September 15, 2013

Thủ thuật làm đẹp sổ sách, báo cáo tài chính

Theo Bfinance.vn

Thủ thuật “làm đẹp” sổ sách, báo cáo tài chính (Phần 1)

Những giai đoạn khó khăn cũng là lúc các thủ thuật kế toán được các doanh nghiệp sử dụng thường xuyên hơn nhằm “làm đẹp” báo cáo tài chính.
Các thủ thuật này được biết đến nhiều hơn với tên gọi “Làm đẹp cửa sổ” (Window dressing) hay “Xào nấu sổ sách” (Cook the books).
Chúng ta đã từng thấy những khác biệt lớn đến kinh ngạc giữa kết quả kinh doanh trước và sau kiểm toán. Việc nhận diện các thủ thuật “làm đẹp” báo cáo tài chính sẽ giúp nhà đầu tư có cái nhìn thận trọng và toàn diện hơn về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Dưới đây là 5 thủ thuật phổ biến mà các doanh nghiệp áp dụng để “làm đẹp” sổ sách, báo cáo tài chính.
1. Cung cấp thêm tín dụng cho khách hàng. Thông thường, giai đoạn cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh doanh thu nhằm đạt được kế hoạch lợi nhuận mà Đại hội đồng cổ đông đã thông qua. Một trong những cách để thực hiện điều này là nới lỏng chính sách bán hàng trả chậm (credit policy).
Ví dụ, thời hạn thanh toán (trả chậm) được tăng từ 30 ngày lên 60 ngày kể từ ngày xuất hóa đơn. Khi mà việc tiếp cận nguồn vốn lưu động đang khó khăn, khách hàng sẽ dễ dàng đón nhận ưu đãi này và doanh nghiệp sẽ có cơ hội thúc đẩy doanh thu bán hàng.
Thế nhưng, hệ quả của cách làm này thể hiện ở việc dư nợ phải thu tăng lên và rủi ro các khoản nợ xấu/nợ khó đòi cũng tăng theo. Điều này cũng sẽ buộc các doanh nghiệp phải trích lập các khoản dự phòng vào cuối năm theo chuẩn mực kế toán.
Bên cạnh đó, với thủ thuật này, dù doanh thu có tăng trưởng thì dòng tiền của doanh nghiệp ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng.
2. Ước lượng khối lượng công việc hoàn thành để ghi nhận doanh thu. Với các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động xây dựng, san lấp hoặc EPC (Engineering, Procurement and Construction), một trong những thủ thuật phổ biến nhất có lẽ là ước lượng phần trăm hoàn thành công việc trong ghi nhận doanh thu.
Ước lượng phần trăm hoàn thành công việc phụ thuộc nhiều vào nhận định, kinh nghiệm và thực tế tiến độ hoàn thành công việc. Dù việc ước lượng phải dựa trên cơ sở hợp lý, nhưng doanh nghệp vẫn có đủ lý lẽ để chứng minh việc ghi nhận doanh thu của mình là đáng tin cậy để giải trình với kiểm toán.
Ví dụ: Một công ty chuyên cung cấp dịch vụ M&E cho các công trình ở TPHCM. Hợp đồng quy định khách hàng thanh toán dựa trên phần trăm tiến hộ hoàn thành công việc. Các công trình A, B và C (trị giá 10 tỷ đồng/công trình) phải được hoàn thành và bàn giao vào tháng 4/2011.
Có thể thấy, một sự thay đổi nào trong phần trăm tiến độ hoàn thành công việc đều ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp.
3. Không hợp nhất công ty con khi kết quả bất lợi. Gần đây, nhiều doanh nghiệp cấu trúc lại hoạt động kinh doanh theo mô hình công ty mẹ-con để trở thành tập đoàn đa ngành nghề. Với mô hình này, hoạt động mua bán nội bộ lòng vòng của công ty mẹ và các công ty con là không tránh khỏi.
Khi hợp nhất báo cáo tài chính, các giao dịch nội bộ này phải được loại trừ khỏi doanh thu hợp nhất và giá vốn hàng bán phải được đều chỉnh tương ứng. Thế nhưng, vì nhiều lý do khác nhau doanh nghiệp (tập đoàn) lại không tiến hành hợp nhất (consolidation) kết quả kinh doanh của công ty con vào công ty mẹ và như thế doanh thu của tập đoàn có thể bị ‘thổi phồng’.
Ví dụ: Tập đoàn ABC chuyên sản xuất bếp gas và đang sở hữu 90% công ty XYZ kinh doanh cùng ngành nghề. Ngày 25/12/2010, ABC bán cho XYZ một lô hàng trị giá trên hợp đồng là 200 tỷ đồng.Đến thời điểm 31/12/2010, lô hàng đó vẫn còn nằm trong kho của XYZ.
Báo cáo kết quả kinh doanh của ABC và XYZ như sau:
Vì nhiều lý do khác nhau, báo cáo kết quả kinh doanh của XYZ không được hợp nhất vào ABC. Rõ ràng là nếu làm điều này thì doanh thu hợp nhất của Tập đoàn ABC sẽ là 1,010 tỷ đồng  (thay vì 1,200 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế có thể sẽ thấp hơn mức công bố.
4. Làm giảm chi phí bằng cách “vốn hóa”. Để cải thiện chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế, ngoài các thủ thuật trong ghi nhận doanh thu như vừa đề cập, doanh nghiệp còn có thể sử dụng những thủ thuật làm giảm chi phí kinh doanh trong kỳ bằng cách “vốn hóa” (capitalization).
Với thủ thuật này, chi phí kinh doanh được ghi nhận trên Bảng cân đối kế toán thay vì được đưa vào Kết quả hoạt động kinh doanh một cách hợp lý.
Ví dụ: Chi phí lãi vay trong các dự án đầu tư xây dựng cơ bản được đưa vào vận hành trong kỳ. Thông thường các chi phí lãi vay ngân hàng của giai đoạn trước khi công trình đi vào hoạt động sẽ được vốn hóa vào giá trị công trình. Chi phí lãi vay sau thời điểm này phải được ghi nhận vào chi phí kinh doanh trong kỳ.
Để công trình đi vào hoạt động chính thức, doanh nghiệp phải trải qua nhiều công đoạn kiểm nghiệm, chạy thử và bàn giao. Bằng nhiều lập luận khác nhau, doanh nghiệp có thể vốn hóa một phần chi phí lãi vay vào giá trị công trình, thay vì ghi nhận chi phí này vào kết quả kinh doanh trong kỳ theo đúng bản chất của nó. Cách làm này sẽ giảm được chi phí hoạt động và tăng lợi nhuận sau thuế.
5. Trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính. Một vài doanh nghiệp, ngoài hoạt động kinh doanh cốt lõi còn mở rộng sang lĩnh vực đầu tư tài chính thông qua việc mua cổ phiếu.
Trường hợp doanh nghiệp đầu tư vào các cổ phiếu đang niêm yết trên sàn thì các khoản đầu tư này tất nhiên phải được đánh giá lại theo giá thị trường vào thời điểm cuối năm.
Thế nhưng, đối với những cổ phiếu chưa niêm yết và/hoặc thanh khoản thấp thì việc đánh giá lại các khoản đầu tư này xem ra không dễ dàng.
Trước nhiều sự lựa chọn, doanh nghiệp có thể chọn cách an toàn nhất thông qua tham vấn từ các công ty chứng khoán để tránh phải ghi nhận dự phòng giảm giá đầu tư tài chính. Cũng bằng phương thức tương tự, doanh nghiệp có thể chỉ trích lập dự phòng ít hơn mức cần thiết để giảm bớt mức thua lỗ ghi nhận trong Báo cáo kết quả kinh doanh.
Tóm lại, các thủ thuật kế toán trong việc ghi nhận doanh thu và chi phí kinh doanh để “làm đẹp” báo cáo tài chính thường được các doanh nghiệp sử dụng để thỏa mãn kỳ vọng của nhà đầu tư trong điều kiện kinh doanh không thuận lợi.
Vì thế, nhà đầu tư cần phải thận trọng nhận định hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tìm hiểu thêm thông tin và so sánh các chỉ số tài chính của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành để có cái nhìn toàn diện và hợp lý hơn.
Nguồn: Vietstock - See more at: http://www.bfinance.vn/tai-chinh-doanh-nghiep/thu-thuat-lam-dep-so-sach-bao-cao-tai-chinh-phan-1.aspx#sthash.32DuyKAD.dpuf

“Làm đẹp” báo cáo tài chính (Phần 2): Mánh khóe SPV, Mark to Market, Repo 105…

 - See more at: http://bfinance.vn/tai-chinh-doanh-nghiep/lam-dep-bao-cao-tai-chinh-phan-2-manh-khoe-spv-mark-to-market-repo-105.aspx#sthash.29E7nt7s.dpuf

Hành vi gian lận có thể giúp các công ty thu về lợi ích. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp đã bị phanh phui và khi đó họ sẽ gặp rất nhiều rắc rối.
Sử dụng SPV. Special Purpose Vehicle (SPV) là những công ty con được thành lập để thực hiện một nhiệm vụ nào đó. Các công ty này thường được sử dụng cho mục đích chứng khoán hóa. Tuy nhiên, SPV cũng được sử dụng để giấu đi các giao dịch ẩn chứa nhiều rủi ro của tập đoàn mẹ hoặc các quan hệ không minh bạch của tập đoàn. 
Trường hợp đáng chú ý nhất là vụ sụp đổ của Enron hồi năm 2001. Enron đã sử dụng các SPV để làm giảm quy mô các khoản nợ đồng thời khuếch đại lợi nhuận và nguồn vốn. 
Hoạch toán theo giá thị trường (Mark to Market – MTM). Hoạch toán theo giá thị trường (MTM) là 1 tiêu chuẩn kế toán buộc các doanh nghiệp phải ghi nhận mức giá của tài sản trên bảng cân đối theo giá trị thị trường tại thời điểm hạch toán.
Tháng 6 và tháng 7/2007, Bear Stearns đã báo cáo 2 quỹ đầu cơ chính của hãng là Bear Stearns High-Grade Structured Credit Fund và High-Grade Structured Credit Enhanced Leveraged Fund đã phải giảm gần như toàn bộ giá trị của hầu như tất cả các tài sản trên bảng cân đối kế toán. Sự kiện này thổi bùng lo ngại cho rằng tác động tiêu cực sẽ lan rộng. 
Các ngân hàng trên khắp phố Wall cũng phải chịu những khoản lỗ khổng lồ do bút toán này. Tháng 10/2008, Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) đã phải cân nhắc tạm thời chấm dứt cách hoạch toán này do lo ngại những khoản lỗ khiến cuộc khủng hoảng càng thêm tồi tệ. 
Repo 105. Thông thường, repo được sử dụng như một dạng vay thế chấp. Người bán trong một repo vay tiền của người mua và dùng assets của mình thế chấp bằng cách bán tạm cho người mua với cam kết sẽ mua lại sau một thời gian nhất định và với mức giá đã thỏa thuận trước. Chính vì vậy, các giao dịch repo là giao dịch tài trợ vốn chứ không phải giao dịch bán tài sản thực sự. 
Tuy nhiên, Repo 105 là 1 thủ thuật kế toán trong đó doanh nghiệp coi khoản vay ngắn hạn là một giao dịch bán đứt tài sản. Sau đó, doanh nghiệp có thể dùng số tiền mặt thu được để trả nợ và như vậy giảm số thể hiện trên bảng cân đối kế toán. 
Lehman Brothers đã giảm số nợ ngay trước khi công bố báo cáo tài chính quý bằng cách sử dụng thủ thuật này. Năm 2008, Lehman Brothers phá sản và thủ thuật Repo 105 bị phát hiện sau khi các cơ quan chức năng giám định sổ sách của hãng. 
Ghi nhận chi phí. Theo chuẩn mực kế toán thông thường, chi phí sẽ được ghi nhận khi hoạt động thanh toán diễn ra. 
Diamond Foods đã chuyển các khoản thanh toán cho người trồng hạt sang các kỳ báo cáo sau để có thể bù đắp chi phí của năm tài khóa 2011. Với chi phí giảm xuống, lợi nhuận của Diamond Foods cũng tăng lên khi hãng tiến hành đàm phán với Proctor & Gamble. 
Ghi nhận doanh thu. Theo chuẩn mực kế toán thông thường, doanh thu chỉ được ghi nhận khi doanh nghiệp thực hiện xong nghĩa vụ và không nhất thiết phải đợi đến khi đã nhận được tiền thanh toán. 
Năm 2002, SEC đã phạt Xerox vì hãng đã thổi phồng doanh thu. Bằng bút toán ghi nhận doanh thu, doanh thu của hãng tăng thêm hơn 3 tỷ USD, dẫn đến lợi nhuận trước thuế tăng thêm 1,5 tỷ USD. Xerox đã ghi nhận doanh thu không đúng thời điểm. 
Công bố sai lệch về dòng tiền. B áo cáo lưu chuyển tiền tệ là 1 trong 3 báo cáo tài chính quan trọng. Báo cáo này thể hiện dòng tiền chảy vào và chảy ra trong năm tài khóa của 1 doanh nghiệp. Do đó, đây là báo cáo thể hiện tốt nhất khả năng thanh khoản và tình hình hoạt động thực sự của công ty đó. 
WorldCom đã sử dụng báo cáo lưu chuyển tiền tệ để che giấu các chi phí bằng cách chuyển chi phí hoạt động vào hoạt động đầu tư. Do đó, số tiền này không được ghi nhận vào mục chi phí. Bằng kế hoạch này, WorldCom đã thổi phồng dòng tiền thêm 3,8 tỷ USD và ghi nhận lãi thay vì lỗ. 
“Nhồi” kênh phân phối. Đây là thủ thuật trong đó nhà phân phối chuyển đến các nhà bán lẻ số hàng hóa nhiều hơn đã đặt. Họ làm vậy với mục đích tăng giá trị của các khoản phải thu trên bảng cân đối kế toán. 
Krispy Kreme thừa nhận vào cuối các quý, họ đã gửi cho các cửa hàng phân phối số hàng nhiều gấp đôi so với lượng bình thường để có được kết quả kinh doanh giống với các dự báo trên phố Wall. Năm 2005, hãng buộc phải cam kết sẽ đánh giá lại tất cả các báo cáo tài chính trong quá khứ. 
Giấu lỗ trong các thương vụ mua lại. C ác công ty có thể trả giá rất cao cho các nhà tư vấn tài chính khi họ thực hiện các vụ mua lại và sáp nhập. Nhiều hãng đã sử dụng kẽ hở này để giấu đi các khoản lỗ trước đó. 
Olympus – người khổng lồ của ngành công nghệ Nhật Bản – đã có nhiều năm giấu lỗ bằng cách sử dụng phương pháp này. Theo thông cáo của Olympus, hãng này chỉ phát hiện ra vụ gian dối khi hợp tác với một ủy ban thứ ba để điều tra về các giao dịch bất minh trên liên quan đến hợp đồng mua sắm thiết bị y tế của tập đoàn Anh trị giá 2,2 tỉ USD hồi năm 2008. 
Trong gói chi trả này bao gồm khoản tiền tư vấn khổng lồ 687 triệu USD cùng khoản tiền 773 triệu USD cho 3 công ty trong nước - thực chất được sử dụng để che giấu thua lỗ trong hoạt động đầu tư chứng khoán. Khoản đầu tư vào 3 công ty trong nước đã hầu như bị xóa đi chỉ vài tháng sau khi hợp đồng kết thúc.
Nguồn: Thu Hương ( Trí Thức Trẻ/Business Insider)
- See more at: http://bfinance.vn/tai-chinh-doanh-nghiep/lam-dep-bao-cao-tai-chinh-phan-2-manh-khoe-spv-mark-to-market-repo-105.aspx#sthash.29E7nt7s.dpuf

“Làm đẹp” báo cáo tài chính (Phần 3): Mánh khóe Churning, Gian lận lợi thế thương mại… - See more at: http://www.bfinance.vn/tai-chinh-doanh-nghiep/lam-dep-bao-cao-tai-chinh-phan-3-manh-khoe-churning-gian-lan-loi-the-thuong-mai.aspx#sthash.DzoBOXid.dpuf

Thủ thuật Churning thường được các công ty môi giới sử dụng. Họ giao dịch lượng lớn chứng khoán để thu thêm tiền hoa hồng ngay cả khi các giao dịch đó không hề có lợi cho chủ tài khoản.
Thổi phồng giao dịch. Đây là nghiệp vụ trong đó doanh nghiệp giao dịch một tài sản và sau đó mua lại tài sản đó nhiều lần để thổi phồng khối lượng giao dịch. Tuy nhiên, hành vi bóp méo này không ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
Dynegy đã phải nộp phạt 3 triệu USD cho Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) sau khi bị phát hiện hành vi này với mục đích đặc biệt. Theo SEC, Dynegy đã cố ý thổi phồng các giao dịch năng lượng với cùng 1 đối tác, cùng mức giá, khối lượng và điều kiện giao dịch. 
Giữ lợi nhuận ổn định . Đây là nghiệp vụ trong đó doanh nghiệp tác động khiến lợi nhuận qua các kỳ không có nhiều biến động lên xuống.
Freddie Mac đã ghi giảm lợi nhuận nhằm giữ lợi nhuận ở mức ổn định và làm vui lòng nhà đầu tư. Trong vòng 3 năm, lợi nhuận của hãng được báo cáo ở mức thấp hơn 5 tỷ USD so với thực tế. Theo tờ New York Times, có thời kỳ, Freddie Mac đã lỗ 111 triệu USD nhưng lại báo cáo thu nhập ròng đạt gần 1 tỷ USD. Trong 1 kỳ báo cáo khác, Freddie Mac cũng chỉ báo cáo lợi nhuận 1 tỷ USD thay vì 2 tỷ USD như trên thực tế. 
Churning – Mua bán quá mức cần thiết . Thủ thuật này thường được các công ty môi giới sử dụng. Họ giao dịch lượng lớn chứng khoán để thu thêm tiền hoa hồng ngay cả khi các giao dịch đó không hề có lợi cho chủ tài khoản. 
Một ví dụ đơn giản hơn là trường hợp của các công ty bảo hiểm khi chuyển đổi chính sách bảo hiểm của các khách hàng. 
Công ty bảo hiểm Metlife đã bị phát hiện gian lận theo cách này. Hãng đã chuyển đổi chính sách bảo hiểm của nhiều khách hàng nhằm thu được nhiều phí hơn. 
Thanh toán hàng đổi hàng . Đây là giao dịch trong đó 2 công ty (hoặc 2 người) đồng ý trao đổi hàng hóa hoặc dịch vụ với nhau mà không sử dụng đến tiền tệ. 
AOL đã bị SEC và Bộ Tư pháp Mỹ điều tra vì thổi phồng doanh thu bằng cách sử dụng giao dịch hàng đổi hàng trong hoạt động quảng cáo trực tuyến.  
Trốn thuế. Trong trường hợp này, một cá nhân hoặc công ty không trả đúng số tiền thuế mà đáng lẽ ra họ phải nộp cho chính phủ. 
Crazy Eddie, một công ty bán lẻ thiết bị điện tử, đã trốn thuế trong nhiều năm bằng cách báo cáo thu nhập thấp hơn thực tế. 
Áp dụng sớm hơn quyền chọn cổ phiếu . Doanh nghiệp tặng tặng nhân viên quyền chọn cổ phiếu được định ngày trước so với ngày công ty thực sự tặng quyền chọn đó. Do đó, khoản tiền tăng thêm do chênh lệch giá cổ phiếu sẽ không được tính vào thu nhập chịu thuế.  
Apple chính là ví dụ điển hình cho thủ thuật này. Sau khi bị phát hiện, Steve Jobs và các lãnh đạo khác của Apple đã phải nộp khoản tiền phạt trị giá 14 triệu USD cộng với phí luật sư. 
Gian lận về lợi thế thương mại . Lợi thế thương mại thể hiện giá trị những tài sản vô hình của công ty (thương hiệu, quan hệ khách hàng …). Dưới áp lực từ phía nhà đầu tư, đặc biệt là trong các thương vụ mua lại và sáp nhập, giá trị của lợi thế thương mại thường được đẩy lên cao hơn so với thực tế. 
Green Mountain đã thực hiện thủ thuật này trong thương vụ mua lại Van Houtte. Sau thương vụ này, giá trị tài sản của hãng tăng vọt. 
Nguồn: Thu Hương (Trí Thức Trẻ/Business Insider)
- See more at: http://www.bfinance.vn/tai-chinh-doanh-nghiep/lam-dep-bao-cao-tai-chinh-phan-3-manh-khoe-churning-gian-lan-loi-the-thuong-mai.aspx#sthash.DzoBOXid.dpuf

Làm đẹp báo cáo tài chính (Phần 4): 7 thủ thuật hợp pháp!
- See more at: http://bfinance.vn/tai-chinh-doanh-nghiep/lam-dep-bao-cao-tai-chinh-phan-4-7-thu-thuat-hop-phap.aspx#sthash.ZTP6nVxN.dpuf

Những thủ thuật hợp pháp, tuân thủ theo chuẩn mực kế toán, mà các doanh nghiệp Mỹ thường sử dụng, song cũng không mấy xa lạ với doanh nghiệp Việt Nam.
Phù phép báo cáo tài chính là một thủ thuật để đối phó với kỳ vọng của nhà đầu tư, nhưng về lâu dài, sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của doanh nghiệp.
Có nhiều lý do khiến các bản báo cáo tài chính không minh bạch và một trong số đó là cổ phiếu được đánh giá quá cao (overvaluation). Giá cổ phiếu cao đồng nghĩa với kỳ vọng cao của nhà đầu tư về khả năng sinh lợi của công ty, từ đó gây sức ép lên các nhà lãnh đạo buộc phải tạo ra mức lợi nhuận tương ứng nếu không muốn nhận phản ứng tiêu cực từ thị trường. Mặt khác, các nhà lãnh đạo cũng nắm giữ một số lượng lớn cổ phiếu, nên bản thân họ không muốn giá cổ phiếu bị tụt giảm.
Những lý do này khiến các nhà quản lý khó có lựa chọn nào khác hơn là tìm đến những phủ thuật phù phép báo cáo tài chính. Tuy nhiên, các thủ thuật này chỉ là biện pháp đối phó nhằm tạo ra ảo tưởng công ty đang làm ăn phát đạt. Vì thế, một khi nhà đầu tư phát hiện doanh nghiệp thiếu minh bạch trong cung cấp thông tin, hậu quả sẽ khó lường.
Lấy Enron làm ví dụ, chính kỳ vọng quá lớn của thị trường đã đẩy các nhà lãnh đạo Enron tới hành vi gian lận tài chính. Sau khi bị phanh phui, giá trị của Enron nhanh chóng tụt xuống dưới mức 1 tỉ USD và kết thúc sau cùng là phá sản.
Trong bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến những thủ thuật hợp pháp, tuân thủ theo chuẩn mực kế toán, mà các doanh nghiệp Mỹ thường sử dụng, song cũng không mấy xa lạ với doanh nghiệp Việt Nam.
(1) Phù phép thông qua các ước tính kế toán. Trong quy trình lập báo cáo tài chính, các công ty thường sử dụng rất nhiều các ước tính kế toán có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận trong kỳ của công ty. Vì không có một tiêu chuẩn chính xác về giá trị các ước tính này, nên nó được xem là công cụ đắc lực để phù phép lợi nhuận. Một số thủ thuật làm tăng lợi nhuận thường gặp như giảm mức khấu hao, giảm mức dự phòng, giảm giá hàng tồn kho, giảm dự phòng nợ khó đòi, không ghi nhận chi phí khi tài sản bị giảm giá xuống dưới giá trị thuần, vốn hóa các khỏan không đủ điều kiện…
Thủ thuật phù phép lợi nhuận dựa trên các ước tính kế toán thực chất không làm tăng lợi nhuận mà chỉ đơn thuần chuyển lợi nhuận các kỳ sau sang kỳ hiện tại. Hậu quả tất yếu là lợi nhuận của năm sau sẽ bị giảm. Để tiếp tục đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của thị trường, báo cáo tài chính các năm tiếp theo cũng phải được phù phép. Tuy nhiên, càng về sau, mức lợi nhuận cần phù phép càng lớn khiến cho việc sử dụng các ước tính kế toán cũng trở nên vô hiệu. Đến khi “khủng hỏang là điều khó tránh khỏi”.
(2) Phù phép thông qua các giao dịch thực. Ngòai sử dụng các ước tính kế toán, doanh nghiệp còn có thể phù phép lợi nhuận thông qua việc giàn xếp các giao dịch thực nhằm tăng lợi nhuận trong năm hiện tại, mặc dù các giao dịch đó có thể không có lợi cho công ty về lâu dài.
(3) Tăng doanh thu thông qua các chính sách giá và tín dụng. Một biện pháp mà các doanh nghiệp thường sử dụng để tăng lợi nhuận khi thấy có nguy cơ không đạt kế họach đặt ra là giảm giá bán hoặc nớ lỏng các điều kiện tín dụng nhằm tăng lượng hàng bán ra trong những tháng cuối năm tài chính. Biện pháp thứ hai là công bố kế hoạch tăng gia bán đầu năm sau.
Ví dụ, để tăng lợi nhuận trong quý IV/2007, một công ty sản xuất ôtô có thể công bố kế hoạch tăng giá bán từ quý I/2008, lập tức doanh thu quý IV/2007 sẽ tăng vọt. Hai biện pháp này cho phép công ty tăng lợi nhuận trong năm hiện tại, nhưng sẽ bị giảm vào các năm sau, vì thực chất công ty đã chuyển lợi nhuận của năm sau sang năm hiện tại. Mặt khác, tăng giá bán năm sau còn làm giảm khả năng cạnh tranh của công ty trên thị trường.
(4) Cắt giảm chi phí hữu ích. Cắt giảm các chi phí hữu ích như chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D), chi phí quảng cáo, chi phí duy tu bảo dưỡng thiết bị cũng là một cách có thể làm tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, vì các chi phí này có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của công ty về lâu dài, nên sử dụng giải pháp này cũng đồng nghĩa với các việc hy sinh các khỏan lợi nhuận tiềm năng trong tương lai.
(5) Trì hoãn thanh lý tài sản không có nhu cầu sử dụng hoặc các khỏan đầu tư không hiệu quả. Đối với các tài sản doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng hoặc khóan đầu tư không mang lại hiệu quả, giải pháp tối ưu là thanh lý càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, thanh lý tài sản thường đi kèm một khỏan lỗ cho công ty trong năm hiện tại. Do đó, nếu lợi nhuận trong năm hiện tại có nguy cơ không đạt được mức kỳ vọng của thị trường, lãnh đạo công ty có thể không muốn thanh lý, mặc dù trì hỏan sẽ gây nhiều thiệt hại cho công ty như lạm phát sinh chi phí bảo quản, cản trở không gian sản xuất. Với các tài sản và các khỏan đầu tư không hiệu quả thì càng nắm giữ lâu, doanh nghiệp càng lỗ.
(6) Bán các khoản đầu tư hiệu quả. Ngoài trì hoãn thanh lý các khoản đầu tư không hiệu quả, công ty có thể bán các khỏan đầu tư sinh lời nhằm tăng thêm lợi nhuận cho năm hiện tại. Động thái này thường được ví như “gặt lúa non”. Vì thế, áp dụng biện pháp trên có nghĩa là công ty tự bỏ qua tiềm năng sinh lợi lớn từ các khoản đầu tư này trong những năm tiếp theo.
(7) Sản xuất vượt mức công suất tối ưu . Trong điều kiện thông thường, mỗi doanh nghiệp thường xác định một mức công suất sản xuất tối ưu, tùy thuộc vào năng lực nội tại cũng như điều kiện thị trừơng. Tuy nhiên, trong trường hợp cần phải tăng lợi nhuận, công ty có thể quyết định sản xuất vượt mức công suất tối ưu. Điều này cho phép công ty giảm giá thành đơn vị sản phẩm nhờ tận dụng chi phí cố định. Mặt trái của biện pháp này là máy móc thiết bị phải làm việc quá mức, ảnh hưởng tiêu cực tối năng suất và độ bền. Ngoài ra, sản phẩm làm ra nhiều, nếu không bán được, sẽ phát sinh chi phí bảo quản và hàng tồn kho lâu ngày sẽ bị giảm giá trị.
Cả hai biện pháp phù phép báo cáo tài chính (dựa trên các ước tính kế toán hay các giao dịch thực), về bản chất, chỉ là chuyển lợi nhuận của các năm sau sang năm hiện tại. Điểm khác biệt là ở chỗ: trong khi sử dụng các ước tính kế toán không làm thay đổi khả năng sinh lợi đích thực của doanh nghiệp, thì việc sử dụng các giao dịch thực để phù phép lợi nhuận sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng sinh lợi của công ty trong dài hạn. Xét về mặt này, làm tăng lợi nhuận thông qua các ước tính kế toán đựơc ưa chuộng hơn.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, sử dụng các ước tính kế toán không đủ sức doanh nghiệp đạt được mức lợi nhuận kỳ vọng và có thể sẽ gặp trở ngại từ phía kiểm toán viên. Do đó, doanh nghiệp có thể phải dùng đến các giao dịch thực để tăng lợi nhuận. Kiểm toán viên dù phát hiện thủ thuật này, nhưng vì nó tuân thủ các chuẩn mực kế toán, nên cũng không thể yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh lại.
Tóm lại, dù áp dụng biện pháp nào, về lâu dài đều không có lợi cho nhà đầu tư cũng như cho chính công ty. Xét trên phạm vi tòan xã hội, hậu quả còn nặng nề hơn, vì bê bối tài chính của một công ty không chỉ ảnh hưởng đến riêng công ty đó, mà còn làm xói mòn lòng tin của nhà đầu tư đối với thị trừơng. Để ngăn chặn những tác động tiêu cực của “overvaluation”, các doanh nghiệp cần có ý thức cung cấp thông tin đầy đủ và minh bạch cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng cần tỉnh táo để không đẩy mọi việc đi quá xa ngòai tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, nhiều khi lợi ích ngắn hạn của “overvaluation” quá hấp dẫn khiến các doanh nghiệp khó có thể cưỡng lãi được. Theo như nhận xét của giáo sư M.C Jensen, Giám đốc Công ty Tư vấn Quản trị Doanh nghiệp Monitor Group: “Overvaluation cũng giống như một loại heroin. Nó mang cho ta cảm giác lâng lâng lúc ban đầu, nhưng không lâu sau đó sẽ là những nỗi đâu khôn cùng.

Làm đẹp báo cáo tài chính (Phần 5): 'Lật tẩy' 5 gian lận phổ biến

Các mánh khóe gian lận không dễ bị phát hiện, vì đó là gian lận các con số và không có sự mất mát tài sản hữu hình. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, khó có thể đánh giá cách hạch toán đó là đúng hay sai.
Bài viết này đề cập đến các gian lận trong báo cáo tài chính. Đó là các thủ thuật kế toán mà chủ sở hữu hay nhà quản lý sử dụng để làm sai lệch về tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Việc này không quá khó để thực hiện vì các chuẩn mực kế toán khá linh hoạt, cho phép áp dụng nhiều phương pháp kế toán, nhiều nghiệp vụ mang tính đánh giá chủ quan của nhà quản lý.
Các mánh khóe gian lận cũng không dễ bị phát hiện, vì đó là gian lận các con số và không có sự mất mát tài sản hữu hình. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, khó có thể đánh giá cách hạch toán đó là đúng hay sai.
Dưới đây là những gian lận báo cáo tài chính thường gặp.
1. Phù phép thời gian. Vào những ngày cuối năm, công ty có thể ghi nhận doanh thu trước khi thực sự xuất hàng để đạt chỉ tiêu doanh thu. Việc hạch toán doanh thu được thực hiện ngay khi xuất hóa đơn vào ngày cuối năm trong khi sang năm mới, sau nhiều ngày, hàng mới được xuất đi.
Đối với các công ty xuất khẩu, chênh lệch thời gian nói trên thường rất lớn, đẩy doanh thu tăng lên đáng kể. Thủ thuật này cũng có thể dễ dàng áp dụng đối với doanh thu cung cấp dịch vụ bằng cách thay đổi thời gian và mức độ hoàn thành dịch vụ.
Một hình thức khác là phân bổ chi phí hoặc thu nhập cho nhiều kỳ, thay vì ghi nhận toàn bộ một lần hay ngược lại.
2. Tạo nghiệp vụ ảo. Các công ty có thể dùng các tổ chức hoặc cá nhân liên quan làm công cụ hỗ trợ. Chẳng hạn, ký các hợp đồng mua bán với số lượng cao và giá bán tốt với một số công ty mà thực chất là công ty mẹ, công ty con hoặc các công ty “chị em” trong tập đoàn, nhằm tăng doanh số tạm thời, tạo nhu cầu và giá bán ảo cho hàng hóa của công ty.
Khi cần đạt chỉ tiêu lợi nhuận, các công ty cũng có thể “thanh lý” hàng tồn kho hoặc tài sản cố định cho người quản lý hoặc cổ đông công ty.
Nhân viên bán hàng cũng có thể thỏa thuận với khách hàng lấy nhiều hàng vào cuối năm, sau đó trả lại vào đầu năm sau để được thưởng doanh số.
Một trường hợp khác là công ty vội vàng ghi nhận doanh thu khi khách hàng mới chỉ dùng thử sản phẩm và có quyền trả lại hàng hóa nếu không hài lòng, hoặc hàng xuất đi chỉ là hàng gửi bán mà chưa được bán ra.
Đối với một số hàng hóa đặc thù như hóa chất, nhiều công ty còn cho phép khách hàng là những nhà phân phối hoàn trả lại hàng khi sắp hết hạn sử dụng.
Mặc dù thường xuyên có một tỉ lệ hàng trả lại nhất định nhưng vào cuối năm, công ty vẫn “quên” lập dự phòng cho số hàng này.
Mua hóa đơn cho những chi phí không có thật cũng là một gian lận khá phổ biến.
3. Ghi nhầm chỗ . Thường gặp nhất là việc các công ty ghi nhận các khoản thu nhập khác vào doanh thu như thu nhập từ hoạt động tài chính và thu nhập bất thường, nhằm tăng tỉ lệ tăng trưởng doanh thu, tạo ảo tưởng về tiềm năng phát triển của công ty. Các khoản thu nhập như chiết khấu thanh toán, thanh lý tài sản cố định là ví dụ.
Các chi phí cá nhân cũng được hạch toán vào chi phí công ty. Kiểu gian lận này có thể được dùng nhiều, khi liên quan tới bất động sản và phương tiện đi lại.
4. Che giấu giao dịch. Với nhiều mục đích khác nhau, nhiều giao dịch bị che giấu bằng cách không hạch toán hoặc hạch toán dưới nội dung khác.
Doanh thu bán phế phẩm, hoa hồng và chiết khấu nhận từ nhà cung cấp không được ghi vào sổ sách nhằm đem lại lợi ích cho cá nhân.
Những công ty mà hoạt động xuất khẩu là chính có thể không xuất hóa đơn và ghi nhận doanh thu với hàng bán trong nước nhằm trốn thuế.
Những khoản chi hoa hồng, tiền hối lộ, chi phí cho cá nhân được hợp thức hóa bằng các hợp đồng tư vấn.
Các chi phí chưa nhận được hóa đơn vẫn không được trích trước dù đã phát sinh trong kỳ báo cáo, nhằm làm tăng lợi nhuận và giảm nợ phải trả.
Thuế không được tính và kê khai đầy đủ. Các khoản nợ xấu và hàng chậm luân chuyển, trợ cấp thôi việc không được trích lập dự phòng…
5. Thay đổi chính sách kế toán. Các chính sách kế toán thường xuyên bị biến hóa bao gồm phương pháp xác định giá thành sản phẩm, chính sách lập dự phòng, phương pháp khấu hao.
Chi phí sản xuất có thể không được phân bổ đủ vào thành phẩm mà treo tại chi phí sản phẩm dở dang, dẫn đến giá vốn hàng bán giảm và lợi nhuận tăng. Ngược lại, chi phí sản xuất có thể bị hạch toán thẳng vào giá vốn hàng bán hay chi phí khác để làm giảm giá trị thành phẩm tồn kho và giá vốn hàng bán trong năm tới.
Tỉ lệ nợ xấu và hàng hỏng cần lập dự phòng được giảm đi để cải thiện tình hình lợi nhuận trong năm. Thời gian khấu hao của tài sản được kéo dài để giảm chi phí khấu hao.
Đối với các ngành nghề khác nhau, các hình thức gian lận báo cáo tài chính thường gặp cũng khác nhau.
Ngân hàng: Thủ thuật hay được sử dụng trong ngành ngân hàng là phân loại sai các khoản vay theo mức độ rủi ro nhằm giảm chi phí dự phòng và tăng thu nhập từ tiền lãi.
Thủ thuật thứ hai là không lập hoặc lập dự phòng không đủ cho các khoản đầu tư chứng khoán, đặc biệt là chứng khoán trên thị trường tự do và những khoản đầu tư dài hạn vào các công ty.
Một thủ thuật nữa là bán những khoản đầu tư cho các bên liên quan với giá cao hơn giá thị trường nhằm đạt chỉ tiêu lợi nhuận.
Công ty sản xuất: Gian lận báo cáo tài chính phổ biến là đẩy chi phí sản xuất vào sản phẩm dở dang nhằm tăng giá trị hàng tồn kho, giảm giá vốn hàng bán và tăng lợi nhuận; lập dự phòng không đầy đủ đối với hàng hỏng và hàng chậm luân chuyển; kéo dài thời gian khấu hao của tài sản cố định.
Chia tách công ty để tăng giá trị tài sản thông qua việc đánh giá lại tài sản theo giá trị thị trường cũng là một cách gian lận.
Bán lẻ: Hình thức gian lận thường gặp là không lập đủ dự phòng cho hàng chậm luân chuyển và lỗi thời; không ghi nhận các khoản chiết khấu được hưởng từ nhà cung cấp; không ghi nhận đủ doanh số bán hàng bằng tiền mặt.
Để phát hiện gian lận, nhà đầu tư cần thường xuyên cập nhật thông tin phi tài chính về công ty, đội ngũ lãnh đạo và sự thay đổi các cổ đông lớn. Khi có sự thay đổi liên tục giám đốc tài chính hoặc kế toán trưởng, nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu nguyên nhân.
Các cổ đông nên làm quen với cách đọc báo cáo tài chính, đặc biệt là các thông tin trong thuyết minh và hiểu một số chỉ số tài chính cơ bản như vòng quay hàng tồn kho, số ngày phải thu, tỉ lệ lãi gộp. Có như vậy, nhà đầu tư mới thấy được sự bất hợp lý của số ngày phải thu trong báo cáo năm nay so với năm trước, rủi ro nợ xấu không được lập dự phòng, sự biến động lớn số dư của các tài sản hay các khoản nợ tiềm ẩn.
Nhà đầu tư cũng cần cảnh giác trước sự thay đổi chính sách khấu hao, các giao dịch với các bên liên quan và những khoản chi phí hay thu nhập bất thường.

Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư


No comments:

Post a Comment