ, cosmos, là một phần quan trọng trong đức tin của Công giáo La Mã. Ai muốn thay đổi trật tự của nó không tránh khỏi bị trừng phạt.
Nhưng nửa thế kỷ sau quyển sách Chuyển động quay của Copernicus, Galilei, như một Columbus trên trời, dám tranh đấu quyết liệt cho thuyết Copernicus sau khi ông nhìn thấy chứng cứ trên trời qua viễn vọng kính tự tạo. Ông là người đầu tiên biết dùng viễn vọng kính để khám phá bầu trời, và là người nhìn thấy nhiều nhất, do đó cũng bức xúc nhất. Cuộc đấu tranh kéo dài 24 năm rất gian truân, với cao điểm là tác phẩm nổi tiếng Dialogue, Đối thoại, được xuất bản năm 1632, để rồi kết thúc ngay sau đó bằng bản án lịch sử của nhà thờ bắt ông thề bỏ tín điều và ông đã bị quản thúc cho đến chết.Trong tuyệt vọng, vào những năm cuối đời, ông còn kịp viết thêm tác phẩm lớn Discorci, (Nghị luận và Chứng minh toán học về Hai khoa học mới thuộc Cơ học và các Chuyển động), làm nền tảng của ngành vật lý hiện đại.
Galilei là một con người vĩ đại,đa tài đặc biệt. Những tác phẩm khoa học của ông đều là những án văn tuyệt tác có tính chất khai sáng tại bước ngoặc lịch sử của khoa học thế kỷ 17. Galilei tiếp nối tại Pisa, Padua, là những nơi ông đã từng hoạt động lâu năm, những gì Thales đã bắt đầu 2.000 năm trước tại Miletos.
Ngay sau bản án, các quyển sách cấm của ông Dialoguevà Discorsi, được phổ biến mạnh mẽở nước ngoài, truyền đi cảm hứng cho cộng đồng khoa học châu Âuvà tín hiệu của sự bứt phá. Isaac Newton là một trong những người đã đọc chúng ở tuổi thanh niên. Khoa học bừng lên phát triển như sau cơn ngủđông 2.000 năm tại các quốc gia phía bắc dãy núi Alps, đặc biệt tại Hà Lan, Anh, Pháp, Đức. Trung tâm học thuật, từ Hy Lạp chuyển qua Ý, giờ đây chuyển lên phía Bắc châu Âu. Cả 200 năm sau bản án Galilei, buồn thay nước Ý ‘không dám’ có nhân tài đáng kể nữa.
Năm 1687, nghĩa là 45 năm sau ngày mất của Galilei, tác phẩm vĩ đại Các nguyên lý toán học của triết học tự nhiên, gọi tắt là Principia của Newton ra đời, phát triển và khái quát hoá những khám phá của Galilei và Kepler thành khoa học hiện đại có giá trị phổquát với sựchứng minh chặt chẻtoán học, mở ra một thời kỳ mới của khoa học không thểđảo ngược.



Khoa học hiện đại, cái mà chúng ta học ngày nay hình thành khá đầy đủ hình dạng vào thế kỷ 17, khi hai dòng thác “âm dương” hội tụ: đó là khoa học lý thuyết, episteme, và kỹ thuậtứng dụng, techne. Người thực hiện sựkết nối, tổng hợp của hai dòng thác này chính là Galilei, con người của cả lý thuyết lẫn thực hành.




Đặc điểm của xã hội phương Tây là không ngừng chuyển động. Các lực lượng sản xuất phát triển liên tục từ các thế kỷ 8,9 đến 15, 16 của thời Phục Hưng. Một lực lượng nghệ nhân, thủ công, tính toán, xây dựngđông đảo xuất hiện. Họđều là những nghệ nhân đa năng, những người thực hành rất giỏi, tuy không được đào tạo qua trường lớp về lý thuyết. Hình tượng cao nhất của những con người đa năng đó là Leonardo da Vinci (1452-1519), một tài năng kiệt xuất.

Trong khi đó, khoa học dưới dạng kinh viện cũng không ngừng phát triển trong các đại học. Khoa học, triết học, y khoa, toán học của Hy Lạp cổđại và Ả rập, thông qua cuộc dịch thuật vĩđại thế kỷ 12 và 13, vẫn được tiếp tục phát triển trong đại học, tuy có phần bị che khuất bởi tấm vải giáo điều được tạo ra sai lầm từ triết học Aristote và kinh thánh. Nhưng sự kỳ diệu cuối cùng đã đến: sự hợp nhất của lý thuyết và thực hành, của hình ảnh học giả và người thợ thủ công để cho ra đời khoa học hiện đại. “Khoa học nối kết lý thuyết và thí nghiệm bắt đầu thật sự với công việc của Galilei” như Einstein & Infeld nói.
Joseph Needham, nhà Trung Hoa học lớn của thế kỷ 20 đặt câu hỏi tại sao hai dòng thác đó lại hội tụ tại phương Tây mà không phải tại phương Đông? Có nhiều cách lý giải. Joseph Needham tự trả lời một cách:“Mối quan tâm đến tự nhiên không đủ, thí nghiệm có kiểm soát không đủ, phép qui nạp, thực nghiệm không đủ, sự tiên đoán nhật thực nguyệt thực và tính toán lịch không đủ - tất cả những điều đó người Trung Hoa đã có; rõ ràng chỉ một nền văn hoá trọng thương(mercantile) mới có năng lực thực hiện được những gì mà một nền văn minh nông nghiệp quan liêu không làm được, tức là hợp nhất được những ngành trước đó bị chia cắt của toán học và nhận thức tự nhiên.”



Trước thế kỷ 16 các nền văn minh lớn của thế giới xem như gần gũi nhau, nhưng từ thế kỷ 17trở đi châu Âu đã bứtđi một cách không đảo ngược được. Lịch sử đã phân kỳ với các hệ quả ghê gớm cho nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

ĐẠI HỌC
Đại học có tiền thân từ khoảng cuối thế kỷ 11 và 12 thời Trung cổ, gọi là universitas, tại cái nôi châu Âu. Sự ra đời của đại học Bologna, Paris,Oxford và Cambridge chấm dứt đêm dài của thời kỳđen tối. Đó là sự chuyển động của học thuật ra khỏi tu việnđể thâm nhập vào xã hội. Các tu sĩ tin rằng nó sẽ phát triển tốt hơn, rộng rãi hơn, phục vụxã hội nhiều hơn. Học thuật bắt đầu lan toả xuyên quốc gia và phát triển mạnh.



Đại học Trung cổ đánh dấu sựra đời của một tầng lớp trí thức độc lập, không lệ thuộc vào bộ máy quyền lực và bổng lộc, muốn có vai trò tích cực trong xã hộinhư những tác nhân, kẻ sáng tạo, không giống nhiều nền văn hoá khác mà ở đó sự sáng tạo đã bị trao về bộ máy cầm quyền hay cho thần linh, tôn giáo, con người không có vai trò gì đáng kể trong cuộc khám phá vĩđại của nhân loại. Lịch sử của châu Âu là lịch sử của sự khẳng định con người, cá nhân với dấu ấn mạnh mẽ của nó, từ suối nguồn của văn minh Hy Lạp: “Các dân tộc khác làm ra thần thánh, vua chúa và ma quỷ. Chỉ có dân tộc Hy Lạp làm ra con người” (W. Jaeger), đặt con người vào vị trí trung tâm.




Nói đến đại học Trung cổ không thể không nói đến cuộc dịch thuật vĩ đại cùng thời kỳ để chuyển ngữ sang tiếng La tinh những tác phẩm kinh điển của các học giả Hy Lạp như Aristote, Euclid, Hippocrates, Galen, Ptolemy và của một số học giảẢ rập nhưAlhazen (Quang học), al-Khawarizmi (Đại số). Cuộc dịch thuật này ảnh hưởng quyết định đến đời sống trí thức châu Âutrong việc hình thành một thế giới quan đầy tính lý tính, lô gích, khoa học xem thế giới là một cỗ máy được tổ chức tinh vi nhưng có thể hiểu được, từcác hành tinhđến con người, động vật, vật chất vô sinh, thể hiệntiếp truyền thống của Khai minh Ionia.




Tại Trung Hoa, cùng lúc, phong trào học thuật sống dậy cũng vào thế kỷ 12, với chủ nghĩa Tân-Khổng giáo, Chu Hy, người tiêu chuẩn hoá các bộ sách Tứ thư, Ngũ kinh dùng cho các kỳ thi hoàng gia chọn nhân tài phục vụ bộ máy nhà nướcvà tồn tại cho đến thế kỷ 20. Nhưng nền học thuật Trung Hoa thiếu các hạt giống khoa học, triết học của Hy Lạp và phương Tây. Khổng giáo không quan tâm đến khoa học, chỉ quan tâm đếnđạo đức và nhân văn.




Cuối thế kỷ 15, châu Âu hầu hết được bao phủ bởi một mạng lưới đại học đáng kể, ước tính có khoảng trên 80 đại học mà phần lớn vẫn còn tồn tại hôm nay. Anh quốc, ngoài Oxford, Cambridge có thêm các đại học Glasgow, St.Andrew, Aberdeen. Bắc Âu có Kopenhagen, Uppsala. Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha có rất nhiều đại học. Trong thời gian 1350-1500 có khoảng 750.000 người đã ghi danh, một con số rất ấn tượng trong thời bấy giờ.




Nhưng khi cuộc cách mạng khoa học thế kỷ 17diễn ra thì đại học chưa phải là cái nôi của khoa học, một sự“trớ trêu” của lịch sử! Khoa học mới, nảy mầm từ thực nghiệm,được tiến hành dưới dự bảo trợ của các mạnh thường quân, hay của các đại danh tại các lãnh địa, nhưng không diễn ra trong khuôn viên đại học.Vì sao? Bởi vì đại học lúc bấy giờ còn bị chiếm lĩnh bởi tinh thần kinh viện giáo điều và xem thường thực nghiệm (experiment). Muốn cho khoa học tiến vào đại học, châu Âu phải cần có một cuộc cách mạng tiếp nối. Đó là cuộc cách mạng của đại học Đức theo tinh thần của Wilhelm von Humboldt vào đầu thế kỷ 19.

ĐẠI HỌC HUMBOLDT
Nếu với sự ra đời của đại học Trung cổ, học thuật được thể chế hoá, tạo racái nhà của minh triết thì 6 thế kỷ sau, với sự ra đời của đại học Đức theo tinh thần Humboldt, khoa học được thể chế hoá rộng rãiở một cấp bậc cao. Thể chế hoá học thuật là đặc thù của châu Âu, mà các nền văn minh khác, như Islam hay Trung Hoa, tuytừng có những tiến bộ lớn hơn, nhưng lại không có.



Đại học Berlin, tứcĐại học Humboldt sau này, được thành lập năm 1810, có thể được tóm tắt như sau: «Đó là một thể chế trong đó những người giảng dạy và người đi học qui tụ lại như những người nghiên cứu bình đẳng trong sự thống nhất của nghiên cứu và giảng dạy để truy tìm khoa học thuần túy trong sự cô đơn và tự do, và qua quá trình này đạt tới sự hoàn thiện về tinh thần và đạo đức.» (Werry) Hai cột trụ chính của các nguyên lý là nghiên cứu và tự do hàn lâm, bao hàm tự do dạy và tự do học. Khoa học trở thành hình thức của cuộc sống, triết lý sống (Wissenschaft als Lebensform) và là nồng cốt của giáo dục (Bildung durch Wissenschaft).




Với Wilhelm von Humboldt, đại học trở thành đại học của khoa học, văn hóa, của sự tự rèn luyện toàn diện nhân cách con người, do đó có mang tính đạo đức, nhân văn và là hạt giống trí tuệ của quốc gia. Đại học sẽ làm cho con người thành những chủ thể nhân văn, và thông qua họ, làm cho bộ máy nhà nước nhân văn và khai sáng. Đại học Berlin, cùng với cuộc cải cách giáo dục phổ thông của Humboldt, mang sứ mệnh làm chuyển đổi cả một nhà nước củ kỹ vừa bị quân đội của Napoleon đánh sập thành một nhà nước hiện đại để vực dậy đất nước, “lấy sức mạnh tinh thần để bù đắp những mất mát vật chất”. Humboldt là người đã nhìn thấy xa các yêu cầu tối thượng của cuộc canh tân đất nước, và Đại học Humboldt chính là đại học trồng người, và lànguồn nguyên khí quốc gia cho mục tiêu đó.




Đại học Berlin ra đời không phải từ ý tưởng của giới quản lý giáo dục, hay chính trị, mà từ những ý tưởng của giới văn chương và triết học duy tâm Đức. Một sự liên minh giữa triết học, khoa học và văn hoá diễn ra. Nhà triết học cũng là nhà khoa học và văn hoá. Nhà văn hoá cũng là nhà triết học và khoa học. Nhà khoa học cũng là nhà triết học và văn hoá. Tinh thần triết học và nhân văn này vẫn tiếp tục tồn tại lâu dài ở những nhà khoa học sau khi khoa học tự nhiên thực nghiệmđã thắng thế.




Đại học Humboldt đã khơi đúng mạch tri thức của thời đại tích tụ từ thời Kepler, Galilei, Descartes và Newton, và dần dần trở thành bà mẹ, alma mater,của đại học hiện đại thế giới. Bên kia bờĐại tây dương, dưới ảnh hưởng mạnh mẽcủa đại học Đức,nước Mỹtiến hành cuộc cách mạng giáo dục đại học trong những năm của nửa sau thế kỷ 19, với những con người đã từng học tại các đại học Đức. Khoa học bước vào giai đoạn phát triển rực rỡ và vũ bảo trên toàn thế giới.




AI TRỊ VÌ THẾ GIỚI?

Chúng ta vừa điểm qua lịch sử hình thành của khoa học và đại học. Thế kỷ giữa 19 và 20 là thế kỷ thế giới biến đổi sâu xa và cơ bản nhất, hơn bất kỳ thế kỷ nào trước đó. Tất cả những biến đổi đó, như Stephen Hawking nhận xét, “không phải do những học thuyết chính trị hay kinh tế mới nào, mà do những sự phát triển kỹ thuật bão táp được tạo điều kiện bởi những tiến bộ trong nghiên cứu cơ bản” gây ra.



Các cuộc cách mạng khoa học không ngừng rút ngắn khoảng đường tác động vào đời sống kinh tế, ngày càng có ảnh hưởng trực tiếp hơn. Những quốc gia phát triển đi tìm sự phồn vinh của mình từ những tiến bộ khoa học kỹ thuật cao cấp cho nên đầu tư rất lớn vào đó, vào chính sách giáo dục toàn dân, truyền bá khoa học đại chúng, xây dựng cơ sở hạ tầng tri thức, đại học, thư viện, cơ sở nghiên cứu, con người. Đây là một cuộc chạy đua mạnh mẽ toàn cầu. Xã hội cũng như kinh tếđều lấy tri thức làm gốc.




Tôi xin mượn những lời sau đây của nhà toán học và triết học Anh nửa đầu thế kỷ 20 Alfred North Whiteheadnói vềảnh hưởngcủa khoa học trong lịch sử nhân loại. Ông viết:




Những người chinh phục vĩđại, từ Alexander đến Caesar, và từ Caesar đến Napoleon, ảnh hưởng sâu sắc cuộc sống của các thế hệ sau. Nhưng tổng hiệu quả của ảnh hưởng này rút lại trởthành tầm thường nếu so sánh với toàn bộ sự biến đổi của thói quen và tâm tính con người gây ra dài hạn bởi một chuỗi dàinhững con người của tư duy từ Thales đến ngày hôm nay, những người xét về cá nhân không có quyền lực gì, nhưng tối hậu lại chính là những người trị vì thế giới.

KHOA HỌC VÀO PHƯƠNG ĐÔNG
Còn phương Đông thì sao? Văn minh của Đông và Tây đã khá sớm mang đậm những nét đặc thù của sự phân kỳ (divergence).Hai lối tư duy trong học thuật của Đông Tây hình thành cùng thời kỳ, giai đoạn Hy lạp hoá (Hellenistic)ở phương Tây, và giai đoạn nhà Hán ở phương Đông, khoảng hai thế kỷ trước và sau Công Nguyên nhưng rất khác nhau (hai giai đoạn đều bắt đầu bằng chữ H). Một bên cái học chuộng triết học, biện chứng, y khoa, các khoa học toán như số học, hình học, thiên văn, tĩnh học;một bên sự học Khổng giáo được nâng lên thành giá trị cao nhất, y khoa và toán học chiếm hàng thứ yếu. Trong khi cái học của phương Tây mang đậm tính chất hùng biệnvà lô gích, phân tích và tranh luận để tìm cái mới, thì cái học của Trung Hoa đậm nét của sự học tư liệu, từ chương, trả bài, theo chính thống. Có lẽ khẩu hiệu của Plato trước hàn lâm việnông “Ai không thành thạo hình học thìđừng vào đây” minh hoạ tinh thần học thuật đượm nét khoa học cao độcủa học thuật phương Tây.Cũng chưa ởđâu trên thế giới xuất hiện một loạt đông đảo các nhà khoa học trí thức nhưở Hy Lạp: Thales, Pythagoras, Zeno, Democritos, Hippocrates, Plato, Aristote, Euclid, Aristarchos, Archimedes, Ptolemy và còn nhiều người nữa. Galilei đã từng xem Archimedes là thầy của mình, và ngược lại ông cũng được xem là một Archimedes của thời cận đại.



Chúng ta cần nhìn vào phản ứng của hai quốc gia Trung Hoa và Nhật Bản để thấy sựkhác biệt cơ bảnkhi khoa học truyền bá vào. Khoa học phương Tây được truyền vào Trung Hoa khá sớm, từ thế kỷ 17, theo chân các cha Dòng Tên. Nhưng vua quan Trung Hoa nhất định không muốn chấp nhận sựưu việt của khoa học phương Tây, mà chỉ muốn tự hào về sựưu việt của di sản văn hoá đồ sộ mình. Họ dùng âm dương, ngũ hành, kinh dịch để lý giải mọi việc trên đời, từ khoa học, y học đến đời sống, tương lai, vận mệnh con người và xã hội. Họ tìm cách qui chiếu tất cả khoa học hiện đại phương Tây về khoa học cổ truyền Trung Hoa, và cho rằng khoa học phương Tây đã có gốc rễ trong di sản khoa học Trung Hoa rồi. Họ chỉ xem phương Tây có công nghệ, kỹ thuật hữu dụng thôi, điều đó họ cần học để làm lịch, chế tạo súng đạn và tàu chiến, và chỉ thế thôi. Khẩu hiệu "Trung học vi thể, Tây học vi dụng" (Sự học Trung Hoa phục vụ cái căn bản, Sự nghiên cứu phương Tây phục vụ cái hữu dụng) của Trương Chi Đông(Zhang Zhidong), 1898, diễn tả thái độ nói trên. Cuối thế kỷ 18, đầu 19, vua Càn Long cũng từ chối bang giao thương mại với phương Tây, thực tế họ cũng đang xuất khẩu nhiều hàng hoá sang phương Tây. Nhưng họ không biết rằng Anh quốc lúc đó, với sức mạnh vô địch của cuộc cách mạng công nghiệp thế kỷ 18, đang làm bá chủ trên biển vàđang trở thành một ‘đế chế mặt trời không bao giờ lặn”. Trung Hoa thật sự đang chết lầm sàng mà không hay.

Còn Nhật Bản thì sao? Họ tự hào là con cháu của nữ thần mặt trời, không bao giờ tha thứ cho kẻ lạ mặt đặt chân lên đất nước họ. Khoa học phươngTây cũng được truyền vào đất nước này khá sớm. Chỉ vài năm sau khi Copernicus xuất bản tác phẩm Chuyển động quay ở châu Âu thì những vị truyền giáo phương Tây cũng đã có mặt ở Nhật Bản mang theo những kiến thức khoa học và y khoa. Nhưng Nhật Bản đã đóng cửa, đuổi hết họ, cũng như Việt Nam, để bảo vệ truyền thống văn hoá của mình, nhưng vẫn còn chừa một cửa ngõ thông thương và thông tin tại cảng Nagasaki với quốc gia duy nhất là Hà lan để nghe ngóng tình hình thế giới.
Mãi cho đến năm 1853 khi những chiếc tàu đen của Commodore Perry bắn vào Tokyo để buộc mở cửa thông thương thì giai cấp cầm quyền Nhật Bản là giai cấp samurai tỉnh ngộ. Họ nhanh chóng mở cửa và cải cách toàn diện: chínhtrị, kinh tế, thương mại, khoa học, giáo dục và quân sự. Họ đi tìm khai sáng ở phương Tây. Họ thuê cả mấy ngàn chuyên gia nước ngoài về làm việc tại Nhật Bản để tư vấn họ, rất khẩn trươngđể khỏi bịphương Tây nuốt chững.Và chỉ khoảng 30 năm sau Minh Trị Duy Tân 1868, họ đã chiến thắng vang dội nhà Thanh trong cuộc chiến tranh Nhật-Thanh 1894-95. Mười năm sau, họ đánh thắng luôn quân đội Nga hoàng. Các samurai đã liên tiếp quật ngã những người khổng lồ, cho thấy sức mạnh vô địch của cuộc cải cách theo mô hình phương Tây. Họ có thể tự hào là dân tộc đầu tiên đã mang ánh sáng khoa học và văn minh phương Tây về châu Á.
Vì sao Nhật Bản thành công thần tốc như thế? Hãy nhìn vàovăn hoá đọc sách của họ. Họ là một dân tộc cực kỳ năng động và tò mò. Những cuốn sách, như Bàn về tự do, bán ở phương Tây vài trăm ngàn bản,khi được dịch sang tiếng Nhật thời Minh Trị Duy Tân bán lên cả triệu bản; hay như những quyển sách được biên soạn của nhà khai sáng Fukuzawa Yukichi. Người Nhật mê cuồng đọc sách thời mở cửa. Tại sao? Nhật Bản cũng là quốc gia theo Khổng giáo như Việt Nam và Hàn quốc. Nhưng nhìn sâu hơn, họ là dân tộc có văn hoá đọc và giáo dục đã phát triển mạnh mẽngay trong thời đóng cửa Tokugawa 1600-1868. Cuối thời này, Nhật Bản là quốc gia đầy ắp sách vở và trường học.Một đánh giá thô ước tính rằng vào thời điểm Minh Trị, 40-50% tất cả con trai Nhật, và 15% con gái Nhật đều có qua trường lớp ngoài gia đình. (Việt Nam lúc đó còn mù chữ phổ biến) Điều này gợi ra rằng mức độ biết chữ của Nhật Bản lớn hơn tất cả những quốc gia phương Tây có cùng sự phát triển kinh tế. Một người Pháp viết năm 1877 rằng “giáo dục sơ cấp ở Nhật Bản đã đạt đến mức độlàm cho chúng ta xấu hổ…Không có làng nào mà không có trường học, hầu như không có người nào không biết đọc…”
Trong hơn hai thế kỷ rưởi đóng cửa được canh gác chặt chẽ, trí thức Nhật đã làm nên một cuộc dịch thuật khoa học vĩ đại từ sách vở Hà Lan để hiểu cuộc cách mạng khoa học, công nghệ diễn ra ởchâu Âu. Cuộc dịch thuật khó nhọc và không kém phần nguy hiểm, đôi khi phải trả giá bằng tính mạng, nhưng trí thức Nhật đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao cả của mình đối với quốc gia, rằng họ không thể yêu nước trong sự vô minh.Cuộc dịch thuật này góp phần thay đổi hệ hình tư duy truyền thống của Nhật Bản nhanh chóng trong thời Minh Trị. Đọc sách là việc làm của lòng yêu nước, nhất là của giới tinh hoa cầm quyền samurai, không phải chỉ để thưởng ngoạn, mà để khai minh, khai trí vàđể khai sinh một thời đại mới cho đất nước. Đọc sách là thuộc tính của một dân tộc văn hoá có ý thức. Họ không sợ học của kẻ thù, chỉ sợ ngu muội vì không học. Một ngàn năm trước họđã học Trung Hoa. Một ngàn năm sau họ học phương Tây. Họ không sợ mất mặt. Và họ đã thành công. Cả thế giới kính nể.
Chúng ta, những người Việt Nam, có một món nợ rất lớn đối với lịch sử: đó là thiếu ý thức và hiểu biết đầy đủ về sức mạnh của khoa học, công nghệ,của giáo dục, và các thể chế cần thiết trong việc xây dựng một đất nước phú cường. Vì thế tôi càng đánh giá cao việc trường Đại học Hoa Sen năm nay có lẽ lần đầu tiên tại Việt Nam có một giáo trình Lịch sử tư duy khoa học thế giới, do thầy Hoàng Anh Tuấn Kiệt phụ trách.



LÝ TƯỞNG TUỔI TRẺ

Tôi xin mượn mấy lời tâm huyết sau đây của Abraham Lincoln trong bài diễn thuyết trước học sinh trường trung học Springfield bang Illinois năm 1838 (1), để nói với các bạn trẻ: Abraham Lincoln nói, những cánh đồng vinh quang của quá khứ đã được thu hoạch và sử dụng rồi, nhưng những người thu hoạch mới chắc chắn sẽ xuất hiện, do đó họ phải tìm cho mình một cánh đồng mới và gieo trồng lấy. Họ có thể tìm lấy vinh quang bằng cách hỗ trợ và gìn giữ một lâu đài được xây nên bởi người khác chăng? Chắc không. Có nhiều người đầy đủ tài giỏiđể thực hiện những nhiệm vụ của mình nhưng không khao khát gì xa hơn mấy chiếc ghếtrong Quốc hội, hay trong chính phủ. Nhưng những người đó không thuộc về giòng sư tử, hay họ đại bàng. Sao, các bạn nghĩ những vị trí đó sẽ thoả mãn một Alexander, một Ceasar, hay Napoleon chăng? Không bao giờ. Thiên tài cao ngất xem thường lốimòn đã đi.Họ tìm những vùng đất chưa bao giờ khai phá. Họkhông tìm sự khác biệttrong việc thêm bớt một hai chi tiếtởnhững tượng đài của sự nổi tiếng được dựng lên trong ký ức của những người khác. Họ từ chốicho rằng phục vụmột người chủ là đủ vinh quang. Họ ghét bước theo dấu chân của bất cứ ai khác, dù nổi tiếng đến đâu. Họ khao khát cháy bỏng sự khác biệt.
Những trang lịch sử oai hùng rồi đây cũng sẽ đi qua, phai nhạt trong ký ức. Chúng là tiền đồn của sức mạnh, nhưng cái mà một kẻ thù xâm lược không làm được, thì trọng pháo của thời gian có thể làm được: đó là sựim bặt.Đó là một cánh rừng của những cây sồi, nhưng trận cuồng phong không gì cưỡng lại được tràn qua, chỉ để lại đó đây những thân cây trợ trụi không còn màu xanh của sự sống, chẳng còn một bóng mát, chỉ còn thì thầm trong vài cơn gió nhẹ, chiến đấu với những cành nhánh đã bị què quặt, và chỉ chờ vài trận bảo lớn nữa để chìm đi vĩnh viễn.
Chúng là những cột trụ của lâu đài độc lập, tự do, Abraham Lincoln nói tiếp. Chúng đang bị vỡ đi, toà lâu đài sẽ có nguy cơ sụp đổ, trừ khi chúng ta, những kẻ hậu sinh, cung cấp những cột trụ mới, nhưng lấy từ đâu?, - từ những tảng đá rắn chắc của lý trí tỉnh táo. Sự cuồng nhiệt (passion) đã giúp chúng ta một thời, nhưng có thể nguy hiểm trong tương lai. Lý tính (reason), lý tính tỉnh táo, được suy tính và không cuồng nhiệt, sẽ cung cấp cho chúng ta các chất liệu cho sự hỗ trợ và bảo vệ tương lai. Hãy để các chất liệu ấy hun đúc thành trí khôn đầy đủ và đạo lý trong sáng trước tình yêu và sự kính trọng những quyền lợi tối thượng của tổ quốc. Chúng ta không cho phép các đôi chân thù địch dẫm lên hay báng bổ chỗ an nghĩ thiêng liêng của những anh hùng liệt sĩ dân tộc, hay đánh thức họ dậy.
Thực tế, Abraham Lincoln đã sống đúng với những gì ông đã viết, và ông là một cột trụ không lay chuyển được của lịch sử Hoa Kỳ.
Các bạn sinh viên trẻ hãy chứng tỏ rằng tương lai đất nước này thuộc về các bạn, rằng các bạn sẽ cung cấp cho đất nước này mỗi người mỗi cách những cột trụ vững chắc mới để chống đỡ, thì đất nước mới được vững bền!

Xin chúc các bạn trẻ hãy gìn giữ lý tưởng cho đường xa. Không phải “lấy ngắn nuôi dài” như người ta thường nói về cách làm ăn của những người nghèo, điều đó thông cảm, mà ngược lại “lấy dài, lấy lý tưởng vô hạn của các bạn,để nuôi dưỡng các bước chân hữu hạn trên đường xa” của những người giàu,rất giàu lý tưởng, đểchúng ta trở lại những ý tưởng cao cả ban đầu của nhà thơ Rumi!


---------------------------
Chú thích:

(1) Tác giả đã cố ý không để những lời của Abraham Lincoln vào ngoặc kép theo như thông lệ của trích dẫn, bởi đây không phải là thuần trích dẫn, mà tác giả chỉ lấy những đoạn thích hợp cho Việt Nam, và ở một vài nơi, tác giả cũng đã "trước tác" đôi chút cho phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, mà vẫn giữ được tinh thần của Lincoln.