July 21, 2013

Lại phải nói về câu chuyện thứ hạng 42 của nền kinh tế Việt Nam


Phan Minh Ngọc, 

Lại phải nói về câu chuyện thứ hạng 42 của nền kinh tế Việt Nam

Hôm trước tớ vừa viết về cái này xong, hôm nay đọc báo lại thấy mấy đồng chí chuyên gia Việt Nam lên tiếng về nó, đọc mà thấy thương... hại. Chuyện lẽ ra chẳng có gì, chẳng đáng bàn mà họ lại xé ra thành to, “nâng quan điểm”, hiểu theo một kiểu khác rất sai lạc.


Đồng chí “Tiến Sỹ” Bùi Kiến Thành nói thế này:“Tuy nhiên, bày tỏ quan điểm trên báo Infonet, TS. Bùi Kiến Thành cũng cho rằng: Bảng xếp hạng này chỉ mang tính chất tham khảo là chính chứ không nên xem đó là "thành tích" mà chúng ta đã đạt được. WB là một tổ chức quốc tế, dù có cơ quan hoạt động tại Việt Nam nhưng không thể "tường tận chuyện trong nhà" được.

"Các con số thống kê chỉ thể hiện được một phần nào bức tranh, chứ không miêu tả hết được bức tranh đó. Giống như bộ quần áo mặc hàng ngày cho chúng ta thấy nhiều thứ, nhưng cũng che giấu những điểm quan trọng nhất. Nói thế để thấy phải rất thận trọng với con số thống kê, nhất là của các tổ chức quốc tế thì tham khảo là chính" – TS. Bùi Kiến Thành nêu rõ quan điểm cá nhân.”


Đồng chí Thành mà đặt vấn đề “thành tích” hay không thì chứng tỏ đồng chí cũng chẳng hiểu mô tê gì chuyện này cả. Thứ hạng 42, như tớ đã nói, chỉ là thứ hạng về quy mô GDP của cả nền kinh tế, chứ bản thân WB hay những người có hiểu biết ở Việt Nam chắc không coi/nói/bình luận đó là thành tích hay không, mà chỉ coi là một thực tế, hiện thực của Việt Nam (như kiểu nhà tôi nhiều người vì đông con, có tới 10 đứa lận, nhà anh chỉ có 2 đứa, chứ không ai nói gì về chuyện nhà tôi giàu hơn nhà anh hay không). Nay đồng chí lại bẻ lái vấn đề thành ra có khả năng WB không hiểu gì về Việt Nam mà cứ đưa ra con số tầm phào, bóp méo, chỉ để tham khảo, rồi thì rằng thì là mà. Rõ chán cho đồng chí “TS” này lắm lắm!Đồng chí TS Lê Đăng Doanh (có bằng TS thật) thì nói thế này:


“Bên cạnh đó, giải thích về thứ bậc xếp hạng của nền kinh tế Việt Nam trên thế giới, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - TS Lê Đăng Doanh cho rằng: Cách tính của WB dựa trên phương pháp tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo ngang giá sức mua (PPP) chứ không phải GDP danh nghĩa (chỉ số phồn vinh, giàu có và mức độ phát triển) mà các nước vẫn công bố.

Đồng thời, TS Doanh nhấn mạnh: Cách tính toán bằng hiệu quả của sức mua nội địa của đồng tiền trong nền kinh tế, chỉ có tác dụng là tạo ra sự “lạc quan” trong báo cáo thành tích cuối năm ở những nền kinh tế mà đồng nội tệ có đặc điểm không mua được gì và ở đâu khác ngoài nội địa. 

Nói về vị trí thứ 42 về kinh tế Việt Nam so với thế giới, TS Doanh cho biết: Hạng 42 thế giới, không có nghĩa người Việt giàu hơn Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, bởi “đỏ” không có nghĩa là “chín”.

"Thứ hạng 42 thế giới, không phải là “ngôi thứ” để chúng ta - trong tư cách những người hằng ngày, hằng giờ đang tiêu một giá trị tiền đồng với rất nhiều con số - phải vui mừng cả", TS Doanh cảnh báo.”Đồng chí Doanh rất sai ở cái chỗ rằng con số (tăng trưởng) GDP mà ta thường nói là (tăng trưởng) GDP thực, tức là tính theo giá cố định, chứ không phải (tăng trưởng) GDP danh nghĩa, tức là tính theo giá hiện tại. 

Và GDP này cũng không nói lên cái gì liên quan đến chỉ số phồn vinh, giàu có, và mức độ phát triển cả! Nó chỉ nói rằng năm nào đó Việt Nam đã làm ra từng này giá trị sản lượng (theo giá cố định), giống như kiểu nhà tôi năm nay tổng thu nhập là 100 triệu VND (theo thời giá năm xxxx) và chấm hết. Nó chẳng nói lên rằng với 100 triệu đồng này thì nhà tôi là giàu hay nghèo, đứng ở bậc thang thu nhập nào trong xã hội.


Đồng chí Doanh cũng rất sai về bản chất của cách tính theo PPP. Nó là cách tính dùng để khắc phục sự chênh lệch về sức mua giữa các quốc gia trong so sánh thu nhập của quốc gia, của đầu người của các quốc gia với nhau. Nếu tôi ở Việt Nam cũng kiếm được số tiền mua được 10 ổ bánh mì/tháng, anh ở Mỹ cũng chỉ kiếm được số tiền mua 10 ổ bánh mì/tháng thì chẳng có cái lý do gì nói rằng người Mỹ giàu hơn người Việt Nam cho dù anh có kiếm được 1000 đôla/tháng, tôi chỉ kiếm được 2 triệu VND, tương đương 100 đôla/tháng.Tớ có để ý thấy hình như chẳng ai nói rằng người Việt giàu hơn Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch mà chỉ thấy có mấy đồng chí chuyên gia như trên nói/nghĩ như vậy thôi thì phải, nên ở đây chẳng có gì là “đỏ” với “chín” như đồng chí nói cả! Dù vậy tớ cũng thở phào một cái vì ít ra đồng chí cũng không đánh đồng quy mô GDP của nền kinh tế với mức độ giàu nghèo của công dân của các quốc gia đó. Còn chuyện cảnh báo thì nên cảnh báo với mấy cái đầu có vấn đề thôi, chứ người thường như tớ là hiểu ngay vấn đề.

Đi xa hơn nữa và kinh khủng hơn nữa, làm trầm trọng vấn đề một cách không thể tiêu hóa nổi là ý kiến của đồng chí này:

“Chia sẻ trên báo Hải quan, TS Đỗ Đức Định - Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm nghiên cứu kinh tế - xã hội Việt Nam lại cho rằng: "Một nền kinh tế dù xếp thứ 42 thế giới nhưng nếu giá trị gia tăng đem về chỉ giống như tỉ lệ gia công trong ngành dệt may thì nên nhìn nền kinh tế giống như tỉ lệ gia công đó thôi chứ không phải sức chúng ta làm được hoàn toàn như thế. Do đó, không nên lạc quan quá khi nhìn nhận xếp hạng GDP tính ngang giá sức mua của nước ta".

Đúng là từ chuyện nọ xọ chuyện kia, chẳng hiểu mô tê ất giáp gì cũng phán lung tung như đúng rồi. GDP chính là cái phản ánh “sức chúng ta làm được” trên cái đất Việt Nam này, chứ sao đồng chí lại bảo không phải? Không lạc quan thì đúng rồi, tớ cũng không lạc quan đâu, mà chỉ nhìn nhận đó là một thực tế, một “fact” thôi.

Đồng chí TS Nguyễn Quang A thì nói có vẻ đúng nhất (gần giống tớ nói hôm trước!):

“Trả lời trên báo Nông thông ngày nay xung quanh công bố Bảng xếp hạng 177 nền kinh tế của WB mới đây, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A nhấn mạnh: "Nước mình đứng về quy mô dân số hiện đứng thứ 13 trên thế giới, nên tương xứng thì nền kinh tế Việt Nam cũng phải xếp thứ 13 trên thế giới mới phải, nhưng Việt Nam lại xếp tận thứ 42 thì cho thấy nền kinh tế Việt Nam quá yếu kém".


Nhưng đồng chí A hơi quá đà khi nhấn mạnh chữ “quá yếu kém” vì cái tội Việt Nam không chịu xếp hạng thứ 13 trên thế giới về kinh tế. Sau Việt Nam vẫn còn tới hơn 100 nước có GDP nhỏ hơn Việt Nam và trong số đó cũng có không ít nước có dân số còn lớn hơn Việt Nam, đồng nghĩa với họ còn yếu kém hơn cả Việt Nam về mặt kinh tế. Nên nếu có so sánh thì chỉ nên so sánh tương đối, chứ không phải so sánh theo cái kiểu tuyệt đối hóa như vậy được, và phải hiểu rằng thứ hạng 42 chỉ là thứ hạng về quy mô, độ lớn của nền kinh tế Việt Nam so với các nền kinh tế khác trên thế giới, và chỉ thế thôi; những người xếp hạng cũng chỉ nghĩ thế thôi, đừng có phóng đại, nâng quan điểm vấn đề lên làm gì, xin các đồng chí!Chưa dừng lại ở đó, các đồng chí TS này (toàn TS mới kinh) lại tiếp tục vui miệng phát triển thêm sang cả vấn đề làm thế nào để cải thiện thứ hạng của Việt Nam, mà lại bằng những giải pháp (lại giải pháp!) ất ơ, tầm phào đâu đâu. Thật hết muốn bình luận tiếp, dừng ở đây đi ngủ cho khỏe.

No comments:

Post a Comment