April 12, 2013

Bàn về chủ nghĩa cá nhân



Bàn về chủ nghĩa cá nhân - Bài 1

Ludwig von Mises – Chủ nghĩa cá nhân

Phạm Nguyên Trường dịch

Xã hội chỉ là tập hợp của các nhân để cùng nhau hợp tác. Xã hội chỉ tồn tại trong những hành động của các cá nhân. Tìm xã hội bên ngoài hành động của các cá nhân là sai lầm.

Tất cả mọi hành động đều là do các cá nhân làm. Bao giờ cũng chỉ có cá nhân suy nghĩ. Xã hội chẳng nghĩ được gì xa hơn là ăn và uống. Tư duy bao giờ cũng là thành tựu của các cá nhân. Có hành động phối hợp nhưng không bao giờ có tư duy phối hợp.

Bao giờ tập thể cũng hành động thông qua trung gian của một hay nhiều người, đối với hành động của những người này, tập thể chỉ có vai trò thứ yếu. Vì vậy mà tập thể mang tính xã hội không tồn tại bên ngoài hành động của những cá nhân thành viên của nó. 

Nền kinh tế thị trường có thể hoạt động mà không cần chỉ đạo của nhà nước là vì nó cho mỗi người biết rằng anh ta cần phải làm gì và phải làm như thế nào chứ nó không đòi hỏi bất kì người nào phải từ bỏ đường lối hành động có lợi nhất đối với người đó. Theo đuổi mục tiêu của mỗi cá nhân là chất xúc tác nhằm liên kết hành động của từng cá nhân thành hệ thống sản xuất xã hội.

Hi vọng thu lượm được “thành quả”, mỗi người lại đóng góp phần của mình vào việc sắp xếp một cách hữu lí nhất hoạt động sản xuất. Như vậy là, trong lĩnh vực sở hữu tư nhân và luật lệ nhằm chống lại những hành động bạo lực và lừa dối, quyền lợi của cá nhân và quyền lợi của xã hội không hề mâu thuẫn với nhau.

Những người muốn nghiên cứu hành vi của con người từ những đơn vị là tập thể đối mặt với trở ngại không thể nào vượt qua được: mỗi cá nhân trong cùng một thời điểm có thể thuộc về những tập thể rất khác nhau. Vấn đề nảy sinh là do có nhiều đơn vị xã hội cùng tồn tại một lúc và mâu thuẫn giữa chúng chỉ có thể được giải quyết bằng chủ nghĩa cá nhân luận mà thôi.

Sự cộng tác của những tín điều của chủ nghĩa tập thể nhằm phá hoại tự do đã tạo ra những niềm tin sai lầm rằng mâu thuẫn chính trị hiện nay là sự đối đầu giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể. Trên thực tế, đấy là cuộc đấu tranh giữa một bên là chủ nghĩa cá nhân và bên kia là những phe đảng khác nhau của chủ nghĩa tập thể. Không phải là những phe đảng đồ đệ của Marx (marxian) thống nhất với nhau mà là rất nhiều nhóm đồ đệ khác nhau của Marx đang tấn công chủ nghĩa tư bản. Những nhóm này còn chiến đấu với nhau một cách dã man nhất và phi nhân nhất. Thay thế chủ nghĩa tự do bằng chủ nghĩa tập thể sẽ dẫn đến cuộc chiến đẫm máu không bao giờ dứt.

Chủ nghĩa cá nhân là triết lí của sự hợp tác xã hội và tăng cường theo hướng tiến bộ của mối liên kết xã hội. Mặt khác, áp dụng những tư tưởng nền tảng của chủ nghĩa tập thể chỉ dẫn đến sự tan rã xã hội và những cuộc xung đột vũ trang bất tận mà thôi.

Bàn về chủ nghĩa cá nhân – Bài 2


Sandy Ikeda – Chủ nghĩa cá nhân đối lập với chủ nghĩa vị kỉ

Phạm Nguyên Trường dịch

Người công dân của xã hội tự do giữ quyền lực chính trị ở mức tối thiểu và bảo vệ một cách quyết liệt những quyền cá nhân. Kết quả là xã hội tự do xói mòn đặc quyền đặc lợi được luật pháp công nhân bằng cách loại bỏ mọi sự đe dọa chống lại những người mới ngoi lên thuộc đủ mọi kiểu khác nhau và bảo vệ sự tự chủ của họ. Nó cung cấp cho người ta con đường dẫn tới tiến bộ xã hội và sự cải thiện điều kiện sống cho tất cả mọi người, kể cả những người được sinh ra trong hoàn cảnh tồi tệ nhất của xã hội. Khao khát tìm hiểu làm cách nào mà hành động của cá nhân có thể thúc đẩy sự thịnh vượng chung đã thúc đẩy Adam Smith phát triển lí thuyết về xã hội tự do trên cơ sở của sự đồng cảm và tư lợi.


Adam Smith nói về tính ích kỉ và sự đồng cảm

Trong tác phẩm Lí thuyết về cảm nhận đạo đức[1], xuất bản năm 1759, Smith viết như sau:

Dù con người có ích kỉ đến đâu đi nữa thì trong tính cách của anh ta vẫn có một nguyên tắc làm làm cho anh quan tâm đến số phận của người khác và hạnh phúc của họ mặc dù anh ta chẳng được lợi lộc gì, ngoài việc thấy vui khi quan sát người khác hạnh phúc. Tình cảm khi trông thấy hay hiểu được một cách sống động hoàn cảnh khốn khổ của người khác là tình thương hay từ tâm.

Đối với Smith, khả năng tưởng tượng mình trong vị thế của người khác – sự đồng cảm – là chìa khóa để hiểu tại sao về mặt đạo đức chúng ta bằng lòng và mong muốn tưởng thưởng hoặc không bằng lòng và mong muốn trừng phạt người khác hay chính chúng ta vì những hành động cụ thể nào đó.

Và vì thế, thể hiện thật nhiều tình cảm với người khác và kiềm chế tình cảm với chính mình, hạn chế tính ích kỉ và để cho tình yêu tương người khác tuôn trào là sự hoàn hảo của bản chất con người; và tự nó có thể tạo ra sự hài hòa tình cảm và tình thương yêu giữa con người với nhau, toàn bộ sự thanh cao và tài sản của họ đều ở đó. Yêu người hàng xóm như yêu chính mình là điều luật vĩ đại của Thiên chúa giáo, cho nên lời răn vĩ đại của tự nhiên là chỉ yêu mình như yêu người hàng xóm hay hàng xóm cũng có khả năng yêu mến chúng ta thì cũng thế.

Theo nghĩa nào đó, trong khi tư lợi tương tự như cái máy gia tốc thúc đẩy sự tiến bộ trong xã hội tự do thì sự đồng cảm lại là cái phanh giúp chúng ta chạy thậm chí còn nhanh hơn.

Chủ nghĩa cá nhân chân chính không phải là lòng ích kỉ hẹp hòi

Cố gắng bảo vệ quyền sống, quyền tự do và tài sản – nền tảng của chủ nghĩa cá nhân – không phải là sự ích kỉ hẹp hòi. Chúng ta có thể sử dụng thành quả của quyền tự do của chúng ta để giúp đỡ người khác cũng như giúp đỡ chính mình – và chúng ta vẫn làm như thế. (Và rõ ràng là điều đó làm cho chúng ta hạnh phúc hơn[2]).

Nhưng không ít người vẫn đánh đồng chủ nghĩa cá nhân với tính ích kỉ hẹp hòi vì ngay những người theo phái tự do (libertarians) đôi khi cũng tuyên xưng chủ nghĩa cá nhân dưới hình thức quá hạn hẹp - với tâm điểm của nó là “cái tôi” được đưa lên hàng đầu. (Tôi đã viết[3] và nói[4] về vấn đề này rồi). Tôi không nghĩ là quan điểm đó hay cách sống mà quan điểm đó ám chỉ vốn dĩ là sai, nhưng vấn đề là nó không được nhiều người ủng hộ. Sự phát triển về mặt xã hội, kinh tế và văn hóa phụ thuộc vào mạng lưới quan hệ xã hội phức tạp của rất nhiều người, và mạng lưới đó khó mà hình thành trong cái chủ nghĩa cá nhân với mỗi người là một nguyên tử như thế.

F.A. Hayek viết trong tiểu luận quan trọng của ông với nhan đề “Chủ nghĩa cá nhân: chân chính và sai lầm”[5] như sau: “… tin rằng chủ nghĩa cá nhân ủng hộ và khuyến khích thói ích kỉ là một trong những lí do chính làm cho nhiều người không ưa nó…”

Trong một bài báo có tên là “The Downside of Liberty”[6] được công bố trên tờNew York Times ngay trước ngày lễ Độc lập, ông Kurt Anderson than thở:

Điều xảy ra trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội sau những thay đổi to lớn hồi cuối những năm [19]60 không phải là mâu thuẫn hay không thích hợp. Tất cả những cái đó chỉ là chuyện vặt. Đối với những người hippy và những người tự do cũng như các doanh nhân và nhà đầu tư, chủ nghĩa cá nhân cực đoan đã giành toàn thắng. Tính ích ki đã chiến thắng.

Tác giả nêu lên vấn đề đáng được bàn thảo vào một dịp khác. Nhưng vấn đề ở đây là việc đánh đồng giữa chủ nghĩa cá nhân với tính ích kỉ hẹp hòi. Đương nhiên là ông ta sai. Nhưng với những điều mà những người ở phía “chúng ta” đôi khi vẫn nói thì tôi có thể hiểu vì sao ông ta và những người khác có thể nghĩ như thế. Chủ nghĩa cá nhân hẹp hòi tự nó dẫn tới khái niệm cho rằng những người theo phái tự do, đấy là nói khi chúng ta đánh giá cao chủ nghĩa cá nhân, trên thực tế là những phần tử phản xã hội..

(Hiện nay tôi nghĩ rằng những mối đe dọa đối với quyền tự do của chúng ta là con đường ngắn nhất làm cho thói ích kỉ hẹp hòi thế chỗ cho sự đồng cảm giữa người với người mà Smith từng nói hay theo ngôn từ của Tuyên ngôn độc lập “hàng loạt các hành vi lạm quyền và chiếm đoạt … chứng tỏ ý đồ bắt họ [nhân dân] phải nằm dưới quyền của một chế độ độc tài chuyên chế”. Nghĩa là tìm cách sử dụng quyền lực chính trị để làm cho chúng ta trở thành ít ích kỉ hơn – thí dụ thông qua việc tịch thu và tái phân phối thu nhập – có thể có hiệu quả ngược lại).

Chủ nghĩa cá nhân chân chính hướng tới xã hội

Chủ nghĩa cá nhân theo cách hiểu của Adam Smith có nghĩa là gì? F.A. Hayek viết trong tiểu luận vừa dẫn như sau:

Đâu là những tính chất quan trọng nhất của chủ nghĩa tự do? Trước tiên cần phải nói rằng đấy trước hết là lí thuyết về xã hội, là cố gắng nhằm tìm hiểu những lực lượng quyết định đời sống xã hội của con người, còn tập hợp những câu châm ngôn chính trị được rút ra từ quan điềm như thế về mặt xã hội chỉ đóng vai trò phụ mà thôi.

Nói cách khác, chủ nghĩa cá nhân là phương pháp quan sát và tìm hiểu cách chúng ta sống cùng nhau. Chủ nghĩa cá nhân là nói về những biện pháp tốt nhất nhằm thúc đẩy sự hợp tác xã hội. Nghĩa là:

. . . Chỉ có thể tìm hiểu những hiện tượng xã hội thông qua việc tìm hiểu những hành vi của cá nhân hướng tới những người khác và được dẫn dắt bởi hành vi mà họ kì vọng ở đối tác.

Trong ngữ cảnh như thế của chủ nghĩa cá nhân, tính ích kỉ có ý nghĩa thực sự là gì?

Nếu chúng ta đặt vấn đề một cách ngắn gọn bằng cách nói rằng, trong hành động người ta được và phải được hướng dẫn bởi quyền lợi và ước muốn của họ thì điều này ngay lập tức bị hiểu lầm hay bị xuyên tạc thành quan niệm sai lầm ngược lại là họ được hay phải được hướng dẫn chỉ và chỉ bởi nhu cầu cá nhân hay quyền lợi ích kỉ của họ mà thôi, trong khi chúng ta muốn nói rằng họ có quyền phấn đấu cho tất cả những gì mà họ nghĩ là đáng mong ước.

Như vậy là, chủ nghĩa cá nhân chân chính trái ngược với thái độ bao cấp (dịch từ: paternalism -ND) về mặt tư tưởng ở chỗ nó tôn trọng khả năng đưa ra và đánh giá quyết định của từng người và của mỗi người. Kể cả quyết định có xin giúp đỡ hay có giúp đỡ người khác hay không và nếu có thì trong những hoàn cảnh như thế nào, và xin giúp hay giúp những cái gì, cũng như việc giúp đỡ có hiệu quả hay là không.

Kết quả là trong lịch sử loài người, tự do và chủ nghĩa cá nhân (được hiểu một cách đúng đắn) chính là những động cơ mạnh mẽ nhất trong việc nâng cao đời sống của ngay cả những người nghèo khổ nhất, như đoạn băng video nổi tiếng[7] của ông Hans Rosling, giáo sư về sức khỏe thế giới, đã cho thấy.

Bây giờ xin bàn về tính ích kỉ hiểu theo nghĩa rộng, vốn là phần quan trọng nhất của chủ nghĩa tự do, mà như Hayek nói, thường bị hiểu lầm. Ông giải thích như sau:

Nền tảng chân chính của luận cứ của [người theo phái cá nhân chủ nghĩa] là không có người nào có thể biết ai là người biết rõ nhất và chỉ có một con đường tìm kiếm, đấy là thông qua tiến trình xã hội, trong đó mỗi người đều được phép thử và tìm ra điều mà người đó có thể làm.

Tiến trình xã hội đó là sự cạnh tranh trên thương trường không có các đặc quyền về mặt chính trị và rào cản về mặt pháp lí. Cạnh tranh kiểu đó là khám phá thủ tục, trong đó người ta tìm kiếm những biện pháp – thông qua sự đồng cảm - làm cho nhau cùng được lợi. Điều dó sẽ không dẫn tới sự toàn thiện toàn mĩ có tính không tưởng, mà dẫn tới sự cải thiện thường xuyên phúc lợi của tất cả mọi người và sự thể hiện bản thân của mỗi người.

Chủ nghĩa cá nhân là biện pháp thử-đúng nhằm thúc đẩy sự hợp tác xã hội chứ không phải là lời kêu gọi nhằm tránh xa nó.

Sandy Ikeda là phó giáo sư kinh tế tại Purchase College, SUNY, và là tác giả cuốn The Dynamics of the Mixed Economy:Toward a Theory of Interventionism (tạm dịch: Sự năng động của nền kinh tế hỗn hợp: bàn về lí thuyết can thiệp).

[1] The Theory of Moral Sentiments: http://www.econlib.org/library/Smith/smMS.html
[2] http://www.nytimes.com/2012/07/08/opinion/sunday/dont-indulge-be-happy.html?_r=1&pagewanted=all
[3] http://www.thefreemanonline.org/headline/don%E2%80%99t-tread-on-others/
[4] http://www.youtube.com/watch?v=QxPAZANdYQE&feature=youtube_gdata
[5] “Individualism: True and False”: http://mises.org/books/individualismandeconomicorder.pdf
[6] “The Downside of Liberty,”: http://www.nytimes.com/2012/07/04/opinion/the-downside-of-liberty.html
[7] this popular video: http://www.youtube.com/watch?v=jbkSRLYSojo

Bàn về chủ nghĩa cá nhân – Bài 3

Donald J. Boudreaux – Chủ nghĩa cá nhân và tri thức

Phạm Nguyên Trường dịchCon người ta có tri thức đến mức nào?

Câu hỏi ngắn này lại là câu hỏi phức tạp. Dĩ nhiên là tri thức tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau. Một thiên tài toán học có thể tin vào khả năng dự toán của những quân bài Tarot, một nhà văn vĩ đại có thể lúng túng trước một cách lập luận đơn giản nhất, một nhà quản lí hàng đầu có thể mù tịt về văn chương.

Đó là vấn đề thú vị, nhưng không phải là mối quan tâm của tôi ở đây. Tôi muốn làm rõ vấn đề sâu sắc hơn: mỗi người chúng ta, khi đứng một mình, đều những người tối tăm đến kinh ngạc và thường làm những việc ngu xuẩn.

Lời khẳng định này có thể là một cú sốc xuất phát từ một người cá nhân chủ nghĩa thâm căn cố đế như tôi. Nhưng cú sốc lại xuất phát từ việc không hiểu được chủ nghĩa cá nhân. Như vậy là, muốn tìm hiểu vấn đề trí tuệ của con người, trước hết chúng ta phải hiểu chủ nghĩa cá nhân.

Chủ nghĩa cá nhân, được sử dụng ở đây, là một triết lí chính trị. Nó là một tập hợp những chân lí nói về bản chất của xã hội và tập hợp những luật lệ về quan hệ phù hợp giữa chính phủ và các cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân phủ nhận quan điểm cho rằng xã hội tách biệt với những cá nhân hợp thành xã hội đó. Nó phủ nhận sự tồn tại của “ý chí chung”. Nó công nhận rằng những tập hợp được sử dụng nhằm thảo luận về xã hội – như “GDP”, “nhân dân Mĩ” hay “thành phố Chicago” – chỉ là kết quả của ảnh hưởng qua lại của những sự lựa chọn và hành động của rất nhiều cá nhân riêng biệt mà thôi. Những tập hợp này chỉ là sản phẩm được tạo tác bởi từng cá nhân trong hàng triệu cá nhân tương tác với nhau theo những cách rất phức tạp, không thể nào mô tả bằng lời được.

Chủ nghĩa cá nhân phủ nhận tuyên bố cho rằng chính phủ phản ảnh một cách chính xác ước muốn của “nhân dân” – vì chủ nghĩa cá nhân không công nhận nhân dân, như một nhóm người, là thực thể có ý thức, có ước muốn. Tôi có ước muốn, vợ tôi có ước muốn, người hàng xóm của tôi có ước muốn. Một số ước muốn có thể được toàn thế giới chia sẻ. Một số ước muốn khác có thể xung đột kịch liệt với nhau. Nhưng ngay cả thậm chí ước muốn được mọi người chia sẻ cũg vẫn chỉ là ước muốn của từng cá nhân riêng biệt mà thôi. Tách khỏi những cá nhân như thế thì không tạo vật nào có ước muốn hết.

Một trong những hậu quả của quan niệm này là sự nghi ngờ của người theo thuyết cá nhân chủ nghĩa về việc sử dụng chính phủ để buộc một số người phải tuân lệnh một số người khác. Người theo thuyết cá nhân chủ nghĩa bác bỏ huyền thoại đầy thơ mộng rằng một số người được nhà nước chuyển hóa một cách thần kì thành tương tự như thánh thần, tức là thành những người có thể phân biệt và tập hợp được biết bao nhiêu kiến thức nằm rải rác trong hàng triệu người. Kết quả là, người theo thuyết cá nhân chủ nghĩa thù địch với mọi cố gắng nhằm buộc bất cứ người nào phải khuất phục cái thực thể được cho là “cao hơn” đó.

Chủ nghĩa cá nhân không phải là niềm tin rằng mỗi người là hay tìm cách trở thành cách biệt, giống như một hòn đảo, với những người khác. Người theo thuyết cá nhân chủ nghĩa công nhận sự kiện đáng mừng là mỗi người chúng ta đều phụ thuộc vào vô số người khác – gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và nói một cách văn hoa là phụ thuộc vào hàng trăm triệu người mà ta không hề quen biết trên khắp thế giới, sự sáng tạo và cố gắng của họ thể hiện trong những món hàng hóa, dịch vụ và ý tưởng chính là sự thịnh vượng của chúng ta.

Người theo thuyết cá nhân chủ nghĩa hiểu rằng xã hội chỉ có thể phát triển từ ảnh hưởng qua lại của những sự lựa chọn và hành động của từng con người với sự lựa chọn và hành động của hàng triệu người khác, và rằng sự cưỡng chế của chính quyền trung ương ngăn cản sự phát triển đó.
Tri thức của con người
Người theo thuyết cá nhân chủ nghĩa đánh giá một cách sâu sắc giới hạn của sự hiểu biết của mỗi cá nhân. Ngoài việc nhận thức được tầm quan trọng của sự hợp tác xã hội, người theo thuyết cá nhân chủ nghĩa còn nhận thức được rằng:
Hợp tác không thể là công việc ép buộc;
Hợp tác thường kéo theo sáng tạo (thí dụ như người sản xuất thiết kế ra cái bẫy chuột tốt hơn để bán);
Vì có sự sáng tạo và vì mỗi người đều có một số kiến thức độc đáo nhưng giới hạn, cho nên kết quả của sự hợp tác là không lường trước được;
Mỗi cá nhân đều là những người dốt nát, dễ hiểu sai và lầm lẫn cho nên việc tìm ra chân lí – tức là phân biệt giữa những ý tưởng đúng và ý tưởng sai – buộc người ta phải liên tục thực hiện quá trình thử và sai; và
Khi người ta tự do hợp tác, chỉ phải thuyết phục người khác hợp tác với mình thì sẽ hình thành trật tự xã hội, trong đó mỗi người đều nhận được lợi ích từ những mẩu kiến thức độc đáo mà mỗi người trong số hàng triệu người khác đem vào trong quan hệ thị trường. Thông qua thị trường, tôi nhận được lợi ích từ kiến thức độc đáo của anh hàng thịt, anh hàng bia và anh hàng bánh mì, mặc dù tôi chẳng biết một tí gì về công việc của những người kia.
Như vậy là, người theo thuyết cá nhân chủ nghĩa cho rằng kiến thức mỗi cá nhân sở hữu là vô cùng nhỏ bé, nhưng chỉ tính những người phục vụ anh ta thôi thì kiến thức của họ đã là vô cùng to lớn rồi. Anh ta nhận thức được rằng mình biết rất ít. Anh ta hiểu rằng một người hay một nhóm người trong một ủy ban nào đó tưởng tượng là hắn ta hay bọn họ có thể nắm được toàn bộ những chi tiết của những dàn xếp trên thương trường là sự kiện cực kì khôi hài.

Người theo thuyết cá nhân chủ nghĩa chỉ có thể chế nhạo vào sự giả dối của những kẻ tưởng tượng rằng họ có thể đoán được hay lập kế hoạch cho thị trường vì đấy sẽ là dự đoán hay lập kế hoạch cho hàng trăm triệu người, mà mỗi người trong số đó lại có một ít kiến thức độc đáo.

Người theo thuyết cá nhân chủ nghĩa biết rằng một người hoàn toàn tách biệt với xã hội của những người đàn ông và đàn bà tự do là người không chỉ nghèo một cách tuyệt vọng mà còn là người luôn luôn sợ hãi và sai lầm một cách vô lí nữa.

Xin hãy suy nghĩ về một chút kiến thức - thí dụ, trái đất tròn hay vi khuẩn có thể giết người. Đối với chúng ta, đây là những sự kiện rõ ràng. Nhưng chúng không phải đã là những sự kiện rõ ràng. Hàng bao nhiêu ngàn năm, đa số dân chúng không biết gì về những sự kiện như thế. Và độc giả thân mến của tôi, bạn biết những sự kiện đó không phải vì bạn phát hiện ra chúng mà bởi vì biết bao nhiêu người đã tư duy một cách sáng tạo và hữu lí, và tìm cách chia sẻ ý tưởng của họ với những người khác, đem ý tưởng của mình ra cho người khác đánh giá và chau chuốt thêm. Sự tương tác giữa những con người tự do và hữu lí là tác nhân khám phá ra và khẳng định những sự kiện đó.

Tôi thấy trái đất phẳng, tôi chưa bao giờ nhìn thấy con vi trùng nào. Nhưng tôi biết rằng trái hình tròn, rằng có những con vi trùng và chúng rất nguy hiểm. Tôi được lợi từ kiến thức đó, mặc dù đấy không phải là phát minh của cá nhân tôi. Và khi tôi nghĩ về những lợi ích đó, tôi nhận thức được rằng hầu như mọi thứ tôi biết đều do những người khác phát hiện ra. Đấy là kiến thức mà nếu ở một mình với chiếc máy tính mạnh nhất, thì hàng tỉ năm tôi cũng không thể nào tự mình phát hiện ra được.

Một mình, tôi là người ngu dốt và tăm tối; nhưng như một thành viên của xã hội thị trường, tôi là người có kiến thức và được khai minh. Tôi có kiến thức và được khai minh là nhờ sự cố gắng mang tính cá nhân của biết bao nhiêu người, họ là những người sử dụng một cách sáng tạo quyền tự do và khả năng tư duy một cách hữu lí của mình.

Donald J. Boudreaux là giáo sư kinh tế tại George Mason University, là cựu chủ tịch của Foundation of Economic Education (FEE), là tác giả cuốn Tòan cầu hóa (Globalization).



Bàn về chủ nghĩa cá nhân – Bài 4


Edward W. Younkins

Chủ nghĩa cá nhân và tự do: Những cây cột trụ sống động của cộng đồng chân chính

Phạm Nguyên Trường dịch

Chủ nghĩa cá nhân là quan niệm cho rằng mỗi người đều có những quan niệm riêng về mặt đạo đức và một số quyền nhất định, đấy là những thứ có nguồn gốc thánh thần hay cố hữu trong bản chất của con người. Mỗi người sống, nhận tức, trải nghiệm, tư duy và hành động trong và thông qua cơ thể của mình và vì vậy mà xuất phát từ những điểm duy nhất trong không gian và thời gian. Chỉ cá nhân mới là người có khả năng hành động hợp lí một cách sáng tạo và mới mẻ. Các cá nhân có thể có ảnh hưởng lẫn nhau, nhưng tư duy lại đòi hỏi phải có người tư duy duy nhất, đặc thù. Cá nhân nhận trách nhiệm tư duy cho chính mình, hành động dựa trên tư tưởng của chính mình và đạt được hạnh phúc của chính mình.

Tự do là điều kiện tự nhiên của cá nhân. Ngay từ khi chào đời, mỗi cá nhân đã có khả năng suy nghĩ những ý nghĩ của chính mình và kiểm soát năng lực của mình trong những cố gắng nhằm hành động phù hợp với những ý nghĩ đó. Người ta có thể khởi sự những hành động có mục đích của mình khi không gặp phải những cản trở mang tính mệnh lệnh – đấy là khi không có những ép buộc do những cá nhân khác, những nhóm người hay chính phủ gây ra. Tự do không phải là khả năng nhận cái mà chúng ta mong muốn. Những cản trở không mang tính mệnh lệnh như thiếu khả năng, thiếu kiến thức và nguồn lực có thể làm cho người ta không đạt được ước mơ. Tự do nghĩa là không có những trở ngại mang tính ép buộc, nhưng đấy không có nghĩa là không có tất cả những trở ngại. Như vậy là, tự do là điều kiện cần, nhưng chưa phải là điều kiện đủ, để được hạnh phúc.

Có thể coi hạnh phúc cá nhân là trải nghiệm tình cảm tích cực, có ý thức, đi kèm với hoặc xuất phát từ việc sử dụng tiềm năng của con người, trong đó có tài năng, khả năng và đức hạnh. Cảm nhận về việc mình thuộc về cộng đồng do mình tự do lựa chọn là thành phần quan trọng của hạnh phúc.

Chủ nghĩa cá nhân phủ nhận quan niệm cho rằng cộng đồng hay xã hội có thể tồn tại bên ngoài những cá nhân tạo ra nó. Cộng đồng hay xã hội là tập hợp của những cá nhân – đấy không phải là một vật cụ thể hay một cơ thể sống tách biệt khỏi những thành viên của nó. Sử dụng thuật ngữ trừu tượng như cộng đồnghay xã hội là để nhắm tới những con người nhất định, tức là những người chia sẻ những tính chất đặc biệt và quan hệ với nhau theo những cách đặc biệt nào đó. Không có những thứ như ý chí chung, lí trí chung hay thịnh vượng chung; chỉ có ý chí, lí trí và sự thịnh vượng của từng cá nhân trong một nhóm mà thôi. Cộng đồng hay xã hội chỉ đơn giản là tập hợp của những con người để hoạt động một cách có phối hợp. Hành động có phối hợp của nhóm là chức năng của những cố gắng mang tính tự chủ của mỗi cá nhân trong nhóm đó.

Mặc dù về mặt siêu hình học thì cá nhân là tối thượng (cộng đồng là phụ và phái sinh), nhưng cộng đồng cũng rất quan trọng vì người ta cần cộng đồng để đạt tới tiềm năng hạnh phúc của mình. Những ràng buộc xã hội là những ràng buộc mang tính công cụ nhằm thỏa mãn những khát vọng phi xã hội của từng cá nhân, là những giao kèo thiết yếu cho sự thịnh vượng. Trật tự chính trị tự do, là trật tự tôn trọng những quyền tự nhiên, trong đó có quyền tự do cá nhân, tạo điều kiện tốt nhất cho sự hình thành những cộng đồng tự nguyện, thông qua những cộng đồng này mà người dân lựa chọn cách sống phù hợp với những giá trị chung do chính họ lựa chọn.

Cộng đồng chân chính là cộng đồng do người ta tự do lựa chọn

Nhấn mạnh vai trò tối thượng cho cá nhân không có nghĩa là giảm giá trị của hợp tác xã hội. Con người không chỉ là những cá nhân tách biệt với nhau mà còn là sinh vật mang tính xã hội nữa. Hành động có phối hợp thúc đẩy cơ hội phát triển và mang lại lợi ích, nếu không thì từng cá nhân riêng lẻ không thể nào đạt được. Lí tính của con người tạo điều kiện cho anh ta hợp tác và giao thiệp với những người khác. Trong xã hội tự do, người ta tự nguyện tham gia vào tất cả những công việc hợp tác xã hội. Trên thực tế, chủ nghĩa cá nhân cung cấp cho người ta nền tảng lí thuyết tốt nhất cho cộng đồng chân chính, tức là cộng đồng xứng đáng với đời sống của con người. Quan hệ tự nguyện, cùng có lợi giữa những cá nhân tự chủ là nền tảng cho việc hành thành những cộng đồng thực sự. Tính độc đáo và giá trị của mỗi người được khẳng định khi mỗi cá nhân cấu thành cộng đồng tự do lựa chọn tư cách thành viên trong cộng đồng đó.

Chủ nghĩa cá nhân và sự tự chủ giải phóng người ta khỏi sự phụ thuộc lẫn nhau. Trong cuốn bestseller có nhan đề Bảy thói quen của người có hiệu quả cao, ông Stephen Covey nhận xét rằng sự tương thuộc là lựa chọn mà chỉ có những người tự chủ mới làm được mà thôi. Một người có thái độ tích cực, tôn trọng nguyên tắc, hành động vì những giá trị, tức là người tổ chức và thực hiện những ưu tiên trong cuộc đời của anh ta bằng tấm lòng chính trực là người có khả năng xây dựng những mối quan hệ sâu sắc, lâu bền và có hiệu quả với những người khác. Tính tự chủ thật sự tạo điều kiện cho người ta hành động chứ không chỉ phản ứng. Tính tự chủ đòi hỏi người ta phải liên kết một số nguyên tắc (đức tính) nhất định như trung thực, dũng cảm, công bằng, lương thiện và ngay chính vào trong bản chất của mình. Những người tương thuộc lẫn nhau kết hợp cố gắng của riêng họ với cố gắng của những người khác nhằm đạt được thành công và hạnh phúc lớn hơn. Họ là những người tự tin và có năng lực, là những người nhận thức được rằng làm việc cùng nhau thì có thể làm được nhiều hơn là làm một mình. Những người tương thuộc lẫn nhau tìm cách chia sẻ với nhau, học hỏi nhau, hiểu và yêu mến nhau và vì vậy mà có quyền tiếp cận với nguồn lực và tiềm năng của những người khác.


Cộng đồng chân chính tôn trọng các cá nhân tự do


Thuật ngữ cá nhân phải bao gồm tự do, công lí, đức hạnh, nhân cách và hạnh phúc; nhưng việc theo đuổi hạnh phúc cá nhân đương nhiên là và hầu như bao giờ cũng diễn ra trong cộng đồng. Người ta, như những cá nhân, có những nhu cầu mà không hợp tác với người khác thì không thể nào thỏa mãn được – thỏa mãn tất cả những đòi hỏi của con người trong tình trạng cách li là việc làm bất khả thi. Cộng đồng chân chính tôn trọng những con người tự do. Cộng đồng thật sự xuất hiện khi người ta được tự do thành lập những hiệp hội tự nguyện nhằm theo đuổi quyền lợi cá nhân và quyền lợi có tính hỗ tương với nhau. Tôn trọng con người hàm chứa sẵn trong lòng nó sự tôn trọng quyền hình thành hiệp hội mà họ lựa chọn cho mục đích đó.


Cá nhân không bắt đầu trong điều kiện cách li – tồn tại nghĩa là cùng tồn tại. Sinh, về bản chất, là trong gia đình, với cha mẹ, anh em, ông bà, chú bác và anh em họ. Đền lượt mình, các thành viên trong gia đình lại có rất nhiều mối quan hệ với những thành viên khác trong những cộng đồng và hiệp hội tự nguyện khác nhau. Trong xã hội tự do, các cá nhân thường đồng thời là thành viên của nhiều cộng đồng khác nhau. Ở những mức độ khác nhau, mỗi người đánh đồng mình với những cộng đồng như gia đình, tôn giáo, địa phương, địa vị, nghề nghiệp, nơi làm việc, dân tộc, sắc tộc, văn hóa, chính trị và những cộng đồng khác nữa. Đấy thường là những cộng đồng có tính khu vực, nhưng không phải dứt khoát như thế, và có số người rất giới hạn, đấy là những người mà cá nhân có thể quen, có quan hệ và chia sẻ quyền lợi chung. Sự tiến bộ về mặt công nghệ ngày càng gia tăng trong lĩnh vực thông tin liên lạc và giao thông làm cho người dân có thêm điều kiện lựa chọn những cộng đồng đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu và kì vọng của họ. 


Chính phủ tối thiểu tạo điều kiện cho các cộng đồng chân chính nở hoa kết trái


Liên kết vào trong những cộng đồng và hiệp hội tự nguyện tạo điều kiện cho các công dân giữ được sự độc lập đối với nhà nước. Cuộc sống trong những cộng đồng do người ta tự do lựa chọn tốt hơn là cuộc sống của một cá nhân rời rạc trong một quốc gia-dân tộc to lớn. Những người nghi ngờ quyền lực của nhà nước ủng hộ việc thành lập thật nhiều nhóm tự nguyện nằm trung gian giữa nhà nước và cá nhân – những định chế trung gian này giúp các cá nhân thực hiện những mục tiêu của mình một cách tự do hơn và đầy đủ hơn. Nguyên tắc phân cấp là nhà nước nên giới hạn hoạt động của mình vào những lĩnh vực mà cá nhân và những hiệp hội tư nhân không thể thực hiện một cách hiệu quả. Các cá nhân và tổ chức khu vực gần gũi nhất với hiện thực xảy ra hàng ngày thường là có những quyết định sáng suốt nhất, cơ quan cấp trên chỉ nên quyết định khi có những vấn đề vượt quá khả năng của cấp dưới mà thôi. Phân cấp tạo điều kiện cho những người tự do phát triển trong những cộng đồng đúng nghĩa mà không cần có sự can thiệp của nhà nước.


Mục tiêu của nhà nước không phải là giúp người ta về mặt vật chất hoặc tinh thần để họ có thể theo đuổi quan niệm của họ về hạnh phúc – đấy là công việc của các cá nhân, cộng đồng và những hiệp hội tự nguyện khác. Vai trò thật sự của nhà nước chỉ là bảo vệ người dân trong khi họ theo đuổi hạnh phúc riêng của mình. Điều đó đơn giản có nghĩa là ngăn chặn sự can thiệp của những người khác.


Vì nhà nước có thái độ thù địch đối với sự hình thành và hoạt động của các cộng đồng tự nguyện, nhà nước tối thiểu – tức là nhà nước hoạt động trong những giới hạn của chủ nghĩa cá nhân tự do – làm cho việc hình thành những cộng đồng như thế được dễ dàng hơn. Những mối quan hệ cá nhân sâu sắc và có lợi trên cơ sở hợp tác tự nguyện và giúp đỡ lẫn nhau sẽ sinh sôi nảy nở trong những hệ thống tối thiểu, dựa trên quyền của con người. Tự do cá nhân là điều kiện cần cho sự hình thành và sức sống của những cộng đồng chân chính.


Edward Younkins là giáo sư kế toán và quản trị kinh doanh tại Wheeling Jesuit University, Wheeling, West Virginia.





Bàn về chủ nghĩa cá nhân – Bài 5

Clarence B. Carson 
Chủ nghĩa cá nhân đối đầu với chủ nghĩa cộng sản 
Phạm Nguyên Trường dịch
Hiện nay người ta dễ dàng đồng ý rằng chủ nghĩa cá nhân ở Mĩ đã gặp chuyện gì đó chẳng lành. Mọi người đều nói rằng thái độ phục tùng đã trở thành đức hạnh cao nhất và cá nhân bị hi sinh cho tập thể. Từ sau Thế chiến II đã có một đống sách vở trình bày chi tiết luận đề nay. William H. Whyte, trong tác phẩmThe Organization Man[1], khẳng định rằng ngay cả người phát ngôn quyền lực nhất của chủ nghĩa cá nhân cũng sử dụng ngôn từ của chủ nghĩa tập thể nhằm “ngăn chặn ý nghĩ cho rằng chính anh ta cũng ở trong cái tập thể đang lan tràn khắp nơi mà những nhà cải cách, các nhà trí thức từng mơ ước và những quan niệm không tưởng mà anh ta từng cảnh báo”. David Riesman và các cộng sự, trong tác phẩm The Lonely Crowd, kể lại chi tiết quá trình đánh mất tính tự chủ của người Mĩ và cho rằng đấy là do sự thay đổi trong tính cách của người Mĩ, từ “hướng nội” sang “hướng về người khác”. Erich Kahler, trong tác phẩm gần đây, tuyên bố: “Hiện nay chúng ta đang chứng kiến và dấn sâu vào quá trình chuyển hóa con người vô cùng to lớn. Quá trình chuyển hóa này dường như có xu hướng tạo ra con người vượt ra ngòai cá nhân. Tuy nhiên, dễ nhận thấy những quá trình khác nhau của sự đổ vỡ hay mất giá của con người cá nhân”[2].

Có rất nhiều sách báo chỉ ra sự tồn tại và phân tích thái độ phục tùng rồi. Có tất cả các cung bậc, từ tiểu thuyết tới chuyên luận dành cho đại chúng, từ nghiên cứu tâm lí học tới những tác phẩm chuyên khảo về xã hội học, từ Người mặc áo vét xám (The Man in the Gray Flannel Suit) tới Những người sống trong khu biệt thự ngọai ô (The Exur­banites) tới Người thuyết phục dấu mặt (The Hidden Persuaders) tới Dân tộc của bầy cừu (A Nation of Sheep). Các bản báo cáo nói rằng sinh viên là những người thụ động, rằng thanh niên tìm những vị trí an tòan trong các công ty lớn, rằng người mua tìm nhà trong những khu ngọai ô với những dãy nhà giống hệt nhau, rằng người ta thích được xã hội giúp đỡ hơn là di cư để tìm công việc mới. 
Bất kì người quan sát nhạy cảm nào cũng thấy quần chúng ở Mĩ dễ bị lôi kéo, thao túng đến mức nào. Hàng chục năm nay người Mĩ có xu hướng bị lôi cuốn vào những sự cuồng lọan của đám đông, từ trò chơi MahJong tới lắc vòng (hula hoops), từ sung bái những người hùng như Charles A. Lindbergh tới Elvis Presley, những bài hát và ngôi sao ca nhạc rẻ tiền và đủ lọai mode sớm nở tối tàn khác. Trong hai mươi năm gần đây, bộ máy tuyên truyền quốc gia rõ rang là có thể làm cho chúng ta căm thù người Đức và người Ý, khinh người Nga, yêu người Phần Lan, kinh tởm người Nhật, ôm chặt người Nga, coi thường người Phần Lan, hâm mộ người Đức, người Ý, người Nhật và nghi ngờ người Nga…
Như tôi đã nói, nhiều người đồng ý là ở Mĩ, chủ nghĩa cá nhân đã suy giảm một cách nhanh chóng. Nhưng sự đồng thuận cũng chấm dứt ngay ở đây. Lí giải hiện tượng này cũng nhiều như số sách báo viết về nó vậy. Một số người đưa ra giải thích được nhiều người công nhận, thí dụ như công nghiệp hóa, đô thị hóa, không còn khu vực ngọai biên, và gia tăng dân số. Một số khác thì nói rằng đấy là do sự phát triển của quảng cáo, của tuyên truyền, của các phương tiện thông tin đại chúng, phương pháp giáo dục tiên tiến, sự phát triển của các tập đòan, của chủ nghĩa công đòan, của quyền phổ thong đầu phiếu, hay tình hình quốc tế căng thẳng. Chúng ta thường tỏ ra quá thận trọng và chấp nhận ngay những chuyện khó tin. Những hiện tượng bên trên chắc chắn là có ảnh hưởng tới thực tiễn của chủ nghĩa cá nhân ở Mĩ. Nhưng dù có xem xét chúng một cách tách biệt hay phối hợp thì chúng cũng chỉ là triệu chứng chứ không phải là nguyên nhân đủ sức gây ra hiện tượng đó. Chúng là phương tiện làm lật nhào chủ nghĩa cá nhân chứ không phải mục đích mà thay đổi gây ra. 
Thuật ngữ làm người ra rối trí 
Nguyên nhân chính làm chúng ta không nhận ra được nguồn gốc của sự quay lưng lại với chủ nghĩa cá nhân ở Mĩ là do chúng được xác định không dưới dạng chủ nghĩa cá nhân. Nhiều người tìm cách phá họai cơ ngơi của chủ nghĩa cá nhân và thiết lập những cách hành xử phi cá nhân chủ nghĩa lại làm điều đó dưới danh nghĩa người theo thuyết cá nhân chủ nghĩa. Họ có thể làm được chuyện đó một phần là vì họ là những người quảng bá và có thể họat động trong bối cảnh của chủ nghĩa tương đối, chủ nghĩa phi lí và chủ nghĩa lãng mạn đã bị rút hết ruột. Họ có thể sử dụng ngôn ngữ tù mù và không thấy cần phải xác định rõ ràng mục đích của mình. Kết quả là họ có thể đánh bật được hầu hết khuôn khổ của chủ nghĩa cá nhân mà chỉ gặp sự chống trả không đáng kể của những người bảo vệ nó. 
Nhiệm vụ tôi đặt ra ở đây là xác định cả chủ nghĩa cá nhân lẫn những điều làm suy yếu nó. Đấy chỉ là bước đầu trên con đường tìm hiểu những diễn biến đã từng xảy ra với chủ nghĩa cá nhân trong lịch sử, nhưng là bước đi cần thiết. Sự diễn giải được rút ra từ sự phát triển trong suốt chiều dài của lịch sử những tư tưởng này ở nước Mĩ.
Cá nhân như là đơn vị cơ bản 
Chủ nghĩa cá nhân là tư tưởng hoặc là tập hợp những tín điều về vai trò quan trọng tối thượng và chung cuộc của cá nhân con người. Nghĩa là đấy là niềm tin cho rằng cá nhân là đơn vị quan trọng nhất, từ đó mới sinh ra tất cả những đơn vị khác, dù đấy có là những nhóm, những tập thể, những xã hội, nhà nước hay nền văn minh thì cũng thế. Những người theo trường phái cá nhân chủ nghĩa thường cho rằng vì những nhóm này đều là tập hợp của những cá nhân cho nên chúng tồn tại vì cá nhân con người. Cá nhân là đơn vị chung cuộc theo nghĩa là những tập hợp này tồn tại là để đáp ứng những khát vọng của cá nhân. Theo thần học, cá nhân là đơn vị cơ bản, chính nó sẽ sống đời đời chứ không phải bất kì nhóm nào khác. Nhưng đơn vị chung cuộc có thể là cụm từ phù hợp hơn bởi vì có cả những người cá nhân chủ nghĩa theo phái nhân đạo hướng đến đời sống thế tục lẫn những người tin vào cuộc đời bên kia thế giới này. 
Tư tưởng hiện đại (hậu-Trung cổ) về chủ nghĩa cá nhân tập trung sự chú ý vào tính độc nhất của cá nhân. Nguyên lí quan trọng nhất của chủ nghĩa cá nhân là sự khác biệt, tính độc nhất của cá nhân này so với cá nhân kia, và đấy chính là giá trị thật sự của từng cá nhân. Tài năng, nhu cầu, quyền lợi, mục tiêu, tài sản đặc biệt của từng người là cái làm cho người đó khác biệt với những người khác và làm cho anh ta trở thành có giá trị đến như thế. Tất cả những gì chung với những người khác chỉ có thể giúp làm cho anh ta lẫn vào đám đông vô bản sắc mà thôi. Con người riêng biệt của anh ta, khả năng sáng tạo của anh ta, cuộc sống đầy ý nghĩa của anh ta, tất cả những điều đó đều có nguồn gốc và xuất phát từ sự độc đáo của anh ta. 
Không gian cho sự phát triển 
Không gian cho sự phát triển tính độc đáo của cá nhân là yêu cầu xã hội quan trọng nhất của chủ nghĩa cá nhân. Nhiều tư tưởng liên quan đến chủ nghĩa cá nhân có xuất xứ từ nhu cầu này. Ví dụ, tự do là điều kiện thiết yếu (sine qua non) của chủ nghĩa cá nhân, cũng như cưỡng bức là kẻ thù không đội trời chung của nó. Cá nhân phải được tự do quyết định mục đích của mình, tự do tìm cách thỏa mãn nhu cầu của mình, tự do kết hợp hoặc không kết hợp với những người khác trong khi theo đuổi mục tiêu của mình.
Điều đó không có nghĩa là người ta phải lát đường cho anh ta đi hay anh ta sẽ được thỏa mãn nếu những người khác quan tâm giúp đỡ anh ta. Đúng hơn, cá nhân cần xã hội; trong xã hội đó, anh ta phải tự mình lo liệu cho nhu cầu của mình, tự do theo đuổi những mục tiêu của mình, có cơ hội được tưởng thưởng khi thể hiện tiềm năng của mình, các mối quan hệ trong đó đều tự nguyện và vũ lực được giữ ở mức tối thiểu. Đấy là quyền tự do mà những người theo thuyết cá nhân chủ nghĩa thế kỉ XIX nghĩ là thích hợp cho sự phát triển của họ. 
Trách nhiệm tương ứng 
Quyền tự do như thế sẽ làm cho xã hội trở thành khó khăn nếu không có sự phát triển tương ứng trách nhiệm của cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là lí thuyết xã hội và nhiều người biện hộ cho nó cho rằng trách nhiệm cá nhân là yêu cầu chủ yếu cho việc thực thi nó trong xã hội. Sẽ hợp lí, nếu cá nhân được tự do phát triển khả năng của mình thì anh ta cũng phải có trách nhiệm trước những hậu quả của sự phát triển đó và phải chịu trách nhiệm về họat động của mình. 
Hệ quả tất yếu khác là quyền tự do của cá nhân chấm dứt nơi quyền tự do của cá nhân khác bắt đầu. Khi nguyên tắc này được áp dụng cho quyền sở hữu thì nó có nghĩa là luật bảo vệ tài sản của một người khỏi sự xâm phạm của người khác cũng ngăn chặn, không cho anh ta xâm phạm tài sản của người khác. Nói một cách lí tưởng, sẽ là tốt hơn nếu cá nhân có nhận thức vững chắc về trách nhiệm trước những hành động của mình. Nhưng nếu cá nhân không làm được như thế, đã có thời người ta cho rằng xã hội phải thực hiện chức năng có ích, đấy là buộc cá nhân phải chịu trách nhiệm khi anh ta vi phạm quyền của những cá nhân khác. Trừng phạt một người vì xâm phạm vào lĩnh vực của người khác vẫn thuộc về chủ nghĩa cá nhân. Nhưng mặt khác, lọai bỏ cơ hội cho sự xâm phạm như thế không còn thuộc về chủ nghĩa cá nhân nữa, đấy dường như là kết quả của sự hạn chế tự do. 
Tự do lựa chọn 
Chủ nghĩa cá nhân, tự do, trách nhiệm là những tiền đề nền tảng triết lí của niềm tin vào quyền tự do ý chí, và niềm tin vào tự do lựa chọn là việc làm khả thi. Buộc cá nhân phải chịu trách nhiệm cho hành vi mà anh ta không khởi sự là sai. Nói theo lối tích cực thì đấy là tiền đề cho rằng người khởi xướng hành động phải chịu trách nhiệm trước những hậu quả của nó. Sự kiên định mang tính logic đòi hỏi rằng nếu một người phải chịu trách nhiệm vì một hành động nào đó thì anh ta phải khởi sự hành động đó bằng cách hoặc là lựa chọn, không lựa chọn do lơ là hoặc ít nhất là trong trường hợp đó lựa chọn là khả thi. Một khi đã công nhận quy luật tất yếu hay thuyết định mệnh thì nền tảng của trách nhiệm cá nhân đã không còn và đối trọng của tự do (tức là trách nhiệm – ND) đã bị phá hủy. 
Niềm tin vào chủ nghĩa cá nhân, tức là tư tưởng phát triển trong thế kỉ XIX, được xây dựng trên nền tảng cho rằng lựa chọn đóng vai trò trong qúa trình phát triển của con người thì không được rõ ràng như thế. Theo cách giải thích này, tính độc đáo của cá nhân là kết quả của những lựa chọn anh ta làm mỗi ngày, chính những lựa chọn đó dẫn tới hoặc là sự thể hiện của con người cá nhân hay sự thất bại của anh ta. Vì vậy mà điều kiện chung cuộc hay điều kiện căn bản cho sự hình thành cá nhân phụ thuộc vào những lựa chọn của anh ta. 
Một khi lựa chọn tự do không còn là tác nhân đầu tiên để người ta đánh giá vị trí hay hành động của một người thì sẽ khó bảo vệ được quyền tự do trên thực tế. Nếu, thí dụ, lựa chọn không còn đóng vai trò hàng đầu trong việc tạo ra sự bất bình đẳng giữa người với người thì khó hóa giải những bất bình đẳng đó với ý thức về sự công bằng của chúng ta. Những người được nhận ít không phải họ thất bại mà do sự sắp đặt từ trước. Ngòai ra, nếu người ta phải hành động do quy luật tất yếu thì tự do không còn có ý nghĩa tối thượng nữa; nó chỉ còn có vai trò chủ yếu là giữ một phần dân chúng bên ngòai nhà tù mà thôi, vì người ta không thể hành động khác với những hành động mà họ đang làm. Đấy là tự do do xã hội cho phép, có khả năng là nó dựa trên tính tóan về ước muốn của con người và khả năng thực tế của việc ngăn cản một số người trong số họ, không cho những người này cơ hội thực hiện ước mơ của mình. Nói ngắn, tự do rút lại chỉ còn là cho phép làm điều có thể làm. 
Tóm lại, những nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa cá nhân là: tin vào giá trị tối thượng và chung cuộc của cá nhân con người, nhấn mạnh tính duy nhất trong mỗi con người, khẳng định quyền tự do cho sự thể hiện của mỗi cá nhân, trách nhiệm cá nhân và tự do ý chí. Những nguyên lí đó tạo thành nền tảng của những tư tưởng thiết yếu của chủ nghĩa cá nhân. Trong thời hiện đại, chúng được những tư tưởng khác nhau như chủ nghĩa duy danh, chủ nghĩa duy lí, ý chí luận và chủ nghĩa lí tưởng ủng hộ. Trong xã hội Mĩ (và một số nước châu Âu), những tư tưởng đi kèm với chủ nghĩa cá nhân đã được khớp nối với những định chế và thực tiễn như chính phủ hiến định, còn Luật nhân quyền (Bill of Rights) thì thiết lập khu vực tư bằng cách hạn chế những hành động của chính phủ, quyền sở hữu tư nhân, bãi bỏ những qui định của xã hội về quyền thừa kế (bãi bỏ quyền trưởng nam và theo thứ tự), thương mại tự do, tự do tham gia tôn giáo, tự do lựa chọn bạn đời, hiệp hội tư nhân hoặc hiệp hội tự nguyện để làm công việc từ thiện..v.v… 
Trong vòng 70 đến 80 năm qua, chủ nghĩa cá nhân đã và đang đánh mất dần ảnh hưởng đối với người Mĩ – lúc nhanh lúc chậm khác nhau. Sự mất mát này được thể hiện một cách đơn giản như là nhu cầu thành lập ủy ban, thiết lập các qũy hay định chế, công ty, tổ chức câu lạc bộ hay phong trào - khi khởi động bất kì công việc gì, không phụ thuộc vào tính chất và sự phức tạp của nó. Nó biểu hiện rõ trong việc giao cho chính phủ quá nhiều trách nhiệm và sự gia tăng đáng kể các luật lệ và qui định nhằm quản lí đời sống của chúng ta. Nó còn thể hiện trong việc cắt xén quyền kiểm soát của cá nhân đối với công việc của anh ta (người sử dụng lạo động buộc nhân viên phải đóng bảo hiểm y tế, còn chính phủ thì buộc phải đóng bảo hiểm xã hội), trong việc cha mẹ mất trách nhiệm và kiểm soát con cái, trong việc tuyên truyền và kiểm tra tín ngưỡng của chính phủ. 
Con người và tư tưởng 
Đương nhiên là hòan cảnh có tạo điều kiện cho người ta xa lánh chủ nghĩa cá nhân, nhưng hòan cảnh không thể quyết định phương hướng hay dẫn chúng ta đi theo hướng mà chúng tự đặt ra cho mình. Đấy là vai trò của con người và tư tưởng, hay của những người chịu ảnh hưởng của tư tưởng. Đấy là xu hướng xác định và được hình thành trên cơ sở của những tư tưởng hòan tòan xác định. Chúng ta khó nhận ra chúng vì những người ủng hộ cho những thay đổi này dùng những cái tên khác nhau, và những phương tiện mà họ đề xuất nhằm tiến đến mục đích chung cũng khác nhau. Những người này đã và đang triệt tiêu chủ nghĩa cá nhân và cấy một đặc tính khác vào nước Mĩ. Sau đây là những từ thường được sử dụng theo nghĩa trái ngược với chủ nghĩa cá nhân: chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản và tôi ngờ rằng cả từ chế độ dân chủ nữa, mặc dù việc đưa từ này vào sẽ bị nhiều người phản đối một cách dữ dội. Lester Frank Ward đề xuất từ chính quyền xã hội (sociocracy) nhưng không được nhiều người chấp nhận. Những từ thường được sử dụng hoặc là quá mù mờ, quá chuyên môn hay mang nặng cảm tính. Tôi muốn sử dụng một từ đã được nhiều người chấp nhận nhằm mô tả đặc tính được dùng thay cho chủ nghĩa cá nhân. Đấy là từ cộng đồng chủ nghĩa (communism). 
Cộng đồng chủ nghĩa (communism) chỉ khác từ cộng sản chủ nghĩa (communism) có một chữ, tuy nhiên nó khá thích hợp đối với mục đích mô tả của chúng ta. Nó hàm ý mục đích hay mục tiêu của đặc tính này, trái ngược hẳn với chủ nghĩa cá nhân và thể hiện được những phương tiện nhắm tới mục đích này. Chủ nghĩa cộng đồng tập trung chú ý vào nhu cầu chung, quyền lợi chung và mục tiêu chung của nhân lọai, chứ không chú ý vào những khác biệt giữa người nọ và người kia. Thí dụ, tất cả mọi người đều có chung một số ham muốn như thức ăn, sự ấm áp và được người ta chú ý. Những người theo phái cộng đồng muốn tổ chức xã hội để có thể cung cấp tất cả những thứ đó cho mọi người một cách hiệu quả. 
Chủ nghĩa cộng đồng là niềm tin rằng cá nhân tìm thấy tính cách của mình từ sự tương đồng, tìm thấy lẽ sống của mình từ trong xã hội. Chủ nghĩa cộng đồng ngấm ngầm, nhưng đôi khi công khai, là quan niệm cho rằng cá nhân sống vì xã hội. Người theo chủ nghĩa cộng đồng cảm thấy thỏai mái với những thuật ngữ và mạnh đề như lòai người, phúc lợi chung, nhân lọai, nhân dân, lợi ích chung vàtình huynh đệ giữa người với người, anh ta có xu hướng giải thích tất cả những thuật ngữ này theo kiểu các nhu cầu và ước muốn được mọi người chia sẻ. Đối với người theo phái cộng đồng thì nhóm, tập thể, nhà nước, xã hội và nhân lọai sẽ tồn tại mãi, trong khi cá nhân chấm dứt cùng với cái chết. Cá nhân chỉ có ý nghĩa khi là thành viên của tập thể mà thôi. Những quyền và đặc quyền mà anh ta có là từ tập thể và chỉ tồn tại khi anh ta còn thành viên của tập thể. Người theo chủ nghĩa cộng đồng đương đại thường không công nhận bất cứ thứ gì bên ngòai tập thể - nhân lọai, lòai người, thịnh vượng chung – mà anh ta hướng tới. Khi nhân dân nói thì đấy chính là tiếng nói cuối cùng. 
Người theo phái cộng đồng có thể không phải là người tin hòan tòan vào thuyết định mệnh, mặc dù anh ta thường là người như thế, nhưng anh ta thường coi di truyền và môi trường có vai trò ưu trội trong việc giải thích hành vi và sự khác biệt giữa người với người. Thuật ngữ mà anh ta dùng để định danh quan điểm của mình có thể khác nhau – thuyết định mệnh về kinh tế, môi trường luận, định mệnh về tâm lí – nhưng tin rằng không cần tính đến lựa chọn trong việc giải thích hành vi của con người là điều không hề xa lạ với anh ta. Anh ta công nhận trách nhiệm chung cho tất cả những việc xảy ra và tuyên bố rằng mỗi người chúng ta phải có trách nhiệm cho tất cả mọi người chúng ta. 
Hai điểm nhìn tham chiếu 
Chủ nghĩa cá nhân đối đầu với chủ nghĩa cộng đồng – có thể xem xét những thay đổi và xung đột trong lịch sử gần đây của nước Mĩ giữa thái hai cực mà hai thuật ngữ này đại diện. Hai thuật ngữ này có thể không bao trùm tất cả những sự kiện đã xảy ra, nhưng chúng bao trùm lên nhiều sự kiện đủ để thấy rõ sự phát triển trong những năm gần đây. Nó thể hiện những xung đột trong quốc hội, trong những quyết định đầy khó khăn của tổng thống, trong việc đưa xu hướng hành động của tòa án vào bối cảnh. Sẽ không quá khi nói rằng những cuộc tranh cãi chủ yếu của các cơ quan lập pháp và luật pháp trong suốt 70 năm qua – tranh cãi về luật chống độc quyền, thành lập cơ quan thi hành luật pháp, luật chống gián điệp và bạo lọan, động viên cho chiến tranh, phương tiện chống suy thóai, quy định về lao động có tổ chức – là những biểu hiện của cuộc xung đột giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa cộng đồng. 
Cuộc chiến giữa những người cải cách và những người bảo thủ cũng có thể được xem xét dưới anh sáng của cuộc xung đột này. Những người cải cách muốn định chế hóa chủ nghĩa cộng đồng, còn những người bảo thủ thì thường bảo vệ những định chế mang tính cá nhân chủ nghĩa trước đây – dù nhà cải cách có là Theodore Roosevelt hay nhân vật bảo thủ là Robert A. Taft thì cũng thế. Dĩ nhiên là vấn đề không phải lúc nào cũng thật sự rõ ràng, phương án thay thế không phải lúc nào cũng được nói tọac ra, nhưng thường thì đấy chỉ là lựa chọn giữa những phương tiện nhằm đạt đến cùng một mục tiêu mà thôi. 
Sự lan tỏa của chủ nghĩa công đòan, sự phát triển của các tập đòan và công ty, sự tập quyền hóa quyền lực ở Washington, bộ máy hành chính có mặt khắp nơi, việc gia tăng những chương trình phúc lợi, quan niệm cho rằng xã hội phải chịu trách nhiệm về mọi thứ, từ giáo dục cho tới nhà ở, chiến thắng của “học thuyết nguy hiểm rõ ràng và hiện tại” của các tòa án, giao cho cảnh sát quyền hạn chế một số quyền tự do và dễ dàng luật hóa những họat động được cho là nhắm đến phúc lợi chung của chính phủ là chỉ dấu của thắng lợi của chủ nghĩa cộng đồng. Những người theo thuyết cá nhân chủ nghĩa thực hiện những hành động khi tinh thần tự nguyện được bảo tòan, khi tự do cá nhân được giữ lại, khi quyền sở hữu tư nhân được bảo tồn (mặc dù cuộc tấn công chống lại quyền sở hữu tư nhân không trực tiếp bằng cuộc tấn công vào quyền tự do cá nhân), khi hành động của chính phủ bị ngăn chặn, khi họ duy trì được trách nhiệm và chức năng cho cá nhân. 
Bước ngoặt 
Trong nửa sau thế kỉ XIX, chủ nghĩa cộng đồng bắt đầu có hình thù trong tư duy và trước tác của một số học giả Mĩ. Có thể tìm thấy tư tưởng chủ đạo của nó trong tác phẩm xuất bản năm 1893 của nhà xã hội học tên Lester Frank Ward: 
“Cá nhân đã trị vì quá lâu rồi. Đã đến lúc xã hội phải nắm lấy công việc của mình và định hình số phận của mình. Con người cá nhân đã hành động tốt nhất theo khả năng của anh ta. Anh ta chỉ có thể hành động theo cách của mình. Với ý thức, ý chí và trí tuệ của mình, anh ra không thể làm gì khác hơn là theo đuổi những mục đích tự nhiên của mình. Không thể tố cáo anh ta hay gọi bằng cái tên nào khác. Không thể phê phán anh ta. Cũng không thể ca ngợi hay bắt chước anh ta. Xã hội nên học học bài học lớn của mình từ anh ta, nên đi theo con đường mà anh ta đã làm để dẫn tới thành công. Xã hội nên coi mình như một cá nhân, với tất cả những quyền lợi của một cá nhân; và khi nhận thức rõ những quyền lợi đó, nó phải theo đuổi quyền lợi với ý chí không gì lay chuyển được như thể cá nhân theo đuổi quyền lợi của mình. Không chỉ có thế, xã hội phải được hướng dẫn, như cá nhân được hướng dẫn, bởi trí thức xã hội, được trang bị bằng tất cả kiến thức do tất cả các cá nhân tập hợp lại, với sức lao động, lòng nhiệt tình và tài năng, tức là tất trí thông minh mà xã hội có”[3]
Henry George, Richard Ely, Henry Demarest Lloyd, Edward Bellamy, Daniel De Leon, Eugene Debs, Thorstein Veblen, Jack London và nhiều người khác phải được đưa vào danh sách những người khởi xướng và truyền bá chủ nghĩa cộng đồng. Nó lại được những người xã hội, cộng sản, các nhà báo của những tạp chí bình dân, những người thuyết giảng Phúc âm xã hội, những người dân tộc chủ nghĩa, những nhà giáo dục và những người cấp tiến đủ mọi lọai quảng bá nữa. Nó được phong trào “lương tâm xã hội” khuyến khích và những người tự coi là người tự do tạo thành những định chế. 
Dĩ nhiên là trong đa số trường hợp những người theo phái cá nhân chủ nghĩa là nguyên nhân của xung đột rồi. Đầu thế kỉ XX họ là những người nắm được quyền lực và có ảnh hưởng. Họ đã có thể tố cáo, phỉnh phờ, chế nhạo và còn có thể ngược đãi những người đề xướng chủ nghĩa cộng đồng nữa. Thậm chí như thế, ngọn triều vẫn quay sang hướng khác; nhiều người sử dụng ngôn ngữ của chủ nghĩa tự do nhưng lại tham gia vào việc bảo vệ các tập đòan, khuyến khích những dự án mang tính đế quốc chủ nghĩa, để vệ binh quốc gia giải tán các công đòan và yêu cầu chính phủ giải quyết các vấn đề phát sinh. Những đòn trí mạng của các cuộc chiến tranh và suy thóai trong thế kỉ XX đã làm nhiều người không nhận ra được bản chất của những vụ xung đột về tư tưởng và những người theo phái cộng đồng đã có sẵn những chương trình của họ rồi. 
Chúng ta còn đang trong giai đọan chuyển tiếp ồ ạt từ chủ nghĩa cá nhân sang chủ nghĩa cộng đồng – đấy là nói về những định chế và thực tiễn. Nhưng sự thay đổi to lớn cho nó trong lĩnh vực tư tưởng và niềm tin thì đã diễn ra rồi – nói về quần chúng thì điều này đã xảy ra trong ba bốn thập kỉ đầu của thế kỉ này. Những tư tưởng của chủ nghĩa cộng đồng đã trở thành sở hữu chung của người Mĩ vì chúng đã thấm vào văn học, ngôn ngữ, bài thuyết giáo, bài giảng và tư tưởng của người tạo ra dư luận rồi. 
Dr. Carson là giáo sư lịch sữ Mĩ tại Grove City College, Pennsylvania.




[1] William H. Whyte, Jr., The Organiza­tion Man (Garden City, N. Y.: George Braziller, 1957), p. 6.
[2] Erich Kahler, The Tower and the Abyss (New York: George Braziller, 1957), p. xiii.


[3] Lester F. Ward, "Sociocracy," Amer­ican Thought: Civil War to World War I, intro. by Perry Miller (New York: Holt, Rinehart & Winston, Inc., 1957), pp. 113­14



Bàn về chủ nghĩa cá nhân – Bài 6

Stephen Davies

Đã đến lúc phục hồi chủ nghĩa cá nhân hay chưa?


Phạm Nguyên Trường dịch


Một trong những vấn đề mà những người ủng hộ quan điểm về chính phủ hạn chế và nhỏ hơn, ủng hộ quyền tư hữu tài sản và trao đổi tự do đang phải đối mặt là tên gọi của chính mình. Về mặt lịch sử từ “người tự do” là đáp án và nó vẫn được sử dụng tại nhiều khu vực ở châu Âu lục địa. Nhưng trong những nước nói tiếng Anh, đặc biệt là ở Mĩ, hiện nay từ này được dung để chỉ những người ủng hộ vai trò can thiệp của chính phủ và nói chung là cách tiếp cận của chủ nghĩa tập thể đối với chính trị và văn hóa – hầu như trái ngược hòan tòan với nghĩa ban đầu của nó.



Những người tự coi mình là “những người tự do kiểu cũ” đã từng có những cố gắng nhằm phục hồi lại thuật ngữ này nhưng không thành công. Trước tình hình đó, những người ủng hộ quan điểm tự do nguyên bản đã vận dụng nhiều thủ thuật về mặt ngôn ngữ học. Có một thời gian nhiều người đã sử dụng nhãn hiệu “bảo thủ”, là nhãn hiệu trước đây được gán cho những đối thủ kiên cường nhất của họ. Danh hiệu này, mặc dù được sử dụng rộng rãi ở Mĩ, nhưng không được những nơi khác chấp nhận và cũng không đứng vững được ở đây. Một phần là do nhiều người tự do kiểu cũ không chịu sử dụng và những người mà chúng ta có thể gọi là bảo thủ kiểu cũ hay bảo thủ “truyền thống” kiên quyết không thừa nhận, họ đòi quyền sử dụng thuật ngữ này.
Gần đây hơn, những người tán thành chính phủ thật sự hạn chế quyết định sử dụng thuật ngữ “người tự do” (libertarian), trong khi những người khác thích sử dụng thuật ngữ nghe có vẻ học thức hơn: “người tự do cổ điển” (classical liberal).” (Tôi từng sử dụng cả hai thuật ngữ này).
Nhưng những lựa chọn đó cũng đặt ra nhiều vấn đề và được cho là chưa thỏa mãn. Như F. A. Hayek đã chỉ rõ, thuật ngữ “bảo thủ” (conservative) không những ám chỉ truyền thống tư tưởng cho rằng đấy không phải là “người tự do” (liberal) theo nghĩa cũ mà còn ngụ ý sự nghi ngờ về lí do và thái độ hòai nghi đối với sự thay đổi cộng với thái độ hòai cổ và cảm tình đối với những thứ như truyền thống, thang bậc, uy quyền, mà đấy không phải là những thành phần chủ chốt của truyền thống tự do trong lịch sử, một truyền thống nhấn mạnh quyền tự do cá nhân, sáng tạo và trách nhiệm cá nhân.
Thuật ngữ “người tự do truyền thống” (classical liberal) phù hợp hơn nhiều, nhưng lại nặng nề và rõ ràng là ngụ ý những ý tưởng của truyền thống bảo thủ chứ không phải là những tư tưởng đang phát triển. Từ “người tự do” (Libertarian) thông dụng hơn (xuất hiện cả trên Facebook!) nhưng có cũng có một số nhược điểm. Vốn là một từ xấu, những người biết lịch sử của từ này dễ nghĩ rằng kẻ dùng nó như một nhãn hiệu là một người vô chính phủ. Trong đa số trường hợp điều đó là không đúng và tạo ra lầm lẫn.
Nghiêm trọng hơn, thuật ngữ người tự do (libertarian) lại hướng sự chú ý đến chỉ một phần của triết lí rộng rãi hơn: chống lại chính phủ và quyền lực chính trị có phạm vi quá rộng. Đấy quả thực là phần trung tâm của triết lí, nhưng không phải là tất cả và sử dụng thuật ngữ này có thể làm cho những thành tố khác bị coi nhẹ hay lờ đi.
Đây có phải thực sự là vấn đề không? Nếu có, thì đã nghiêm trọng đến mức phải khẳng định bất kì ý nghĩa nào? Rõ ràng đây không phải là khó khăn nghiêm trọng nhất, nhưng lịch sử và kinh nghiệm chính trị cho thấy rằng nó nghiêm trọng hơn là người ta có thể nghĩ. Tất cả những từ, đặc biệt là những nhãn hiệu chính trị, đều có tất cả các cung bậc liên tưởng về lịch sử và văn hóa, và những nghĩa phụ, tức là những thứ có ảnh hưởng đáng kể đối với cách thức phản ứng của người ta đối với các cá nhân và tư tưởng gắn kết với những người đó. Một số nhãn hiệu có một lọat liên tưởng tiêu cực đến mức không thể sử dụng để định danh lí lẽ của bạn, đấy là nói nếu bạn muốn thuyết phục người khác.
Ví dụ như ở Mĩ, bất cứ lí lẽ nào nhằm ủng hộ cho việc phi tập trung hóa và bớt tập quyền hóa mà gắn với thuật ngữ “quyền của bang” đều sẽ chết yểu vì thuật ngữ này tạo ra liên tưởng về đặc quyền sắc tộc và chia tách sắc tộc. Những từ khác tạo ra một lọat những liên tưởng tích cực và điều đó làm cho những người có thái độ trung lập có cảm tình hơn với những lí lẽ gắn kết với chúng. Điều đó đã từng xảy ra với từ “người tự do” (liberal), đấy cũng là lí do vì sao người ta lại cố gắng chiếm đọat từ này.
Hiện có một thuật ngữ ít được sử dụng, nhưng đã có thời nó từng giữ thế thượng phong và được coi là nhãn hiệu của một lọat tư tương liên quan đến quyền tự do và trách nhiệm cá nhân. Đấy là từ “chủ nghĩa cá nhân” (individualism) hay đúng hơn “chủ nghĩa Cá Nhân” (Individualism). Trước năm 1850, từ “chủ nghĩa cá nhân” ít được dùng và nếu dùng thì thường có nghĩa xấu, hàm ý tính ích kỉ và thói vô trách nhiệm. Nhưng từ khỏang năm 1850 trở đi, hàng lọat người cầm bút ở cả hai bờ Đại Tây Dương (chứ không chỉ những nước nói tiếng Anh) bắt đầu sử dụng từ này và liên kết những điều như “cá tính” theo lối tích cực. Từ năm 1870 trở đi nó trở thành danh từ viết hoa và được sử dụng như một nhãn hiệu chính trị.
Trong giai đọan giữa năm 1880 và 1912 ở Anh, Mĩ và Pháp đã diễn ra cuộc tranh luận sôi nổi giữa hai phe tri thức được xác định một cách rạch ròi và được tổ chức một cách cẩn thận, đấy là những phe phái tự nhận là những người theo thuyết cá nhân chủ nghĩa và những người theo thuyết tập thể chủ nghĩa. Nhóm thứ hai gồm những người xã hội chủ nghĩa Fabian, những người tự nhận là tiến bộ (Progressives) ở Mĩ (tức là những người chiếm được từ “liberal”), nhưng còn bao gồm cả những người theo phái đế quốc chủ nghĩa bảo thủ, những người ủng hộ chính sách ưu tiên người bản địa và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, cũng như của đảng Cộng hòa do những người như Theodore Roosevelt làm đại diện. (Nhiều người xã hội chủ nghĩa và tiến bộ “tả khuynh” còn là những người ủng hộ chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và những chính sách thí dụ như ưu sinh – nay chẳng còn ai nhớ). Những người theo thuyết cá nhân chủ nghĩa là những người ủng hộ chính phủ tối thiểu và phản đối đế quốc và thực ra là phản đối tất cả những hình thức của chủ nghĩa tập thể, dù đấy có là chủ nghĩa tập thể mang mầu sắc sắc tộc hay dân tộc thì cũng thế. Họ còn liên kết với nhiều phong trào khác, mà trên hết là phong trào nữ quyền, nhiều người lãnh đạo của phong trào này thời đó tự coi mình là những người theo thuyết Cá Nhân chủ nghĩa. Trung tâm của luận cứ là liệu chính phủ có trách nhiệm thúc đẩy sự thịnh vượng chung của tập thể, tức là sự thịnh vượng được coi là đứng trên và bên ngòai sự theo đuổi hạnh phúc cá nhân và liệu có một bản sắc tập thể lấn át yêu cầu của những con người cụ thể hay không.
Thuật ngữ biến mất
Cho đến những năm 1930 sự bất đồng giữa chủ nghĩa Cá Nhân và chủ nghĩa Tập Thể được hiểu là một trong những bất đồng căn bản nhất trong nền chính trị hiện đại. Cho mãi đến những năm 1930 sự chống đối Kế họach Kinh tế Mới (New Deal) chủ yếu xuất phát từ những người tự coi mình là theo thuyết cá nhân chủ nghĩa và thuộc về một truyền thống tri thức cho đến lúc đó đã có nền tảng vững chắc. Sau đó, trong những năm 1940 và 1950 thuật ngữ, như một nhãn hiệu chính trị, đã không còn được sử dụng nữa và trở thành chữ viết thường. Tại sao? Đấy là một bí ẩn, nhưng rõ ràng một phần là do sự tái chuyển hướng của “cánh hữu” diễn ra đồng thời với Chiến tranh Lạnh.
Ngòai những tổ chức mang tính lịch sử hiện đã bị lãng quên nhưng đã đến lúc chín muồi cho sự phục hồi, thuật ngữ chủ nghĩa Cá Nhân có một lọat ưu điểm so với những thuật ngữ khác trong thế giới đương đại. Thuật ngữ này có ý nghĩa tích cực đối với nhiều người, nhưng nó còn phân biệt những người có phản ứng tích cực với những người phản ứng không dứt khóat và rõ ràng. Như vậy là nó gửi đi một thông điệp rõ ràng. Nó có nhiều ý nghĩa và liên tưởng, bên cạnh quan điểm rõ ràng về chính phủ và vai trò của nó, nó còn hàm ý thái độ của người ta đối với văn hóa, triết học, và cuộc sống xã hội nói chung. Nó không có nghĩa là nếu bạn tự coi mình là như thế thì bạn là người ủng hộ nguyên trạng (bạn có thể là người như thế, nhưng đấy không phải là hàm ý của từ này).
Nhưng trước hết, nó liên quan tới cuộc tranh luận đang gia tăng trong xã hội hiện đại. Sau khi bức tường Berlin và Liên Xô sụp đổ, chúng ta đã quay trở lại với cuộc tranh luận diễn ra trong giai đọan 1880 và 1914, tức là cuộc tranh luận giữa những người theo thuyết Tập Thể thuộc mọi xu hướng một bên và bên kia là những người bảo vệ sự tự chủ của cá nhân và lựa chọn tự nguyện. Chúng ta có thể nói, mà không có ý mỉa mai, “Những người Cá Nhân chủ nghĩa tòan thế giới liên hiệp lại!”. Đã đến lúc lau chùi nhãn hiệu này và làm sống lại nó.
Stephen Davies là giám đốc khoa học tại Institute of Economic Affairs ở London





Bàn về chủ nghĩa cá nhân – Bài 7

Ludwig von Mises

Chủ nghĩa cá nhân và cách mạng cộng nghiệp

Phạm Nguyên Trường dịch

Những người theo phái tự do (Liberals) thường nhấn mạnh vai trò quan trọng của cá nhân. Những người theo phái tự do thế kỉ XIX từng coi sự phát triển của cá nhân là vấn đến quan trọng nhất. “Cá nhân và chủ nghĩa cá nhân” từng là khẩu hiệu của phái tự do và tiến bộ. Bọn phản động đã tấn công quan điểm này ngay từ đầu thế kỉ XIX.

Những người duy lí và tự do thế kỉ XVIII từng chỉ ra rằng cần phải có những luật lệ tốt. Những phong tục cổ xưa, không thể biện hộ được bằng lí trí phải bị bãi bỏ. Lời biện hộ duy nhất cho một điều luật là nó có thúc đẩy sự thịnh vượng xã hội hay là không. Ở nhiều quốc gia, những người duy lí và những người tự do đòi hỏi rằng hiến pháp thành văn, quá trình sọan thảo luật lệ và những điều luật mới phải tạo điều kiện cho sự phát triển năng lực của từng cá nhân.

Phản ứng đã gia tăng, đặc biệt là ở Đức, mà luật gia, đồng thời là sử gia trong lĩnh vực luật pháp Friedrich Karl von Savigny (1779–1861) là người có đóng góp cực kì tích cực. Savigny tuyên bố rằng người không thể viết được luật, luật pháp là do tâm hồn của tòan thể bộc lộ ra bằng con đường bí mật. Đấy không phải là cá nhân suy nghĩ – đấy là cả dân tộc hay thực thể xã hội sử dụng cá nhân chỉ nhằm để thể hiện những tư tưởng của nó. Marx và những người Marxist đặc biệt nhấn mạnh tư tưởng này. Về mặt này, những người Marxist không phải là đồ đệ của Hegel, tư tưởng chính của Hegel về quá trình tiến hóa của lịch sử là tiến hóa về phía tự do của cá nhân.


Theo quan điểm của Marx và Engels, trong con mắt của cả dân tộc, cá nhân là không đáng kể. Marx và Engels phủ nhận ý kiến cho rằng cá nhân có vai trò trong quá trình tiến hóa của lịch sử. Theo họ, lịch sử đi theo con đường riêng của mình. Các lực lượng sản xuất vật chất đi theo con đường riêng của mình, chúng phát triển độc lập với ý chí của các cá nhân. Và các sự kiện lịch sử xảy ra là do sự tất yếu của quy luật tự nhiên. Các lực lượng sản xuất họat động như là người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng vậy, chúng phải có người thay thế sẵn sàng, như người chỉ huy dàn nhạc phải có người thay thế nếu ca sĩ bị ốm. Theo tư tưởng này, Napoleon và Dante, là nói thí dụ thế, đều là những người không quan trọng – nếu họ không xuất hiện để đóng vai trò đặc biệt của mình trong lịch sử thì một người nào đó sẽ xuất hiện trên sân khấu để thay thế họ.
Muốn hiểu một số từ, bạn phải hiểu tiếng Đức. Từ thế kỉ XVII trở đi người ta đã tập trung nhiều cố gắng vào cuộc đấu tranh chống lại việc sử dụng những từ Latin và lọai bỏ chúng khỏi tiếng Đức. Trong nhiều trường hợp, vẫn còn từ ngọai quốc mặc dù có những từ tiếng Đức cùng nghĩa. Hai từ này trở thành những từ đồng nghĩa, nhưng theo dòng lịch sử, chúng lại có những nghĩa khác nhau. Thí dụ, từ Umwälzung, nghĩa đen của từ cách mạng (revolution) trong tiếng Latin. Trong tiếng Latin từ này không có nghĩa nào là chiến đấu hết. Như vậy là từ cách mạng (revolution) đã có hai nghĩa – một nghĩa là bằng bạo lực, còn nghĩa kia là cách mạng từ từ, tương tự như “cuộc cách mạng công nghiệp”. Nhưng Marx sử dụng từ cách mạng (tiếng Đức) không chỉ cho những cuộc cách mạng bạo lực như Cách mạng Pháp hay Cách mạng Nga, mà còn cho cuộc Cách mạng công nghiệp diễn ra một cách từ từ nữa.


Nhận tiện nói them rằng thuật ngữ cuộc Cách mạng công nghiệp là do Arnold Toynbee (1852–1883) đưa ra. Những người Marxist nói rằng “Sau khi lật đổ chủ nghĩa tư bản thì không còn cách mạng nữa – hãy nhìn cuộc Cách mạng công nghiệp”.


Marx gán cho từ nô lệ, nông nô và những hệ thống ép buộc ý nghĩa đặc biệt. Công nhân cần phải được tự do, ông ta nói, để những kẻ bóc lột bóc lột họ. Ý tưởng này xuất hiện từ lời giải thích của ông ta cho sự kiện là chúa đất chăm sóc người công nhân ngay cả khi anh ta không làm việc. Marx giải thích những thay đổi theo hướng tự do vừa xuất hiện như là việc giải phóng những kẻ bóc lột khỏi trách nhiệm trước đời sống của người công nhân. Marx không nhận ra rằng phong trào tự do hướng tới việc lọai bỏ sự bất bình đẳng trước pháp luật, cũng như bất bình đẳng giữa chủ và tớ.

Karl Marx tin rằng tích lũy tư bản là trở ngại. Dưới mắt của ông, chỉ có một lí giải duy nhất cho việc tích tụ tài sản là một người nào đó cướp của một người nào đó. Đối với Marx, tòan bộ cuộc Cách mạng công nghiệp chỉ đơn giản là công nhân bị tư bản bóc lột mà thôi. Theo ông, sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản làm cho hòan cảnh của người công nhân càng tồi tệ them. Sự khác biệt giữa hòan cảnh của họ với hòan cảnh của nô lệ và nông nô chỉ là ở chỗ tư bản không có trách nhiệm lo lắng cho những người công nhân mà họ không thể bóc lột được nữa, trong khi chủ phải chăm sóc người nô lệ và nông nô. Đây mà một trong những mâu thuẫn không thể hóa giải được của hệ thống của Marx. Nhưng hệ thống này lại được nhiều nhà kinh tế học hiện nay chấp nhận mà không nhận thức được rằng có mâu thuẫn như thế.


Theo Marx, chủ nghĩa tư bản là giai đọan tất yếu và không thể tránh được trong lịch sử nhân lọai, tức là lịch sử đưa con người từ hòan cảnh sơ khai đến thiên đường của chủ nghĩa xã hội. Nếu chủ nghĩa xã hội là bước đi tất yếu và không thể tránh được trên con đường tiến tới chủ nghĩa xã hội thì người ta không được liên tục phàn nàn rằng những điều tư sản làm là xấu về mặt đạo đức - đấy là theo quan điểm của Marx. Thế thì tại sao Marx lại tấn công các nhà tư sản?


Marx nói rằng một phần sản phẩm bị tư sản chiếm đọat và bóc lột từ người công nhân. Theo Marx, đây là điều rất xấu. Hậu quả là người công nhân không được tiêu thụ tòan bộ sản phẩm được sản xuất ra. Vì vậy mà một phần sản phẩm do họ làm ra không được tiêu thụ, nghĩa là “tiêu thụ dưới mức”. Vì lí do đó, vì có hiện tượng tiêu thụ dưới mức, cho nên suy thóai kinh tế xảy ra thường xuyên. Đấy là lí thuyết tiêu thụ dưới mức của Marx về suy thóai kinh tế. Nhưng ở chỗ khác, Marx lại mâu thuẫn với lí thuyết này.

Những người cầm bút theo trường phái Marxst không giải thích vì sao sản xuất lại đi từ những phương pháp đơn giản sang những phương pháp ngày càng phức tạp hơn.


Marx cũng không nhắc đến sự kiện sau đây: khỏang năm 1700 dân số nước Anh khỏang 5,5 triệu người; giữa những năm 1700 dân số tăng lên thành 6,5 triệu người, 500.000 người ở trong tình trạng thiếu thốn. Tòan bộ hệ thống kinh tế đã tạo ra dân số “thặng dư”. Vấn đề thặng dư dân số xuất hiện ở Anh sớm hơn lục địa châu Âu. Điều này xảy ra trước hết là vì Anh là đảo quốc, không bị quân đội nước ngòai xâm lược cho nên dân số không bị giảm như ở châu Âu. Chiến tranh ở Anh là nội chiến; đấy là những cuộc chiến tranh tàn bạo, nhưng đã chấp dứt rồi. Và khi mà lối thóat cho dân số thặng dư biến mất thì số người thặng dư gia tăng. Tình hình ở châu Âu có khác; vì một lí do là cơ hội làm trong ngành nông nghiệp thuận lợi hơn là ở Anh.
Hệ thống kinh tế cũ ở Anh không thể giải quyết được công ăn việc làm cho số người gia tăng. Đa phần những người tăng thêm đều là những người khốn khổ - ăn xin, ăn cướp, ăn cắp và gái điếm. Họ được một số định chế như luật về người nghèo[1] và hội từ thiện của cộng đồng giúp đỡ. Một số bị bắt vào quân đội và hải quân để phục vụ ở nước ngòai. Trong nông nghiệp cũng thừa người. Hệ thống phường hội và những tổ chức độc quyền khác trong ngành công nghiệp chế biến làm cho công nghiệp không thể mở rộng được.
Trong những giai đọan tiền tư bản đó, sự phân biệt giữa các giai cấp trong xã hội, tức là giữa những người có thể mua được quần áo và giầy mới với những người không thể mua được, thể hiện rất rõ. Những ngành công nghiệp chế biến được sản xuất chủ yếu là cho những tầng lớp thượng lưu. Những người không có tiền mua quần áo mới mặc những đồ bỏ đi. Lúc đó ngành buôn bán quần áo cũ khá phát đạt – ngành này hầu như đã biến mất hòan tòan sau khi nền công nghiệp hiện đại bắt đầu sản xuất cho cả những tầng lớp bên dưới. Nếu chủ nghĩa tư bản không cung cấp đủ phương tiện sống cho số người “thặng dư” này thì họ đã chết đói hết rồi. Trong thời tiền tư bản, bệnh đậu mùa từng làm chết rất nhiều người, ngày nay căn bệnh này gần như đã bị xóa sổ rồi. Những cải tiến trong lĩnh vực y tế cũng là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản.


Điều mà Marx gọi là thảm họa lớn của cuộc Cách mạng công nghiệp lại hòan tòan không phải là thảm họa, nó mang lại sự cải thiện khác thường trong điều kiện sống của người dân. Nhiều người đáng lẽ đã chết thì nay có cơ hội sống. Marx nói rằng những cải tiến trong lĩnh vực công nghệ chỉ dành cho những kẻ bóc lột và hiện nay quần chúng sống trong tình trạng tồi tệ hơn thời trước khi diễn ra cuộc Cách mạng công nghiệp là sai. Tất cả những điều mà những người Marxist nói về bóc lột là hòan tòan sai! Hòan tòan dối trá! Trên thực tế, chủ nghĩa tư bản đã làm cho nhiều người đáng lẽ đã chết thì nay có cơ hội sống. Và hiện nay nhiều người, phải nói là đa số người sống với mức sống cao hơn là tổ tiên họ cách đấy 100 hay 200 năm.


Trong thế kỉ XVIII đã có một số tác giả kiệt xuất – nổi tiếng nhất trong số đó là Adam Smith (1723–1790) — người biện hộ cho tự do thương mại. Họ tranh cãi chống lại độc quyền, chống lại các phường hội và đặc quyền đặc lợi do nhà vua và quốc hội ban phát. Thứ hai, một số người tài trí, những người hầu như không có tiền tiết kiệm và tư bản, đã bắt đầu tổ chức những người cùng khổ để tiến hành sản xuất, không phải trong nhà máy mà bên ngòai nhà máy, và không chỉ dành cho tầng lớp thượng lưu mà thôi. Những người sản xuất vừa được tổ chức lại này bắt đầu làm ra những món hàng đơn giản cho quảng đại quần chúng. Một sự biến đổi to lớn đã xảy ra, đấy chính là cuộc Cách mạng công nghiệp. Và cuộc Cách mạng công nghiệp này đã làm ra cũng nhiều lương thực và những hàng hóa khác như số người đang gia tăng vậy. Karl Marx cũng nhìn thấy những điều đang diễn ra như bất cứ người nào khác. Ngay trước Thế chiến II dân số tăng nhanh đến nỗi ở Anh đã có 60 triệu người.


Không thể so sánh Mĩ với Anh. Ngay từ đầu Mĩ đã gần như là một nước tư bản chủ nghĩa hiện đại rồi. Nhưng chúng ta có thể nói rằng cứ tám người đang sống trong những nước thuộc nền văn minh phương Tây hiện nay thì bảy người sống được là vì có cuộc Cách mạng công nghiệp. Bạn có tin chắc rằng bạn là người sẽ sống sót ngay cả khi không có cuộc Cách mạng cộng nghiệp hay không? Nếu bạn không tin chắc thì xin dừng lại và cùng xem xét hậu quả của cuộc Cách mạng công nghiệp.


Cách Marx giải thích cuộc Cách mạng công nghiệp cũng có thể được áp dụng cho “thượng tầng kiến trúc”. Marx nói rằng “lực lượng sản xuất vật chất”, tức là công cụ và máy móc, sinh ta “quan hệ sản xuất”, tức là cơ cầu xã hội, quyền sở hữu..v.v.., quan hệ sản xuất lại sinh ra “thượng tầng kiến trúc”, tức là triết học, nghệ thuật và tôn giáo. Thượng tầng kiến trúc, Marx nói, phụ thuộc vào phụ thuộc vào địa vị giai cấp của cá nhân, nghĩa là phụ thuộc vào việc anh ta là nhà thơ, họa sĩ..v.v.. Marx giải thích mọi thứ diễn ra trong đời sống tinh thần của dân tộc từ quan điểm này. Arthur Schopenhauer (1788–1860) được gọi là triết gia của những ông chủ kho hang và trái phiếu. Friedrich Nietzsche (1844–1900) được gọi là triết gia của các thương vụ lớn. Mỗi thay đổi trong ý thức hệ, trong âm nhạc, trong nghệ thuật, trong sáng tác tiểu thuyết và sáng tác kịch bản, những người theo trường phái Marx đều có ngay một lời giải thích. Mỗi cuốn sách mới đều được giải thích bằng “thượng tầng kiến trúc” của cái ngày cụ thể đó. Mỗi cuốn sách đều được gán cho một tính từ - “tư sản” hay “vô sản”. Giai cấp tư sản bị coi là đám người phản động, không cần phân biệt.


Đừng nghĩ rằng một người có thể suốt đời theo một ý thức hệ mà không tin vào nó. Việc sử dụng thuật ngữ “chủ nghĩa tư bản chín muồi” chứng tỏ một cách rõ ràng rằng những người không hề nghĩ rằng mình là người theo thuyết của Marx đã chịu ảnh hưởng của Marx. Ông bà Hammond, trên thực tế là tất cả các nhà sử học, đều chấp nhận các giải thích của Marx về cách mạng công nghiệp[2]. Trừ Ashton[3].


Karl Marx, trong giai đọan hai của sự nghiệp của mình, đã không còn là người ủng hộ sự can thiệp của chính phủ vào họat động kinh tế nữa; ông ủng hộ laissez-faire. Vì ông mong chờ sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản và thay thế nó bằng chủ nghĩa xã hội sẽ diễn ra sau khi chủ nghĩa tư bản đã chín muồi hòan tòan, ông ủng hộ việc để cho chủ nghĩa tư bản phát triển. Vế khía cạnh này,trong các trước tác và tác phẩm của mình, Marx là người ủng hộ tự do kinh tế.


Marx tin rằng những biện pháp can thiệp là không tốt vì nó trì hõan sự xuất hiện của chủ nghĩa xã hội. Các liên đòan lao động đề nghị những biện pháp can thiệp, vì vậy mà Marx chống lại họ. Liên đòan lao động không sản xuất được gì và vì vậy mà nó không thể tăng được tiền lương nếu người sản xuất không sản xuất được nhiều thêm.


Marx tuyên bố rằng can thiệp gây thiệt hại cho quyền lợi của người công nhân. Những người xã hội chủ nghĩa Đức bỏ phiếu phản đối những cuộc cải cách xã hội của [Otto von] Bismarck dự định thực hiện vào khỏang năm 1881 (Marx chết năm 1883). Ở nước này (Mĩ – ND) những người cộng sản cũng chống lại kế họach kinh tế mới (New Deal). Dĩ nhiên là lí do thực sự của việc chống lại chính quyền là rất khác. Không có đảng đối lập nào muốn dành cho đảng khác quá nhiều quyền lực. Trong khi xây dựng cương lĩnh xã hội chủ nghĩa ai cũng ngấm ngầm nghĩ rằng mình sẽ là người lập kế họach hay nhà độc tài hoặc về mặt trí tuệ người lập kế họach hay nhà độc tài sẽ hòan tòan phụ thuộc vào anh ta và người lập hế họach hay nhà độc tài kia chỉ là nhân viên sai vặt của anh ta. Chẳng có người nào muốn trở thành thành viên bình thường trong kế họach của một người nào hết.


Ý tưởng về lập kế họach có nguồn gốc từ chuyên luận bàn về chế độ cộng hòa của Plato. Plato là người rất bộc trực. Ông đã phác thảo hệ thống do các triết gia cai trị. Ông muốn bãi bỏ tất cả các quyền và quyết định của cá nhân. Nếu chưa có lệnh thì không ai được đi, được nghỉ, ngủ, ăn, uống, tắm rửa. Plato muốn biến người ta thành những con tốt đen trong kế họach của ông. Cần phải có một nhà độc tài, ông này sẽ chỉ định một triết gia làm thủ tướng hay chủ tịch trong ủy ban quản lí sản xuất trung ương. Cương lĩnh của tất cả những người xã hội chủ nghĩa kiên định như thế — thí dụ như Plato và Hitler — còn lập kế họach sản xuất cho những người xã hội chủ nghĩa trong tương lai, cho việc nuôi dạy những thành viên tương lai của xã hội nữa.
Trong suốt 2.300 năm kể từ thời Plato, người ta thấy rất ít người phản đối ý tưởng này của ông. Thậm chí ngay cả Kant. Xu hướng ủng hộ chủ nghĩa xã hội về mặt tâm lí cần phải được tính đến trong khi thảo luận các tư tưởng của Marx. Chứ không chỉ giới hạn ở những người tự nhận là đồ đệ của Marx.


Những đồ đệ của Marx phủ nhận sự kiện, thí dụ như tìm kiếm kiến thức chỉ vì kiến thức. Nhưng trong trường hợp này họ cũng không phải là những người kiên định, vì họ nói rằng một trong những mục tiêu của nhà nước xã hội chủ nghĩa là chấm dứt việc tìm kiếm kiến thức như thế. Họ nói rằng nghiên cứu những thứ vô ích là sự xúc phạm con người.


Bây giờ tôi muốn thảo luận ý nghĩa của việc xuyên tạc sự thật. Ý thức giai cấp không xuất hiện ngay từ đầu, nhưng nó nhất định sẽ tới. Marx phát triển học thuyết về ý thức hệ của ông vì ông nhận thức được rằng mình không thể trả lời được những lời phê phán chủ nghĩa xã hội. Câu trả lời của ông là: “Điều anh nói là không đúng. Đấy chỉ là ý thức hệ thôi. Khi chúng ta chưa có xã hội phi giai cấp thì tất cả những gì người ta nghĩ cũng đều là ý thức hệ giai cấp hết – nghĩa là dựa trên ý thức sai lầm”. Không cần bất kì giải thích nào nữa, Marx cho rằng ý thức hệ như thế có ích cho giai cấp và cho những thành viên của giai cấp làm ra ý thức hệ đó. Những tư tưởng như thế là nhằm theo đuổi mục đích giai cấp của họ.


Marx và Engels xuất hiện và trình bày tư tưởng giai cấp của giai cấp vô sản. Vì thế, từ đó trở đi học thuyết của giai cấp tư sản trở thành hòan tòan vô ích. Người ta có thể nói rằng giai cấp tư sản cần sự giải thích như thể để làm an lòng lương tâm tồi tệ của họ. Nhưng tại sao họ lại có lương tâm tồi tệ nếu sự tồn tại của họ là tất yếu? Nó là tất yếu – theo học thuyết của Marx – vì không có giai cấp tư bản thì chủ nghĩa tư bản không thể phát triển được. Khi chủ nghĩa tư bản “chưa chín muồi” thì không thể có chủ nghĩa xã hội.


Theo Marx, kinh tế học tư sản, đôi khi được gọi là “lời biện hộ cho quá trình sản xuất của giai cấp tư sản”, giúp đỡ chính giai cấp tư sản. Những đồ đệ của Marx cũng có thể nói rằng dưới mắt của họ cũng như dưới mắt của những người bị bóc lột, tư tưởng mà giai cấp tư sản đổ vào lí thuyết tư sản sai lầm này cũng như phương thức sản xuất tư bản là có thể biện hộ được vì nó giúp cho hệ thống tồn tại. Nhưng đấy lại là lời giải thích rất phi-Marxist. Trước hết, theo học thuyết của Marx, hệ thống sản xuất tư sản không cần lời biện hộ nào hết, giai cấp tư sản bóc lột là vì việc của họ là bóc lột, cũng như việc của vi trùng là sống kí sinh vậy. Giai cấp tư sản không cần bất kì lời biện hộ nào. Ý thức giai cấp của họ chỉ cho họ rằng họ phải làm điều đó. Bản chất của tư sản là bóc lột.


Trong thư gửi cho Marx, một ông bạn người Nga viết rằng nhiệm vụ của những người xã hội chủ nghĩa là phải giúp giai cấp tư sản bóc lột hiệu quả hơn, Marx trả lời rằng không cần. Sau đó Marx viết một nhận xét ngắn, nói rằng nước Nga có thể tiến lên xã hội chủ nghĩa mà không cần trải qua giai đọan tư bản chủ nghĩa. Sáng hôm sau, chắc chắn là ông đã nhận ra rằng nếu ông thừa nhận là một nước có thể nhảy qua giai đọan tất yếu thì tòan bộ học thuyết của ông sẽ bị phá sản. Cho nên ông không gửi lời nhận xét này. Engels, người không sáng suốt bằng, phát hiện ra mảnh giấy trên bàn viết của Marx, ông liền chép lại và gửi bản sao của mình cho Vera Zasulich (1849–1919). Bà này là người nổi tiếng ở Nga vì đã tổ chức ám sát giám đốc sở công an thành phố St. Petersburg và được tha bổng – bà có nhóm luật sư biện hộ thông minh. Người đàn bà này đã cho công bố nhận xét của Marx và lời nhận xét này đã trở thành tài sản lớn của đảng Bolshevik.
Hệ thống tư bản chủ nghĩa là hệ thống, trong đó phải có công thì mới được thưởng. Nếu người ta không tiến bộ được thì người ta cảm thấy đau khổ. Họ không chịu công nhận rằng họ không tiến được là vì họ thiếu kiến thức. Họ đổ cho xã hội. Nhiều người lên án xã hội và quay sang chủ nghĩa xã hội.


Trong hàng ngũ trí thức xu hướng này còn mạnh hơn. Vì những người có nghề thường đối xử với nhau một cách bình đẳng cho nên những người có tay nghề thấp tự coi mình là “giỏi” hơn những người không có tay nghề và cảm thấy là xứng đáng hơn so với những thứ họ được nhận. Lòng đố kị có vai trò quan trọng. Đây là khuynh hướng mang tính triết học của những người bất mãn với tình trạng hiện hành. Có cả thái độ bất mãn với điều kiện chính trị nữa. Khi bất mãn, bạn sẽ hỏi nên tìm hiểu kiểu nhà nước nào.


Marx là người bất tài. Ông ta chịu ảnh hưởng của Hegel và Feuerbach, đặc biệt là những tác phẩm phê phán Thiên chúa giáo của Feuerbach. Marx công nhận rằng thuyết bóc lột được rút ra từ cuốn sách mỏng không có tên tác giả được xuất bản trong những năm 1820. Kinh tế học của ông ta là sự xuyên tạc học thuyết của [David] Ricardo (1772–1823)[4].


Marx chẳng hiểu gì về kinh tế học hết, ông ta không nhận thức được rằng người ta có thể lưỡng lự khi lựa chọn những phương tiện sản xuất tốt nhất. Một câu hỏi lớn là chúng ta phải sử dụng những tác nhân khan hiếm như thế nào. Marx cho rằng người ta thấy ngay cần phải làm gì. Ông ta không nhận thức được rằng tương lai bao giờ cũng là bất định, nghĩa là công việc của mỗi doanh nhân là lo liệu cho tương lai bất định. Trong hệ thống tư bản chủ nghĩa công nhân và những người làm công nghệ tuân thủ doanh nhân. Trong chủ nghĩa xã hội họ sẽ phải tuân thủ các quan chức xã hội chủ nghĩa. Marx không xem xét sự kiện là có sự khác biệt giữa nói rằng cần phải là gì và làm cái mà một người nào đó nói rằng cần phải làm. Nhà nước xã hội chủ nghĩa chắc chắn là nhà nước cảnh sát.


Marx cố gắng tránh trả lời câu hỏi điều gì sẽ diễn ra trong chủ nghĩa xã hội, đấy chính là sự coi thường nhà nước. Trong chủ nghĩa xã hội tù nhân biết rằng họ bị trừng phạt là vì lợi ích của tòan thể xã hội.




[1] English legislation relating to public assistance for the poor, dating from the Elizabethan era and amended in 1834 in order to institute nationally supervised uniform relief.


[2] J.L. and Barbara Hammond, authors of the trilogy The Village Labourer (1911), The Town Labourer (1917), and The Skilled Labourer (1919).
[3] T.S. Ashton, The Industrial Revolution 1760-1830 (London: Oxford University Press, 1998 [1948, 1961]).
[4] On the Principles of Political Economy and Taxation (London: John Murray, 1821 [1817]).





Bàn về chủ nghĩa cá nhân (Bài cuối)

Tom G. Palmer

Những ngộ nhận về chủ nghĩa cá nhân

Phạm Nguyên Trường dịch

Gần đây có người khẳng định rằng những người theo trường phái tự do (libertarians), tức những người tự do truyền thống (classical liberals) thực sự nghĩ là “con người cá nhân tự cảm thấy là đủ và những điều ưa thích mang tính giá trị của họ nằm trước và bên ngòai mọi xã hội”. Họ “phớt lờ bằng chứng xác đáng của khoa học xã hội về hậu quả xấu của sự cách li” và, kinh khủng hơn nữa là họ “hăng hái chống lại khái niệm về ‘những giá trị được nhiều người chia sẻ” và ý tưởng về “lợi ích chung”. Đấy là tôi trích dẫn từ bài phát biểu của giáo sư Amitai Etzioni, chủ tịch Hội xã hội học Mĩ trước các thành viên của tổ chức này vào năm 1995 (được đăng trên tờ Tạp chí xã hội học Mĩ, số tháng 2 năm 1996). Là khách mời thường xuyên của các talk show và là biên tập viên tạp chíThe Responsive Community, ông Etzioni trở thành người truyền bá nổi tiếng cho phong trào chính trị có tên là chủ nghĩa cộng đồng (communitarianism - xuất phát từ từ commmune nghĩa là cộng đồng hay công xã -ND).

Etzioni không phải là người duy nhất đưa ra những lời kết án như thế. Từ phái tả, bình luận viên tờ Washington Post, ông E. J. Dionne Jr. khẳng định trong cuốn Vì sao người Mĩ ghét chính trị (Why Americans Hate Politics) của ông ta rằng “càng ngày càng có nhiều người chia sẻ quan điểm của phái tự do cho phép giả định rằng nhiều người Mĩ thậm chí đã không còn tin vào nguyên tắc “lợi ích chung” nữa và tiểu luận gần đây trên tờ Washington Post Magazine tuyên bố rằng “nhấn mạnh tự do cá nhân không giới hạn, dường như những người theo phái tự do (libertarian) thừa nhận rằng các cá nhân xuất hiện trên đời như những người đã trưởng thành hòan tòan, những người phải chịu trách nhiệm về hành động của mình ngay từ khi mới chào đời”. Từ phía hữu, ông Russell Kirk, một người nay đã quá cố, trong một bài báo với giọng cay độc với đầu đề Những người theo phái tự do: Môn phái lắm lời tuyên bố rằng “những người theo phái tự do kiên định, giống như quỷ Satan, không chấp nhận bất kì quyền lực nào, cả thế tục lẫn tôn giáo” và rằng “người theo phái tự do không tôn trọng tín ngưỡng và phong tục truyền thống, không tôn trọng thế giới tự nhiên hay đất nước của anh ta, không tôn trọng ngọn lửa bất diệt trong con người”.

Thượng nghị sĩ Dan Coats (Đảng cộng hòa) và nhà báo David Brooks của tờWeekly Standard bằng hình thức lịch sự hơn đã chỉ trích những người theo phái tự do là dường như họ coi thường giá trị của công đồng. Coats viết rằng dự luật của ông ta mang tính “bảo thủ vừa phải, chứ không phải là hòan tòan tự do. Nó công nhận không chỉ các quyền cá nhân mà còn công nhận vai trò của các nhóm tiến hành việc tái xây dựng hạ tầng xã hội và đạo đức của những cộng đồng địa phương của họ”.

Những lời kết án như thế - càng ngày càng xuất hiện nhiều hơn từ phía những người phản đối các lí tưởng của chủ nghĩa tự do truyền thống – không bao giờ được chứng minh bằng các trích dẫn từ những bài viết của những người theo phái tự do truyền thống, cũng không có bằng chứng nào chứng tỏ rằng những người ủng hộ tự do cá nhân và chính phủ hạn chế quả thật đã nghĩ như Etzioni và những người cùng hội cùng thuyền với ông ta lên án. Những lời kết án vô lí được nhắc đi nhắc lại và không bị bác bỏ có thể được người ta coi là chân lí, vì vậy mà cần phải buộc Etzioni và những người phê phán theo phái cộng đồng khác trả lời về những sự xuyên tạc của họ. 


Chủ nghĩa cá nhân làm cho xã hội trở thành rời rạc?

Xin phân tích luận điểm cho rằng chủ nghĩa cá nhân làm cho xã hội trở thành rời rạc mà Etzioni, Dionne, Kirk và những người khác đã nêu ra. Cơ sở triết học của lời phê phán đó được những người phê bình chủ nghĩa cá nhân truyền thống như nhà triết học Charles Taylor và nhà chính trị học Michael Sandel theo thuyết cộng đồng xây dựng nên. Thí dụ, Taylor khẳng định rằng vì những người theo phái tự do tin vào quyền cá nhân và nguyên tắc trừu tượng của công lí cho nên họ cũng tin vào “con người tự cấp tự túc-đơn lẻ, hay nếu muốn, có thể gọi là cá nhân”. Đấy chỉ là phương án đã được hiện đại hóa của cuộc tấn công cũ vào chủ nghĩa cá nhân tự do truyền thống mà thôi, theo đó, dường như những người theo phái tự do coi “con người cá nhân trừu tượng” là cơ sở cho quan điểm về công lí của họ.

Khẳng định như thế là vô nghĩa. Không ai tin rằng có “những con người cá nhân trừu tượng” vì tất cả các cá nhân nhất định đều là những con người cụ thể. Cũng như không hề có bất kì cá nhân “tự cấp tự túc” nào, đấy là điều mà các độc giả của Tài sản của các dân tộc (Adam Smith – ND) đều biết. Không những thế, những người theo phái tự do truyền thống khẳng định rằng hệ thống tư phápphải tách ra khỏi tính cách cụ thể của các cá nhân. Nghĩa là khi một cá nhân đứng trước tòa thì trọng lượng, màu da, tài sản, địa vị xã hội và tôn giáo của anh ta không có liên quan gì tới vấn đề công lí. Bình đẳng trước pháp luật có nghĩa như thế, chứ nó không có nghĩa là không người nào có trọng lượng, màu da hay niềm tin tôn giáo cụ thể. Trừu tượng hóa là quá trình tư duy mà chúng ta sử dụng nhằm phân biệt bản chất hay khuôn khổ của vấn đề, chứ không đòi hỏi phải tin rằng con người là một cái gì đó trừu tượng.

Chính vì không có cá nhân hay nhóm nhỏ nào có thể hòan tòan tự cấp tự túc cho nên con người cần phải hợp tác thì mới sống còn và thịnh vượng được. Và vì sự hợp tác diễn ta giữa muôn vàn cá nhân không quen biết nhau cho nên luật lệ điều chỉnh sự tương tác đó về bản chất là luật lệ trừu tượng. Luật lệ trừu tượng, tức là luật lệ xác định trước điều chúng ta có thể kì vọng ở người khác, làm cho sự hợp tác của nhiều người trở thành khả thi.


Không một người có lí trí nào lại tin rằng cá nhân được hình thành một cách trọn vẹn bên ngòai xã hội – trong tình trạng cách li, nếu bạn muốn nói như thế. Điều đó có nghĩa là không có cha mẹ, họ hàng, bạn bè, thần tượng hay thậm chí là hàng xóm nữa. Rõ rang là tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh. Những người theo phái tự cho chỉ khẳng định rằng sự khác biệt giữa những người trưởng thành bình thường không đưa đến sự khác biệt về những quyền cơ bản của họ. 

Nguồn gốc và giới hạn trách nhiệm

Tại căn để của nó, chủ nghĩa tự do không phải là lí thuyết siêu hình về tính ưu việt của cá nhân so với cái trừu tượng, lại càng không phải là lí thuyết trừu tượng về “cá nhân trừu tượng”. Nó cũng không phải sự chối bỏ sạch trơn truyền thống, như Kirk và một số nhân vật bảo thủ khác kết án. Trái lại, nó là lí thuyết nhằm đáp trả lại sự gia tăng quyền lực của nhà nước; sức mạnh của chủ nghĩa tự do là ở chỗ nó kết hợp lí thuyết có tính quy chuẩn về nguồn gốc đạo đức và chính trị cũng như giới hạn trách nhiệm với lí thuyết thực chứng giải thích nguồn gốc của trật tự xã hội. Mỗi người đều có quyền tự do và những con người tự do có thể tạo ra trật tự một cách tự phát, mà không cần bộ máy hành chính quan liêu ra lệnh cho họ.


Còn đặc điểm rõ ràng là vô lí mà Dionne gán cho chủ nghĩa tự do: “các cá nhân xuất hiện trên đời như những người đã trưởng thành hòan tòan, những người phải chịu trách nhiệm về hành động của mình ngay tư khi mới chào đời” thì sao? Những người theo phái tự do công nhận có sự khác biệt giữa người trưởng thành và trẻ con, cũng như có sự khác biệt giữa người trưởng thành bình thường và người điên, người bị hạn chế hay kém phát triển về mặt trí não. Trẻ con và người trưởng thành nhưng bất bình thường cần có người bảo hộ vì họ không thể thực hiện những lựa chọn có trách nhiệm cho chính mình. Nhưng không có lí do rõ ràng nào cho quan niệm cho rằng một số người trưởng thành bình thường được quyền lựa chọn cho những người bình thường khác, như những người có quan niệm gia trưởng cả phái tả lẫn phái hữu nghĩ. Người theo phái tự do khẳng định rằng không một người trưởng thành bình thường nào có quyền áp đặt lựa chọn cho những người trưởng thành bình thường khác, trừ những trường hợp ngọai lệ, thí dụ như khi thấy một người bất tỉnh và trợ giúp về mặt y tế hay gọi xe cấp cứu.


Sự khác biệt chủ yếu giữa chủ nghĩa tự do với những quan điểm khác về đạo đức chính trị là lí thuyết về những trách nhiệm buộc phải thực hiện. Một số trách nhiệm, thí dụ như trách nhiệm viết vài lời cảm ơn chủ nhân sau bữa tiệc thường là trách nhiệm không bị buộc phải thực hiện. Nhưng những trách nhiệm khác, thí dụ như không được phê phán thẳng cánh người khác hay phải trả tiền trước khi cầm đôi tất ra khỏi nhà hàng, là trách nhiệm buộc phải thi hành. Trách nhiệm có thể là phổ quát mà cũng có thể là cụ thể. Cá nhân, dù là ai, dù ở đâu (nghĩa là trừu tượng hóa khỏi những hòan cảnh cụ thể) cũng có trách nhiệm buộc phải thi hành với tất cả những người khác: không được xâm phạm đời sống, quyền tự do, sức khỏe và tài sản của họ. Theo lời của John Locke thì: “Vốn là những người bình đẳng và tự chủ, không ai được xâm phạm đời sống, sức khỏe, quyền tự do hay tài sản của người khác”. Mọi người đều có quyền hưởng thụ những thứ đó mà không bị ai cản trở. Quyền và trách nhiệm liên quan với nhau, cả hai đều có tính phổ quát và “tiêu cực”; trong điều kiện bình thường mọi người đều có thể hưởng thụ cùng một lúc. Nền tảng của quan điểm tự do là luận điểm về tính phổ quát của quyền con người: không bị giết hại, không bị đánh đập, không bị cướp bóc và không cần phải là “con người cá nhận trừu tượng” mới khẳng định được tính phổ quát của những quyền đó. Chính là sự tôn trọng chứ không phải thái độ coi thường “ngọn lửa bất diệt trong con người” mà những người theo phái tự do đứng lên bảo vệ quyền con người.


Đấy là những trách nhiệm phổ quát. Còn trách nhiệm “cụ thể” thì sao? Tôi đang viết những dòng này trong một quán cà phê và vừa gọi một li cà phê nữa. Tôi đã tự nguyện nhận trách nhiệm cụ thể là trả tiền li cà phê: tôi đã chuyển quyền sở hữu tài sản là một số tiền cho người chủ quán cà phê, còn bà ta thì chuyển quyền sở hữu li cà phê cho tôi. Ngược lại, những người theo phái tự do thường khẳng định rằng trách nhiệm cụ thể, ít nhất là trong những hòan cảnh bình thường, phải được hình thành theo lối đồng thuận, chứ không thể được áp đặt bởi một phía. Bình đẳng về quyền nghĩa là một số người không thể áp đặt trách nhiệm lên một số người khác, vì đấy là vi phạm đức hạnh và quyền của những người đó. Nhưng những người theo phái cộng đồng lại khẳng định rằng tất cả chúng ta đều sinh ra với rất nhiều trách nhiệm cụ thể, như hi sinh cho tập thể - gọi là nhà nước hay một cách tù mù hơn là dân tộc, cộng đồng hay đồng bào – tiền bạc, sự tự chủ và thậm chí là cuộc sống nữa. Họ còn khẳng định rằng có thể dùng vũ lực nhằm ép buộc người ta thi hành những trách nhiệm đó. Những người theo phái cộng đồng như Taylor và Sandel cho rằng tôi là một con người không chỉ vì tôi được giáo dục và có những trải nghiệm của mình mà còn vì tôi có một lọat những trách nhiệm cụ thể mà tôi không được phép tự do lựa chọn.


Xin nhắc lại, những người theo phái cộng đồng khẳng định rằng chúng ta là những con người bởi vì chúng ta có những trách nhiệm cụ thể và vì vậy mà những trách nhiệm này không thể là vấn đề lựa chọn. Nhưng đấy chỉ là lời khẳng định, nó không thể thay cho luận cứ cho rằng một người phải có trách nhiệm với những người khác; nó cũng không phải là lời biện hộ cho việc sử dụng bạo lực. Người ta cũng có thể hỏi: Nếu một người được sinh ra với trách nhiệm tuân thủ thì ai là người được sinh ra với trách nhiệm chỉ huy? Muốn cho lí thuyết về trách nhiệm được chặt chẽ thì phải có một người nào đó - một cá nhân hay một nhóm người – có quyền buộc những người khác thực thi trách nhiệm. Nếu tôi là một con người vì tôi có trách nhiệm tuân thủ thì ai là một con người vì anh ta có quyền buộc người khác tuân thủ? Lí thuyết về trách nhiệm như thế có thể là lí thuyết chặt chẽ trong thời của các Thiên tử, nhưng bây giờ nó đã lỗi thời rồi. Xin tóm tắt như sau: không một người có lí trí nào lại tin vào sự tồn tại của con người trừu tượng, cuộc tranh luận thực sự giữa những người theo phái tự do và những người theo phái cộng đồng không phải là chủ nghĩa cá nhân như nó vốn là mà là tranh luận về nguồn gốc của những trách nhiệm cụ thể - trách nhiệm bị áp đặt hay được lựa chọn một cách tự do?


Các nhóm và lợi ích chung


Lí thuyết về trách nhiệm nhắm vào cá nhân không có nghĩa là những người ủng hộ lí thuyết này không công nhận sự tồn tại của xã hội hay họ không nói đến các nhóm. Nói cho cùng, thấy cây không có nghĩa là chúng ta không thể nói đến rừng. Xã hội không chỉ là các cá nhân tụ tập lại với nhau, cũng không phải là cái gì đó “lớn hơn và tốt hơn” tách biệt khỏi những người đó. Cũng như tòa nhà không phải là đống gạch, mà là những viên gạch được gắn kết theo một trật tự nhất định, xã hội không phải là một người với những quyền của anh ta mà là nhiều cá nhân và mối quan hệ phức tạp giữa họ với nhau.


Chỉ cần suy nghĩ một chút cũng thấy rõ là lời tuyên bố cho rằng người theo phái tự do phủ nhận “những giá trị được mọi người chia sẻ” và “lợi ích chung” là nói nhảm. Nếu những người theo phái tự do chia sẻ giá trị của tự do (ít nhất là như thế) thì họ không thể “phản đối một cách quyết liệt khái niệm “giá trị được chia sẻ”, và nếu những người theo phái tự do tin rằng nếu được hưởng tự do thì tất cả chúng ta sẽ hạnh phúc hơn thì họ không thể “phủ nhận lợi ích chung”, vì điểm cốt lõi của những cố gắng của họ là khẳng định lợi ích chung là gì! Để đáp lại lời tuyên bố của Kirk rằng những người theo phái tự do phủ nhận truyền thống, cho phép tôi nói rằng những người theo phái tự do bảo vệ truyền thống tự do, đấy chính là kết quả của hàng ngàn năm lịch sử của lòai người. Thêm nữa, truyền thống thuần túy là khái niệm không chặt chẽ vì một số truyền thống có thể mâu thuẫn với nhau và người ta không còn biết phải hành động như thế nào cho đúng. Nói chung, tuyên bố rằng người theo phái tự do “phủ nhận truyền thống” là vô nghĩa và vô lí. Người theo phái tự do giữ gìn truyền thống tôn giáo, truyền thống gia đình, truyền thống dân tộc và truyền thống xã hội, thí dụ như có thái độ lịch sự và tôn trọng người khác, đấy rõ ràng không phải là những truyền thống mà Kirk cho là cần phải giữ.


Lí do thực sự để những người theo phái tự do đấu tranh cho quyền tự do cá nhân – đã bị những người phê phán thuộc trường phái cộng đồng xuyên tạc – thật đơn giản và hợp lí. Rõ ràng là mỗi người khác nhau cần những thứ khác nhau để có thể sống cuộc sống tốt đẹp, mạnh khỏe và đức hạnh. Mặc dù bản chất là như nhau, nhưng người ta khác nhau về điều kiện vật chất, về chiều cao, cân năng..v.v.. và vì vậy mà nhu cầu của chúng ta cũng khác nhau. Vậy thì đâu là giới hạn của lợi ích chung?


Karl Marx, một trong những người đầu tiên phê phán chủ nghĩa tự do từ quan điểm của phái cộng đồng, lí luận của ông ta cũng rất sắc sảo và chua cay. Marx khẳng định rằng xã hội dân sự dựa trên “sự phân li con người”, kết quả là “bản chất của anh ta không còn giống nhau mà là khác nhau”; ngược lại, trong chủ nghĩa xã hội con người sẽ thể hiện mình như là “cá thể của lòai”. Như vậy là, những người xã hội chủ nghĩa tin rằng biện pháp cung cấp tất cả mọi thứ theo lối tập thể là phù hợp, trong nhà nước xã hội chủ nghĩa chân chính tất cả chúng ta đều được hưởng những lợi ích chung giống nhau và xung đột đơn giản là không xảy ra nữa. Những người theo phái cộng đồng thường tỏ ra thận trọng hơn; và mặc dù nói rất nhiều, nhưng ít khi họ nói rõ lợi ích chung của chúng ta là gì. Thí dụ, triết gia theo phái cộng đồng, ông Alasdair MacIntyre, trong tác phẩm mang tên Sau đức hạnh (After Virtue), khẳng định trong 219 trang sách rằng “đời sống tốt đẹp đối với con người” phải diễn ra trong cố gắng chung và sau đó thì kết luận một cách khập khiễng rằng “đời sống tốt đẹp cho con người là đời sống được dùng để tìm kiếm đời sống tốt đẹp cho con người”.


Một tuyên bố thường gặp là lương hưu do nhà nước cung cấp là một thành phần của lợi ích chung vì nó “làm cho tất cả chúng ta đòan kết lại với nhau”. Nhưng ai là “tất cả chúng ta”? Số liệu thực sự cho thấy rằng đàn ông Mĩ gốc Phi, trong suốt cuộc đời làm việc của mình, đóng số tiền bảo hiểm giống như đàn ông da trắng, nhưng họ chỉ nhận lại được một nửa so với đàn ông da trắng mà thôi. Hơn nữa, đàn ông da đen thường chết trước khi nhận lương hưu, nghĩa là tất cả tiền nong của họ đã làm lợi cho những người khác và tất cả các khỏan “đầu tư” của họ chẳng mang lại lợi ích gì cho gia đình. Nói cách khác, họ bị ăn cướp nhằm làm lợi cho những người về hưu da trắng. Những người đàn ông Mĩ gốc Phi có phải là một phần trong “tất cả chúng ta”, những người được hưởng lợi ích chung hay họ là nạn nhân cho “lợi ích chung” của những người khác? (Độc giả của tạp chí này phải biết rằng tất cả đều được lợi với hệ thống hưu bổng tư nhân, vì vậy mà những người theo phái tự do khẳng định rằng tự do lựa chọn giữa các hệ thống hưu bổng khác nhau là lợi ích chung). Thế mà những lời tuyên bố về “lợi ích chung” lại thường được dùng để che đậy những hành động ích kỉ nhằm giành lợi ích riêng cho mình, như nhà văn Áo theo trường phái tự do truyền thống, ông Robert Musil, từng viết trong tác phẩm Con người không phẩm chất (The Man without Qualities): “Ngày nay chỉ có bọn tội phạm mới dám làm hại người khác mà không cần triết lí mà thôi”.


Người theo phái tự do công nhận tính đa nguyên tất yếu của thế giới hiện đại và vì vậy mà họ khẳng định rằng tự do cá nhân ít nhất cũng là một phần của lợi ích chung. Họ còn hiểu rằng muốn đạt được mục đích thì hợp tác là nhu cầu thiết yếu, con người cô đơn không bao giờ có thể tự cấp tự túc được. Chính vì thế mà chúng ta phải có luật lệ - thí dụ như luật lệ về tài sản và họp đồng – để làm cho quá trình hợp tác một cách hòa bình trở thành khả thi và chúng ta thành lập chính phủ để buộc mọi người phải thi hành những luật lệ này. Hệ thống pháp luật tạo điều kiện cho chúng ta sống trong hòa bình và hòa hợp là lợi ích chung, chứ không phải là lợi ích “cho tất cả mọi người” nhưng thực ra lại là lợi ích của một số người trong khi những người khác phải chịu thiệt thòi. (Thuật ngữ “tự lực cánh sinh” còn một nghĩa nữa mà người làm cha mẹ nào cũng hiểu. Cha mẹ thường muốn con mình có tính tự lập chứ không sống như những kẻ ăn cắp, vô công rồi nghề, lười biếng hoặc ăn bám. Đấy là điều kiện cần thiết cho lòng tự trọng, Taylor và những người phê phán chủ nghĩa tự do khác đã lẫn lộn tinh thần tự lực cánh sinh với việc không dựa vào hay không hợp tác với người khác, một việc không thể xảy ra trên đời).
Vấn đề lợi ích chung bao giờ cũng liên quan tới quan điểm của những người theo phái cộng đồng về tính cá nhân hay sự tồn tại riêng biệt của những nhóm người. Cả hai quan niệm đó đều là thành phần của một quan điểm hòan tòan phi khoa học và phi lí của đường lối chính trị có xu hướng cá nhân hóa các định chế và các nhóm người, như nhà nước, dân tộc hay xã hội. Luận điểm về cá nhân hóa không những không làm phong phú thêm khoa chính trị học và tránh được sự ngây thơ của chủ nghĩa cá nhân tự do – mà những người theo phái cộng đồng khẳng định – mà còn làm cho vấn đề thêm rối rắm và ngăn chặn, không cho chúng ta nêu ra những câu hỏi thú vị, công trình nghiên cứu khoa học nào cũng phải bắt đầu bằng những câu hỏi như thế. Không có ai đặt vấn đề một cách rõ ràng bằng ông Parker T. Moon, nhà nghiên cứu lịch sử theo phái tự do ở Columbia University. Trong công trình nghiên cứu về chủ nghĩa đế quốc châu Âu hồi thế kỉ XIX với nhan đề Chủ nghĩa đế quốc và nền chính trị thế giới(Imperialism and World Politics) ông viết như sau:


Ngôn từ thường che lấp sự thật. Ngôn từ che mắt chúng ta trước những sự kiện trong quan hệ quốc tế nhiều hơn là chúng ta thường nghĩ. Khi sử dụng từ “Pháp” chúng ta thường nghĩ đến nước Pháp như là một đơn vị, một thực thể vậy. Để tránh lặp lại, chúng ta thường dùng đại từ nhân xưng thay cho một nước – thí dụ chúng ta nói: “Pháp đã gửi các đơn vị quân đội của họ đi xâm lược Tunis” – là chúng ta không chỉ coi đấy là một thực thể thống nhất mà còn nhân cách hóa cả một đất nước nữa. Chính ngôn từ đã che dấu các sự kiện và biến quan hệ quốc tế thành một vở kịch đầy màu sắc, trong đó các dân tộc đã được nhân cách hóa là các diễn viên và quên mất rằng những con người bằng xương bằng thịt mới là diễn viên thực sự. Mọi thứ sẽ thay đổi đáng kể nếu không có từ “Pháp”, và lúc đó chúng ta phải nói 38 triệu đàn ông, đàn bà và trẻ con với những quyền lợi và niềm tin khác nhau sống trên diện tích là 218 ngàn dặm vuông! Lúc đó chúng ta phải mô tả cuộc viễn chinh Tunis chính xác hơn, theo kiểu như sau: “Một vài người trong số 38 triệu người đó đã đưa 30 ngàn người đi xâm lược Tunis”. Trình bày sự kiện theo kiểu đó sẽ lập tức tạo ra câu hỏi, hay đúng hơn là một lọat câu hỏi. “Một vài” người đó là ai? Tại sao họ lại đưa 30 ngàn người tới Tunis? Và tại sao những người này lại tuân theo?


Nhân cách hóa các nhóm người chỉ làm rối chứ không soi sáng những vấn đề chính trị quan trọng. Không thể dùng quan điểm từ việc nhân cách hóa những nhóm người như thế để giải thích một số vấn đề liên quan tới những hiện tượng chính trị và trách nhiệm đạo đức phức tạp, nhân cách hóa làm cho hành động của các chính trị gia trở thành huyền bí và tạo điều kiện cho một số người lợi dụng “triết học” – mà thường là triết học huyền bí nhằm làm hại những người khác.


Những người theo phái tự do không đồng ý với những người theo phái cộng đồng về một lọat vấn đề quan trọng, đặc biệt là nhu cầu sử dụng vũ lực nhằm bảo vệ cộng đồng, tình bằng hữu, tình yêu, và những vấn đề khác, tức là những thứ làm cho cuộc đời là đáng sống và chỉ có thể được hưởng thụ cùng với những người khác. Không thể gạt bỏ những khác biệt này ngay từ đầu; xuyên tạc, nêu ra những đặc điểm vô lí hay dán nhãn cho chúng không thể giúp giải quyết được những khác biệt đó.


No comments:

Post a Comment