September 15, 2013

Góc đời gánh ve chai

Góc đời gánh ve chai


SGTT.VN - Ngày rời tỉnh Quảng Ngãi bước vào TP.HCM, bà Phạm Thị Thêm vẫn đinh ninh, chỉ chừng năm năm sẽ trở về, sau khi đứa con trai ăn học thành tài. Nhưng cái hạn năm năm đến nay đã dài gần gấp ba, đứa con trai đã học xong, lấy vợ sinh con, nhưng ngày về quê là bao giờ, bà không biết.
Công đoạn cuối của người mua ve chai là phân loại thành từng món, đây cũng là lúc ngơi nghỉ sau bốn – năm tiếng đi bộ, đẩy xe.
Trước mắt người mẹ gần 55 tuổi vẫn là những ngày dài đẩy chiếc xe đi tận cùng hóc hẻm trong phường 12, quận 8 gom ve chai và những đêm thâu một mình trong cái phòng trọ chưa đầy 8m2, nằm chờ trời sáng.
Bỏ ruộng vào thành
Mười bốn năm trước, khi đứa con trai đầu bước lên cấp 3, cũng là lúc người mẹ bước lên xe đò vào TP.HCM, bỏ lại người chồng và hai đứa con. Từ khi người cha của bà mất, xã thu lại một sào ruộng, cả gia đình bốn con người bám víu vào ba sào còn lại (1.500m2), một năm cấy hai vụ, gạo ăn còn chưa đủ. Người chồng nai lưng đập đá thuê, còn bà, làm mướn khắp nơi, nhưng vẫn hoàn túng quẫn. Chẳng rõ vì thấy cảnh chạy ăn từng bữa của cha mẹ nó, nên thằng con đầu chịu học, thầy cô thường khen ngợi. Điều này làm bà mát lòng và thêm cứng bước chân nhiều năm sau này khi rong ruổi mưu sinh nơi đô thị.
Vóc người gầy gò, nhỏ nhắn, chiếc nón lá rách che hết khuôn mặt có ít nhiều nét thanh tú thời con gái, cái xe đẩy phía trước, bà Thêm cứ nhẩn nha đi vào từng con hẻm nhỏ nhất. Trên miệng nụ cười tươi lạc quan, nhìn bà giống một người đang đi dạo. Bao năm làm nghề cũng hay, người bán chủ động gọi bà mỗi khi có phế liệu, từ cái chai nhựa đến miếng bìa cáctông. Chẳng thấy người mua kẻ bán trả giá, nắm tiền lẻ vơi dần, thùng xe đầy lên. Người thì trách “sao hôm qua không ghé, có mớ giấy lộn”, người lại hẹn “chiều qua nghe, vừa dọn dẹp nhà”. Hình như với họ, bà đã thành người quen thuộc, với bà, đấy là những niềm vui để lấp đi sự cô độc của kiếp tha phương.
Ngày mới bước chân vào TP.HCM, bà đến ở trọ cùng những người đồng hương Nghĩa Hành ở phường 14 quận 8, ven một con kênh và kiếm tiền bằng gánh tàu hủ nước đường. Một bên chén bát, một bên lò than và nồi tàu hủ đang sôi, cái gánh chừng ấy trên vai người phụ nữ tuổi 40 đã bắt đầu nặng. Nhưng thứ đeo bám dai dẳng và nặng nề nhất là nỗi nhớ chồng con. Những ngày đó, cứ mỗi tối, bà lại giở tiền ra đếm, hôm nay, hôm qua, hôm kia…, không phải vì niềm vui khi có tiền, mà để tính ngày nào được về thăm nhà. “Chỉ cần kiếm được năm ba trăm ngàn đồng, đủ tiền xe đò và tiền ăn cho con trong tháng là tui về. Ở nhà một hai ngày rồi đón xe vô”, bà Thêm nhớ lại.
Nối gót
Khi người mẹ tạm quen với sự xa cách là lúc đứa con trai đi thi đại học. Không phụ lòng bà, nó đậu điểm cao một trường đại học “xịn” ở TP.HCM. Niềm vui không dài, chưa đầy hai tháng sau, chỉ vì không kiếm đâu ra vài triệu đồng để đóng học phí, thằng bé quay về quê, học cao đẳng. Là người vừa thuộc hết mặt chữ, nên với bà học gì cũng giống nhau, bà chỉ tiếc giá như nó học ở đây, có mẹ có con. Một lần, đứa con gái nghỉ hè vô thăm bà, trở lại quê, nó lặng lẽ bỏ học và quay vào ở với mẹ.
Bao năm cơ cực ở xứ người, bà vẫn phấn chấn khi nghĩ đến chúng, nhưng đêm hôm ấy, nằm ôm con, bà khóc. Khóc vì sự học dang dở của con gái và khóc cả những điều ước của đời mình đang rụng dần. Mới năm tuổi, bà mất mẹ và ba người anh chị khi máy bay thả đạn trong một trận càn, người anh cả ôm hận thù bước chân đi du kích để rồi mấy năm sau bị bắn chết. Trên đời chỉ còn mình bà, đứa con gái năm tuổi, lẽo đẽo theo sau lưng người cha khắp xứ. Nên khi đẻ được hai đứa con, bà vẫn tự hứa không để chúng như đời mình: thất học, túng quẫn. Nhưng dù bà có khóc mấy đi nữa, cô con gái 17 tuổi vẫn nhất mực “không đi học nữa”.
Từ đó, mẹ con đỡ đần. Được ngoài năm, con gái lấy chồng – người cùng quê vô đây làm phụ hồ – và chuyển sang bán vé số. Tuy thuê phòng ở riêng, nhưng mẹ con ngày ngày vẫn giáp mặt. Bà đã đổi nghề sau một lần đang gánh nồi tàu hủ bị chóng mặt, xây xẩm và té xuống, may mà không trúng lò than.
Thấm thoát thời gian trôi qua, đến nay đã tám năm mua ve chai, so với khi bán tàu hủ, tuy kiếm ít tiền hơn, nhưng bà thấy nhàn nhã. Ngày đều đặn, từ sớm đến tối, bà kiếm được từ 100.000 – 150.000 đồng. Mua đầy xe, bà đẩy ra một góc, gần vựa phế liệu và phân loại, con dao tông bên cạnh, cái thì đập dẹp, cái lại chẻ nhỏ, thứ nào ra thứ nấy. Phân loại kỹ cũng lợi, thỉnh thoảng, bà trúng mánh khi một món phế liệu được người mua đồ cũ định giá một vài trăm ngàn đồng, chẳng hạn, một cái nồi đồng, bộ cà – mèn của lính.
Mỗi ngày bà ăn đủ bữa ngoài quán: sáng 10.000 đồng, trưa 25.000 (cả nước uống), tối 15.000 đồng. Tiền nhà trọ: 600.000 đồng/tháng. Trừ hết, bà vẫn để dành được khoảng 2 triệu đồng mỗi tháng. Sau này, bà chẳng thiết nấu ăn vì “ăn một mình buồn” và “mất công”. Có lẽ, đây là chút thị thành đã nhiễm vào bà sau gần một phần tư kiếp người lặn ngụp nơi đô hội.
Khắc khoải quê
Nếu dành dụm được như thế, có lẽ con đường về quê của bà đã ngắn lại, nhưng sự đời chẳng dễ dàng. Thằng con trai – niềm tự hào mỗi khi bà nhắc đến – mẹ nuôi học xong, lấy vợ sinh con và sống ở Đà Nẵng, vợ chồng nó chật vật vì chỉ một người đi làm. Vợ chồng con gái phải gửi hai đứa con về quê cho ông ngoại nuôi, hàng tháng gửi tiền cấp dưỡng. Bà chẳng được ai nuôi ngày nào, còn phải cho thêm con dâu khi chúng túng thiếu. Mấy năm trước, người chồng vác đá nặng bị té trật xương sống, năm ngoái, căn nhà bị bão thổi bay phải vay ngân hàng xây lại… trăm thứ lại đổ lên vai bà. Rồi đám xá, giỗ chạp ở quê, tiền nuôi chồng, thuê người làm đám ruộng… tất cả cứ luôn tay bòn rút nhúm tiền bà cắc củm.
14 năm làm “công dân” TP.HCM, mỗi năm, bà chỉ cho phép mình về quê vào ngày giỗ tổ phía chồng, ngoại trừ dịp tết. Điều ước được “một lần về làm giỗ mẹ vào tháng 5” với bà sao mà khó! Khoảng cách địa lý không là mấy, nhưng hình như dài thăm thẳm khi nghe bà dí dỏm: “Tui ly thân lâu rồi, chắc suốt kiếp này quá!”
Nhìn bà hết mân mê con búp bê đã méo mó trong đống phế liệu, lại ngắm nghía cái đèn bàn đã bể một góc, chập chừng một đỗi mới thảy đi, có lẽ bà đang nhớ tới đám con cháu hay tuổi thơ của mình. Ai biết ngày mai lại có thứ gì đó nữa đè thêm xuống đôi vai gầy gò kia, nhưng ai cũng thấy, chiếc xe đẩy ve chai ở phía trước bà đang cao dần sau mỗi năm. Chỉ có điều, cái niềm hãnh diện “đứa con đã ăn học thành tài” cũng là sự an ủi duy nhất và thiêng liêng của người mẹ cô độc này, hình như đã bị ai đó đánh cắp từ lâu. Đến bây giờ, chỉ cầu mong bà đừng phát hiện ra.
BÀI VÀ ẢNH DOÃN KHỞI

No comments:

Post a Comment