November 7, 2013

Tam khúc, tứ cạnh, ngũ hành

Theo blog GS. Nguyen Tien Dung


 Một điểm khác biệt lớn giữa chiêm tinh Đông và chiêm tinh Tây, là thuyết ngũ hành được dùng ở mọi nơi trong chiêm tinh Đông, còn trong chiêm tinh Tây thì không có. Ngược lại, chiêm tinh Tây nhấn mạnh “tam khúc” và “tứ cạnh” trong vòng tuần hoàn với chu kỳ 12.
Vòng tuần hoàn với chu kỳ 12 có thể viết thành tích của hai vòng tuần hoàn: vòng với chu kỳ 3, và vòng với chu kỳ 4. Ta sẽ gọi vòng với chu kỳ 3 là vòng tam khúc. Tam khúc ở đây chẳng qua là việc chia một thứ (bất kỳ thứ gì) thành 3 khúc: khúc đầu, khúc giữa, khúc đuôi. Khúc đầu thì “hung hăng”, khúc giữa thì “kiêu căng”, còn khúc đuôi thì “thay đổi”. Nếu ta xếp các thứ nối tiếp nhau, thì tiếp đến khúc đuôi này là khúc đầu khác, và ta có một sự tuần hoàn lặp đi lặp lại với chu kỳ là 3.
Còn “tứ cạnh” thì tiếng Anh gọi là “4 elements”: lửa (fire), đất (earth), khí (air), nước (water). Ngũ hành của phương Đông, khi dịch sang tiếng Anh, cũng lại là “5 elements”, và từ đó tạo sự hiểu nhầm là hai lý thuyết “tứ cạnh” và “ngũ hành” là tương tự nhau, chỉ khác nhau về mặt số lượng: 5 = 4+1,  phương Đông có nhiều hơn so với phương Tây một “hành” (hành ở giữa), và như vậy là có “đầy đủ hành hơn” phương Tây. Thực tế không phải như vậy, mà lý thuyết “tứ cạnh” và “ngũ hành” là hai lý thuyết hoàn toàn độc lập với nhau, các “elements” của “tứ cạnh” thuộc phạm trù hoàn toàn khác so với các “elements” của “ngũ hành” tuy rằng có trùng một số tên. Ví dụ, “đất” của tứ cạnh và đất của ngũ hành là hai thứ hoàn toàn độc lập với nhau.
4 cạnh của tứ cạnh, khi ứng vào con người, thì là 4 khía cạnh khác nhau của cuộc sống, đó là: sức sống (lửa), vật chất (đất), giao tiếp (khí), và tâm hồn (nước). Trong khi đó, 5 hành của ngũ hành không phải là để chỉ các khía cạnh, mà là để chỉ các trạng thái: ổn định tuần hoàn (kim), dịch chuyển (thuỷ), phát triển (mộc), toả ra ngoài (hoả), co cứng lại (thổ). Bất cứ khía cạnh nào cũng có thể rơi vào bất cứ một trong năm trạng thái nào của ngũ hành.
Một số nơi phân tứ cạnh ra thành 2×2 theo hai trục nóng – lanh và khô – ướt. Tuy nhiên, theo tôi, việc phân tách này là khiên cưỡng và không chính xác, bởi vì nói về mặt toán học thì nhóm tuần hoàn Z4 (gồm 4 phần tử) không thể viết thành tích Z2 x Z2 (tuy cùng số phần tử, nhưng cấu trúc khác nhau). Bởi vậy tốt nhất cứ để nguyên 4 cạnh như vậy, tạo thành một vòng tuần hoàn có chu kỳ là 4:
sức sống -> vật chất -> quan hệ -> tâm hồn -> sức sống -> …
12 tháng trong năm (tháng ở đây là tháng thiên văn, ứng với các con Zodiac) được chia theo tam khúc và tứ cạnh một cách tuần hoàn như sau:
Aries = sức sống + đầu

Taurus = vật chất + thân
Gemini = quan hệ + đuôi
Cancer = tâm hồn + đầu
Leo = sức sống + thân
Virgo = vật chất + đuôi
Libra = quan hệ + đầu
Scorpio = tâm hồn + thân
Sagittarius = sức sống + đuôi
Capricorn = vật chất + đầu
Aquarius = quan hệ + thân
Pisces = tâm hồn + đuôi
Tháng Aries (Bạch Dương, bắt đầu từ ngày Xuân Phân 21/03) là tháng mà ngày bắt đầu dài hơn đêm. Trong lịch thiên văn, thì nó được tính là tháng bắt đầu của năm (tức là của chu kỳ 12 tháng), và ứng với đầu + sức sống, cũng chính bởi vì khởi đầu chu kỳ cần có sức sống rồi mới đến các thứ khác. Cũng chính vì vậy mà người ta dùng hình tượng con dê núi Aries (có khi gọi là “con cừu” nhưng phải hiểu rằng con này hung hăng chứ không như con gia súc cừu cái), hay tiếng Pháp là Belier, cho tháng này: Belier cũng là cái vũ khí có đầu rất cứng và mạnh, dùng để húc đổ các cổng thành trong chiến tranh.
Tiếp đó là đến con trâu làm biểu tượng cho tháng thứ hai theo lịch thiên văn của năm: đây là tháng thân (body, chứ không phải khỉ) + vật chất, nên biểu tượng là con trâu béo tốt là thích hợp. Tương tự như vậy, tất cả các con khác trong còng Zodiac cũng được chọn lựa sao cho thích hợp với hai tính chất tam khúc và tứ cạnh của chúng.
Có nhiều người nhầm lẫn cho rằng vòng Zodiac đầu tiên là vòng gọi tên các sao trên trời, rồi được lấy làm tên cho các tháng tương ứng, nhưng thực ra ngược lại mới hợp logic hơn: người ta chọn tên các con của vòng Zodiac sao cho hợp với tính chất tam khúc và tứ cạnh của các tháng, rồi lấy các tên đó đặt cho tên các chòm sao tương ứng trên vòng hoàng đạo (vào hơn 2000 năm về trước), rồi vẽ tưởng tượng các con đó ra trên trời. (Thực ra trên trời chẳng có con gì mà chỉ có mấy chấm điểm lớn tạo bới các sao có độ chiếu sáng cao lên trái đất, muốn vẽ tưởng tượng thành con gì cũng được).
Khi nói chẳng hạn tháng taurus là tháng “vật chất + thân”, thì không có nghĩa là tháng đó không có các khía cạnh khác, mà chỉ có nghĩa là năng lượng nổi trội trong tháng đó là về khía cạnh vật chất thôi. Theo phân tích vòng tuần hoàn 12 tháng thành 3×4 như trên, thì mỗi khía cạnh của tứ cạnh ứng với 3 tháng cách đều nhau. (Nói vậy không có nghĩa là các tháng khác thì hoàn toàn không có khía cạnh đó, mà chỉ có nghĩa là khía cạnh đó nổi trội lên trong 3 tháng “của nó” thôi). Ví dụ, về tâm hồn (hay tâm linh, tiếng Anh gọi là khía cạnh psychic) có 3 tháng: con cua, bò cạp, và con cá. Ba tháng này gọi là 3 tháng nước. Cùng là nước nhưng không cùng loại nước. Nước của cá là sông biển mênh mang, bồng bềnh, và do đó nó ứng với âm nhạc, với những giấc mơ, với trí tưởng tượng, và cả những sự hoang tưởng. Nước của cua là nước ao hồ, đồng ruộng, không mênh mông như biển nhưng quan trọng cho cuộc sống, và con cua ứng với tình cảm, sự ôm ấp, chỗ dựa gia đình (phúc đức cha mẹ tổ tiên), nhà cửa (về khía cạnh hậu phương làm chỗ dựa yên tâm nhiều hơn là khía cạnh của cải). Còn nước của con Bò Cạp là “ao tù nước đọng”, chứa đọng nhiều bí hiểm. Nó ứng với các bí mật, khoa học, chiêm tinh, cái chết, v.v., và ứng với cả tình dục như là một trò “khám phá bí mật”.
Thế còn ngũ hành thì sao ? Vì 3 số 3, 4, 5 là nguyên tố cùng nhau từng đôi một, nên Z3 x Z4 x Z5 = Z60, tức là một vòng với chu kỳ 60 (hiểu như nhóm tuần hoàn 60 phần tử) thì tách được thành tích của ba vòng tuần hoàn vói các chu kỳ 3, 4, 5. Điều này góp phần giải thích vì sao khi đưa ngũ hành vào lịch thời gian, thì tạo nên chu kỳ 60 năm. (Chu kỳ 12 năm là do Jupiter tạo ra qua cộng hưởng, chu kỳ 5 năm phải có nếu tuân theo thuyết ngũ hành). “Tình cờ” là 60 năm cũng xấp xỉ bằng 2 vòng quay của Saturn quanh mặt trời, nên chu kỳ 60 năm nhận cộng hưởng của bộ sao Jupiter – Saturn. Tuy nhiên, điều này chưa giải thích được các bí ẩn xung quanh  cách tính hành mệnh và cách tính cục trong chiêm tinh Đông phương.

No comments:

Post a Comment