May 29, 2013

Quản trị rủi ro tại CTCK: Đừng đánh mất một lớp bảo vệ

(Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn)
(ĐTCK) Cũng giống như khá nhiều quy định khác tại Việt Nam, Quy chế Quản trị rủi ro có thể rơi vào hoàn cảnh được các CTCK thực hiện một cách chiếu lệ.
Cuối tháng 11 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã tổ chức hai buổi hội thảo tại Hà Nội và TP. HCM nhằm giới thiệu Dự thảo Quy chế hướng dẫn việc thiết lập hệ thống quản trị rủi ro (QTRR) và thực hiện QTRR tại CTCK.
Đây là quy chế rất quan trọng, đặt nền tảng cho việc xây dựng khung QTRR tại các CTCK, nhằm giúp các CTCK hoạt động lành mạnh, góp phần khôi phục niềm tin của NĐT với hoạt động chứng khoán trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn khó khăn, nhiều NĐT không mặn mà với việc kinh doanh chứng khoán. Tuy nhiên, không ít CTCK chưa hiểu đúng tầm quan trọng của những quy định trong dự thảo văn bản này.
Tất yếu phải QTRR
Quy chế nêu trên chuẩn bị ra đời là một tất yếu khách quan sau khi có quá nhiều CTCK được thành lập, hoạt động “nóng” để đáp ứng sự bùng nổ trong một giai đoạn ngắn của nền kinh tế, của TTCK, nhưng lại không có nền tảng QTRR tốt. Sau giai đoạn phát triển “bong bóng”, thị trường cần có quy chế QTRR phù hợp nhằm điều chỉnh các CTCK hoạt động kinh doanh theo hướng phát triển bền vững và lâu dài. Ngoài ra, do ngày càng có nhiều giao dịch gian lận và rủi ro trong các hoạt động kinh doanh liên quan đến chứng khoán, các CTCK cũng phải tự thân cải tổ hoạt động quản lý rủi ro nhằm bảo vệ an toàn các tài sản của CTCK, các NĐT, đặc biệt là các NĐT nhỏ và bảo vệ danh tiếng của công ty.
Dự thảo Quy chế được xây dựng dựa trên tài liệu Hướng dẫn về QTRR và Kiểm soát tại các CTCK của International Organizations for Securities Commissions (ISOCO), một thành viên thuộc Ủy ban Basel chuyên ban hành các hướng dẫn về QTRR và an toàn trong lĩnh vực tài chính (bao gồm ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm). Các hướng dẫn trong Dự thảo Quy chế là phù hợp với các thông lệ quốc tế, mặc dù điều đó có khả năng gây khó khăn cho một số CTCK trong ngắn hạn trong quá trình triển khai, do có nhiều quy định và yêu cầu mới, đòi hỏi CTCK phải có sự đầu tư đầy đủ và phù hợp cho hoạt động này.
Phân tích dưới đây sẽ chỉ ra một số điểm quan trọng trong quá trình thiết lập hệ thống QTRR theo Dự thảo Quy chế về vấn đề này.

3 lớp bảo vệ
Theo Dự thảo, Quy chế yêu cầu thiết lập bộ máy QTRR bao gồm Tiểu ban QTRR thuộc HĐQT và Bộ phận QTRR thuộc Ban điều hành/Ban giám đốc. Có thể nói, phương pháp thiết kế này là khoa học và phù hợp theo các thông lệ về cơ chế quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam và trên thế giới. Theo đó, chức năng QTRR được thiết kế như lớp bảo vệ thứ hai nhằm ngăn chặn, phát hiện và chủ động phòng chống rủi ro tại tổ chức; lớp bảo vệ thứ nhất là các chốt kiểm soát trong chính các quy trình kinh doanh của tổ chức; lớp bảo vệ thứ ba là chức năng kiểm tra sau, thuộc kiểm toán nội bộ và Ban kiểm soát của tổ chức.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến phản biện tại buổi hội thảo từ các CTCK về việc nên gộp chung chức năng QTRR vào chức năng kiểm toán nội bộ, nhằm tiết kiệm chi phí và giảm thiểu nhân lực trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Như vậy, các lớp bảo vệ an toàn cho hoạt động của CTCK chỉ có hai lớp, chứ không phải ba lớp. Quan điểm này có thể là giải pháp tình thế, nhưng tác dụng của nó sẽ rất ngắn hạn. Việc thiết kế sai ngay từ đầu sẽ dẫn đến việc lớp bảo vệ thứ hai mất tác dụng và gây nguy cơ mất an toàn cho tổ chức. Thông thường, tổ chức sẽ phải tốn nhiều chi phí, thậm chí cả tổn thất nhằm điều chỉnh lại quy trình QTRR theo thông lệ quốc tế. Do đó, các CTCK nên thiết kế và xây dựng khung QTRR đúng ngay từ đầu, hơn là thực hiện một cách chắp vá và mang tính “xử lý tình huống”. Quy trình QTRR là một trong những nền tảng quan trọng trong kinh doanh của tổ chức và nó phải được thiết lập, đưa vào vận hành, kiểm nghiệm và điều chỉnh nhằm phát huy tác dụng tốt nhất.

Hiểu đúng về khung QTRR
Khung QTRR nhằm cung cấp cho các CTCK các định hướng nhằm xây dựng hệ thống quản trị an toàn và hiệu quả tại tổ chức. Thông thường, cơ quan quản lý nhà nước sẽ không ban hành các hướng dẫn quá chi tiết về hệ thống QTRR, vì điều đó có thể gây những bất lợi cho chính các CTCK nếu như các quy định chi tiết quá cứng nhắc và không phù hợp với đặc điểm hoạt động kinh doanh của tổ chức. Ngoài ra, các quy định mang tính chi tiết có thể không bao quát hết các rủi ro mà CTCK đối phó và dẫn đến tâm lý chủ quan tại CTCK là CTCK đã xây dựng hệ thống QTRR theo đúng yêu cầu của UBCK nên không cần lo ngại gì nữa, trong khi đó, rủi ro vẫn cứ xảy ra tại CTCK.
Vì thế, khung QTRR chỉ nên đưa ra các định hướng và yêu cầu tối thiểu, trên cơ sở đó, các CTCK phải tự xây dựng các quy trình, quy chế chi tiết nhằm triển khai các nội dung đề cập trong khung QTRR phù hợp với chiến lược kinh doanh, khẩu vị rủi ro và những đặc thù khác tại CTCK.
Một điều hết sức lưu ý là hoạt động kinh doanh của CTCK là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Có nghĩa là CTCK chỉ được hoạt động trong những lĩnh vực được cấp phép và không được hoạt động ngoài lĩnh vực đã được cấp phép, dựa trên nền tảng quy định chặt chẽ về nhân sự, nền tảng công nghệ thông tin, quy trình, quy chế… Do đó, việc yêu cầu các công ty triển khai thiết lập hệ thống QTRR cũng là một điều kiện nhằm đảm bảo ban lãnh đạo CTCK phải xây dựng hệ thống QTRR hiệu quả nhằm phòng ngừa rủi ro, đảm bảo an toàn cho tổ chức và cho hệ thống, bảo vệ các NĐT và khách hàng của CTCK.

Rủi ro pháp lý là vấn đề cấp bách
Rõ ràng, với môi trường kinh doanh hiện nay, rủi ro pháp lý là một vấn đề phải được giám sát hết sức chặt chẽ trong hoạt động của CTCK. Rất nhiều giao dịch tại CTCK bị lợi dụng do những khe hở pháp lý hoặc giao dịch có khả năng bị vô hiệu do không phù hợp với các quy định pháp lý hiện hành. Hiện nay, Dự thảo Quy chế chưa đề cập đến rủi ro pháp lý. UBCK nên xem xét và bổ sung vào Quy chế nội dung này.

Nguy cơ “đánh trống bỏ dùi”?
Cũng giống như khá nhiều quy định khác tại Việt Nam, Quy chế có thể rơi vào hoàn cảnh được các CTCK thực hiện một cách chiếu lệ các nội dung về thiết lập QTRR để đối phó.
Tuy nhiên, quá trình phát triển của nền kinh tế thị trường cho thấy, bản thân các CTCK sẽ phải triển khai hệ thống QTRR một cách chặt chẽ nhằm bảo vệ tài sản của khách hàng, vì đó là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp và là công cụ cạnh tranh hiệu quả nhằm thu hút khách hàng. Thực tế đang diễn ra tại hệ thống các tổ chức tín dụng là một ví dụ minh họa sống động; nếu như trước đây, người dân tập trung gửi tiền vào tổ chức tín dụng có lãi suất cao, thì hiện nay, người dân có xu hướng lựa chọn gửi tiền tại các tổ chức tín dụng tạo cho họ sự yên tâm và chất lượng dịch vụ. Tương tự như vậy, khách hàng và đối tác sẽ chọn các CTCK tốt, có uy tín trên thị trường để mở tài khoản giao dịch, nên việc thiết lập hệ thống QTRR hiệu quả là một lợi thế để tạo niềm tin cho khách hàng.
Kinh doanh chứng khoán và hoạt động của các CTCK đang trải qua giai đoạn khó khăn chưa từng có. Nhưng khó khăn của các CTCK hiện nay một phần rất lớn là do chính bản thân các CTCK không có các biện pháp QTRR cần thiết, hoặc thậm chí phớt lờ các nguyên tắc QTRR cơ bản. Do đó, đây là thời điểm để các CTCK tái cấu trúc hoạt động, xây dựng khung quản trị doanh nghiệp, QTRR một cách khoa học, bài bản, góp phần khôi phục niềm tin của khách hàng và người dân vào hệ thống tài chính. Khôi phục niềm tin cũng là một bước quan trọng trong quá trình hồi phục TTCK nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Võ Hương Giang

No comments:

Post a Comment