October 1, 2013

Cách đối phó với 29 câu hỏi phỏng vấn phải vượt qua trong ngành tài chính đầu tư

Theo Bfinance

Bây giờ là chiều thứ Sáu. Ngày mai, bạn sẽ bay đến thành phố khác để dự đám cưới của một người bạn thân. Khi đã sắp ra máy bay, khách hàng báo muốn gặp nhóm của bạn vào sáng mai. Bạn sẽ làm gì?
Làm việc trong ngành tài chính – đầu tư đòi hỏi sự tập trung cao độ, luôn phải chịu áp lực và yêu cầu tinh thần đồng đội rất cao.
Để thành công, ứng viên trước tiên sẽ phải vượt qua hàng loạt câu hỏi hóc búa để chứng minh rằng mình phù hợp và hơn những người khác cho vị trí được tuyển dụng.
Dưới đây là tổng hợp 29 câu hỏi thường được các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, ngân hàng đầu tư “thách đố” nhân viên tiềm năng, do Vault tổng hợp.
1) Tại sao bạn lại muốn theo đuổi nghề nghiệp trong ngành ngân hàng đầu tư /quản lý đầu tư (hay bất kỳ ngành gì khác)?
Đây là một câu hỏi mà chắc chắn bạn sẽ gặp phải khi đi phỏng vấn. Trước tiên, cần nhấn mạnh là bạn biết rất rõ bộ phận đang phỏng vấn bạn thực sự làm gì.
Nên nói chuyện với những người có kinh nghiệm càng nhiều càng tốt để hiểu về ngành, về chức năng, công việc thường nhật và mô tả chung của vị trị đang ứng tuyển.
Không cần phải nói về việc bạn tự kiếm tiền nuôi sống bản thân với câu hỏi này; mà nên chứng tỏ rằng bạn biết rất rõ về công việc của vị trí ứng tuyển, và rằng bạn đã chuẩn bị đầy đủ những kỹ năng cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ (chẳng hạn như kỹ năng phân tích, kỹ năng giao tiếp, đạo đức nghề nghiệp và đương nhiên là sẵn sàng làm việc nhiều giờ…).
2) Chuyên viên ngân hàng đầu tư (investment banker)/quản lý đầu tư (investment manager) thực sự làm công việc gì?
Đừng cười nếu bạn gặp hỏi câu này. Bạn ắt sẽ rất ngạc nhiên vì hàng năm vẫn có rất nhiều người đi phỏng vấn tại Goldman Sachs hay Fidelity Investments mà không biết rõ về những gì mà họ sẽ làm với công việc này.
Rất có thể bạn sẽ nhận được câu hỏi này nếu bạn đang chuyển nghề hay không có kiến thức nền tảng về tài chính.
Tốt hơn hết là bạn phải nắm rõ về ngành (phân tích ngành) của mình, chẳng hạn như đó là ngành mà ngân hàng đầu tư đang dự định huy động vốn, hay công ty quản lý quỹ quản lý tiền của khách hàng cá nhân cũng như tổ chức.
3) Đây là bảng trắng. Hãy trình bày nội dung tóm tắt của một chương trong cuốn sách tài chính mà bạn thích nhất. Bạn có 5 phút để hoàn thành.
Đừng nên chọn chương giới thiệu.
Có hai điểm nhà tuyển dụng muốn kiểm tra với câu hỏi này. Thứ nhất là nhà tuyển dụng muốn kiểm tra khả năng giải thích các vấn đề tài chính phức tạp bằng ngôn ngữ giản đơn. Thứ hai là họ muốn kiểm tra khả năng trình bày của bạn khi bị áp lực.
Hãy tích cực luyện tập với bạn bè, hay thậm chí là với thầy cô giáo của bạn cho đến khi đủ tự tin để trình bày trước nhà tuyển dụng.
4) Hãy giới thiệu về bản thân qua bản Lý lịch nghề nghiệp của bạn.
Chỉ nên nhấn mạnh các hoạt động và công việc trước đó có mang lại nhiều kinh nghiệm có thể áp dụng trong ngành tài chính. Cũng nên nói về những điều mà bạn tự hào và làm bạn nổi bật.
Cuối cùng, hãy chứng minh rằng việc học hành và con đường sự nghiệp của bạn đã diễn ra một cách rất logic.
5) Giả định có một tình huống: Bây giờ là chiều thứ Sáu. Ngày mai, bạn sẽ bay đến Boston để tham dự đám cưới của một người bạn thân. Bạn đã thông báo trước một cách kỹ càng cho cả  nhóm làm deal và họ biết là bạn sẽ đi xa thành phố. Khi bạn sắp đi ra máy bay, bạn phát hiện ra rằng khách hàng muốn gặp nhóm của bạn vào sáng mai. Bạn sẽ làm gì?
Một trong những “tài sản” đối với các vị trí tài chính, đặc biệt trong các ngân hàng đầu tư, là thái độ đối với công việc.
Đây là một câu hỏi khá hóc búa, nhưng hãy sử dụng điều này để diễn tả rằng bạn rất hiểu những vất vả mà một nhân viên ngân hàng đầu tư phải chịu đựng, và rằng bạn cũng đã trải qua những tình huống đòi hỏi hy sinh như vậy  trong quá khứ rồi.
6) Bạn có hẹn là sẽ gặp bạn gái để ăn tối, thế nhưng Giám đốc lại yêu cầu bạn ở lại làm trễ để hoàn thành công việc. Lúc này bạn sẽ làm gì? Bạn có thể đưa ra một ví dụ về tình huống tương tự như vậy mà bạn đã gặp phải?
Thêm một câu hỏi về thái độ làm việc. Hãy sẵn sàng cho những câu hỏi như thế này.
7) Tại sao chúng tôi nên tuyển dụng bạn?
Khi gặp phải những câu hỏi mở (open-ended question) như thế này, bạn nên cố gắng trả lời sao cho có nhiều thông tin và thú vị như bạn nộp đơn xin học ở bậc đại học.
Câu hỏi này một lần nữa đòi hỏi bạn phải chứng minh mình hiểu rõ vị trí ứng tuyển, có kỹ năng phân tích và có tinh thần đồng đội cao.
Câu chuyện của bạn là gì? Nó có thú vị không? Vui vẻ? Nhiều bài học? Một điều gì đó mà người nghe sẽ nhớ lâu? Câu chuyện độc nhất vô nhị?
8) Tại sao bạn lại quyết định học MBA?
Nếu bạn đang học MBA và ứng tuyển vào vị trí tài chính, thì có lẽ bạn sẽ gặp câu hỏi này. Nếu bạn có chuyên môn về tài chính, bạn có thể nói về mình đã mong đợi thu được những kỹ năng gì khi tham gia học MBA và kết quả đạt được như thế nào. Nếu không xuất thân từ dân tài chính thì bạn chỉ đơn giản trả lời trung thực nhất những suy nghĩ của mình.
Cũng rất hợp lý nếu trả lời rằng bạn học MBA vì muốn thay đổi công việc.
9) Bạn đã tham gia vào những hoạt động nào trong thời gian học đại học?
Nói rằng bạn tham gia nấu ăn thì cũng được, nhưng nên nhớ rằng bạn đang ứng tuyển vào một công việc nhiều áp lực, căng thẳng.
Theo một nhà tuyển dụng, họ thích những người đã từng làm công việc bán thời gian, tham gia đầy đủ các lớp học và dường như không cần phải ngủ.
Các ngân hàng đầu tư thích ứng viên đang nợ nần và sẵn sàng “chiến đấu” để giành được các mức thưởng cuối năm khổng lồ. Những ứng viên “đói khổ” luôn được đánh giá cao.
10) Tại sao bạn lại nộp đơn vào công ty chúng tôi?
Tìm hiểu về công ty mà bạn đang ứng tuyển vào, đặc biệt là những điều công ty này tự hào. Họ là một công ty toàn cầu? có tinh thần đồng đội cao? hay môi trường làm việc thân thiện? Hãy chuẩn bị để trình bày những hiểu biết của bạn về ngành và về công ty mà bạn đang ứng tuyển.
Đối với một số công ty nhỏ (boutique), đây là một câu hỏi cực kỳ quan trọng. Họ muốn những người có quan tâm thực sự và biết về công ty sắp vào làm việc. Điều này thậm chí cũng đúng trong trường hợp bạn nộp đơn vào các công ty lớn.
Bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng muốn nghe thấy ứng viên nói về những điều gì khiến công ty của họ trở nên khác biệt và hấp dẫn ứng viên.
11) Cho chúng tôi biết về một dự án bạn tham gia có yêu cầu rất nhiều tư duy phân tích?
Ứng viên không có chuyên ngành tài chính cần chuẩn bị sẵn phương án trả lời cho câu hỏi này. Bạn có thể mô tả một dự án trong công việc hoặc ở trường có nhấn mạnh đến nhiều kỹ năng xử lý số liệu.
12) Nếu bạn là CEO của ngân hàng chúng tôi, 3 điều mà bạn nghĩ nên thay đổi là gì?
Đây là một câu hỏi rất thú vị.
Câu hỏi này nhằm để kiểm tra xem thử bạn đã nghiên cứu kỹ về nhà tuyển dụng hay chưa. Mở chi nhánh ở Thượng Hải có thể là câu trả lời hay, nhưng với điều kiện là ngân hàng chưa có chi nhánh ở thành phố này!
Hãy chuẩn bị để bảo vệ câu trả lời của bạn. Ngoài ra, cũng đừng nên quá bi quan hay tiêu cực. Chẳng hạn như “Tôi sẽ sa thải ông giám đốc tài chính” sẽ nghe rất tệ, đặc biệt khi người phỏng vấn có làm việc với ông CFO này.
13) Bạn yêu thích trang web nào?
Câu trả lời hoàn toàn tùy thuộc vào bạn.
Nếu bạn đầu tư cổ phiếu, bạn có thể trả lời bạn thích Bloomberg, Ameritrade… Bạn cũng có thể nói đến một website chuyên ngành của bạn. Điều quan trọng là cần phải chuẩn bị sẵn sàng để nói đến những nội dung cụ thể của trang web đó và lý do tại sao bạn lại thích nó.
14) Hãy nói cho tôi biết về giá cổ phiếu của công ty bạn làm việc trước đây?
Khi nhận được câu hỏi này, cần phải chắc chắn rằng bạn biết rõ/chuẩn bị kỹ về hoạt động kinh doanh của công ty trước đây của bạn (hoặc công ty đối thủ).
15) Nêu ví dụ về một công việc mà bạn thực hiện theo nhóm?
Đây chắc chắn là câu hỏi mà bạn sẽ gặp phải.
Có thể nói về những kinh nghiệm của bản thân trong quá khứ, từ công việc từ thiện, cho đến bất cứ tình huống nào mà bạn làm việc cùng với những người khác để hướng đến một mục tiêu chung (common goal).
Hãy nhấn mạnh điểm mạnh của bạn như là một thành viên trong nhóm, chẳng hạn như: sự thấu hiểu/thông cảm, sự hợp tác, xây dựng đồng thuận… 
Còn tiếp Phần 2.
- See more at: http://bfinance.vn/tai-chinh-cuoc-song/cach-doi-pho-voi-29-cau-hoi-phong-van-phai-vuot-qua-trong-nganh-tai-chinh-dau-tu-p1.aspx#sthash.jBQWw8MC.dpuf


Sau 6 tháng làm việc, bạn bị sa thải hoặc chuyển qua công việc bán thời gian. Hãy cho biết 3 lý do có thể khiến tình huống này xảy ra và cách mà bạn phòng ngừa?
* Xem 15 câu hỏi đầu tiên và cách trả lời trong Phần 1.
16) Bạn ấn tượng với vấn đề gì nhất khi đọc các tạp chí kinh doanh (ví dụ The Wall Street Journal) trong thời gian gần đây?
Một dạng khác của câu hỏi này là “Bạn thường hay đọc ấn phẩm báo chí nào?”.
Người phỏng vấn hỏi những câu này nhằm kiểm tra xem bạn có đọc báo chí thường xuyên không, bạn có thực sự yêu thích ngành tài chính không và khả năng diễn đạt các vấn đề tài chính thời sự như thế nào.
Lời khuyên là bạn nên dành thời gian thường xuyên để đọc các tạp chí kinh doanh, chuyên ngành trước khi đi phỏng vấn, tối thiểu 45 phút mỗi ngày để nắm thông tin.
17) Hãy mô tả một dự án mà bạn yêu thích?
Đây là cơ hội để thể hiện bạn là người có tinh thần trách nhiệm cao, làm việc chăm chỉ, có kỹ năng phân tích và tinh thần đồng đội tuyệt vời.
18) Giả sử bây giờ bạn nhận được công việc; nhưng sau đó 6 tháng bạn bị sa thải hoặc chuyển qua công việc bán thời gian. Hãy nói cho tôi biết 3 lý do có thể khiến tình huống này xảy ra và cách mà bạn phòng ngừa?
Đây là một dạng khác của câu hỏi “Đâu là nhược điểm lớn nhất của bạn”, và có thể khiến bạn gặp căng thẳng. Đừng mất bình tĩnh và cố gắng chuẩn bị trước cho câu hỏi này.
19) Cho tôi biết một người biết bạn rất rõ trong công việc cũng như đời thường. Nếu tôi gọi cho người này để tham khảo về bạn thì họ sẽ nói gì?
Đây là một hình thức của câu hỏi về điểm mạnh và điểm yếu của bạn.
20) Điều gì sẽ khích lệ (motivate) bạn?
Thứ nhất, nên thể hiện bạn là một người rất có động lực làm việc (highly motivated). Thứ hai, nên tập trung vào những đặc điểm của nhân viên trong ngành tài chính mà doanh nghiệp đang tìm kiếm. Nhấn mạnh đến sự ổn định về tài chính, kỹ năng giải quyết vấn đề, thời hạn hoàn thành công việc và năng suất làm việc (làm việc chăm chỉ). Cũng nên cho những ví dụ cụ thể.
21) Kể cho tôi nghe về một thất bại trong quá khứ của bạn?
Chắc chắn là bạn nên chuẩn bị cho câu hỏi này trước khi đi phỏng vấn. Hãy khiêm tốn và thừa nhận mình đã gặp thất bại. Hãy nói về những bài học rút ra từ thất bại này và cái cách mà bạn vượt qua.
22) Bạn có vẻ là người không có động lực. Làm sao bạn có thể đảm đương công việc ở ngân hàng?
Đây là một câu hỏi đầy căng thẳng và có thể khiến bạn mất bình tĩnh vào giai đoạn cuối của quá trình phỏng vấn dài lê thê, mệt mỏi, gặp hàng chục người. Hãy cố gắng tránh bị tác động tiêu cực từ câu hỏi này.
Chứng tỏ với người phỏng vấn rằng bạn là người không dễ mất động lực và vẫn tràn trề năng lượng. Hãy đưa một ví dụ cụ thể về những lần bạn làm việc hăng say dù tình hình rất bế tắc.
23) Hãy kể tôi nghe về một lời khen mà bạn rất tự hào?
Đây là cơ hội để bạn nói về thế mạnh của mình. Một lần nữa, nên nhấn mạnh về tinh thần đồng đội, kỹ năng phân tích, làm việc siêng năng và đáng tin cậy.
24) Môn học mà bạn thích nhất, ghét nhất ở trường. Tại sao? Và điểm số của các môn học này?
Hãy chuẩn bị trước cho câu hỏi này và những lý do để giải thích tại sao bạn lại thích hay không thích.
Đừng nên nói bạn không thích môn học nào đó vì quá khó hay vì tính toán quá nhiều, hay giảng viên là người khó chịu (người phỏng vấn có thể cho rằng rồi thì bạn cũng sẽ nói về cấp trên như thế).
Cũng đừng nên nói dối về điểm số, vì người phỏng vấn có thể đang cầm bảng điểm của bạn trên tay.
25) Trình bày cách lập một mô hình tài chính mà bạn đã từng thực hiện.
Nếu bạn không phải là dân tài chính thì nên lấy một ví dụ trong lớp học hay trong cuộc sống. Nếu chưa từng “chạy” mô hình tài chính nào trước đó thì bạn nên thực hành ít nhất một lần trước khi phỏng vấn hoặc nhờ ai đó nói qua về quy trình.
26) Bạn đã nói chuyện với ai ở ngân hàng của chúng tôi chưa?
Đây là một dấu hiệu rất lạc quan. Người phỏng vấn muốn hỏi những người này suy nghĩ như thế nào về bạn. Bạn nên nhớ tên của người đại diện ngân hàng tại ngày hội nghề nghiệp, hay là một ai đó mà bạn đã có cơ hội trao đổi (hy vọng là như vậy). 
27) Nói cho tôi nghe về một lần mà bạn phải giải quyết nhiều công việc cùng lúc?
Đối với nhiều vị trí trong ngành tài chính (đặc biệt là ngân hàng đầu tư), giải quyết nhiều công việc cùng lúc (multi-tasking) là một kỹ năng quan trọng. Hãy chuẩn bị cho câu hỏi này trước khi đi phỏng vấn.
28) Bạn muốn tôi chia sẻ điều gì với bạn?
Trong quá trình phỏng vấn, bạn sẽ được cơ hội nêu câu hỏi với người phỏng vấn. Vì vậy, hãy nghiên cứu kỹ càng và đặt những câu hỏi chứng tỏ bạn biết rõ về công ty, nghề nghiệp. Đừng hỏi những câu trông có vẻ như vì bạn phải đặt câu hỏi. 
Khi chưa chắc chắn, tốt nhất là nên hỏi về kinh nghiệm cá nhân của người phỏng vấn.
29) Hedge fund là gì?
Đây là một trong những câu hỏi phổ biến nhất. Nhưng đáng ngạc nhiên là nhiều ứng viên vẫn không có khái niệm và không thể phân biệt hedge fund với các loại hình quỹ đầu tư khác.
Hãy chuẩn bị cho câu hỏi này hay các khái niệm cơ bản tương tự khác trước khi đi phỏng vấn. Tìm hiểu các thuật ngữ trên bfinance.vn.
- See more at: http://bfinance.vn/tai-chinh-cuoc-song/cach-doi-pho-voi-29-cau-hoi-phong-van-phai-vuot-qua-trong-nganh-tai-chinh-dau-tu-p2.aspx#sthash.bbe2v3JF.dpuf

No comments:

Post a Comment