September 28, 2013

[Phan 2] Bác sỹ Michael Burry - Từ PTKT đến đầu tư giá trị và “The Big Short”

Vfpress.vn


mike


Tiếp phần trước "Biến đam mê thành công việc"
Nếu tôi nhớ không nhầm, ngoài 1 triệu đô la mua cổ phần, Gotham Capital còn tham gia 15 triệu đô vào Scion Capital. Joel Greenblatt nói rằng đây là lần đầu tiên ông làm việc này, ông nói “Michael là một người thực sự xuất sắc và không có nhiều người như vậy”. Bản thân Joel Greenblatt cũng khởi nghiệp với 7 triệu đô la ban đầu của ông vua junk-bond Michael Milken, có lẽ do vậy nên Joel sẵn sàng đỡ đầu cho một người trẻ tuổi khác là Michael.

Chúng ta cần biết rằng Michael nghiên cứu và phân tích chứng khoán khi đang theo học nghành y, một nghành đòi hỏi sự tập trung 110% sức lực. Michael chủ yếu thực hiện các phân tích của mình trong khoảng thời gian từ 12h đêm tới 3h sáng. Có lần do quá mệt mỏi vì thức đêm liên tục Michael đã ngủ gật trong một ca phẫu thuật và đổ gục vào túi thở oxy của bệnh nhân. Ông trưởng ca phẫu thuật vô cùng giận giữ lập tức tổng cổ anh ra ngoài. Gotham Capital và White Mountains cho rằng những điều mà chúng ta thấy mới chỉ là Michael từ 12h đêm tới 3h sáng mà thôi. Hãy tưởng tượng nếu Michael có toàn thời gian để nghiên cứu đầu tư cổ phiếu thì mọi việc sẽ thế nào?

Không cần quá lâu đề chúng ta biết kết quả thế nào. Michael đã nhanh chóng chứng tỏ khả năng của mình và làm cho các nhà đầu tư của Scion Capital cực kỳ hài lòng. Trong năm đủ đầu tiên kể từ lúc thành lập, 2001, quỹ Scion tăng 55.4% trong khi chỉ số S&P giảm 11.8%. Sang năm 2002, bong bóng dot com tại Mỹ tiếp tục vỡ và chỉ số S&P giảm tiếp 22.1%, quỹ Scion Capital tăng 16%. Qua năm 2003, chỉ số S&P bặt tăng mạnh 28.7% nhưng Michael tiếp tục đánh bại thị trường với mức tăng trưởng 50.7%.


Scion1


Với thành công vang dội, tới cuối năm 2004, Michael đã quản lý số tiền lên tới 600 triệu đô và anh quyết định không nhận thêm tiền nữa. Michael vẫn luôn chú trọng tới lợi nhuận của các nhà đầu tư chứ không phải tìm cách thu phí của họ. Mặc dù vậy, 600 triệu đô vẫn là một số vốn rất lớn nên trong 2 năm 2004 và 2005, kết quả của quỹ Scion không xuất sắc như trước mà chỉ có mức tăng tương đương hoặc hơn thị trường một chút . Tôi đoán là với số vốn lớn như vậy thì ý tưởng đầu tư tuyệt vời trở nên khan hiếm hơn. Tuy nhiên đây có lẽ chưa phải là nguyên nhân chính. Theo sách “The Big Short” thì 2004 cũng là năm Michael bắt đầu dành thời gian nghiên cứu về thị trường trái phiếu và lần ra những dấu vết đầu tiên của một cuộc đại khủng hoảng.

Để phần nào hiểu về thành công của Michael khi picking stocks cũng như khả năng dự đoán về cuộc khủng hoảng thì chúng ta phải hiểu kỹ hơn về Michael. Michael dành rất nhiều thời gian cho việc đầu tư và anh làm việc với một sự tập trung cao độ. Có một số nguyên nhân lý giải cho khả năng này của Michael.
Từ bé, Michael đã phải phẫu thuật cắt bỏ một mắt vì căn bệnh ung thư hiếm gặp và mắt bên trái của anh mà chúng ta nhìn thấy chỉ là mắt giả mà thôi. Điều này khiến cho Michael Burry gắp nhiều khó khăn trong giao tiếp xã hội. Khi tham gia các trò thể thao chiếc mắt giả của Michael thường bật ra ngoài khi anh va chạm mạnh. Anh quyết định không tham gia các trò chơi tập thể và chỉ thích môn bơi vì anh có thể ở một mình. Michael gần như không có bạn trong suốt quá trình đi học và sau này những người bạn của anh cũng chỉ là quen biết qua Internet. Khi tham gia một cộng đồng nào đó, Michael thường đặt mình ra ngoài và ngồi phân tích mọi người. Trong một buổi phỏng vấn trên 60 minutes, anh gọi mình là Outsiders. Không giao tiếp xã hội giúp Michael có nhiều thời gian hơn. Điều này lý giải vì sao mặc dù học nghành y nhưng Michael vẫn có thời gian nghiên cứu cổ phiếu.

Michael có khả năng tập trung làm việc một cách phi thường. Trong một dịp, Michael đã thức thông hai đêm liền(anh phải trực vào ban ngày) xoay sở với các thiết bị chỉ để tìm cách làm cho chiếc máy tính cá nhân của mình chạy nhanh hơn. Michael tập trung nghiên cứu đầu tư chứng khoán tới mức người vợ đầu tiên của anh ghi ngờ không biết cô có tồn tại trong cuộc sống của Michael hay không. Họ ly dị không lâu sau khi cưới. Ở lần lập gia đình thứ hai, có lẽ do đã có kinh nghiệm nên Michael không để công việc làm mất đi người vợ của mình. Một điểm thú vị là người vợ thứ hai của anh là một người Mỹ gốc Việt. Không có gì ngạc nhiên khi họ quen nhau là nhờ một trang web hẹn hò trên Internet. :)

Xu hướng thích cô độc và khả năng tập trung làm việc một cách điên rồ của Michael được giải thích một cách toàn vẹn khi tình cờ anh phát hiện ra rằng mình bị mắc hội chứng Asperger - tiếng việt là hội chứng tự kỷ. Một thông tin thú vị là các nghiên cứu của đại học Cambridge và Oxford cho rằng các thiên tài như Einstein và Newton cũng bị mắc hội chứng này. Theo tôi nhớ thì Adam Smith cũng thích cô độc và ông khép mình trong phòng kín để viết nên tác phẩm kinh điển “The wealth of nations”. Còn nhớ Steve Jobs chỉ mặc quần bò và áo phông đen vì ông muốn tiết kiệm thời gian, đỡ phải nghĩ là mình sẽ mặc gì hôm nay. Warren Buffett thì đọc “Security Analysis” trong khi đang đi nghỉ tuần trăng mật với vợ. Có lẽ công thức cho những điều phi thường là trí tuệ + sự tập trung cao độ + lượng thời gian dành cho công việc. Với trường hợp của Michael, sản phẩm ra lò là một nhà đầu tư cực kỳ thành công trong đó đỉnh điểm là việc dự đoán cuộc đại khủng.

3. Theo dấu đại khủng hoảng và tìm kiếm lợi nhuận.
Sách “The Big Short” nói Michael bắt đầu tìm hiểu về thị trường vay nợ thế chấp vào năm 2004 nhưng ý niệm về bong bóng bất động sản có lẽ đến với Michael từ năm 1999 khi anh chứng kiến sự tăng giá của nhà đất tại California. Trong những năm 2000-2001 Michael cũng hiểu rõ hơn về nghành bất động sản khi anh nghiên cứu đầu tư các cổ phiếu của nghành này từ các công ty xây dưng tới các định chế cho vay thế chấp. Thực ra vào thời điểm 2004, có một số nhà đầu tư giá trị cũng có suy nghĩ về bóng bóng nhà đất tại Mỹ nhưng họ không dành nhiều thời gian cho việc này mà tập trung vào việc picking stocks như thường lệ. Michael trái lại tỏ ra rất thích thú nghiên cứu về chủ đề này. Năm 2004, Michael có một sở thích mới là học hỏi về hệ thống vay và cho vay của Mỹ. Anh tìm hiểu về các khoản vay được thực hiện như thế nào từ vay tiền mua ô tô, vay tiền đi học tới vay tiền để mua nhà. Sau đó anh lại tìm hiểu về quá trình chứng khoán hóa các khoản vay này rồi tiếp theo là chứng khoán phái sinh từ các chứng khoán này. Michael không hề nói với bất kỳ ai về sở thích mới này của anh, anh chỉ ngồi một mình trong văn phòng đọc hàng ngàn tài liệu về thị trường chứng khoán phái sinh từ các khoản vay.

Hình mình họa dưới đây thể hiện quá trình chứng khoán hóa các khoản vay nợ thế nào.
giangle-cds

Michael nghiên cứu và thấy rằng các tiêu chuẩn cho vay ngày càng trở nên dễ dàng. Những người đi vay nhà thậm chí không phải bỏ vốn, họ được vay 100% số tiền để mua nhà. Vì sao lại có hiện tượng này? Những người đi vay thì rất dễ hiểu. Họ thấy giá nhà tăng lên trong khi có thể vay 100% để mua nhà thì chẳng khác nào đánh bạc mà không cần vốn; thắng thì ăn mà thua thì kẻ cho vay sẽ chịu. Vấn đề là tại sao người đi cho vay lại hành động như vây? Đó vì những định chế cho vay thế chấp này lại bán lại các khoản vay cho các ngân hàng đầu tư(IB), các IB chứng khoán hóa các khoản vay, chuyển qua các tổ chức định giá(Moody’s, etc) đóng dấu kiểm định rồi bán tiếp ra thị trường. Thị trường hấp thụ hết các loại chứng khoán này vì lãi suất của chúng hấp dẫn hơn nhiều so với mức lãi thấp suất thấp mà FED đang duy trì. Giá nhà tiếp tục tăng thì tất cả mọi người đều hạnh phúc. Càng có nhiều khoản vay thì các định chế cho vay, các ngân hàng đầu tư và các tổ chức định giá lại càng thu được nhiều phí giao dịch. Phía người mua cuối cùng là những người quản lý các quỹ đầu tư vào các sản phẩm trái phiếu, các CDO manager. Họ được các nhà đầu tư ủy thác để đầu tư và các sản phẩm đóng dấu an toàn(AAA, etc) từ các tổ chức định giá. Những người quản lý này được trả tiền theo phần trăm số tài sản mà họ quản lý nên họ thường dành thời gian gia tăng số tài sản này chứ không đi xem xét những thứ được đóng dấu AAA có thực sự an toàn hay không. Lợi ích của họ và của các nhà đầu tư vào quỹ của họ là khác nhau.

Trái lại, lợi ích của Michael và các nhà đầu tư của mình đồng hành cùng nhau. Michael nghiên cứu và thấy rằng chỉ cần giá nhà đất dừng tăng chứ chưa cần giảm thì cũng đủ khiến cho nhiều CDO mất giá. Nếu giá nhà đất giảm vài phần trăm thì có thể gây ra sự đổ vỡ dây chuyền hàng loạt và các sản phẩm phái sinh CDO sẽ trở thành vô giá trị. Michael muốn short các CDO này. Tuy nhiên hoàn toàn không có thị trường cho việc short các CDO, hơn nữa khi short thì rủi ro cũng rất nhiều vì giá nhà đất có thể tiếp tục tăng tới mức vượt quá khả năng chịu đựng của quỹ Scion trước khi sụp đổ. Trong khi chưa biết làm thế nào, Michael tình cờ đọc về quá trình hình thành CDS cho các khoản vay của các công ty với các ngân hàng. Liên kết các thông tin, Michael nghĩ ra ý tưởng CDS cho CDO. CDS hoạt động như một dạng bảo hiểm, ví dụ hàng năm Michael sẽ trả 2 triệu mua bảo hiểm để khi CDO mất hoàn toàn giá trị thì anh sẽ được bồi thương 100 triệu. Với đặc tính này thì Michael có thể chủ động kiểm soát được rủi ro trong trường hợp CDO tiếp tục tăng giá. Ngoài ra, thông thường chỉ cần rủi ro với các CDO tăng lên thì giá trị của CDS cũng sẽ tăng. Michael gọi tới 7 ngân hàng lớn mà anh cho rằng sẽ ít chịu ảnh hưởng nhất từ khủng hoảng là Goldman Sachs, Morgan Stanley, Deutsche Bank, Bank of America, UBS, Merrill Lynch, và Citigroup. 5 ngân hàng không hiểu Michael đang nói về cái gì, chỉ có 2 ngân hàng Goldman Sachs và Deutsche Bank đồng ý thực hiện giao dịch và nói rằng mặc dù thị trường này chưa tồn tại, nó có thể xuất hiện vào một ngày nào đó. Họ không ngờ rằng chỉ sau vài năm thị trường này đã có giá trị lên tới hàng ngàn tỷ đô la.

No comments:

Post a Comment