December 5, 2013

Khủng hoảng nợ công Châu Âu

Nguồn: Philip R. Lane (2012). “The European Sovereign Debt Crisis”, Journal of Economic Perspectives, Vol. 26, No. 3 (Summer), pp. 49–68.>>PDF
Biên dịch: Ninh Thị Thanh Hà | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp[1]
Ngay từ đầu, năng lực chống đỡ những cú sốc vĩ mô và tài chính tiêu cực của các nước thành viên khối đồng tiền chung châu Âu đã được xác định là thử thách chính đối với sự thành công của đồng tiền chung này (chẳng hạn trong tạp chí này, xem Feldstein 1997; Wyplosz 1997; Lane 2006). Thông qua việc bỏ đi lựa chọn làm mất giá đồng tiền quốc gia, một cơ chế truyền thống để điều chỉnh sự chênh lệch về kinh tế giữa các quốc gia đã bị loại bỏ. Hơn nữa, khu vực đồng euro không giống với mô hình khối “liên minh đô-la” của Mỹ trên nhiều khía cạnh mấu chốt, bởi vì liên minh tiền tệ (châu Âu) không đi kèm với mức độ liên minh ngân hàng hoặc liên minh tài khóa đáng kể. Thay vào đó, việc giữ lại trách nhiệm quốc gia đối với các quy định tài chính và chính sách tài khóa được cho là khả dĩ hơn.
Một mặt, khả năng đi vay bằng đồng tiền chung của các chính phủ đã gây ra vấn đề hiển nhiên “người ăn theo” (free-rider) nếu các nước khác chịu áp lực buộc phải cứu trợ quốc gia đã vay mượn một cách thái quá (Buiter, Corsetti, và Roubini 1993; Beetsma và Uhlig 1999). Ý tưởng ban đầu của đồng tiền chung châu Âu euro là tìm cách giải quyết vấn đề muốn vay nợ quá mức bằng hai cách. Thứ nhất, bộ Hiệp ước Ổn định và Phát triển đặt ra các giới hạn (có phần tùy tiện) về quy mô của thâm hụt ngân sách thường niên ở mức 3% GDP và tổng nợ công ở mức 60% GDP. Thứ hai, hiệp ước trên cũng bao gồm điều khoản “không cứu trợ”, hàm ý rằng việc vỡ nợ quốc gia là có thể xảy ra nếu chính phủ nước đó không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ của mình.
Mặt khác, việc bỏ đi đồng tiền riêng của mỗi quốc gia có nghĩa là chính sách tài khóa của mỗi nước bắt đầu mang thêm vai trò như là một công cụ cho chính sách kinh tế vĩ mô ngược chu kỳ (Wyplosz 1997; Gali và Monacelli 2008; Gali 2010). Hơn thế nữa, bởi vì điều hành ngân hàng vẫn thuộc trách nhiệm của mỗi quốc gia, nên chính phủ của từng nước phải tiếp tục gánh chịu các rủi ro do khủng hoảng ngân hàng mang lại, về cả mặt chi phí tài chính trực tiếp (nếu các chính phủ phải dùng đến biện pháp tái cấp vốn cho ngân hàng hoặc đưa ra các dạng hỗ trợ tài chính khác) và mặt chi phí tài chính gián tiếp vì GDP và các khoản thu từ thuế sẽ có xu hướng duy trì ở mức thấp trong trong một thời gian dài sau khủng hoảng ngân hàng (Honohan và Klingebiel 2003; Reinhart và Rogoff 2009)
Có ba giai đoạn trong mối quan hệ giữa đồng Euro và cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Thứ nhất, ý định mang tính thể chế ban đầu của đồng Euro đã làm tăng một cách đáng kể những rủi ro tài chính trong thời kỳ trước khủng hoảng. Thứ hai, một khi khủng hoảng nổ ra, những lỗ hổng của ý định này đã khuếch đại ảnh hưởng về tài khóa của sự vận động của cuộc khủng hoảng theo nhiều kênh khác nhau. Thứ ba, những hạn chế do liên minh tiền tệ áp đặt cũng định hình thời hạn và tiến độ của giai đoạn phục hồi dự tính sau khủng hoảng, đi cùng với phản ứng chính trị đầy hỗn loạn từ phía các nhà cầm quyền  cũng như sự thất bại của châu Âu trong việc không có sẵn các thể chế thích hợp để quản trị khủng hoảng. Chúng ta sẽ nói rõ hơn về ba giai đoạn này trong ba phần chính tiếp theo của bài nghiên cứu, và sau đó sẽ chuyển sang các cải cách để có thể làm tăng khả năng phục hồi của khu vực đồng Euro đối với những cú sốc tài chính trong tương lai.
Như được giải thích rõ trong phân tích dưới đây, khủng hoảng nợ công có mối liên hệ gốc rễ với cuộc khủng hoảng ngân hàng và sự mất cân bằng vĩ mô, vốn đã ảnh hưởng lên khu vực đồng tiền chung. Shambaugh (2012) đã đưa ra một cái nhìn tổng quan về cuộc khủng hoảng kinh tế nói chung của châu Âu. Kể cả khi cuộc khủng hoảng này vốn không mang bản chất tài khóa, nhưng hiện tại nó đã trở thành một khủng hoảng nợ quốc gia nghiêm trọng và trọng tâm của chúng ta ở đây là hiểu các khía cạnh tài khóa của cuộc khủng hoảng đồng Euro này.

No comments:

Post a Comment