October 27, 2013

Thủ thuật dùng Google

Theo toithichdoc Blog's

Thủ thuật dùng Google

Thủ thuật dùng Google khi tìm kiếm thông tin Nguyễn Vạn Phú – Mấy cuốn tự điển Anh-Việt, Việt-Anh hiện nay xem như lạc hậu so với thời cuộc chừng 20 năm. Mỗi khi cần tìm những từ mới, không thể nào tìm ra trong các cuốn tự điển này.Ở đây xin chia sẻ một kinh nghiệm tìm từ tiếng Việt hay tiếng Anh bằng Internet. Đơn giản là gõ từ hay cụm từ muốn dịch vào ô tìm kiếm, tốt nhất là trong ngoặc kép, xong rồi gõ thêm một hai từ liên quan bằng ngôn ngữ muốn dịch.
Ví dụ cụ thể cho rõ. Ví dụ các bạn muốn dịch cụm từ “công đoàn cơ sở” qua tiếng Anh, hãy gõ cụm từ này vào ô search của Google, rồi gõ thêm trade union. Ngay ở kết quả đầu tiên có thể thấy “công đoàn cơ sở” (grassroots trade union).
Ngược lại, ví dụ các bạn muốn dịch từ “procurement” sang tiếng Việt cho chính xác (tức là dùng đúng từ mà các văn bản chính thức đang dùng), bạn gõ từ này vô rồi gõ thêm từ mua hay đấu thầu hay bất kỳ từ gì tiếng Việt cũng được (càng liên quan đến procurement càng tốt). Ở kết quả thứ ba hay thứ tư gì đó, sẽ thấy “mua sắm công” hay “mua sắm chính phủ” (thậm chí còn biết thêm vì sao có sự thay đổi không dùng từ đấu thầu mà nay dùng mua sắm công nữa).

Dĩ nhiên ở đây phải dùng sự phán đoán, chọn trang web của tổ chức nào càng chính thức càng tốt, tài liệu nào càng nghiêm túc thì càng dễ tin tưởng. Và kết quả này chỉ là kết quả ban đầu – cần làm động tác kiểm tra ngược để kiểm chứng.

Cái này đặc biệt hữu ích khi dịch tên các tổ chức từ Việt sang Anh hay từ Anh sang Việt. Ví dụ “Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản” tìm theo cách gõ cụm từ này thêm mineral sẽ ra tên do chính cục này dịch là “Department for Control of Mineral Activities”.

* * *

Nói tiếp chuyện thủ thuật tin học. Giả dụ bây giờ các bạn muốn tìm thông tin về vị luật sư nổi tiếng Nguyễn Mạnh Tường, gõ cụm từ này vào Google, bạn sẽ thấy choáng váng vì ngoại trừ hai kết quả đầu, hàng chục ngàn kết quả tiếp theo là về tay bác sĩ khét tiếng đang ồn ào trên báo chí trong suốt mấy ngày qua. Giờ làm sao?

Nhìn dưới ô search, sẽ thấy ngay một dòng, có chữ Search tools. Bấm vào đó, ở dòng mới xuất hiện bên dưới, bấm Any time và chọn Custom range. Giả thử chọn bất kỳ thời điểm nào trước tháng này, bạn sẽ loại bỏ được gần hết các kết quả có tay bác sĩ khét tiếng kia.


*******

Bây giờ hãy thực hành: Gõ “Kinh tế nhà nước”, “chủ đạo”, “Hiến pháp” vào ô search, (tạm thời lơ đi, đừng nhìn vào kết quả được cập nhật này); Xong rồi trong Custom range, chọn từ tháng 1-10-2012 đến tháng 1-2-2013. Kết quả có thể làm các bạn bất ngờ, ví dụ vài đoạn:

- “So với bản cũ, dự thảo Hiến pháp đưa ra lấy ý kiến nhân dân có thêm một điểm mới là không quy định kinh tế nhà nước là chủ đạo”, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nói.

- Trong quá trình thảo luận tại kỳ họp [Quốc hội], nhiều ĐBQH đề nghị trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chúng ta không nên quy định “cứng” trong Hiến pháp tên các thành phần kinh tế… Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định chung về các thành phần kinh tế tại điều 54 [không hiến định kinh tế nhà nước là chủ đạo].

- Điều mấu chốt mà nhiều đại biểu không nhất trí là dự thảo sửa đổi Hiến pháp vẫn khẳng định kinh tế Nhà nước (KTNN) là chủ đạo, trong khi trong suốt thời gian qua khu vực kinh tế này không làm tốt vai trò dẫn dắt nền kinh tế. Các đại biểu nhấn mạnh cả 4 thành phần kinh tế phải được đặt ở vị trí ngang bằng, bình đẳng.

Nói tóm lại, Internet là kho chứa đủ thứ, nếu chịu khó sục sạo, đối chiếu, so sánh, sẽ thấy quan điểm của một số người, một số cơ quan, thậm chí của quan điểm một số tờ báo thay đổi như chong chóng.


*******

Mười điều cần biết để bạn tìm kiếm Google hiệu quả hơn
Trong thời đại Internet, bạn không cần phải nhớ hết mọi thứ: Đó chính là ý tưởng phía sau câu ca dao hiện đại “Dân ta phải biết sử ta, nếu mà không biết thì tra Guc' gồ”. Biết cách tìm kiếm hiệu quả trên Google chính là chìa khóa thành công của bạn. Mười điều cần biết sau đây sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và công sức khi dùng Google:
1. Hãy tận dụng dấu ngoặc kép: Khi bạn bao một nhóm từ bằng dấu đóng mở ngoặc kép, Google sẽ tìm các văn bản chứa chính xác nhóm từ đó. Với dấu ngoặc kép, bạn sẽ loại bỏ được nhiều kết quả không mong muốn. Ví dụ, bạn muốn tìm bài viết mà bạn nhớ có cụm từ “phong cách sống rất hiện đại”, hãy gõ vào Google [“phong cách sống rất hiện đại”] (trả về 5 kết quả) thay vì [phong cách sống rất hiện đại] (trả về hơn 5 triệu kết quả).
2. Tìm kiếm trong một trang web nhất định: Thêm vào từ khóa “site:” sẽ khiến Google chỉ tìm kiếm trong trang web đó. Ví dụ, gõ vào Google [“tham nhũng” PMU18 site:chinhphu.vn], bạn sẽ tìm thấy tất cả các bài viết liên quan đến tham nhũng tại PMU18 ở trang Chinhphu.
3. Ký tự ‘*’: Nếu bạn chỉ nhớ láng máng lời một bài hát, bạn có thể dùng ký tự ‘*’ thay thế cho đoạn bạn quên. Ví dụ, gõ vào Google [“tình * côi”], bạn sẽ tìm thấy “tình đơn côi”, “tình mồ côi” hay “tình hoa mận côi” v.v…
Bạn cũng có thể dùng ký tự ‘*’ để hạn chế kết quả tìm kiếm. Ví dụ, bạn muốn tìm thông tin về học bổng, vậy hãy chỉ tìm các bài có chữ “scholarship” trên các trang web có đuôi là .edu: [scholarship site:*.edu]
4. Tìm kiếm kết hợp: Google luôn tìm trang có chứa tất cả các chữ mà bạn gõ vào ô tìm kiếm. Nếu muốn tìm trang có chứa từ này hoặc từ kia hoặc cả hai, hãy dùng từ khóa “or” (hoặc viết tắt bằng dấu “|”). Ví dụ, gõ vào Google [“Việt Nam” | “Đại Cồ Việt”] sẽ trả về các trang có chứa “Việt Nam”, “Đại Cồ Việt”, hoặc cả hai.
5. Tìm kiếm loại trừ: Nếu bạn muốn loại bớt “nhiễu” từ kết quả tìm kiếm, bạn có thể dùng từ khóa ‘-‘. Ví dụ, gõ vào Google [“Việt Nam” –“Đại Cồ Việt”], kết quả trả về sẽ chỉ chứa các trang web có từ ghép “Việt Nam” mà không chứa “Đại Cồ Việt”.
6. Tìm ngược liên kết: Từ khóa "link:" sẽ cho bạn tìm hiểu những trang web nào liên kết tới một địa chỉ bạn quan tâm. Ví dụ, gõ vào Google [link:chinhphu.vn], bạn sẽ biết có bao nhiêu trang liên kết tới Chinhphu.
7. Tìm các dạng tập tin khác nhau: Bạn muốn tìm một tài liệu về “Hồ Chí Minh” mà bạn biết chắc chắn nó nằm trong một tệp tin Word, hãy gõ vào Google [“Hồ Chí Minh” filetype:doc]. Sự có mặt của từ khóa “filetype:” sẽ lọc tất cả các loại tập tin không mong muốn. “filetype:pdf” trả về tập tin pdf, “filetype:doc” trả về tập tin Word, “filetype:xls” trả về tập tin Excel v.v…
8. Xem trang web từ cache của Google: Khi Google viếng thăm các trang web để tạo cơ sở dữ liệu tìm kiếm, nó cũng đưa các trang vào bộ nhớ của mình. Để xem trang web trong bộ nhớ Google, hãy dùng từ khóa “cache:”. Ví dụ, gõ vào Google [cache:chinhphu.vn] sẽ thấy nội dung trang Chinhphu được ghi nhớ lại bởi Google.
9. Tìm kiếm theo vị trí trên trang web: Một trang web luôn có địa chỉ (url), tiêu đề (title) và nội dung (text). Nếu bạn biết từ cần tìm nằm ở địa chỉ hoặc tiêu đề, hãy dùng các từ khóa “inurl:” hoặc “intitle:” để yêu cầu Google chỉ tìm trong địa chỉ hoặc tiêu đề. Tương tự, “intext:” chỉ tìm trong nội dung trang mà không tìm trong địa chỉ và tiêu đề.
10. Làm toán với Google: Bạn cần làm một phép toán nhân chia, hoặc muốn chuyển đổi giữa các đơn vị? Hãy dùng Google: gõ vào [2*3=] để biết kết quả phép 2 nhân với 3, hoặc [300 feet = ? meter] để chuyển đổi giữa feet và mét.

No comments:

Post a Comment