October 27, 2013

Bài nói chuyện của GS. Robert J. Shiller dành cho tân cử nhân ngành tài chính

Theo Vnquants.com

267-bai-noi-chuyen-cua-gs-robert-j-shiller-danh-cho-tan-cu-nhan-nganh-tai-chinh-1Vào thời điểm này trong năm, các bạn sinh viên sắp tốt nghiệp trên khắp nước Mỹ và ở nhiều nơi khác thường tìm kiếm những lời khuyên về bằng cấp, về nghề nghiệp tương lai của chính mình. Đối với những ai mong muốn tạo dựng sự nghiệp của mình trong ngành tài chính và những ngành có liên quan – như bảo hiểm, kế toán – kiểm toán, luật và quản trị doanh nghiệp, tôi có vài điều muốn nhắn nhủ với các bạn như sau:
Nếu bạn tốt nghiệp chuyên ngành tài chính và đã xác định chọn cho mình con đường trong ngành tài chính, tôi có thể nói bạn là một trong những người may mắn nhất. Trong suốt quá trình xây dựng sự nghiệp của bạn, phố Wall và những tổ chức của nó sẽ cần bạn. Những điều bạn được đào tạo – lý thuyết về tài chính, kinh tế, toán và thống kê sẽ giúp bạn rất nhiều. Nhưng những bài học về lịch sử, triết và văn học cũng không kém phần quan trọng. Bởi vì điều thiết yếu ở đây là bạn không những phải tự trang bị cho mình những công cụ đúng đắn để giải quyết vấn đề, mà còn phải có sự hiểu biết và tư duy về những mục tiêu xã hội của tài chính.
Trừ khi bạn học những thứ quá xa vời, bạn không thể không biết rằng ngành tài chính của chúng ta đang chịu những chỉ trích vô cùng nặng nề - phần nhiều trong đó là xác đáng – vì đã ném nền kinh tế của chúng ta vào tấn bi kịch của thời Đại Khủng hoảng. Và bạn chỉ cần vài câu trò chuyện với bạn cùng lớp của bạn về phong trào Chiếm lấy phố Wall (phong trào Occupy), bạn sẽ thấy sự căm phẫn của thế giới đối với top 1% những kẻ có thu nhập cao nhất và “bè lũ” của chúng - chúng ta – những người làm nghề tài chính là như thế nào.
Dù có một số chỉ trích là thổi phồng và không đúng sự thật, nhưng nhìn chung cái cách mà thế giới đang nhìn chúng ta khiến chúng ta phải gấp rút cải tổ lại những hoạt động tài chính của những định chế tài chính. Tài chính từ lâu đã là yếu tố trung tâm để thúc đẩy sự dân chủ trên thị trường, đó là lý do tại sao những vấn đề hiện tại cần phải được giải quyết. Với cách nhìn của các bạn về sự phụ thuộc lẫn nhau [giữa chúng ta] và nhu cầu đa dạng [của thị trường], các bạn có thể làm được điều đó. Trên thực tế, đó là một vấn đề nghề nghiệp đang đặt ra trước mắt các bạn, và các bạn nên đón nhận nó như một cơ hội của mình.
Những chuyên gia tài chính trẻ cần phải làm quen với lịch sử của ngành ngân hàng và cần phải nhận ra một sự thật rằng ngân hàng chỉ hoạt động tốt nhất khi họ đáp ứng nhu cầu của một bộ phận lớn trong xã hội. Nói đến đây, tôi muốn nhắc lại hai cuộc cách mạng trong ngành: một là sự xuất hiện của hình thức tiết kiệm qua ngân hàng ở Anh và châu Âu vào thế kỷ XIX, và sự phát triển của tài chính vi mô (microfinance) dẫn dắt bởi ngân hàng Grameen ở Bangladesh trong thế kỷ XX. Ngày nay, cách làm tốt nhất trước mắt là cập nhật công nghệ tài chính và truyền thông để làm sao những dịch vụ đa dạng mà ngân hàng đang cung cấp có thể đến tay tầng lớp cận nghèo và nghèo.
Những tân cử nhân chọn lĩnh vực vay thế chấp mua bất động sản (mortgage) lại đối mặt với một thách thức khác, nhưng cũng không kém phần cam go: đó là cho ra đời những hình thức tín dụng mới linh hoạt hơn có thể giúp người mua nhà vượt qua cơn bão kinh tế đã nhấn chìm hàng triệu gia đình trong biển nợ.
Về phần mình, những bạn trẻ trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư đang có cơ hội tuyệt vời để thiết kế những hình thức kêu gọi vốn đầu tư mạo hiểm (venture capital) “mở” hơn – ví dụ như những website kêu gọi vốn từ đám đông (crowd-funding) – để thúc đẩy sự hình thành và phát triển của những doanh nghiệp nhỏ sáng tạo. Đồng thời, cơ hội cũng đến với những ai đang làm trong ngành bảo hiểm khi nhu cầu khai thác những phương pháp mới giúp con người phòng vệ những rủi ro thực tế của mình – công việc, sinh hoạt, nhà cửa – đang là rất thiết thực.
Ngoài thế giới của những ngân hàng đầu tư và những công ty môi giới. Tài chính hiện đại còn một mảng khác cũng cần phải được sáng tạo lại sau cuộc khủng hoảng vừa rồi. Nhiệm vụ đặt ra những luật chơi nhằm quản lý khu vực tài chính vốn rất “bất kham” nhưng lại liên quan đến lợi ích cho rất nhiều người trong xã hội chưa bao giờ bức thiết đến thế. Trong những đơn vị luật pháp và quản lý, những tân cử nhân đang được trông chờ để làm công việc phân tích cơ sở hạ tầng của luật tài chính, và xây dựng được những điều luật để làm sao tài chính có thể đem lại nhiều lợi ích nhất cho xã hội.
Thế hệ chính trị gia mới cần phải hiểu tầm quan trọng của việc hiểu biết về tài chính và cần phải hỗ trợ tư vấn luật pháp và tài chính cho công chúng. Trong khi đó, những chuyên gia hoạch định chính sách đối mặt với thách thức kiến tạo những định chế tài chính mới, như hệ thống hưu trí và quyền lợi công chúng, dựa trên nguyên tắc mang tính nền tảng về sự chia sẻ rủi ro giữa các thế hệ.
Đối với các bạn lựa chọn con đường học thuật và nghiên cứu, các bạn cần phải nghiên cứu sâu hơn về bong bóng tài sản (asset bubbles) - cũng như tìm cách đối thoại tốt hơn với cả chuyên gia và công chúng. Lỗi của phố Wall trong cuộc khủng hoảng vừa rồi là quá tin tưởng vào một niềm tin sai lầm – giá nhà không thể giảm xuống – một niềm tin mù quáng đã thổi bùng cả xã hội. Học cách xác định thời điểm phát sinh những bong bóng tương tự và giải quyết chúng trước khi chúng gây ảnh hưởng tiêu cực lên toàn bộ nền kinh tế là thách thức lớn lao của thế hệ học giả tài chính tương lai.
Khi được trang bị những khái niệm tài chính tinh tế từ mô hình định giá tài sản vốn (capital asset pricing model – CAPM) đến những công thức định giá quyền chọn phức tạp, bạn chắc chắn sẽ tận hưởng một sự nghiệp xán lạn trong tương lai, ít nhất là về mặt tiền bạc. Nghe có vẻ hơi “xôi thịt”, tuy nhiên sự thành công về mặt tài chính sẽ phản ánh mức độ hiệu quả mà bạn đóng góp cho doanh nghiệp đang thuê bạn. Tuy nhiên, phần thưởng cho sự thành công trên phố Wall, và trong ngành tài chính nói chung, đang thay đổi, cũng như định nghĩa về tài chính phải thay đổi nếu nó muốn lấy lại hình ảnh của nó trong xã hội cũng như lòng tin của công chúng và giới lãnh đạo.
Tài chính, theo định nghĩa tốt nhất của nó, không chỉ là quản trị rủi ro, mà còn đóng vai trò như một người quản gia cần mẫn và cẩn trọng trong xã hội. Ngoài chuyên lương bổng, thế hệ làm tài chính trong tương lai sẽ được đền đáp dựa trên mức độ họ đóng góp vào quá trình dân chủ hóa tài chính – đưa tài chính đến mọi ngóc ngách của xã hội, đến tận tay những ai cần nó nhất. Đó là thách thức mới của thế hệ mới, và sẽ đòi hỏi tất cả sự tưởng tượng cũng như kỹ năng mà các bạn có thể đem đến.
Chúc các bạn nhiều may mắn trong quá trình tái phát minh thế giới tài chính. Thế giới đó cần các bạn để thành công.
New Haven, Connecticut, ngày 22 tháng 5 năm 2012
267-bai-noi-chuyen-cua-gs-robert-j-shiller-danh-cho-tan-cu-nhan-nganh-tai-chinh-2Robert J. Shiller là Giáo sư Kinh tế tại Đại học Yale, giải Nobel Kinh tế năm 2013 cùng với E. Fama và Lars P. Hansen. Ông là đồng tác giả của chỉ số Case-Shiller – chỉ số đo lường giá nhà ở Hoa Kỳ. Ông cũng là tác giả của cuốn sách Irrational Exuberance (đã được xuất bản ở Việt Nam với tựa “Tăng trưởng Phi Lý”) dự báo sự sụp đổ của các bong bóng bất động sản. Cuốn sách mới nhất của ông là Finance and the Good Society (tạm dịch: Tài chính và một xã hội tốt đẹp)

Nguồn: project-syndicateTác giả: Robert J. Shiller
Source: http://www.vnquants.com/bai-cua-khach/bai-noi-chuyen-cua-gs-robert-j-shiller-danh-cho-tan-cu-nhan-nganh-tai-chinh

No comments:

Post a Comment