August 11, 2013

[1]- Những điều bạn cần biết để có thể hiểu về tin tức tài chính P1


Theo Vfress.vn

'[1]-Những điều bạn cần biết để có thể hiểu về tin tức tài chính P1


214-nhung-dieu-ban-can-biet-de-co-the-hieu-ve-tin-tuc-tai-chinh-1

“Theo định nghĩa, khủng hoảng tài chính là loại sự kiện không thể đoán trước được. Nếu không, người khác sẽ lợi dụng nó để kiếm lời.” – Alan Greenspan


Trước hết, tôi là một nhà vật lý lý thuyết chứ không phải là người môi giới cổ phiếu hay giao dịch hàng hóa gì cả. Nhưng tôi vẫn đang cố gắng hiểu được các tin tức về tài chính. Trong đó đầy các thứ như “bám theo giá thị trường” hay “hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng” (CDS), đối với tôi, những thứ này cũng xa lạ như “bất phương trình Bell” đối với đa số các bạn vậy. Nhưng tôi vẫn kiên trì xác định là mình phải nắm bắt cho được những thứ sẽ quyết định tình hình tài chính của bản thân trong tương lai.



Khi bạn bắt đầu xem xét vấn đề này, bạn sẽ thấy các khái niệm này là một phần của một nền kinh tế ảo. Chúng không giống với “nền kinh tế thật”, nơi mà khi bạn ghé vào một cửa hàng tạp hóa để mua trứng và sữa, bạn sẽ có trứng và sữa trong tay chứ không phải một quyền chọn mua trứng, sữa với mức giá đã thỏa thuận trong tương lai. Nếu bạn mua một CDS bạn sẽ có được một mẩu giấy – hoặc thường thì là một tập tin máy tính – thứ vốn không chứa giá trị nội tại. Cứ tưởng tượng nếu bạn gặp phải một bộ lạc thổ dân, với hạt cườm trong tay, bạn có thể đổi lấy thứ gì đó, nhưng nếu trong tay bạn chẳng có gì ngoài một CDS, bạn sẽ chẳng đổi được gì cả. Những công cụ tài chính này khá mới mẻ. Và thứ hàng hóa mà chúng giao dịch là tiền. Đây là những công cụ rất tinh vi được đề xuất bởi những người cực kỳ thông mình để tạo ra tiền từ tiền và chúng ta đang dần bị lôi kéo vào thế giới của chúng. Tôi chợt nhớ đến điều mà nhà toán học vĩ đại người Đức Davide Hilbert nói về thuật chiêm tinh. Nếu mười người thông minh nhất thế giới ngồi lại với nhau, họ sẽ chẳng nghĩ ra những thứ ngờ nghệch như chiêm tinh thuật. Sau đây là bảng thuật ngữ.




Đây là một chủ đề phức tạp, nhưng lại cơ bản, mà tôi chia ra làm 3 phần. Phần này, Phái sinh 101, là phần cơ bản.


Phái sinh là những công cụ tài chính có giá trị sinh ra từ các công cụ tài chính có sẵn giá trị. Ví dụ: nếu tôi mua một quyền chọn để mua cổ phiếu trong tương lai với giá tại thời điểm hiện tại, thứ xác định giá trị của quyền chọn phụ thuộc giá của cổ phiếu trong tương lai. Vấn đề là, quyền chọn đó đáng giá bao nhiêu tại thời điểm hiện tại? Để hiểu rõ hơn, ta sẽ xem xét ví dụ dưới đây.



Giả sử bạn có được thông tin sau đây (trong thực tế, bạn sẽ không bao giờ có dược nhiều thông tin như thế nhưng phần Phái sinh 201 sẽ nói rõ hơn). Bạn biết rằng cổ phiếu của công ty Horse Feather, có mức giá tại thời điểm hiện tại là 100$/cổ phiếu, sẽ tăng thành 120$ với xác suất ¾ hoặc giảm còn 80$ với xác suất ¼ trong 6 tháng. Bạn được chào mua một quyền chọn mua cổ phiếu trong 6 tháng với mức giá thực thi là 100$. Bạn sẽ trả bao nhiêu cho quyền chọn này? Loại quyền chọn này gọi là “Quyền chọn châu Âu” vì chúng chỉ có thể được thực thi sau 6 tháng. Còn “Quyền chọn Mỹ” thì có thể thực thi bất kỳ lúc nào. Bạn kỳ vọng sẽ thu được 3/4x20+1/4x0 = 15$ sau 6 tháng, tức là nếu giá cổ phiếu rớt xuống 80$, quyền chọn sẽ trở nên vô giá trị. Phép tính trên cho thấy quyền chọn đáng giá 15$. Nhưng đừng bao giờ đánh giá thấp sự khéo léo của mọi người trong việc kiếm tiền. Ở đây ta sẽ gặp một khái niệm gọi là “đầu cơ chênh lệch giá”.

214-nhung-dieu-ban-can-biet-de-co-the-hieu-ve-tin-tuc-tai-chinh-2

Giả sử bạn định mua một quyền chọn từ tôi với giá 15$. Tôi sẽ nhận 15$ và bỏ túi 5$. Sau đó, tôi vay của ngân hàng 40$. Đây gọi là “đòn bẩy”. Ở đây tôi giả định không tồn tại các chi phí như hoa hồng hoặc lãi suất ngân hàng. Thông thường, những người nghiên cứu về lãnh vực này có nền tảng về vật lý nên họ gọi các giao dịch không tính phí trên là “không ma sát”. Không khó để liên tưởng ý nghĩa của từ “ma sát” trong trường hợp này. Tôi đang có 40$ và 10$, tôi dùng chúng để mua ½ cổ phần của công ty Horse Feather (nếu bạn phản đối việc mua ½ cổ phần, tôi có thể hiệu chỉnh lại ví dụ thành 1 cổ phần). Việc mua này gọi là “phòng hộ”. Động thái này sẽ mang đến rất nhiều lợi thế, đó là thứ mà các “quỹ phòng hộ” thực hiện. Tôi sẽ chỉ cho bạn thấy là tôi không thể lỗ.


Có 2 trường hợp xảy ra: giá cổ phiếu tăng lên 120$ hay giảm xuống 80$. Trong trường hợp đầu tiên bạn sẽ thực thi quyền chọn của mình. Thực tế thì bạn không quan tâm đến việc sở hữu cổ phiếu mà chỉ muốn nhận được 20$ lợi nhuận. Khi đó, tôi sẽ bán ½ cổ phiếu để nhận được 60$. 40$ cho ngân hàng và 20$ cho bạn. Hãy lưu ý 2 điều: thứ nhất, tôi giữ được cho riêng mình 5$, thứ hai, chi phí thật sự cho quyền chọn là 10$ vì phần còn lại được mượn từ ngân hàng. Bạn đã trả nhiều hơn 5$. Trong trường hợp thứ hai, giá cổ phiếu còn 80$. Bạn không thực thi quyền chọn nên tôi không nợ bạn gì cả. Tôi bán ½ cổ phần và nhận được 40$ (sẽ được dùng để trả ngân hàng) trong khi vẫn còn 5$ bỏ túi. Có vẻ như việc này quá tuyệt vời để có thể trở thành sự thật, và đúng thế thật. Trong Phái sinh 201, ta sẽ bàn về thế giới thực.



Phái sinh 201

Ở phần 101, tôi đã đưa ra một “mô hình đồ chơi” để bạn có thể hình dung ra các nguyên tắc cơ bản. Tôi bỏ qua phần “ma sát” như hoa hồng cho người môi giới và lãi suất ngân hàng. Nhưng trong thực tế, đây vẫn là những phần ta phải đưa vào tính toán. Điều khiến cho mô hình trên trông như một thứ đồ chơi là việc ta nắm được các giá trị có thể xảy ra trong tương lai của cổ phiếu cũng như xác suất xảy ra của chúng. Trong thế giới thực, chúng ta sử dụng khả năng mô hình toán học thay cho khả năng tiên tri, dù vậy, một số người vẫn thường hay mong chờ những giải pháp tâm linh.


Ý tưởng sử dụng mô hình toán có từ năm 1900 khi nhà toán học người Pháp Jean Louis Baptiste Alphonse Bachelier xuất bản luận văn tiến sỹ của mình mang tên Lý thuyết đầu cơ. Bachelier lúc đó đã 30 tuổi và đã làm việc trong Bourse – sàn giao dịch cổ phiếu của Pháp. Câu hỏi ông đặt ra cũng chính là điều mà chúng ta quan tâm: làm thế nào dự đoán được giá trị tương lai của một cổ phiếu dựa vào thông tin hiện tại? Để trả lời câu hỏi này, ông đã đưa ra ý tưởng rằng giá cổ phiếu đi theo một “bước đi ngẫu nhiên”. Theo như tôi biết, ông ta ngay lập tức kết nối ý tưởng này với một vấn đề trong vật lý vốn sẽ được giải quyết bởi Einstein vào năm 1905. Chắc chắn rằng Einstein chưa bao giờ nghe nói đến tên Bachelier. Rất ít người biết đến ông cho đến khi ông được nhắc đến vào những năm 1905 bởi các nhà kinh tế học như Paul Samuelson.

214-nhung-dieu-ban-can-biet-de-co-the-hieu-ve-tin-tuc-tai-chinh-3

Vấn đề chính của câu hỏi trên vốn được khuyến khích bởi khám phá của nhà thực vật học người Scotland tên Robert Brown vào năm 1827. Ông ta tuyên bố rằng khi để các hạt phấn hoa cực nhỏ trôi lơ lửng trên mặt nước, các hạt này sẽ tuân theo các chuyển động ngẫu nhiên được gọi là “chuyển động Brown”. Đầu tiên, Brown cho rằng các hạt này còn sống nên mới có các chuyển động như vậy. Nhưng khi ông thử với tất cả các loại hạt khác bao gồm cả bồ hóng từ London và tất cả đều đưa ra cùng kiểu chuyển động. Xuyên suốt thế kỷ 19, đây vẫn là một câu đố mặc dù đáp án chính xác đã được phỏng đoán: các hạt lơ lửng bị tác động từ khắp mọi hướng bởi các phân tử vô hình sôi động trong chất lỏng chứa các hạt. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến phản đối.



Họ lập luận rằng nếu các hạt bị tác động từ mọi hướng, làm thế nào nó có thể di chuyển tự do được? Sau khi chịu tác động đầu tiên và lêch về một hướng, khá chắc chắn rằng tác động thứ hai sẽ ngược hướng với tác động thứ nhất. Hạt lại tiếp tục bị lệch theo một hướng mới. Einstein là người khiến vấn đề này trở nên có thể định lượng. Ông cũng cho thấy khoảng cách trung bình một hạt di chuyển từ vị trí ban đầu trong một khoảng thời gian t sẽ tỷ lệ với căn bậc hai của t, điều này đã được kiểm chứng qua thực nghiệm. Như đã đề cập, tôi không tìm ra bất cứ thứ gì cho thấy Bachelier có tham khảo chuyển động Brown trong công trình của mình.



Vấn đề Bachelier đưa ra là: giả sử, bạn biết được giá cổ phiếu hiện tại, xác suất giá cổ phiếu trong tương lai đạt một mức nào đó là bao nhiêu? Ông giải quyết vấn đề bằng cách cho rằng xác suất trong tương lai có thể tính được qua một số bước, trong đó, khả năng tăng giá và giảm giá của cổ phiếu là như nhau. Bước đi ngẫu nhiên này đưa ra khái niệm “thị trường hiệu quả”. Trong đó, giá sẽ được thiết lập bởi các điều kiện thị trường và các dao động bất thường không ảnh hưởng đáng kể. Không mô hình nào có thể giúp bạn thắng được thị trường.



Thực tế, tất cả các trường hợp đầu cơ đều dựa trên giả định là lý thuyết trên sẽ sai, ít nhất là trong ngắn hạn. Là một người trong lãnh vực lý thuyết xác suất, Bachelier nhận ra rằng với giả định của mình, khi số bước tăng, giảm tăng lên, xác suất sẽ tiến đến một phân phối chuẩn dạng hình chuông. Từ đó, ông có thể dự đoán được mức giá có thể xảy ra nhất. Ở đây ta sẽ đề cập đến những yếu tố chủ chốt. Một tính chất của đường cong hình chuông là nó có các “đuôi”. Luôn tồn tại một xác suất khác 0 dù giá trị ta quan tâm có cách xa các giá trị có thể xảy ra nhất bao nhiêu đi nữa. Bạn có thể cho rằng thật phi lý khi lo lắng về các sự kiện ít khả năng xảy ra nhưng hãy nhớ lời Ngài Keynes đã nói:”Thị trường có thể duy trì sự phi lý lâu hơn khả năng thanh toán của bạn.”



Bachelier áp dụng phương pháp của mình vào công cụ phái sinh – quyền chọn nhưng có một thứ ông vẫn còn thiếu đó là sự chênh lệch giá, đánh bại thị trường bằng cách phòng hộ.

Điều này đã được sửa chữa vào những năm 1970 chủ yếu bởi 3 nhà kinh tế học: Myron Scholes, Fischer Black và Robert Merton. Merton và Scholes lúc đó đang thuộc MIT trong khi Black là một nhà tư vấn cho công ty Arthur D. Little. Scholes và Merton cùng nhận giải Nobel kinh tế vào năm 1997. Black mất trước đó 2 năm. Công trình được hoàn thành một cách độc lập giữa Merton với Black-Scholes. Câu thần chú của những nhà phân tích tài chính định lượng – còn được gọi là các “quant” – chính là phương trình Black-Scholes. Nó được sinh ra theo cách Bachelier có thể nắm được. Các giả định giống như trong chuyển động Brown cũng được sử dụng. Giải pháp sẽ cho chúng ta biết cách định giá quyền chọn. Với một nhà khoa học như tôi đó thật sự là một vấn đề hấp dẫn. Ví dụ, trong cơ học lượng tử, sử dụng toán trong lý thuyết ta sẽ dự đoán được các kết quả có khả năng xảy ra của các thí nghiệm trong tương lai với dữ liệu hiện tại. Lúc này ta lại dùng những kết quả có thê xảy ra trong tương lai để xét đến hiện tại. Trong cơ học lượng tử, ta thậm chí không thề mô tả được quá khứ vì tồn tại nhiều quá khứ khác nhau các xác suất khác nhau.


Phương pháp của Merton thì khác, đây là loại phương pháp thường được sử dụng bởi những người trong lãnh vực. Ông cho thấy quyền chọn thực có thể được thay thế bởi một quyền chọn “giả” bao gồm cổ phiếu và tiền mặt, vốn sẽ cho ra kết quả như quyền chọn thực. Thực tế bạn không cần phải xem xét quyền chọn thực như ta đã xem ở mô hình đơn giản trên. Cổ phiếu mua được bằng tiền vay ngân hàng cùng với 10$ đã tái tạo ra một quyền chọn. Khi điều này được hiểu rõ, các quant sẽ có rất nhiều việc để làm. Điều này đặc biệt đúng vì khi các điều kiện thị trường thay đổi, sự kết hợp giữa cổ phiếu và tiền mặt cũng phải được hiệu chỉnh. Điều này không thể được thực hiện bằng tay mà phải bằng máy tính. Làm việc với công cụ phái sinh giống như làm việc với một lỗ đen vậy. Hơn nữa, có một vấn đề quan trọng với mô hình này. Bạn chỉ có thể nhận ra nó không hiệu quả sau khi nó dẫn đến một thảm họa tài chính. Điều này đã từng xảy ra vào năm 1987 và lặp lại vào năm 1998, và gần đây nhất là năm 2008. Đây là đối tượng cho phần tiếp theo – phái sinh 301. <Còn nữa>



Phần tiếp theo nói về: Phái sinh 301, LIBOR, Hợp đồng chuyển đổi rủi ro tín dụng (CDS), Hạch toán theo giá trị thị trường, Cuộc khủng hoảng năm 1987, Cuộc khủng hoảng năm 2008



Nguồn: QuantNetdịch bởi VnQuants

Tác giả: Jeremy Bernstern


No comments:

Post a Comment