May 30, 2013

Các trò chơi khỉ

(Tác giả: Nguyễn Tiến Dũng – Nguồn: zung.zetamu.net)
Lý thuyết trò chơi là một lý thuyết (toán ứng dụng) rất thú vị, có thể giải thích được rất nhiều hiện tượng trong xã hội. Ví dụ, ở một nơi dễ tắc đường như New York, có lần người ta phải đóng bớt 1 con đường để sửa, nhưng việc đóng này không những không làm cho giao thông tắc nghẽn thêm, mà ngược lại giao thông lại trôi chảy hơn ! (Ngược lại, nếu chọn lựa đường để xây thêm không cẩn thận, thì sự thay đổi lựa chọn đường đi của các xe có thể dẫn đến phản tác dụng, không làm thông thoáng thêm mà lại làm tắc đường).
Một trong những trò chơi đơn giản nhất, gọi là trò chơi khỉ, đã đủ giải thích rất nhiều điều. Trò này hay được gọi là “prisoner’s dilemma”, nhưng cách gọi “trò khỉ” nghe hay hơn. Trò này như sau (kể lại theo Jerome Renault, một đồng nghiệp của tôi, chuyên gia về lý thuyết trò chơi):
Có hai con khỉ Ba Bị và Tư Ti. Con Ba Bị có 1 quả chuối, con Tư Ti có 1 quả táo. Con Ba Bị thích ăn táo hơn chuối, con Tư Ti thì thích chuối hơn táo. Nếu được ăn cả hai quả thì là thích nhất. Không con nào chịu nhường con nào cái gì. Kết quả là con Ba Bi ăn chuối và con Tư Ti ăn táo, là những thứ chúng không thích bằng thứ kia.
Hệ quả 1: hai con khỉ đều khôn lỏi, thì đạt kết quả tồi cho cả hai.
Hệ quả 2: để thoát khỏi trò chơi khỉ, phải thay đổi luật chơi. Đừng chấp nhận chơi các trò chơi khỉ!
Trong xã hội, đầy dẫy trò chơi khỉ. Ví dụ như anh bán phở đầu độc anh bán rau bằng nước phở rởm, anh bán rau đầu độc lại anh bán phở bằng rau phu thuốc, v.v. Để thoát khỏi các trò đó, cần thay đổi luật chơi. (Nhưng ai sẽ là người thay đổi luật chơi, nếu các trí thức cũng đâm đầu vào các trò khỉ ?!)
Quay lại lý thuyết trò chơi: các bạn học toán, cũng như học các ngành khác, rất nên tìm hiểu môn này! Đây là môn do các nhà toán học nghĩ ra, nhưng lại được dạy ở các khoa kinh tế, chính trị mà không được dạy ở khoa toán.
————————————
Phần 2
Một bức tranh thay cho ngàn chữ viết (bấm vào tranh để phóng to):
Trong trò chơi khỉ này, ổn định đạt được ở điểm cuối là một ổn định Nash tồi cho các con khỉ. (Có chuối mà không con nào dám trèo lên lấy ăn, vì cứ trèo lên lấy thì bị các con khác lôi xuống đánh, tuy không con nào hiểu tại sao lại phải đánh như vậy, và nếu không đánh thì có thể chia nhau chuối mà ăn)
Câu hỏi: làm sao khỉ thoát được ra khỏi tình huống đó ?
————————————
Phần 3
Việt Nam có câu “há miệng mắc quai”. Nhưng nói theo ngôn ngữ của khỉ thì sẽ là “tham chuối mắc tay”.
Có 1 cách bẫy khỉ rất đơn giản mà hiệu nghiệm: người ta chỉ cần đục một cái lỗ (ở thân cây chẳng hạn) vừa đủ to để khỉ có thể cho tay vào. Trong đó đặt quả chuối. Khỉ sẽ đến thò tay vào lấy chuối. Nhưng khi tay khỉ cầm quả chuối thì không rút ra khỏi lỗ được nữa vì vướng. Để rút ra được lại khỏi lỗ thì cần nhả quả chuối ra. Nhưng vì khỉ là khỉ, nên thà chịu mắc ở đó còn hơn là phải nhả quả chuối !

Thế còn bạn, bạn đang bị mắc tay quả chuối nào ? :D
—————-&&—————-

No comments:

Post a Comment