Đội ngũ này không hình thành một cách vô tổ chức, ngay cả trong sự cạnh tranh nội bộ quyết liệt. Nó có kẻ trước người sau, kẻ làm việc này người làm việc khác, kẻ mạnh người yếu, kẻ giỏi người kém, kẻ tốt người xấu, ai cũng muốn giành miếng bánh thị trường to hơn cho mình, nhưng rồi đều lần lượt bị cuốn hút vào những mạng lưới kinh doanh, những kết nối, những hội đoàn nhiều hình dạng để có thể cùng nhau hoạt động theo những “luật chơi” chính tắc và phi chính tắc trên thị trường. Biết lựa sức mình để chung sống trong các mạng lưới đó thì doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển cùng các đối tác, đối thủ; bằng không thì có thể dễ dàng bị loại ra khỏi cuộc chơi.
Nhà nước ở các nền kinh tế này là người đưa ra các luật lệ chung cho hoạt động thị trường trong khuôn khổ đảm bảo và hài hòa một cách tốt nhất với lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng, đồng thời tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. Trên nền tảng đó, các doanh nghiệp và những mạng lưới của nó hoạt động và lớn dần lên, chung tay góp sức đưa con thuyền kinh tế của đất nước ra khơi.
Nhưng chỉ nhà nước và đội ngũ doanh nghiệp sức lực sàn sàn nhau thôi thì không đủ. Các mạng lưới doanh nghiệp muốn phát triển, con thuyền kinh tế muốn đi xa thì phải có những “người hùng” tiên phong dẫn dắt nữa. Không phải vô cớ mà lịch sử kinh tế của các cường quốc kinh tế trên thế giới đều gắn với lịch sử của những tập đoàn, công ty hùng mạnh được hình thành và chèo lái bởi những doanh nhân kiệt xuất, làm nên những kỳ tích trở thành niềm tự hào của cả quốc gia. Nếu như người Mỹ ghi ơn những vua dầu lửa, vua thép, vua ô tô, và sau này vua máy bay, vua IT… của họ, thì Đức, Anh, Pháp… bên trời Âu cũng vậy. Và ở châu Á này, Nhật bản cũng ghi công những Mitsui, Mitsubishi, Toyota, Hitachi, Matsushita … như những chiến binh đã mở đường giúp nước Nhật tạo nên câu chuyện thần kỳ về kinh tế; hay Hàn Quốc gắn con đường hóa rồng của mình với sự trỗi dạy của những Samsung, Huyndai, Daewoo, LG…
Những “người hùng” này là những người tìm đường để tạo nên những sản phẩm mới, mở lối để đưa sản phẩm đó ra thị trường, đi đầu để tìm cách đón nhận các cơ hội và ứng phó với các thách thức đặt ra, dẫn dắt các doanh nghiệp khác cùng đi bằng cách tạo nên những vệ tinh, những mạng lưới trong chuỗi cung ứng của sản phẩm. Trong sự phát triển vũ bão của công nghệ, sự thay đổi chóng mặt của thị trường, những “người hùng” này lại luôn là người đầu tư nhiều nhất cho nghiên cứu và sáng tạo, đỡ đầu cho những sáng kiến, phát minh, đưa những thành quả của nghiên cứu, sáng tạo vào ứng dụng trong thực tiễn để cải thiện các sản phẩm đã có hoặc tạo nên sản phẩm mới, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của cuộc sống.
Có thể doanh nghiệp, doanh nhân nào cũng mơ ước trở thành “người hùng”, và nước nào cũng có khát vọng có nhiều “người hùng” như vậy. Nhưng để trở thành “người hùng” lại phải có những tố chất mà không phải ai cũng có được. Đó là hoài bão lớn, là ý chí cao, là trí tuệ sâu, là tầm nhìn xa, là sự kiên định với con đường mình đã chọn, là khả năng tổ chức, tập hợp những người khác, truyền cho họ niềm tin, tạo cho họ điều kiện để cùng đi với mình, đồng thời tìm kiếm, khai thác mọi sự bổ trợ có thể có từ các nguồn khác, để tạo nên sức mạnh vượt mọi chông gai và đi tới thành công. “Người hùng” như vậy đâu dễ có. Con đường trở thành “người hùng” gian nan ghê gớm lắm. Đọc những cuốn sách về lịch sử các công ty hay hồi ký của những doanh nhân lớn sẽ thấy đẫm mồ hôi, nước mắt và đôi khi cả máu nữa, sẽ thấy họ đã vắt kiệt trí não và sức lực như thế nào, bị quăng lên quật xuống ra sao trước khi bước lên đài danh vọng.
Lẽ dĩ nhiên trong thành công của họ cũng có sự góp sức của bao người khác nữa. Ngoài những người cùng làm việc với họ, còn phải có một môi trường biết ủng hộ, khuyến khích họ, biết bảo vệ những quyền chính đáng của họ, biết tạo điều kiện cho họ tiếp cận với các nguồn lực cần thiết, biết chia sẻ những rủi ro khách quan mà nhiều khi họ không tránh được. Môi trường thân thiện như vậy được các nhà nước tạo ra không chỉ vì doanh nghiệp, mà cao hơn, vì chính lợi ích phát triển của quốc gia mình, nhân dân mình. Không có môi trường tốt sẽ không có hoặc cực kỳ khó có được những “người hùng”, và con thuyền kinh tế sẽ không thể đi xa.

Đỗ Duy Thái với Thép Việt, Cao Tiến Vị với Giấy Sài gòn, Võ Quốc Thắng với Gạch Đồng Tâm, Lý Ngọc Minh với sứ Minh Long, Trần Lệ Nguyên với bánh Kinh Đô, Trương Gia Bình với FPT, Nguyễn Hữu Lệ với Tường Minh (TMA Solutions) … cùng nhiều tên tuổi khác nữa đã lăn lộn trên thương trường 10-15-20 năm nay và vẫn đang gắng sức trở thành những nghiệp chủ như vậy. 
Ở nước ta, trong thời Pháp thuộc đã từng có Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô… Ở miền Nam trước năm 1975 cũng đã từng có những nghiệp chủ lớn gắn với những sản phẩm Việt tên tuổi lẫy lừng. Nhưng giờ đây, gần 40 năm sau chiến tranh, gần 30 năm sau Đổi mới, sao ta mong mãi mà chưa thấy những “người hùng” đâu. Con số những tỉ phú đô la, những “đại gia” tiền nhiều như nước, đất đai nhà cửa mênh mông đang tăng lên thật.
Nhưng bao giờ ta mới có những nghiệp chủ tạo được những sản phẩm “made in Vietnam”, để các bác nông dân, các cô thợ may đỡ bị đủ loại nguyên liệu nhập khẩu từ bên ngoài ăn gần hết thu nhập từ sản phẩm mà họ góp sức làm ra, để họ có chỗ dựa mà nâng cao hơn năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo ra những sản phẩm có giá trị lớn hơn, cùng nhau trụ vững ở thị trường trong nước và tiến bước xa hơn ra các thị trường bên ngoài? Bao giờ ta mới có những nghiệp chủ có thể góp phần mang lại sự tự chủ cao hơn của nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập nhanh trong thế giới toàn cầu hóa?
Đỗ Duy Thái với Thép Việt, Cao Tiến Vị với Giấy Sài gòn, Võ Quốc Thắng với Gạch Đồng Tâm, Lý Ngọc Minh với sứ Minh Long, Trần Lệ Nguyên với bánh Kinh Đô, Trương Gia Bình với FPT, Nguyễn Hữu Lệ với Tường Minh (TMA Solutions) … cùng nhiều tên tuổi khác nữa đã lăn lộn trên thương trường 10-15-20 năm nay và vẫn đang gắng sức trở thành những nghiệp chủ như vậy.
Họ không thiếu những tố chất cần thiết. Chỉ mong sao ta có được môi trường kinh doanh thân thiện để giấc mơ của họ sớm thành hiện thực, để đất nước mình sớm có những “người hùng” dẫn dắt công đồng doanh nghiệp cùng nhau góp sức đưa con thuyền kinh tế của đất nước đi nhanh hơn, xa hơn trên con đường tới phồn vinh.
Người Đô Thị. Ảnh TL