October 1, 2013

Suy thoái kinh tế: Đáy khủng hoảng V, U, W hay L?

Theo Bfinance

Suy thoái chữ L (L-shaped recession): Kinh tế suy giảm và nằm ở đáy nhiều năm liên tục, không thể gượng dậy được và tạo nên Đại suy thoái hay Thập kỷ mất mát.
Suy thoái (recession) là gì? Được đo lường bằng chỉ tiêu nào?
Suy thoái (recession) là từ chỉ giai đoạn trì trệ của nền kinh tế, là một trong 4 giai đoạn tổng quát của chu kỳ nền kinh tế.
Biểu hiện rõ nét nhất của giai đoạn suy thoái là tốc độ tăng trưởng GDP (Tổng sản phẩm quốc nội) suy giảm trong 2 hay 3 quý liên tiếp.
Ngoài GDP, người ta cũng sử dụng các chỉ tiêu khác như tỷ lệ thất nghiệp, sản xuất công nghiệp, tiêu dùng hộ gia đình, lợi nhuận doanh nghiệp, doanh số bán lẻ hay chỉ số thị trường chứng khoán… để thể hiện sức khỏe của nền kinh tế trong giai đoạn này.
Một cách không chính thống, các nhà kinh tế học thường dùng các hình dạng (shape) tương ứng với một chữ cái để mô tả các loại hình suy thoái và hồi phục sau đó của nền kinh tế.
Có thể kể đến các hình dạng phổ biến là suy thoái chữ V (V-shaped recession), chữ U, chữ W hay chữ L… Hình dạng theo chữ cái này bắt nguồn từ việc các số liệu kinh tế thể hiện trên đồ thị cho ra hình dạng tương tự như chữ cái tương ứng.
Cần lưu ý rằng không có một lý thuyết chính thống nào liên quan đến chủ đề này, và các mô tả suy thoái/hồi phục kinh tế theo ký tự nêu trên chỉ đơn thuần phục vụ cho mục đích minh họa.
1) Suy thoái chữ V (V-shaped recession): Suy giảm mạnh, nhưng cũng phục hồi nhanh tương ứng
Đặc điểm: Trong một đợt suy thoái chữ V, nền kinh tế phải trải qua giai đoạn co hẹp nghiêm trọng với tốc độ nhanh. Tuy nhiên, sau đó quá trình tạo đáy cũng diễn ra nhanh chóng và nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ trở lại, với tốc độ tương đương với tốc độ suy giảm.
 
Suy thoái hình chữ V của nền kinh tế Mỹ những năm 1953-54 (Tỷ lệ tăng trưởng GDP).
Ví dụ: Đợt suy thoái năm 1953 ở Mỹ. Đầu những năm 1950, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng bùng nổ. Cục Dự trữ Liên bang (Fed) lo ngại lạm phát gia tăng và đã tăng lãi suất chính sách, đẩy kinh tế nước này rơi vào suy thoái.
Tăng trưởng kinh tế Mỹ bắt đầu có dấu hiệu chậm lại trong năm 1953, GDP quý 3 giảm 2,4%, quý 4 giảm 6,2%. Nền kinh tế tiếp tục suy giảm 2% trong quý 1/1954 trước khi hồi phục trở lại. Đến quý 4/1954, GDP Mỹ tăng vọt 8% và thoát khỏi xu hướng suy thoái, tạo thành đợt hồi phục hình chữ V điển hình như đồ thị ở trên.
2) Suy thoái chữ U (U-shaped recession): Tụt dốc nhanh, phục hồi chậm chạp
Đặc điểm: Suy thoái chữ U là dạng suy thoái phổ biến nhất và kéo dài hơn suy thoái chữ V. Trong trạng thái suy thoái này, nền kinh tế suy giảm nhưng đáy của suy thoái lại không rõ ràng, kéo dài một thời gian khá lâu (GDP suy giảm liên tục nhiều quý liền) trước khi phục hồi trở lại nhưng phục hồi cũng chỉ diễn ra từ từ.
 
Suy thoái hình chữ U của nền kinh tế Mỹ những năm 1973-75 (Tỷ lệ tăng trưởng GDP).
Ví dụ: Đợt suy thoái những năm 1973-75 của kinh tế Mỹ được coi là suy thoái chữ U. Đầu năm 1973, kinh tế Mỹ bắt đầu có dấu hiệu co hẹp, và tiếp tục xu hướng suy giảm hoặc chỉ tăng trưởng rất thấp trong gần 2 năm tiếp theo. Sau khi lình xình quanh đáy gần 2 năm, nền kinh tế Mỹ bắt đầu phục hồi vào năm 1975.
3) Suy thoái chữ W (W-shaped recession): Suy thoái kép hay Mẫu hình “giảm-tăng-giảm-tăng”
Đặc điểm: Hình thái suy thoái chữ W còn được gọi là suy thoái kép (double-dip recession). Nền kinh tế rơi vào suy thoái sau đó phục hồi theo dạng chữ V một thời gian ngắn, nhưng lại gặp một sự kiện bất thường đẩy kinh tế rơi trở lại vào tình trạng suy thoái, trước khi phục hồi thực sự.
Diễn biến này tạo thành mẫu hình “giảm-tăng-giảm-tăng” khắc họa chữ W hoàn chỉnh. Phần giữa của chữ W có thể coi là giai đoạn thị trường giá xuống (bear market).
 
Suy thoái hình chữ W của nền kinh tế Mỹ những năm 1980 (Tỷ lệ tăng trưởng GDP).
Ví dụ: Đợt suy thoái đầu những năm 1980 của kinh tế Mỹ có thể coi lại ví dụ điển hình cho suy thoái hình chữ W.
Nền kinh tế Mỹ rơi vào suy toái từ tháng 1-7/1980, trong đó GDP tính theo số liệu hàng năm của giai đoạn tháng 406/1980 sụt giảm đến 8%. Sau đó, GDP Mỹ tăng trưởng trở lại ở mức (hàng năm) 8,4% trong quý 1/1981. Fed sau đó nâng lãi suất để chống lạm phát và nền kinh tế Mỹ lại rơi vào suy thoái từ tháng 7/1981 đến tháng 11/1982; trước khi tăng trưởng mạnh mẽ trở lại trong phần còn lại của thập niên 1980.
4) Suy thoái chữ L (L-shaped recession): Suy giảm và nằm ở đáy nhiều năm liên tục
Đặc điểm: Đây là hình thái suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất. Nền kinh tế sau khi sụt giảm nhưng không thể gượng dậy, trạng thái suy thoái kéo dài ở đáy nhiều năm liên tục mà không có sự cải thiện đáng kể nào, tạo thành hình chữ L.
Trạng thái kinh tế trì trệ kéo dài nhiều năm này thường được gọi là Đại suy thoái (Depression) hay Thập kỷ mất mát (Lost decade).
 
Suy thoái hình chữ L của nền kinh tế Nhật Bản những năm 1990 – Thập kỷ mất mát.
Ví dụ: Điển hình là suy thoái sau giai đoạn bong bóng tài sản ở Nhật Bản những năm 1990.  Lãi suất thấp và điều kiện cho vay dễ dãi dẫn đến sự phát triển bong bóng đầu cơ trong những năm 1980, khi các nhà đầu tư rót tiền ồ ạt vào thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán. Giá của các tài sản này vọt khác thường, trước khi bị vỡ vào những năm 1990.
Bình quân hàng năm trong suốt thập niên 1990, tổng sản phẩm quốc nội thực tế của Nhật Bản lẫn tổng sản phẩm quốc dân bình quân đầu người chỉ tăng 0,5%, thấp hơn so với hầu hết các nước công nghiệp tiên tiến khác. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng nhanh qua từng năm.
5) Hình thái suy thoái khác: Chữ WW, Chữ J
Ngoài những hình thái nói trên, suy thoái kinh tế được nhiều người mô tả bằng nhiều hình thái đa dạng khác.
Chẳng hạn như blogger Mike Shedlock thì cho rằng nền kinh tế có thể trải qua giai đoạn suy thoái theo mẫu hình WW, tức là trì trệ trong một thời gian dài, thoát ra rồi lại tiếp tục suy thoái thêm khoảng 3-4 năm.
George Soros thì nhận định đợt suy thoái hiện nay có thể diễn ra theo hình căn bậc 2 (√) đảo ngược.
Còn nhà phân tích Thierry Martin thì ví đợt suy thoái sau bong bóng dotcom năm 2000 có hình chữ J, tức là cực kỳ lạc quan, lợi nhuận doanh nghiệp sẽ tăng trưởng vượt bậc nhờ ứng dụng các kỹ thuật công nghệ cao và không bao giờ sụt giảm.
- See more at: http://bfinance.vn/kinh-te-vi-mo/suy-thoai-kinh-te-day-khung-hoang-chu-v-u-w-hay-l.aspx#sthash.s2MGbh2J.dpuf

No comments:

Post a Comment